Nhân chuyện bang giao Mỹ-Cuba, nhớ Elian Gonzalez

Nhân chuyện bang giao Mỹ-Cuba, nhớ Elian Gonzalez

Nguoi-viet.com

Tạp ghi Huy Phương
Ngày 1 Tháng Giêng, 1959, ông Fidel Castro lãnh đạo một lực lượng quân sự thành công chống Tổng Thống Fulgenio Batista, một tướng lãnh độc tài, và đưa dân tộc Cuba vào một thứ độc tài đẫm máu khác.

Tháng Hai, 1960, chính quyền Castro ký một hiệp thương với Liên Xô, và sau đó, tiếp tục thắt chặt quan hệ và ngày càng nhận nhiều viện trợ quân sự và kinh tế của quốc gia này. Hoa Kỳ cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao và áp dụng chính sách cấm vận lên Cuba vào ngày 31 Tháng Giêng, 1961.

Hai cha con Elian Gonzalez vẫy tay chào trước khi rời Hoa Kỳ bay về Cuba.
(Hình: Tim Sloan/AFP/Getty Images)

Trong thời gian này, cũng như hoàn cảnh Việt Nam, hàng nghìn người Cuba đã chối bỏ chế độ Cộng Sản vượt biển đến Floria, Hoa Kỳ, trên những con thuyền tồi tàn, rách nát.

Tháng Mười Một, 1999, một chiếc thuyền đánh cá Hoa Kỳ tìm thấy một đứa bé Cuba nằm bất tỉnh trên một ruột xe cao su trong eo biển Florida ngoài khơi thành phố Miami. Đó là Elian Gonzalez, 6 tuổi, đi cùng với mẹ, cha kế và 9 người khác vượt biên từ Cuba tìm đường sang Hoa Kỳ tị nạn, tất cả đều bỏ mình trên biển, trong một cơn bão, khi chỉ còn cách Hoa Kỳ 56 km, duy chỉ có ba người sống sót, trong đó có Elian. Cha mẹ Elian ly dị nhau từ nhiều năm trước và cha của Elian, ông Juan Miguel Gonzalez, đã có gia đình khác.

Hoa Kỳ cho phép ông Lazaro Gonzalez ở thành phố Miami, bác ruột của Elian, tạm chăm sóc Elian chờ quyết định tình trạng di trú của em, tất cả hy vọng Elian sẽ được hưởng quy chế tị nạn như nhiều người đã trốn khỏi Cuba nhiều năm trước đến Hoa Kỳ.

Nhưng cha của Elian, với sự yểm trợ và thúc đẩy của ông Fidel Castro, yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ trả Elian về Cuba. Một cuộc tuần hành được chính phủ Cuba tổ chức với hàng trăm nghìn người Cuba yêu cầu chính phủ Mỹ trả lại Elian cho Cuba. Một sự tranh chấp giữa Fidel Castro và cộng đồng người Mỹ gốc Cuba tại Miami thành hình. Tuy nhiên, Sở Di Trú Hoa Kỳ, áp dụng nguyên tắc thông thường về đoàn tụ gia đình, phán quyết trả Elian lại cho cha của em, vì những người thân thuộc của Elian ở Miami không phải cha hay mẹ ruột của em.

Hai tháng sau đó, sau khi tòa án tối cao Mỹ bác đơn kháng cáo của họ hàng Elian tại Miami, đêm 22 Tháng Tư, 2000, các viên chức FBI, trang bị tận răng, tấn công vào ngôi nhà mang số 2319 NW 2nd Street ở Little Havana, Miami, bắt Elian mang đi trong sự vùng vẫy tuyệt vọng và tiếng khóc la của em. Chính phủ Fidel Castro coi đây là một thắng lợi vĩ đại của mình và cộng đồng người Cuba sau đó đã bầy tỏ sự bất mãn của mình với quyết định của chính phủ Clinton, để một năm sau ông Al Gore, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân Chủ, thua ông George W. Bush chỉ với 537 phiếu. Nếu Elian không bị trả về Cuba, hẳn ông Al Gore có thể có đủ phiếu của dân tị nạn Cuba để trở thành tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ.

Cha ruột của Elian lúc ấy đang làm nghề hầu bàn tại Cuba, sau chiến thắng vang dội “đem Elian về với tổ quốc Cuba,” ông được sắp xếp, cất nhắc để trở thành một dân biểu Quốc Hội Cuba vào năm 2003. Elian trở thành bảo vật của Cuba, được công an bảo vệ nghiêm ngặt, khó có ai gặp được em. Trong viện bảo tàng thành phố, có một gian phòng triển lãm những gì liên quan đến câu chuyện Elian. Báo chí Cuba cho rằng, ông Fidel Castro đặc biệt quan tâm đến việc học hành của Elian và cha của em luôn luôn được chủ tịch Cuba tiếp kiến mỗi khi có dịp đến Havana.

Một đứa trẻ mới lên 6, sẽ dễ quên mọi chuyện, hình ảnh người mẹ mình và những ngày vượt biển đầy gian nguy, chết chóc. Nếu ở lại Hoa kỳ, Elian sẽ sống dưới một lối giáo dục khác và thành một con người khác. Nhưng ở Cuba, vào dịp Lễ Phục Sinh 2010, kỷ niệm 10 năm Elian “về với tổ quốc,” hình ảnh Elian Gonzalez được đưa lên truyền thông Cuba, với hình ảnh một thanh niên, đoàn viên Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Cuba, với đồng phục, cầu vai đỏ, huy hiệu đoàn trên tay áo, tóc hớt cao và được đề cao: “Elian Gonzalez bảo vệ cách mạng tại Đại Hội Thanh Niên.”

Trước đây, vào năm 1980, nước này đã mở cửa, để cho bất cứ ai cũng có thể ra đi với giấy thông hành. Gần 125,000 người Cuba đã chạy sang Mỹ. Cuba và Mỹ năm 1994 từng ký một thỏa thuận nhập cư theo đó hai bên tạo điều kiện cho việc di cư của người dân Cuba tới Mỹ diễn ra một cách “an toàn, hợp pháp và có trật tự.” Bây giờ, nếu như theo lời Chủ Tịch Cuba Raul Castro mới đây, đòi hỏi Mỹ phải tôn trọng chế độ Cộng Sản ở quốc gia này, nghĩa là Cuba vẫn không từ bỏ “búa liềm,” sau khi mở cửa bang giao, sẽ có bao nhiêu người Cuba tìm cách đến Mỹ nữa. Chỉ trong năm 2014 này, tuần duyên Hoa Kỳ đã bắt được hơn 2,000 di dân Cuba mạo hiểm tìm đường vượt biển chạy khỏi chế độ Cộng Sản. Chúng ta cũng biết rằng khoảng cách từ Cuba đến Key West, Florida, không bao xa.

Rồi đây khi có bang giao trở lại giữa Cuba và Hoa Kỳ, những người chấp nhận chết chóc ngày trước để vượt biển đến Hoa Kỳ, sẽ có dịp trở lại du lịch, viếng thăm hay “về quê ăn Tết” như những người Việt Nam của chúng ta. Elian cũng có cơ hội được Cuba gửi trở lại du học ở Hoa Kỳ. Cán bộ Cộng Sản Cuba cũng sẽ có cơ hội xâm nhập cộng đồng người Cuba tị nạn ở Miami, hay nói chung là Florida, và cộng đồng này rồi đây cũng sẽ chia rẽ, hết sự đoàn kết, xung đột chính kiến, và khẩu hiệu “hòa giải” sẽ được nêu ra. Nhiều dân gốc Cuba sẽ có cơ hội trở lại quê nhà để đầu tư, buôn bán và tình trạng này sẽ không khác gì người Việt chúng ta đã liều chết vượt thoát ra khỏi quê hương, nay lại có cơ hội trở về nơi chốn họ đã bỏ ra đi.

Và trong tình trạng Cuba nghèo đói vì bị cấm vận từ suốt 50 năm nay, sẽ có cảnh Cuba hải ngoại tị nạn “áo gấm về làng.” Phi trường La Havana rồi đây sẽ có hằng trăm thân nhân chờ đợi đón một “Cuba kiều” về thăm quê hương, không khác gì quang cảnh của Tân Sơn Nhứt 10, 20 năm về trước. Và rồi dân Cuba ở Mỹ sẽ có cơ hội “bảo lãnh” cho thân nhân ruột thịt đến Mỹ, sẽ có thanh niên hay ông già về Cuba lấy vợ. Ai muốn hút xì gà Havana hảo hạng thì kỳ này tha hồ, ai hảo ngọt, sẽ có đường cát Cuba giá rẻ mạt.

Liệu trong suy nghĩ của chúng ta, những cái chết như của bà mẹ Elian Gonzalez trên Vịnh Mexico và hàng trăm nghìn người Việt Nam bỏ mình trên biển Đông có còn ý nghĩ gì không? (*)

(*) Theo con số của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, từ năm 1975 đến 1985 có 849,228 người vượt biển, trong đó năm 1981 Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế cho rằng phân nửa số người vượt biển đã chết dưới tay hải tặc.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay