From: VanHieu Nguyen shared Nguyễn Đức Toàn‘s post.
Nguyễn Đức Toàn added 3 photos and a video — with Lê Văn Hiếu and 2 others at Bệnh Viện Thường Tín.
[Người Tốt, Kẻ Xấu và Tên Vô Lại]
Đây là chiếc xe của em mình sau tai nạn rạng sáng 28/12/2017 tại Thường Tín – Hà Nội. Em mình hôm đó có việc bận nên nhờ một người anh em lái thay. Người anh em này sống rất nhiệt tình và tính rất hiền lành, là người đáng tin cậy. Thật không may, một chiếc xe ben trái đường đã lao từ phía bên kia đường sang đâm thẳng vào cabin. Đầu xe tan nát, người anh em đó vĩnh viễn không còn trên đời này, bỏ lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ, đứa đầu ba tuổi và đứa sau mới hơn nửa tháng tuổi giữa trời mưa đêm lạnh lẽo.
Em mình rất yêu cái nghề lái xe, nên đã vay mượn rất nhiều tiền để được làm chủ một chiếc xe cho chính mình. Con xe này với em mình giống như sự nghiệp mà cuộc đời gắn bó. Một người đàn ông nhìn thấy sự nghiệp của mình tan tành, người anh em mình quý trọng chết thương tâm mà chân đạp phanh nát bàn chân – chết vì cái nghề quá bạc, dường như trống rỗng không biết phải làm sao.
Ba hôm nay việc an táng đã xong. Mình không muốn nói về nỗi đau và mất mát nữa nhưng vẫn phải thuật lại một số chuyện nhân tình thế thái quanh vụ tai nạn vì nó khiến mình luôn đau đáu trong lòng.
Khi nghe tin người thân gặp nạn nơi xa, ai mà không chết lặng bàng hoàng chứ? Nhưng có lẽ sẽ cảm thấy an lòng hơn khi biết tin người dân đã sốt sắng đưa người khỏi cabin vào viện tranh thủ từng giây vãn hồi sự sống. Điều đáng nói ở đây là khi lên cabin, ai đó đã “tranh thủ” lục lấy luôn cả tiền hàng trên xe và không ngại móc chiếc ví trong túi quần của người anh em đang cận kề cái chết – chiếc ví chứa toàn bộ giấy tờ và sau đó các em mình phải đến nơi chuộc lại với giá đề nghị 600 ngàn! Một tài xế taxi Mai Linh cũng “tranh thủ” đòi giá 1,5 triệu cho quãng đường tầm 12 km từ gần cầu Đỗ Xá đến bệnh viện Thường Tín. Định mệnh khiến người anh em không thể qua khỏi nên bị đưa vào nhà tiếp linh phủ khăn chờ thân nhân đến. Lúc đó vợ chồng em mình đi từ Nam Đàn mới ra tới cuối đất Nghệ An. Khi mọi người tới nơi thì một người trong nhà tiếp linh nói thi thể nên lau rửa và thay quần áo trước khi đưa rồi giúp đi mua vì rành chỗ. Khi về người đó “tranh thủ” đòi 1,7 triệu cho bộ quần áo + vài chiếc khăn + can rượu và tiền công giúp nhau! Không những thế, khi biết người nhà nạn nhân chưa ra kịp, người này còn đòi thêm tiền xác nằm chờ nếu qua 12h, trong khi bệnh viện ghi rõ không thu bất kì khoản phí nào tại nhà tiếp linh. Tiếp đó công an đến làm thủ tục, không mổ pháp y mà chỉ chụp mấy tấm ảnh rồi đến trước 2 gia đình đang đau đớn vì mất người thân thu mỗi nhà 3 triệu 380 ngàn và bảo số tiền đó là theo quy định! Không rõ điều đó có phải “tranh thủ” không nữa, nhưng sau về mình hỏi người quen làm bên xử lý tai nạn ở tỉnh khác mới biết quy định chỉ 20 ngàn/tấm ảnh pháp y, hoặc cũng có thể phí ở thủ đô cao hơn ở tỉnh.
Mình thấy bất lực trước sự “tranh thủ” đến lạnh lùng của những người có “ý tốt” đó. Toàn rắn giả lươn, su hào giả miến! Biết gọi họ là gì đây? Ngẫm lại một bộ phim thuộc hàng hay nhất lịch sử điện ảnh – The Good, the Bad and the Ugly (1966): Người Tốt luôn hành sự chính trực đã nhận được những gì xứng đáng, Kẻ Xấu luôn tìm cách hại người cuối cùng bị giết chết còn Tên Vô Lại được tha vì những hành động tiểu nhân nhưng là do hoàn cảnh nghiệt ngã xô đẩy. Những gã “tranh thủ” đó không làm hại ai nên không phải kẻ xấu; thậm chí trong hoàn cảnh bình thường với người quen biết có lẽ họ còn là người tốt; nên chỉ có thể gọi họ là đồ vô lại, đã tranh thủ kiếm lợi bất chấp đau thương của người khác, như những con kền kền chờ ăn xác chết để thoả mãn bản thân. Mình thấy thương cho họ, có lẽ cuộc sống bế tắc quá chăng khiến họ không còn lựa chọn nào khác? Họ cũng là những người cha, khi hồ hởi đem những đồng tiền xương máu đó về nhà sẽ đối diện với những đứa con mình thế nào đây? “Từng đồng từng đồng tiền ta kiếm – Có tình có lí có phận duyên”. Còn họ, có khi nào cảm thấy cắn rứt khi để giá trị bản thân mình trở nên rẻ rúng? Có thể là có, vì mình biết nhiều người trước hoàn cảnh và cám dỗ đã không chiến thắng được con quỷ trong lòng mình, làm những điều trái với lương tâm nhưng sau đó đã dâng lễ ngập mâm lên chùa sám hối. Họ sẽ tự tha thứ cho mình thôi. Chỉ mong sao sự thanh tịnh nơi cửa Phật sẽ gột rửa được phần nào sự vô lại trong bản ngã để họ tìm lại nẻo thiện trên đường đời!