Buổi ra mắt và thảo luận về phim “The Vietnam War” đêm thứ Ba 12/9 của hai đạo diễn Mỹ nổi tiếng về các phim tài liệu có giá trị lịch sử: Ken Burns và Lynn Novick diễn ra tại Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Kennedy ở thủ đô Washington. Dẫn đầu cuộc thảo luận, ngoài hai nhà đạo diễn và MC là ký giả Martha Raddatz của chương trình tin tức đài ABC, còn có 3 khách mời đặc biệt, Thượng nghị sĩ John McCain, cựu Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, cả 3 đều là cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam.
Trong cử tọa ngồi hầu như chật kín cả hội trường, người ta ghi nhận sự hiện diện của nhiều giới chức trong quân đội và chính phủ, các cựu chiến binh, lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà lập pháp và nhân viên quốc hội, cũng như truyền thông báo chí. Mở đầu sự kiện, đạo diễn Ken Burns đã gây hào hứng lập tức khi ông mời các cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam có mặt trong cử tọa hãy đứng dậy. Nhiều người đàn ông tóc điểm sương đứng lên. Hội trường òa vỡ với những tiếng vỗ tay không dứt. Ngay sau đó nhà đạo diễn mời những người từng tham gia phong trào phản chiến chống chiến tranh Việt Nam đứng lên, một số người đã ôm chầm các cựu chiến binh, những người mà họ từng nguyền rủa và ruồng bỏ trong cao trào phản chiến. Cử tọa lại òa vỡ với nhiều tràng vỗ tay vang dội.
Đạo diễn Ken Burns tiết lộ rằng khi bắt đầu cuộc hành trình chông gai để thực hiện dự án này, những người đầu tiên mà hai đạo diễn tìm đến là Thượng nghị sĩ McCain, và ông Kerry, lúc đó cũng là một Thượng nghị sĩ.
“Chúng tôi nói chúng tôi cần sự giúp đỡ của hai ông, nhưng chúng tôi sẽ không phỏng vấn, mặc dù câu chuyện của hai người được kể lại trong phim, tự nó đã đầy kịch tính. Chúng tôi cho rằng vì hai ông còn là những nhân vật của công chúng, như ông Kissinger, như Jane Fonda, Daniel Ellesberg, chúng tôi tránh phỏng vấn họ mà chọn những người khác. Nhưng tôi tin rằng Lynn và tôi đã không thể hoàn thành bộ phim này mà không có sự giúp đỡ của hai ông.”
Những clip mà đạo diễn Burns chọn cho công chiếu để giới thiệu bộ phim thực hiện cùng với đạo diễn Lynn Novick, nêu bật những sự chia rẽ sâu sắc và tình trạng hoang mang trong xã hội Mỹ trong và sau cuộc chiến. Những hình ảnh, đoạn phim tài liệu sống động của thời chiến chen lẫn với các cuộc phỏng vấn thực hiện hồi gần đây hơn với tất cả những người thuộc mọi bên trong cuộc xung đột, gợi lại những kinh hoàng trên chiến trường Việt Nam, sự phẫn nộ tột độ thể hiện trong các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam, về hậu quả bi thương của cuộc chiến, chiến tranh đầu tiên của người Mỹ không kết thúc trong chiến thắng. Kết thúc là đoạn clip khá dài về những sự xúc động mà Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam gợi lên cho mãi tới ngày hôm nay, phơi bày những vết thương sâu đậm vẫn chưa lành hẳn, gần nửa thế kỷ sau khi chiến tranh kết thúc.
Nên rút ra bài học nào từ chiến tranh Việt Nam? Thượng nghị sĩ John McCain:
“Tôi nghĩ đây là thời điểm đúng lúc để kể lại Chiến tranh Việt Nam, sau một cuộc xung đột, phải có một thời gian để những cảm xúc dịu bớt, nhường chỗ cho một cái nhìn khách quan hơn, và như thế chúng ta mới nắm được câu chuyện nó thực sự xảy ra như thế nào. Tôi tin nó đúng lúc đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới đang xáo trộn như bây giờ. Có thể chúng ta sẽ nhìn lại cuộc xung đột tại Việt Nam để bảo đảm chúng ta không lặp lại những sai lầm đã phạm trong cuộc chiến đó. Bài học rút ra là, chúng ta phải đảm bảo các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự phải thành thực với công chúng, và tránh thi hành lệnh nhập ngũ chỉ nhắm vào các thành phần có thu nhập thấp.”
Ông McCain, cựu tù binh chiến tranh từng bị giam cầm ở nhà tù Hỏa Lò, tiết lộ ông thường xuyên tới thăm Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam, nơi ghi khắc tên tuổi của 58,000 binh sĩ Mỹ đã nằm xuống trên chiến trường Việt Nam. Ông cho biết là thường đến vào sáng sớm hoặc giấc chiều tối, chỉ để bắt tay và trò chuyện với những cựu chiến binh và tưởng nhớ các đồng đội đã ra đi.
“Những người trẻ tuổi này phải hy sinh mạng sống bởi vì lãnh đạo thiếu tài năng và bị hủ hóa – Chúng ta cần các nhà lãnh đạo có khả năng lãnh đạo, giúp vạch ra một lộ trình dẫn tới chiến thắng để chúng ta không bao giờ còn phải hy sinh tính mạng của các quân nhân vào một cuộc chiến không có lối thoát.”
Cựu Ngoại Trưởng John Kerry, một chiến binh từng được trao nhiều huân chương, kể cả Chiến Thương Bội Tinh, thì nêu bật tầm quan trọng của các nỗ lực ngoại giao.
“Bài học mà chúng ta rút ra thật đáng giá. Chúng ta phải biết chúng ta đang làm gì, phải thành thực với dân chúng, chiến tranh phải là giải pháp cuối cùng sau khi đã khai thác triệt để giải pháp ngoại giao. Tất cả những điều đó đều đúng cho chiến tranh Việt Nam và đúng cho tất cả mọi sự lựa chọn mà bây giờ chúng ta đang đối mặt.”
Ông Kerry nói nếu có một điều gì có thể giúp hàn gắn những sự chia rẽ trong xã hội Mỹ, khiến những người theo phong trào phản chiến có thể ôm lấy các cựu chiến binh đã cầm súng chiến đấu tại Việt Nam, thì đó là phim tài liệu Chiến tranh Việt Nam của Ken Burns và Lynn Novick.
Một cựu chiến binh cũng từng được trao Chiến thương Bội tinh như ông Kerry, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel ca ngợi những nỗ lực của ông McCain và Kerry trong việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Ông nói phim The Vietnam War sẽ có ảnh hưởng sâu rộng không những ở Hoa Kỳ mà còn ở cả Việt Nam.
“Tôi chưa xem hết phim, nhưng đã xem khá nhiều. Tôi tin rằng nó đại diện cho và sẽ tiếp tục có ảnh hưởng đáng kể tới xã hội của chúng ta và cả Việt Nam nữa. Bộ phim này là bộ phim hấp dẫn, có tính thuyết phục nhất, đầy đủ nhất, trung thực nhất khi kể lại câu chuyện về chiến tranh Việt Nam.”
Ông Hagel nói tuy xem phim khơi lại những vết thương cũ, nhưng là điều có ích, nhất là cho các thế hệ lãnh đạo tương lai của nước Mỹ.
“Vâng, xem phim rất là đau lòng, nhưng rất quan trọng cho các thế hệ lãnh đạo kế tiếp của Mỹ phải hiểu được những hậu quả của chiến tranh và những hậu quả của các quyết định của chúng ta. Có thể chúng ta không bảo đảm được là tất cả các quyết định đều đúng nhưng bộ phim này sẽ mang lại cho chúng ta một kích thước khác.”
Một chi tiết có lẽ sẽ gây rất nhiều chú ý đối với khán giả Việt Nam là biến cố Tết Mậu Thân năm 1968, khi nhiều thường dân bị cộng sản Bắc Việt thảm sát, có người bị chôn sống, đã được nhắc đến trong phim. Đây có lẽ là phim tài liệu có tầm cỡ đầu tiên của Mỹ nhắc đến vụ thảm sát ở Huế.
Bà Duong Vân Mai Elliott, tác giả cuốn “The Sacred Willow” về 4 thế hệ của một gia đình Việt Nam, được các nhà làm phim yêu cầu cộng tác và xuất hiện nhiều lần trong phim. Bà có gia đình ở cả hai bên chiến tuyến, nói bà kinh ngạc khi thấy đạo diễn Ken Burns nhắc đến biến cố Tết Mậu Thân.
“Tôi xem tôi rất là sửng sốt, tôi cũng nói với ông (đạo diễn Burns) đây là lần đầu tiên mà một người ngoài Bắc đã tham chiến, công nhận vụ thảm sát ở Huế xảy ra năm Mậu Thân 1968. Tôi rất là ngạc nhiên. Nếu mà ông ấy phỏng vấn như thế này cách đây mười mấy năm thì chưa chắc họ đã dám nói như vậy, nhưng mà lúc ông phỏng vấn thì tôi thấy họ nói trung thực lắm.”
Thẩm phán Phan Quang Tuệ, từng phục vụ tại Tòa án Di trú San Francisco nay đã về hưu, cũng xuất hiện trong phim. Ông nhận xét:
“Nhìn qua những bộ phim đã có, tôi thấy không có phim nào có thể trung thực hơn, và tôi không nghĩ là tương lai sẽ có một cuộn phim nào khác nữa vì cho tới khi phim này ra thì đã 42 năm sau cuộc chiến. Hai, ba thế hệ đã lớn lên, cuộn phim này ghi lại trung thực lịch sử, không phải của cuộc chiến mà qua cái lịch sử cuộc chiến đó, lịch sử Việt Nam, Nam cũng như Bắc. Tôi thấy điều cần làm là phải phổ biến rộng rãi phim này ở Việt Nam.”
Chiến tranh Việt Nam, hơn 4 thập niên sau, vẫn là một chủ đề hóc búa cho một phim tài liệu, và chắc chắn trong những ngày tới, “The Vietnam War” sẽ còn gây rất nhiều tranh cãi tại Hoa Kỳ, tại Việt Nam và trong các cộng đồng người Việt hải ngoại khắp nơi.
Phim tài liệu 10 tập “The Vietnam War” của đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick sẽ lần lượt được công chiếu trên đài PBS, bắt đầu từ ngày Chủ nhật 17 tháng 9.