Những bạn tôi từ miền đất Quảng Ngãi

Những bạn tôi từ miền đất Quảng Ngãi

 Đoàn Thanh Liêm

*     *     *

Tôi sinh trưởng tại tỉnh Nam Định trong vùng đồng bằng sông Hồng thuộc miền Bắc. Nhưng từ năm 1954 lúc đến tuổi 20, thì di cư vào miền Nam và lập nghiệp ở Sài gòn cho đến ngày qua định cư bên nước Mỹ kể từ năm 1996.

Từ trên 60 năm nay, tôi có duyên quen biết gắn bó với nhiều bạn hữu xuất thân từ tỉnh Quảng Ngãi là một khu vực mà theo vị trí địa lý, thì nằm ở giữa khỏang cách từ Nam Định tới Sài gòn.

Nay nhân dịp đầu xuân Bính Thân 2016, tôi xin ghi lại những kỷ niệm thật dễ thương với một số trong những người bạn thân thiết đó, lần lượt như sau đây.

I – Luật sư Bùi Chánh Thời.

Anh Thời là một sinh viên học chung lớp với tôi tại Đại học Luật khoa Sài gòn bắt đầu từ năm 1955 và đến năm 1958, thì chúng tôi cùng tốt nghiệp văn bằng Cử nhân Luật khoa. Sau đó, chúng tôi cùng hành nghề luật sư nên vẫn thường gặp nhau nơi pháp đình Sài gòn. Vào giữa thập niên 1960, anh Thời mở chung văn phòng luật sư với anh bạn đồng nghiệp Đòan Ý cũng là một đồng môn với chúng tôi.

Anh Thời lập gia đình sớm, ngay từ cái thời còn là sinh viên, anh nói đặc giọng Quảng ngãi nghe hơi nặng, mà người bạn đời của anh là chị Thân Thị Tố Tâm thì lại nói giọng Huế nghe thật là du dương. Trong khi phần đông sinh viên chúng tôi còn phải đi xe đạp, thì anh Thời đã có xe hơi để thường chở chị ấy đi dậy học tại trường Gia Long rồi.

Trước năm 1975, luật sư Thời là một nhân vật khá nổi tiếng không những với nghiệp vụ biện hộ cho các thân chủ trước các tòa án, mà anh còn tham gia việc giảng dậy về luật pháp tại Đại học Huế. Về chính trị, anh cũng tham gia sinh họat thật sôi nổi cùng với các bạn có chung một lập trường đối lập được gọi là thành phần thứ ba. Giới báo chí liệt kê anh vào nhóm thân với khối Phật giáo Ấn Quang – mà có người còn nói là anh Thời đã có thời gian sinh sống trong một ngôi chùa ở miền Trung. Hồi còn là một học sinh ở Huế, anh Thời đã nổi tiếng với những bài thơ được nhiều bạn trẻ ưa thích. Anh lấy bút hiệu là Như Trị – cùng thời với nhà thơ Tạ Ký nữa. Anh quen nhiều với anh Cao Huy Thuần là bạn cùng học luật với chúng tôi. Đó là một trí thức khá nổi tiếng mà đã qua dậy học và định cư ở Pháp từ lâu.

Thế nhưng sau 1975, mọi họat động chuyên môn của giới luật sư chúng tôi cũng như lọai sinh họat chính trị nói trên thì đều bị ngưng trệ tất cả. Và cũng giống như đại đa số những bạn đồng nghiệp khác, luật sư Thời đã không còn có cơ hội thi thố tài năng đang độ chín mùi của mình nữa. Anh sống âm thầm kín đáo lặng lẽ, thu hẹp sinh họat trong phạm vị nhỏ bé của riêng gia đình mình mà thôi.

Chẳng bao lâu sau, anh chị Thời lại còn gặp phải một tai họa thật là não nề đau đớn. Đó là vào năm 1978 – 79, anh chị gửi hai cháu nhỏ đi vượt biên cùng với gia đình anh chị Luật sư Nguyễn Hữu Lành trong chuyến tàu có nhiều nhân vật tên tuổi khác ở miền Nam. Ấy thế, mà con tàu bị biệt tăm giữa biển khơi, anh chị không bao giờ được biết tung tích của hai đứa con của mình ra sao nữa. Để rồi sau đó, cả hai anh chị cũng phải liều mình đem một cháu út ra đi và lần này anh chị đã gặp may mắn mà đến định cư ở Australia.

Vào cuối năm 2011, tôi đã có dịp đến thăm gia đình anh chị Thời tại thành phố Canberra là thủ phủ của Liên bang Australia. Sau mấy chục năm gặp lại nhau, cả hai chúng tôi đều mừng mừng tủi tủi, thật là cảm động chuyện trò trao đổi tin tức về một số bạn hữu thân thiết đã từng sát cánh với nhau bao nhiêu năm xưa ở quê nhà Việt nam. Tôi nhận thấy anh chị đã đạt tới tình trạng trầm lắng bình thản sau bao nhiêu nghịch cảnh sóng gió cuộc đời – đặc biệt là thái độ an nhiên tự tại để tiếp tục sống bên nhau trong những ngày tháng của tuổi xế chiều.

Hai anh bạn trẻ cùng đi với tôi bữa đó, thì xưa kia cũng đã từng là học trò của luật sư Thời, nên họ đều nhắc lại những kỷ niệm thật sâu đậm với vị thày khả kính thuở ấy. Và rõ ràng cuộc trùng phùng này đã làm sống lại cái tình cảm thân thương và niềm an ủi chân thật giữa hai phía anh chị Thời với ba người chúng tôi vào một ngày mùa hè ở Úc châu cuối năm 2011 vậy.

II – Thày Thích Tâm Quang.

Bắt đầu từ năm 1966, lúc tôi giữ nhiệm vụ Quản lý chương trình phát triển quận 6 Sài gòn, thì hay có dịp gặp gỡ trao đổi với Thày Tâm Quang là một tu sĩ từ miệt Quảng Ngãi vào làm việc Phật sự ở khu vực Phú Lâm gần với ngã ba Cây Da Xà. Ông thày còn rất trẻ cỡ trên dưới tuổi 25, nhưng có sức làm việc bền bỉ nhẫn nại ít ai sánh kịp. Ông không lo xây cất chùa, mà lại dồn hết nỗ lực vào việc mở trường học cho các em nhỏ tại địa phương có nhiều gia đình lao động nghèo khó. Và ngòai ra thì đi giúp những nơi có nhiều nạn nhân chiến cuộc đến tạm cư.

Với thái độ cởi mở hồn nhiên, ông đi tiếp xúc với nhiều giới chức tại Bộ Xã Hội cũng như tại những cơ quan từ thiện nhân đạo quốc tế và tạo được mối thiện cảm sâu xa của nhiều nhân vật đặc trách về công tác xã hội ở Sài gòn thời kỳ trước năm 1975. Nhờ có sự tín nhiệm đó, mà mỗi khi ông thày cần đến dụng cụ huấn nghệ hay vật phẩm gì để giúp đồng bào, thì các cơ quan xã hội này luôn sẵn sàng cung cấp cho thày lãnh nhận để đem phân phối lại cho bà con nạn nhân thiên tai bão lụt hay nạn nhân chiến cuộc tại các địa phương xa xôi hẻo lánh.

Qua sự giới thiệu của thày Tâm Quang mà tôi có dịp gặp gỡ quen biết với Thượng Tọa Thích Hồng Ân là vị sư phụ của ông và cũng là bậc tu sĩ cao cấp nhất tại Quảng Ngãi. Và vào năm 1972, nhân chuyến đi thăm các cơ sở cứu trợ nạn nhân chiến cuộc tại miền Trung, tôi đã có dịp đến thăm viếng ngôi chùa trên núi Thiên Ấn là cơ sở tôn giáo lâu đời mà hồi ấy do Thày Hồng Ân phụ trách trông coi. Tôi vẫn còn nhớ ở phía chân núi còn có mộ phần của nhà ái quốc Hùynh Thúc Kháng được bà con ở địa phương chung nhau xây dựng và bảo trì khá tươm tất tại đây. Quả thật địa danh “Núi Ấn, Sông Trà” là một thắng cảnh đặc trưng nổi bật của tỉnh Quảng Ngãi – tức là núi Thiên Ấn và sông Trà Khúc.

Và cũng qua thày Tâm Quang mà tôi còn quen biết được cả ba người anh em đều là những nhân vật có tên tuổi ở Quảng Ngãi nữa. Đó là các anh Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Diễn và Nguyễn Văn Hàm. Cả ba anh đều đi dậy học, viết văn viết báo, làm thơ. Chỉ có anh Diễn ở lại Quảng Ngãi mà nay đã qua đời. Còn anh Xuân và Hàm đều sinh sống lâu năm ở Sài gòn.

Tôi còn rất nhiều kỷ niệm với thày Tâm Quang qua những chuyến đi công tác cứu trợ nạn nhân chiến cuộc ở Bình Tuy, Bà Rịa, Long Khánh v.v… Thông thường, thày luôn được Thượng Tọa Thích Quảng Long hồi đó đảm trách Tổng Vụ Xã Hội của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cho mượn xe và cả tài xế để chuyên chở đi khắp nơi thăm viếng úy lạo đồng bào đang phải lánh nạn trong các khu tạm cư hoặc di chuyển từ vùng đất Quảng Trị vào miền Nam.

Sau 1975, mặc dầu gặp nhiều khó khăn, chúng tôi vẫn có dịp gặp lại nhau, thường là thày Tâm Quang đến thăm tôi tại nhà và cho biết tin tức của nhiều bà con bạn hữu khác. Quả thật, tình cảm thân thiết giữa chúng tôi mỗi ngày càng thêm bền chặt, gắn bó lâu bền. Là người tận tâm chăm sóc cho giới bình dân lao động theo đúng tinh thần từ bi hỉ xả của Đức Phật, thày Tâm Quang cũng còn có thái độ cởi mở phóng khóang và thuận thảo đối với giới tu sĩ và tín đồ Công giáo và Tin lành nữa.

Tôi thật nhớ câu nói của thày đã nói với tôi từ gần 50 năm trước, đó là: Người tu luyện theo giáo l‎ý nhà Phật thì luôn tìm cách thực hành phương châm này “Tự độ để độ tha. Tự giác để giác tha”.

Mới đây vào năm 2011 – 2012, thày Tâm Quang lại có dịp qua Mỹ và chúng tôi lại gặp nhau nhiều lần để hàn huyên tâm sự ngay tại Quận Cam ở California. Thày cũng đến thăm Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu tại thành phố Amarillo tiểu bang Texas và đã có mặt cùng với người thân trong những giờ phút cuối cùng của Bác sĩ Phiêu vốn là người bạn tâm huyết lâu năm của thày.

III – Một số người bạn khác nữa xuất thân từ Quảng Ngãi.

Dĩ nhiên là tôi còn quen biết nhiều người quê ở Quảng Ngãi. Nhưng vì bài báo có giới hạn, nên tôi xin ghi vắn tắt về hai người bạn lớn tuổi đã qua đời và một người bạn trẻ hiện sinh sống ở Canada.

31 – Nhà báo lão thành Hồ Văn Đồng.

Anh Đồng là một nhà báo lâu năm ở miền Nam. Anh cùng lứa tuổi với các anh Dõan Quốc Sĩ, Hùynh Văn Lang, tức là lớn hơn tôi cả một con giáp. Hồi trước 1975, tôi có gặp anh Đồng tại nhà Luật sư Trần Văn Tuyên một vài lần, nhưng chưa có dịp nói chuyện trao đổi nhiều với anh. Vào năm 2001 – 2002, tôi mới hay có dịp gặp gỡ chuyện trò tâm sự với anh khi thì ở Virginia, khi thì ở California. Nhà báo Phạm Bá Vinh chủ bút tờ Sóng Thần có cho tôi biết là chính ông Hồ Văn Đồng là một vị huynh trưởng đã tận tình hướng dẫn và truyền nghề viết báo cho anh.

Đóng góp cuối cùng của anh Đồng là đã hòan thành việc dịch thuật sang tiếng Việt cuốn sách “Le dossier noir du Communisme” (Hồ sơ đen của chủ nghĩa Cộng sản) do giới nghiên cứu sử học bên Pháp sọan thảo. Anh đã ra đi vào năm 2006 ở Virginia vào tuổi 84.

32 – Giáo sư Phạm Văn Diêu.

Là một giáo sư về Văn học Việt nam cả ở Trung học và Đại học, anh Diêu được nhiều người ái mộ với công trình nghiên cứu nghiêm túc về văn chương quốc ngữ. Điểm đáng chú ‎ ý nhất của anh Diêu là : Tuy là người cháu gọi ông Phạm Văn Đồng là chú ruột, nhưng anh Diêu lại có lập trường quốc gia khác hẳn với ông Đồng là một đảng viên cộng sản cấp cao. Sau năm 1975, anh Diêu không hề tỏ ra là kẻ a dua, đứng về phía bên cộng sản là kẻ thắng cuộc như dân gian thường nói đó là cái “thái độ phù thịnh”.

Lần cuối cùng tôi gặp anh Diêu là vào giữa năm 1982, anh tỏ ra không có gì là mặn mà với chế độ cộng sản cả. Rất tiếc là anh Diêu đã mất sớm vào cuối năm 1982 lúc chưa đến 55 tuổi. Con cháu anh Diêu hiện nay phần đông cư ngụ tại nước ngòai như Canada, Mỹ.

33 – Kỹ sư Lê Quang Phiêu cỡ tuổi ngòai 40 hiện ở Canada.

Năm 2012, nhân dịp đến thăm Canada, tôi đã có dịp gặp em Phiêu tại thành phố Toronto. Tôi liền hỏi em có bà con gì với cụ Lê Quang Sách là một vị chức sắc có tên tuổi của Đạo Cao Đài ở Quảng Ngãi, Phiêu gật đầu xác nhận em là cháu gọi cụ Sách là bác mà năm đó đã trên 85 tuổi. Nghe vậy, tôi bèn nhờ Phiêu hỏi ông bác giùm tôi về vụ rất đông tín đồ Cao Đài bị Việt minh cộng sản sát hại tại Quảng Ngãi hồi tháng 8 & 9 năm 1945. Em nhận lời và vào tháng 4 năm 2015, tôi lại đến Toronto và gặp Phiêu để hỏi về chuyện này. Phiêu cho biết đã đi California thăm bác Sách và được bác nói cho biết nhiều chi tiết về vụ thảm sát này – mà riêng về phía tín đồ Cao Đài, thì con số nạn nhân bị sát hại đã lên tới gần 3,000 người.

Cụ thể là chính cụ Sách lúc đó cũng bị bắt cùng với thân phụ và bao nhiêu bà con khác nữa. Trong vụ thảm sát này, ông cụ thân sinh là ông nội của em Phiêu thì bị giết, còn người con là ông Sách vì theo lời khuyên của cha mà khai nhỏ tuổi đi nên mới thóat chết.

Thành ra cụ Sách là một nhân chứng rất khả tín mà hiện còn sống để cung cấp cho chúng ta những tư liệu thật chính xác về vụ tàn sát bạo ngược này do người cộng sản cuồng tín gây ra ngay từ năm 1945 mà họ gọi là “Cách Mạng Tháng Tám” đó vậy.

IV – Những người bạn đã từng làm việc ở Quảng Ngãi.

Ngòai ra, tôi cũng còn có rất nhiều người bạn thân thiết quê ở miền Bắc mà lại có thời đến làm việc tại Quảng Ngãi. Điển hình như trường hợp các bạn sau đây.

41 – Giáo sư Uông Đại Bằng.

Sau khi tốt nghiệp Đại học sư phạm năm 1962, thì anh Bằng được cử về dậy học tại trung học Trần Quốc Tuấn ở thị xã Quảng Ngãi. Trong mấy năm phục vụ ở đây, ngòai chuyện giảng dậy ở nhà trường anh Bằng còn nhiệt tình tham gia sinh họat với các em thanh thiếu niên ở địa phương, nên hiện vẫn còn giữ được nhiều kỷ niệm với bà con ở đây. Ca sĩ Hồng Vân hồi đó cỡ tuổi 15 – 16 cũng là một học sinh nổi tiếng là rất hăng hái tham gia với sinh họat văn nghệ của trường trung học công lập lớn nhất tại Quảng Ngãi.

Sau này, từ năm 1966 cho đến 1975, anh Bằng về làm Hiệu trưởng trung học Lương Văn Can ở quận 8 Sài gòn. Anh được các học sinh và phụ huynh rất yêu mến vì sự tận tụy hy sinh của anh trong sự nghiệp giáo dục nơi địa phương được coi là kém phát triển nhất của thành phố Sài gòn.

Cụ thể là hiện nay các em cựu học sinh Lương Văn Can ở trong nước vẫn luôn mời thày Hiệu trưởng Uông Đại Bằng đến tham dự những buổi hội ngộ hàng năm với các em. Và các em ở hải ngọai vẫn tổ chức các buổi gặp gỡ với ông thày mỗi khi thày có dịp đi thăm bà con tại Úc châu hay tại Mỹ.

42 – Giáo sư Phạm Tất Hanh.

Cũng vào đầu thập niên 1960, thì anh Hanh đến dậy Anh văn tại Quảng Ngãi. Và đặc biệt, anh Hanh rất chăm lo việc sinh họat về mặt tâm linh đạo đức cho giới thanh thiếu niên công giáo ở địa phương. Sau này anh về Sài gòn và vẫn tiếp tục dậy môn Anh văn cho các học sinh trung học. Và trong số các học sinh này, rất nhiều em đã đi tu và trở thành linh mục, nữ tu công giáo.

Vì sự tận tụy chăm sóc bồi dưỡng cho học sinh như thế, nên thày Hanh được sự quý mến chân tình của nhiều thế hệ học sinh, trong đó có nhiều em ở Quảng Ngãi mà đã từng được thày giáo Hanh hướng dẫn từ nhiều năm trước.

Hơn nữa, từ ngày qua định cư ở Mỹ anh Hanh còn có sáng kiến thành lâp Quỹ Học Bổng Nguyễn Trường Tộ để trợ giúp những học sinh ở miệt quê Gia Kiệm Long Khánh siêng năng học tập mà gia đình gặp khó khăn về kinh tế. Sau khi anh Hanh qua đời vào năm 2011 vì bệnh ung thư, thì Quỹ Học Bổng này được bà con ở địa phương đặt tên mới là Quỹ Học Bổng Phạm Tất Hanh.

43 – Anh chị người Mỹ Earl và Pat Martin.

Earl Martin và Pat Hostetter là hai thiện nguyện viên thuộc tổ chức xã hội Mennonite Central Committee (MCC) của Giáo Hội Tin Lành Mennonite làm việc tại Quảng Ngãi từ năm 1967 để giúp các nạn nhân chiến cuộc. Vào năm sau hai người làm đám cưới và tiếp tục công tác nhân đạo tại Quảng Ngãi. Sau khi cả hai về học thêm ít lâu tại Đại học Stanford, thì trở lại phục vụ ở Việt nam cho đến năm 1975.

Earl Martin có tên Việt nam là Chú Kiến. Anh kể cho tôi nghe câu chuyện thật ngô nghĩnh thế này: “Hồi mới đến, tôi phải đi tìm nhà để mướn ở thành phố Quảng Ngãi. Trẻ con thấy lạ bu theo tôi đông lắm. Rồi vào lúc đứng trước cửa một nhà nọ, tôi giẫm phải một đàn kiến nên bị nó đốt ngứa quá, đành phải dậm chân hòai cho kiến chạy đi. Lũ trẻ bèn kêu to lên: Kiến cắn, Kiến cắn v.v… Và từ đó, trẻ con đặt cho tôi cái tên mới là chú Kiến”.

Còn chị Pat, thì có tên là Cô Mai. Anh chị nói và đọc được tiếng Việt và quen biết gắn bó thân tình với khá nhiều bà con ở Quảng Ngãi.

Pat Martin có lần tâm sự với tôi: “ Là người Mỹ, tôi rất đau buồn về vụ thảm sát ở Mỹ Lai do quân đội Mỹ gây ra…” Và tôi cũng đã góp lời với chị rằng : “Dĩ nhiên là người Việt nam, thì tôi cũng hết sức đau đớn với vụ thảm sát ở Huế hồi Tết Mậu Thân 1968 do chính người cộng sản Việt nam gây ra vậy…”

Từ năm 2000 đến nay, tôi thường đến cư ngụ tại nhà anh chị ở thành phố Harrisonburg tiểu bang Virginia, để tham dự những khóa hội thảo về Xây dựng Hòa bình do Đại học Eastern Mennonite University (EMU) tổ chức vào mùa hè mỗi năm (mà thường được gọi là Summer Peacebuilding Program = SPI). Qua anh chị Earl & Pat Martin, tôi học hỏi được bao nhiêu điều quý‎ báu mà những người yêu chuộng Hòa bình đang cố gắng theo đuổi thực hiện tại khắp nơi trên thế giới – với tư cách là thành viên của các tổ chức thuộc khu vực Xã hội Dân sự.

V – Để tóm lược lại.

Bài viết đến đây đã khá dài rồi, tôi chỉ xin tóm lược lại trong vài điểm như sau:

51 – Thứ nhất: Cũng như Quảng Nam ở phía Bắc và Bình Định ở phía Nam, Quảng Ngãi quả là một nơi xứng đáng với cái danh hiệu “Địa Linh – Nhân Kiệt”. Nhưng từ khi người cộng sản nắm giữ được quyền bính trong tay, thì họ đã gây ra không biết bao nhiêu đau thương khổ ải cho bà con nơi “miền đất cày lên sỏi đá” này. Cụ thể là vụ sát hại tập thể hàng mấy ngàn người ngay trong tháng 8 và 9 năm 1945.

Cũng như vụ thảm sát Tết Mậu Thân 1968 ở Huế, sự việc độc ác tàn bạo tày trời này – dù cách nay đã 70 năm – thì chúng ta cũng không thể nào dễ dàng mà bỏ qua cho người cộng sản được.

52 – Thứ hai: Hiện nay số bà con gốc từ Quảng Ngãi đang định cư ở nước ngòai khá đông và đang quy tụ lại với nhau qua các Hội Ái Hữu – để vừa an ủi tương trợ lẫn nhau, vừa tìm cách giúp đỡ thế hệ trẻ ở bên quê nhà. Đó là điều thật đáng phấn khởi và tôi xin thành thực cầu chúc cho Quý Hội Ái Hữu Quảng Ngãi tiếp tục đạt thêm nhiều thành quả tốt đẹp hơn nữa vậy./

Costa Mesa California, cuối năm Ất Mùi 2015

Đoàn Thanh Liêm

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay