Những Câu Chuyện Tử Tế Chỉ Có Ở Nước Mỹ
· Người di dân đến Hoa Kỳ để mưu cầu một cuộc sống tự do, hạnh phúc và cơ hội thành đạt. Nhân ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ 4 tháng Bảy, Nguyệt San Reader’s Digest sưu tầm một số câu chuyện để nói lên những đặc điểm tử tế, tinh thần xã hội, chỉ có ở nước Mỹ.
· Chúng tôi dịch lại một vài câu chuyện điển hình để nói lên sự tử tế có sẵn trong tâm hồn người Mỹ, và cơ hội thành đạt trong xã hội Mỹ.
Tình Nguyện Chùi Dọn Nhà Cửa Cho Người Bị Bệnh Ung Thư
DALLAS, TEXAS: Bà Debbie Sardone, 55 tuổi, nhớ mãi cuộc nói chuyện qua điện thoại xảy ra cách đây 11 năm rồi. Bà làm chủ một công ty nhỏ chuyên lo việc chùi dọn nhà cửa cho tư nhân và công ty doanh nghiệp. Hôm đó, có một phụ nữ gọi điện thoại đến hỏi thăm về giá cả chùi dọn nhà cửa cho bà ta. Sau khi bà Sardone nói cho khách hàng biết số tiền sẽ phải trả. Người phụ nữ trên điện thoại trả lời: “Tôi không đủ sức trả số tiền đó. Tôi sắp phải đi chữa hoá trị, và xạ trị cho căn bệnh của tôi.”. Nói xong bà ta cúp điện thoại ngay. Bà Sandrone không có loại điện thoại ghi số điện thoại của người gọi, hay caller ID, nên bà không thể gọi lại cho người đàn bà đó được. Bà cảm thấy ân hận, và tự trách mình: Tại sao mình không đề nghị chùi nhà giúp bà ấy, không lấy tiền. Bị ung thư, phải đi xạ trị, chắc là bà ấy mệt lắm.
Chiều hôm đó, bà Sardone triệu tập tất cả nhân viên trong công ty nhỏ của bà, dặn họ rằng từ nay nhóm của bà sẽ tình nguyện chùi dọn cho tất cả phụ nữ bị bệnh ung thư, không lấy tiền.
Ba năm sau, bà Sardone thành lập một tổ chức thiện nguyện lấy tên là “Cleaning for a Reason”- “Giúp Chùi Dọn Nhà Cửa Cho Người Đau Yếu”. Tổ chức của bà phát triển mạnh trên khắp 50 tiểu bang và cả Canada, với số hội viên lên đến 1,085 người. Họ đã tình nguyện chùi dọn cho khoảng 15,000 căn nhà. Một thành viên tình nguyện kể lại kinh nghiệm của bà như sau: “Đó là liều thuốc bổ tinh thần qúi giá cho người đau yếu.”.
Bà Sardone tâm sự: “Tôi không ngờ cống hiến việc mình làm hàng ngày để kiếm ăn lại đem lại cho tôi nhiều an ủi, hãnh diện đến như vậy.”.
TừMột Người Lao Công Trường Học Trở Thành Hiệu Trưởng
Năm 1979, anh Gabe Sonnier đứng hạng thứ năm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học. Anh ghi danh học ngành kỹ sư khi lên đại học. Nhuưng hoàn cảnh gia đình quá nghèo, cha mẹ anh không có tiền cho anh đi học. Vì thế anh phải bỏ học, đi làm lao công cho một trường học, kiếm tiền giúp cha mẹ nuôi các em còn nhỏ. Từ năm 1982, anh chính thức làm lao công cho trường tiểu học Port Barre Elementary School. Với thái độ làm việc siêng năng, chăm chỉ và lúc nào cũng vui vẻ, anh được ông hiệu trưởng khen ngợi và dành cho nhiều cảm tình. Một hôm, ông hiệu trưởng nóí với anh: “Tôi muốn thấy anh làm thầy giáo, sửa bài cho học trò hơn là lượm rác trong trường.”. Nhưng lúc đó anh Sonnier đã có vợ và hai con. Anh phải đợi 19 năm sau, khi đứa con nhỏ nhất học xong trung học, năm 2000, anh Sonnier mới có cơ hội cắp sách theo học đại học.
Sau tám năm, ban ngày làm lao công chùi dọn lớp học, buổi tối đi học, anh Sonnier đã học xong cử nhân, và lấy bằng sư phạm. Anh được tuyển dụng làm thầy giáo dạy lớp Ba tại trường Port Barre. Năm 2013, khi ông Hiệu trưởng xin về hưu, ông đề nghị ngươì thay thế ông. Người đó chính là Gabe Sonnier, vì anh là người biết rành rẽ về ngôi trường, từ chuyện nhỏ như sửa chữa nơi nào có nước rò rỉ trong trường, đến việc dạy Toán biểu diễn cho các thầy giáo khác học hỏi.
Năm nay ông Gabe Sonnier được 53 tuổi, song lúc nào cũng nhiệt tình, năng nổ, và vui vẻ nhận lời làm Hiệu trưởng. Ông tâm sự: “Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, mình cũng nên hoàn tất công việc thật chu đáo, và không ngừng tìm cách thăng tiến. Đừng an phận đứng yên một chỗ.”.
Thực vậy, người dịch được xem phóng sự truyền hình trên đài CBS về ông Gabe Sonnier, lúc nào ông cũng vui vẻ, yêu đời, nở nụ cười trên môi. Ông nói với ký giả Steve Hartman trong chương trình “On The Road” ông sẽ cố gắng trở thành Học Khu Trưởng trong thành phố của ông. Ông yêu ngành giáo dục, và muốn dành cả đời mình giúp cho học sinh.
Tinh Thần Tương Trợ Cứu Giúp Nhau
Sau ngày trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, tiểu bang Connecticut, gặp tai biến. Một thanh niên điên khùng, mang súng đến trường sát hại hơn 20 học sinh. Khắp mọi nơi trên nước Mỹ gửi thư phân ưu và tặng vật cứu trợ đến thành phố Newtown.
Bốn tháng sau, một trận gió lốc – tornado- tàn phá thành phố nhỏ của tiểu bang Oklahoma, gây nhiều thiệt hại về vật chất. Bốn người bạn ở vùng Newtown rủ nhau đi lạc quyên 13,000 pounds đồ cứu trợ đem xuống Oklahoma, gồm có các anh John DiCostanzo, 34 tuổi, Peter Baressi, Bill Faucet, và Howard Wood. Họ chất đồ cứu trợ lên một xe truck, lái hơn 1,500 dậm đến thành phố Moore để tặng cho nạn nhân thiên tai. Trả lời cuộc phỏng vấn của báo NewtownBee anh Baressi nói: “Hồi tháng 12, chúng tôi nhận được rất nhiều sự trợ giúp, tình thương yêu của mọi người đổ vào thành phố chúng tôi. Bây giờ chúng tôi muốn chia sẻ sự thương yêu đến bà con ở Oklahoma.”
Được biết trong chuyến đi cứu trợ, bốn anh đã phải lái xe trong 40 giờ, hai lần bể bánh xe, và một lần hư thắng.
Một Phụ Nữ Cứu Nguy Cho Cả Thành Phố Tê Liệt Vì bão Tuyết
Tháng Giêng năm nay, thành phố Atlanta bị trận bão tuyết nặng nề chưa từng thấy trong lịch sử. Nguyên cả thành phố bị tê liệt, ngưng hoạt động vì bão tuyết. Một phụ nữ rành về kỹ thuật liên mạng xã hội, bà Michelle Sollicito đau lòng khi trông thấy thành phố bị chết cứng trong bão tuyết. Bà nghĩ đến những người bị bỏ rơi, bị cô lập với những dịch vụ xã hội, y tế, bà bèn lập ra một nhóm trên Facebook để đi tìm những người bị lạc lõng, bị bỏ rơi, để cung cấp cho họ phương tiện di chuyển, nơi tạm trú, thức ăn, hay khí đốt.
Trương mục bà Sollicito mở trên Facebook gọi là “SnowedOutAtlanta”, được sự yểm trợ của nhóm Good Samaritans (Người Làm Việc Nghĩa Hiệp). Chỉ trong vòng 24 giờ, liên mạng xã hội nhận được sự tiếp tay của 50,000 hội viên. Người này tiếp tay giúp người kia. Kết quả hết sức tốt đẹp: Một phụ nữ mang thai tìm được nơi tạm trú cho bà mẹ và hai đưá con nhỏ. Một người đàn ông bị đột qụi tim, được mang đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, và một bà cụ 71 tuổi bị cóng lạnh giữa bão tuyết được cấp chăn mền, cho uống cocoa nóng, và đem vào nơi tạm trú.
Một cư dân ở Atlanta nói với tờ báo AtlantaJournal- Constitution: “Bà Michelle làm được nhiều việc có ích hơn bất cứ một viên chức nào trong chính quyền thành phố.”
Bà Sollicito, 46 tuổi, tâm sự: “Điều lớn nhất tôi học được trong vụ này là mọi người đều có thể làm một điều gì đó để giúp người khác trong lúc tai biến xảy ra.” .
Nhiều người mang ơn bà Sollicito, muốn đền ơn bà bằng cách gửi quà tặng, đài thọ bà đi nghỉ mát ở Disney, mua xe cho bà. Thậm chí có người còn tặng bà một căn nhà. Bà từ chối tất cả, bà yêu cầu hãy gửi những món quà đó đến tổ chức Hồng Thập Tự.
Nguyễn Minh Tâm dịch theo Reader’s Digest số tháng 7/2014