Nguyên nhân VNCH sụp đổ ngày 30-4-1975 (Kỳ 4)

 Ba’o Tieng Dan

Trương Nhân Tuấn

3-4-2024

Tiếp theo kỳ 1 — kỳ 2 và kỳ 3

Kỳ 4: Về tập phim “The Vietnam War”

Đâu là “chính nghĩa” của CSVN trong chiến tranh Việt Nam?

Cứ mỗi lần có cuốn phim, hay quyển sách nào đó nói về chiến tranh Việt Nam được trình làng, thì cứ y như vậy, người Việt, bất kể là sử gia, chính trị gia, nhà nghiên cứu… lại bàn tán sôi nổi chung quanh. Kẻ phản đối, người ủng hộ. Đến nay đã có hàng chục tập phim lịch sử (của các quốc gia như Pháp, Mỹ…) đã trình chiếu, hàng trăm cuốn sách, cùng với hàng ngàn bài báo (với hàng tấn tài liệu được bạch hóa) đã công bố hay xuất bản. Vấn đề là không thấy (hay ít thấy) cuốn phim hay cuốn sách nào làm hài lòng tất cả các phía.

Tập phim “The Vietnam War” vừa phát hành cũng vậy. Nhiều tiếng nói phê bình trong và ngoài nước đã cất lên, hầu hết để biểu lộ sự không đồng tình. Đa số ý kiến phát biểu đều tỏ vẻ thất vọng (thậm chí cay đắng). Thật vậy, nếu có xem những tập phim đã từng xuất bản, hay có đọc những tập tài liệu của các tác giả viết về chiến tranh Việt Nam, ta thấy rằng tập phim “The Vietnam War” thành hình trên những sự kiện lịch sử được chọn lựa trước. Rất nhiều sự kiện lịch sử quan trọng khác thì bị bỏ sót, hay đơn giản hóa.

Tập phim khó có thể trở thành một tập phim “lịch sử”, như tham vọng của các nhà đạo diễn. Trong chừng mực nó (có thể trở thành) một bộ phim chủ về tuyên truyền, “định hướng dư luận”. Nói theo ý của một nhà báo lão thành hải ngoại, mục đích ra đời tập phim là nhằm chuẩn bị dư luận, một thủ tục “dọn sân” cho “đồng minh nhảy vào”.

Thời gian làm phim kéo dài tới 10 năm là quá dài. Tất cả hình ảnh trong phim, kể cả ý kiến phần lớn những nhân chứng, khán giả nào có quan tâm đến thời cuộc, nếu không từng xem qua (déjà vu), bằng không là đọc qua, ở một phim, hay một cuốn sách nào đó đã xuất bản trước đó. Theo dõi từ đầu đến cuối, ta không thấy một dữ kiện nào mới.

Về phía đảng và nhà nước CSVN, thay vì giữ thái độ im lặng hay “mạnh mẽ phản đối” như thói quen, đã có “phát biểu đáp từ”. Báo chí ghi nhận lời phát biểu của phát ngôn nhân Lê Thị Thu Hằng hồi đầu tuần trước như sau:

“Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam là cuộc kháng chiến mang tính chính nghĩa, đã phát huy được sự đoàn kết và sức mạnh của toàn dân tộc, được bạn bè và nhân dân trên toàn thế giới hết lòng ủng hộ… Những bước phát triển tích cực trong quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ vừa qua là kết quả của những nỗ lực to lớn của hai nước và chủ trương của Việt Nam về việc gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”.

Thật là “nhịp nhàng” ăn khớp. Tập phim một mặt nhằm chứng minh thiện chí của Mỹ “vượt qua khác biệt”, “gác lại quá khứ”… mặt khác, (mặc nhiên) nhìn nhận tính “chính nghĩa” của cuộc chiến thuộc về phe CSVN. Việc này củng cố ý kiến cho rằng, phía Hoa Kỳ cho xuất bản bộ phim này là để chuẩn bị tâm lý nhân dân hai nước Việt – Mỹ không bị chới với “khi đồng minh nhảy vào”.

Nhưng vấn đề đâu có đơn giản như vậy. Đâu là “chính nghĩa” của CSVN trong “cuộc kháng chiến chống Mỹ”?

Về cuộc chiến, người Mỹ gọi là “chiến tranh Việt Nam”. Tên gọi trung dung, như thói quen đặt tên các cuộc chiến như “chiến tranh Triều Tiên”, “chiến tranh vùng Vịnh”, “chiến tranh Iraq”, “chiến tranh Kuwait”… Người Mỹ đổ quân vào Việt Nam, cũng tương tự đã đổ quân vào Tây Đức, Nhật, Nam Hàn, hay ở các cuộc chiến khác, với những “lý lẽ pháp lý” khác nhau. Mục đích để biện minh sự can dự của Mỹ vào cuộc chiến phù hợp với tinh thần “jus ad bellum – quyền can dự vào chiến tranh”, theo định nghĩa các công ước quốc tế (về chiến tranh). Điều này sẽ trở lại phần dưới.

Mở đầu tập phim, như để chứng minh “chính nghĩa” thuộc về phe Cộng sản Bắc Việt, các đạo diễn đã “tuyển chọn” những tài liệu “thuận lợi” nhằm giới thiệu nhân vật Hồ Chí Minh, ca ngợi tài năng và đức độ của ông này. Trong khi nhiều tài liệu (quan trọng) khác, mô tả ông Hồ như là một kẻ “thời cơ chủ nghĩa”, thì các đạo diễn bỏ qua.

Lá thư gởi Tổng thống Pháp ngày 9-11-1911 xin vào học ở trường Hành chánh thuộc địa của Pháp là một thí dụ. Lá thư này cho thấy, mục đích của ông Hồ lúc “xuống tàu ở bến Nhà Rồng” không phải là “tìm đường cứu nưóc” như đã tuyên truyền, mà sự thật là tìm lối thoát cho bản thân, bằng cách xin được làm tay sai cho Pháp để cai trị dân bản xứ. Nhiều tài liệu khác (cũng bị bỏ qua), chứng minh ông Hồ chỉ mà một cán bộ “xách động và tuyên truyền – agiprop” của cộng sản quốc tế do Liên Xô lãnh đạo. Tài liệu khác của Trung Quốc mới công bố, cho thấy ông Hồ là một sĩ quan (thiếu tá) trong đạo hồng quân của Mao Trạch Đông.

Một người “đa diện”, “quốc tế” như vậy thì không thế là “nhà ái quốc” rồi!

Tập đầu “Déjà vu” có nghĩa là “đã xem qua, đã thấy rồi”. Tựa đề như vậy nhưng các đạo diễn lại không thấy chiến thắng Điện Biên Phủ là do công lao của Trung Quốc. Vũ khí, đạn dược, quân lính, cố vấn… đều đến từ Trung Quốc. Hiệp định Genève, nói là Pháp đàm phán với phe ông Hồ, mà thực ra là Pháp đàm phán với Châu Ân Lai. Chia cắt Việt Nam ở vĩ tuyến 17 là ý kiến của họ Châu chớ đâu phải ý kiến của ôn,g Hồ.

Tài liệu từ nhiều phía (có can dự) viết về chiến thắng Điện Biên Phủ, như Trung Quốc, nhưng các đạo diễn chỉ chọn tài liệu từ phía CSVN.

Còn về phía VNCH, không ai chịu so sánh ông Diệm, ông Thiệu thời đó với những lãnh tụ đồng thời ở các nước châu Á. Ông Thiệu, ông Diệm làm gì độc tài hay tham nhũng bằng Marcos của Phi, bằng Sukarno của Indonesia, hay với cán bộ CSVN bây giờ?

Nếu mấy ông tướng tá VNCH tham nhũng, tiền bạc đầy túi như cán bộ CSVN bây giờ, tại sao sau khi tan hàng 1975, ra nước ngoài ông nào cũng phải đi làm cu li, làm việc “thúi móng tay” để có nhà ở, cơm ăn, hết vậy?

Trong một đất nước bị chiến tranh, trí thức “phản chiến” chỉ chú mắt vào các hành vi “bảo vệ an ninh nội địa” để lên án phía VNCH là “độc tài”, vi phạm nhân quyền. Các nước như Thái Lan, Miến Điện, Singapore, Mã Lai, Indonesia… ngay thời điểm bây giờ, nếu so sánh với VNCH ngày trước, thì chế độ VNCH thời đó vẫn “tự do” và “dân chủ” gấp nhiều lần hơn.

Dân chúng miền Nam ngày xưa muốn biểu tình là biểu tình, nhà báo muốn chửi “Thọ chiếu” (chửi tổng thống Thiệu là Thiệu chó) là chửi. Chẳng có ai bắt bớ, đánh đập, bỏ tù… VNCH ngày đó làm gì có các điều 79, 88, 258… như Việt Nam bây giờ?

Không một ai thử đặt vấn đề về tình trạng dân chủ, nhân quyền ở miền Bắc thời đó. Ngay cả bây giờ cũng không thấy ai đặt vấn đề về chế độ độc tài công an trị hiện tại ở Việt Nam.

Trong chiến tranh, các đạo diễn đề cao tinh thần chiến đấu của bộ đội miền Bắc, đồng thời mạt sát quân VNCH là “hèn nhát”. Rõ ràng đây là một “thành kiến”. Với một thành kiến như vậy thì còn gì là tính “khoa học, khách quan” để có thể xếp tập phim này là tập phim “lịch sử”?

Bởi vì nếu so sánh “tinh thần chiến đấu” của quân đội VNCH với các quân đội các nước mà Mỹ từng sánh vai chiến đấu như quân đội Nam Hàn (trong cuộc chiến 1951-1953), quân đội Afghanistan (sau khi đánh Taliban), quân đội của Iraq (sau khi lật đổ Sadam Hussein)… thì rõ ràng quân VNCH vượt trội cả cái đầu.

Chiến tranh Triều Tiên, lúc đầu quân Nam Hàn đã bị quân Bắc Cộng đánh tơi bời, rượt chạy “sút quần”, cho tới Pusan (kiểu mũi Cà Mau của Việt Nam). Nếu không có Mỹ và LHQ đổ quân kịp thời “cứu giá”, thì Nam Hàn coi như “đứt bóng”.

Trong khi tinh thần quân Mỹ ở các cuộc chiến “chống khủng bố” ở Iraq hay Afghanistan, kể cả quân đội của hai nước này, cũng không hơn gì lính VNCH hồi đó (nếu không nói là thua xa).

Đánh với một bọn du kính Hồi giáo được trang bị AK47, không có Tàu, Nga ủng hộ sau lưng mà đánh hoài không thắng. Ở Iraq và Afghanistan, Mỹ cũng theo sách vở ở Việt Nam “đồng minh tháo chạy”, bỏ lại biết bao nhiêu vũ khí, quân trang, quân dụng để chạy lấy người. Mỹ vừa rút thì các quốc gia này tức thời bị sụp đổ. Quân IS vào tới đâu thì lính bỏ súng chạy tới đó. Bọn “Nhà nước Hồi giáo” (tức IS) hôm nay, họ “đánh Mỹ” bằng vũ khí của Mỹ bỏ lại. Quân đội Iraq và Afghanistan do Mỹ đào tạo dựng lên, sụp đổ trong một thời gian ngắn kỷ lục.

Nhìn các quốc gia Iraq, Afghanistan đang bị “giải thể”, các thành phố cổ kính bị tan nát bởi chiến tranh, hàng chục triệu nạn nhân chiến tranh… ta mới thấy sự bất lực của “sức mạnh Mỹ” cũng như sự vô trách nhiệm của giới lãnh đạo Mỹ.

Quân Việt Cộng hồi đó có khác chi với quân IS bây giờ? Họ đánh bằng lòng thù hận, dám “thí mạng cùi”.

Vấn đề là người Mỹ không chỉ bỏ chạy, mà lại còn “trói tay” VNCH bằng cách không viện trợ quân sự. Kết luận rằng, quân CSVN vào tới đâu thì lính VNCH bỏ chạy tới đó là một sự phỉ nhổ vào lịch sử. Cuộc chiến tăng cường độ thì Liên Xô và Trung Quốc càng tăng nhịp điệu viện trợ. Quân VNCH bắn hết đạn thì phải tháo chạy thôi.

Vấn đề là người Mỹ “tháo chạy” giao dân tộc Việt Nam lại cho “đảng cộng sản Việt Nam”. Bây giờ nhìn lại, cả dân tộc Việt Nam đang chịu nạn “nội xâm”. Chúng ăn của dân không từ một thứ gì.

Giải phóng “ách kềm kẹp của Mỹ Ngụy”, rốt cục cả nước lọt vào gông cùm của cộng sản phi nhân.

“Chính nghĩa” nào trong cuộc chiến, cho phía CSVN, nếu không phải là Mỹ đã trịnh trọng dâng cho họ vòng nguyệt quế?

Các đạo diễn lựa chọn các hình ảnh chiến tranh, biểu hiện đủ các mặt tội ác. Nhưng họ chỉ lựa chọn các mặt thấy được gây ra do lính Mỹ, lính VNCH, trình chiếu cho khán giả.

Bộ mặt tội ác phía bên kia, nào là đào mô đắp đường, giật mìn xe đò, pháo kích vào chợ búa trường học, đặt chất nổ ở nhà hàng, ném lựu đạn vào đám đông, ám sát v.v… thì không nói tới.

Những “tội ác” do lính Mỹ gây ra, không phải viết ra là để biện hộ, nhưng nguyên nhân là do du kích Việt Cộng trà trộn trong dân, núp trong dân bắn lén vào lính Mỹ. Hầu hết các đợt càn quét, các cuộc “thảm sát” (Mỹ lai, Bến Tre…) đều xảy ra đúng như vậy.

Nhìn lại cuộc chiến mà bọn khủng bố IS đang (thua) ở Iraq, Syria… ta thấy quân IS không khác một mảy may nào với Việt Cộng. Nhân chứng cuộc chiến là nhà văn Nguyên Ngọc có thố lộ là quân Việt Cộng trà trộn vào trong dân, sử dụng dân chúng như là tấm bia đỡ đạn.

Về “chính nghĩa”, nếu phía CS miền Bắc có “chính nghĩa”, tại sao không có người miền Nam chạy đi xin “tị nạn” ở miền Bắc? Người ta chỉ thấy ngược lại, các chiến binh miền Bắc xin “hồi chánh” ở lại miền Nam.

Cũng vậy, mỗi lần quân CS ra chiến dịch tấn công, là mỗi lần dân chúng chạy về phía “quốc gia”, không ai chạy về “vùng giải phóng”.

Sau khi chiếm được miền Nam, hàng triệu người dân miền Nam thà chết trong bụng cá chớ không chịu ở lại với cộng sản. Cho đến bây giờ, 99% người dân Việt Nam, kể cả cán bộ đảng viên CS, mong muốn của họ là bỏ nước Việt Nam qua Mỹ, Úc, Canada hay các xứ châu Âu để sống.

Nếu “có chính nghĩa” thì tại sao dân chỉ muốn bỏ nước ra đi?

Về “chiến tranh”, trên quan điểm quốc tế, một số học giả gọi chiến tranh Việt Nam là một cuộc “chiến tranh ý thức hệ”, mang tính “quốc tế”. Phía miền Bắc được khối cộng sản yểm trợ, phía miền Nam được khối tư bản, do Hoa Kỳ đại diện chống lưng. Chiến tranh Việt Nam là thí điểm nóng của “chiến tranh lạnh”.

Vậy “chính nghĩa” đứng ở phía nào, trong khi khối cộng sản thế giới đã sụp đổ?

Cuộc chiến Việt Nam còn được các sử gia quốc tế gọi dưới tên khác là “chiến tranh ủy nhiệm”.

Trong chiến tranh, miền Bắc được phe XHCN giúp từ “a đến z”, thực phẩm, thuốc men, cây súng, viên đạn, xe tăng, đại pháo, hỏa tiễn… cho đến nhân sự (như chuyên gia kỹ thuật), phần lớn từ Liên Xô, Trung Quốc. Miền Nam thì súng đạn, tiền bạc của Hoa Kỳ. Cả hai phía Việt Nam chỉ cung cấp xương và máu cho cuộc chiến.

Mục đích chiến tranh (ủy nhiệm), lãnh đạo CSVN có nói: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc”. Rõ ràng đây là lý lẽ của một tập đoàn “đánh thuê”.

“Chính nghĩa” nào cho bọn “đánh thuê”?

Sau 1975, Việt Nam trở mặt với Trung Quốc, quay đầu về Moscow, trở thành tên xung kích sừng sỏ của Liên Xô, chống lại Trung Quốc.

Theo quan điểm của Trung Quốc, Việt Nam trở thành “Cuba của phương Đông”.

Chính nghĩa nào cho một tập đoàn làm “tay sai”, theo phe này chống lại phe kia?

Phía miền Bắc gọi đó là cuộc “chiến tranh giải phóng”, “đánh Mỹ cứu nước”. Phía miền Nam thì gọi đó là cuộc chiến “bảo vệ tự do”. Mà chiến tranh, theo Machiavel, là một “phương tiện” để chinh phục và chiếm hữu quyền lực.

Nếu các đạo diễn nhìn nhận cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước” là có “chính nghĩa”. Điều này thừa nhận quân Mỹ là đạo quân “xâm lược”.

Nếu vậy thì quân Mỹ hiện diện ở Nhật, Nam Hàn, ở Tây Đức trước kia, hay ở các nước “đồng minh” trên khắp thế giới… cũng là “đạo quân xâm lược”. Không biết dư luận Mỹ, các lãnh đạo nước Mỹ, có “gánh vác” nổi vụ này hay không?

Hơn 40 năm sau, CSVN nhân danh có công “giải phóng miền Nam, thống nhứt đất nước” để giành độc quyền cai trị đất nước.

Về “thống nhứt đất nước”, có hàng chục thí dụ “thống nhứt đất nước” không tốn một giọt máu, không cần phải “đốt cháy Trường Sơn, tát cạn Biển Đông”.

Đổ máu trên 4 triệu người, đất nước tan hoang, dân tình ly tán. Cuộc chiến vì vậy là “phi nghĩa”.

Còn về mục tiêu “giải phóng miền nam”, lịch sử đã bạch hóa mà các đạo diễn không thấy, có người dân nào ở miền Nam mong đợi được “giải phóng”? Như trên đã nói, các cuộc bỏ phiếu bằng chân, quân Việt Cộng vào tới đâu, dân chạy trốn tới đó. Sau 1975 dân Việt Nam có câu ví von: “Nếu cây cột đèn có chân nó cũng vượt biên”. Rõ ràng đây là “chân lý”. Mặt thật của cuộc chiến là cuộc “xâm lăng” được bọc dưới mỹ từ giải phóng.

Chính nghĩa nào cho cuộc chiến “xâm lăng”?

Về phía Mỹ, lý do nào họ can dự vào VN?

Các cuộc chiến cận đại như chiến tranh Kuwait, chiến tranh Iraq, người Mỹ chỉ “tham gia” cuộc chiến sau khi đã được LHQ “bật đèn xanh”. Trong cuộc chiến Kuwait, Iraq đã “xâm lược” Kuwait, vi phạm nguyên tắc nền tảng của LHQ. Mỹ và nhiều nước khác, theo tinh thần một nghị quyết của LHQ, đổ quân vào Kuwait để “tống cổ” quân Iraq ra khỏi nước này. Đây rõ ràng là một cuộc chiến “giải phóng”.

Cuộc chiến Iraq, Mỹ đưa ra những bằng chứng cho thấy nước này đang “chế tạo” vũ khí hạt nhân. Như vậy Iraq vi phạm hiệp ước “không phổ biến vũ khí nguyên tử” mà họ đã ký.

Nhưng chiến tranh, nói theo triết gia Alembert “nghệ thuật chiến tranh nhằm tiêu diệt con người, đồng thời cũng là nghệ thuật chính trị nhằm lường gạt con người”.

Bây giờ ta mới biết rằng cuộc chiến Iraq, Mỹ đã “dựng” lên những bằng chứng giả để có cớ đánh Saddam Hussein.

Còn quan điểm Mác xít, qua các lý thuyết của Lenin và Mao Trạch Đông, tất cả các cuộc chiến tranh cách mạng là chiến tranh “có chính nghĩa” (chính đáng). Chiến tranh “phản động” là chiến tranh không chính đáng.

Vấn đề là trước khi Mỹ đổ quân vào Việt Nam không có một kết ước nào với lãnh đạo Việt Nam (như kết ước đồng minh).

Chỉ khi quân Mỹ vào Đà Nẵng, trước chuyện đã rồi, chính quyền Sài Gòn chỉ đưa ra một thông báo, giảm thiểu mọi thủ tục, nhìn nhận sự hiện diện của Mỹ ở miền Nam.

Trước đó, thời ông Diệm, các đời tổng thống Mỹ đã hứa hẹn “giúp miền Nam xây dựng một quốc gia độc lập, có chủ quyền”. Người Mỹ gọi “quốc gia” đó là “South Vietnam”, nhằm chống lại sự xâm lăng của một quốc gia (độc lập có chủ quyền) khác ở miền Bắc, là quốc gia North Vietnam.

Vận động “xây dựng South VN” thành một “quốc gia độc lập có chủ quyền” của Mỹ là cần thiết, trên phương diện công pháp quốc tế. Vì chỉ khi VNCH là một quốc gia độc lập, có chủ quyền thì Mỹ (và các nước có quan hệ khác) mới có quyền can thiệp (bằng chiến tranh), với lý do “quốc gia South Vietnam” bị một quốc gia khác là “North Vietnam” xâm lược.

Sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam “chính đáng – jus ad bellum” vì dựa trên “quyền tự vệ chính đáng đa phương” của LHQ. Vì vậy theo chân Mỹ, các quốc gia “đồng minh” của Mỹ như Úc, Canada, Tân Tây Lan, Thái, Nam Hàn, Phi… cũng đổ quân vào Việt Nam.

Nhưng khi có sự hiện diện của quân đội Mỹ và các nước đồng minh, cuộc “nội chiến Bắc Nam”, miền Bắc muốn “thôn tính” miền Nam, trở thành cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước”.

Rốt cục cuộc vận động của Mỹ (xây dựng VNCH thành một quốc gia độc lập có chủ quyền) đã thất bại. Mỹ phải ký hiệp định Paris 1973, nội dung công nhận hiệu lực của Hiệp định Genève 1954, tức là nhìn nhận Việt Nam là một “quốc gia duy nhứt, thống nhứt ba miền, lãnh thổ bất khả phân”.

Tức là trên phương diện “pháp lý” Mỹ đã thua, thứ nhứt vì không thuyết phục được lãnh đạo VNCH (nhứt là ông Diệm) tuyên bố VNCH “quốc gia độc lập có chủ quyền”. Bởi vì lãnh đạo miền Nam hầu hết xuất thân từ miền Bắc. Thứ hai, thua CSVN và các lực lượng trí thức thiên tả ở Paris về tuyên truyền, vận động dư luận quốc tế.

Mục tiêu “giải phóng miền Nam” được “quốc tế” ủng hộ. Rốt cục các đồng minh của Mỹ phải “tháo lui” vì thấy cuộc chiến không còn chính đáng.

Nguyên nhân Mỹ thua là vì Mỹ vào miền Nam mà không hỏi ý kiến dân Miền Nam (thông qua một cuộc trưng cầu dân ý, thí dụ vậy). Vì nếu có một “kết ước” hợp pháp giữa dân miền Nam và Mỹ, thì cuộc chiến đã quay theo chiều hướng khác.

Chiến tranh Việt Nam lý ra giống y chang chiến tranh Triều Tiên. Vấn đề là ngưòi Mỹ “bao thầu” mọi thứ, trong khi Pháp thì chống Mỹ (vì bị Mỹ đã hất chân), ủng hộ Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Khi quân Việt Nam vào gần tới Sài Gòn, Dương Văn Minh lên làm tổng thống. Sự việc đã rồi, Mỹ đã nhìn nhận MTGPMN, gián tiếp nhìn nhận Mỹ đã “xâm lược” miền Nam. Không có kết ước nào gắn bó VNCH với Mỹ. LHQ “bó tay”, không làm được việc gì.

VNCH là phía “có chính nghĩa”, vì lãnh đạo thiếu viễn kiến, đành phải chết tức tưởi.

Cuối cùng lịch sử luôn được viết bởi phe chiến thắng.

 

Được xem 6 lần, bởi 2 Bạn Đọc trong ngày hôm nay