NHÂN TÂM

Lương Văn Can

NHÂN TÂM

Tôi nhớ hồi còn nhỏ, có lần một người đàn ông ghé vào nhà tôi xin tiền. Ông nói ở quê lên đây chữa bệnh, giờ đã mất hết tiền rồi, không còn tiền về quê nên ông phải đi xin. Mẹ tôi đưa cho ông số tiền ít ỏi bà có và hỏi ông ăn cơm chưa rồi bảo tôi xới cho ông bát cơm nguội với mắm. Bà lấy cho ông cái áo của anh tôi cho ông ấy mặc…

Ông ăn xong, cầm cái áo và tiền cứ vừa đi thụt lùi ra cổng vừa chắp tay chấp bái vừa nói:

– “Tôi đội ơn cô, cầu Trời Phật ban phước cho nhà mình….!”*

Với một đứa trẻ ở quê, đó là một câu chuyện lạ, tôi tò mò níu áo Mẹ,

– “Mẹ, ông ấy quê ở đâu…? Ông ấy bị bệnh gì…? Ông ấy đi xin được nhiều tiền không…?”

Mẹ mỉm cười:

– “Mẹ không hỏi.”

– “Tại sao Mẹ không hỏi…?”

– “Ừ, người ta xa quê, rơi vào cảnh khốn cùng thì hỏi về quê hương là đụng vào nỗi đau của họ. Người thành đạt rất tự hào khi nói về quê hương nơi chôn nhau cắt rốn, người sa cơ thì xấu hổ khi nói về quê của mình. Mình cho người ta có một chút mà mình lại chạm vào nỗi đau, nỗi xấu hổ của người ta thì không phải, không đúng. Làm vậy là ác tâm…!”

Tôi lại băn khoăn:

– “Ông ấy sắp chết hả Mẹ…?” Ông ấy có xin đủ tiền về quê không…?”

Mẹ nhìn xa xăm…

– “Ừ, phần lớn con người dù có thế nào thì vẫn muốn khi mất, được chôn trên mảnh đất nơi mình sinh ra, nơi chôn nhao cắt rốn… Cái đó gọi là tình yêu quê hương….! À, lúc nãy con đưa cho chú ấy bát cơm bằng một tay rồi chạy biến đi không mời là sai đấy nhé…!”

Tôi xấu hổ dụi mặt vào ngực Mẹ. Bà nghiêm khắc:

– “Tại sao con được dạy đưa đồ cho người lớn phải đưa bằng hai tay mà hôm nay con lại chỉ đưa bát cơm bằng một tay cho chú…? Chú ấy đi xin, nhưng không có nghĩa là con được phép đưa đồ cho chú bằng một tay…

Làm vậy người ta sẽ nghĩ Mẹ không biết dạy con tôn trọng lễ phép với người lớn tuổi. Hôm nay, người ta phải đi xin hay sắp chết thì con người vẫn luôn có phẩm giá của họ. Con không được khinh khi người ta vì biết đâu sau này mình sẽ như họ…!”

Tôi càng xấu hổ và rúc sâu hơn vào lòng Mẹ vì biết mình sai…

Ngày bé, những bài học Mẹ dạy cứ nhẹ nhàng như vậy nhưng nó đi vào đầu tôi và ở đó, không thể quên. Những bài học đã hình thành nên tính cách, con người của tôi hiện tại. Khi lớn, tôi mới hiểu hết những lời dặn và sự tinh tế trong cách cư xử, trong các bài học của Mẹ. Nó cũng làm cho tôi nhận biết người có nhân tâm hay ác tâm, tinh tế hay hời hợt qua hành vi, lời nói, cách ứng xử, hành động, hành vi của họ chứ không phải nhân danh việc của họ làm.

Khi chịu khó để ý, suy nghĩ để nhận ra đâu là hành động xuất phát từ nhân tâm, đâu là từ nhân danh nhân tâm, ta sẽ thấy có rất nhiều việc làm nhân danh nhân tâm nhưng thật ra nó lại phục vụ cho một mưu toan, mục đích khác…

Đôi khi chúng ta để cho bản thân bị đánh lừa và khi số đông bị lừa thì nó sẽ là tai hoạ cho xã hội, cho cả dân tộc…

Tôi khát khao, khi đất nước tự do, các bài học trong môn văn học và giáo dục công dân là những bài học đơn sơ như thế, để con người có thể phân định rõ các giá trị và trả nó về đúng giá trị của nó, dần loại bỏ các hành động nhân danh để xã hội là một xã hội trung thực và nhân văn đúng nghĩa…!

– Kim Oanh Phung –

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay