Ngày đầu Xuân đọc Đường hy vọng
Đăng bởi lúc 6:01 Sáng 10/02/13
nguồn: chuacuuthe.com
VRNs (10.02.2013) – Sài Gòn – Đức cố hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
(Fx.Thuận) viết cho các đồ đệ của mình: “Ân sủng và bình an Chúa ở với con trên
đường hy vọng”, ngay cuối lời nói đầu của tác phẩm Đường Hy Vọng (ĐHV). Một tác
phẩm được viết trên các tờ giấy lịch, ngắn gọn, trọn niềm tin, trọn tình người,
trong nơi lao tù ở Việt Nam.
Tuy ngắn gọn, nhưng cũng có tới 1001 câu. Mỗi câu diễn lại một kinh nghiệm cụ thể của quá khứ oai hùng, và hiện tại lao tù; của một con người có nhiều ước vọng và khả năng, cùng với một con người không được quyền đi đâu, không được quyền làm bất cứ gì mình muốn; của con người muốn phụng sự Thiên Chúa và tha nhân, cùng con người bừng sang khi nhận ra chỉ có Chúa làm gì đó được cho mình chứ mình không thể làm gì cho Chúa.
Khi 16 hay 17 tuổi gì
đó, một anh bạn trao cho tôi quyền ĐHV của Fx. Thuận rồi bảo đọc đi. Đọc đến
câu 56b, tôi ném quyển sách vào góc nhà rồi nghĩ về dư luận. Mọi người xem Fx.
Thuận là vĩ đại, vì ngài sinh ngày 17 tháng 4 năm 1928 tại Phủ Cam, Huế, và đến
ngày 13 tháng 4 năm 1967, đã được bổ nhiệm làm giám mục chính tòa Giáo phận Nha
Trang, khi chưa tròn 39 tuổi đời. Và nhiều thành tích khác. Còn tôi, lúc ấy,
xem ngài chẳng biết gì về tâm lý khi viết: “Mỗi ngày [con] hãy bớt tự tin mà
thêm tin Chúa” (c. 56b). Một người sống hạnh phúc có thể không tự tin sao? Một
người thành công lại có thể kém tự tin à? Một người lãnh đạo không tự tin thì
dẫn những người thuộc về mình đi đâu về đâu?… ?
Những khi tuổi đời của
tôi đã lớn hơn tuổi của Fx. Thuận, lúc ngài làm giám mục, đã có kinh nhgiệm
chút ít về thành công và thất bại từ thể xác đến tâm linh, tối mới bắt đầu hiểu
và thấm thía điều ngài đã viết ra: “Mỗi ngày [con] hãy bớt tự tin mà thêm tin
Chúa” (c. 56b).
Ngày 15 tháng 8 năm
1975, chính quyền cách mạng bắt Fx. Thuận và giam giữ ngài tại nhiều nơi khác
nhau: nhà tù Nha Trang (từ ngày 19 tháng 3 năm 1976), biệt giam ở Miền Bắc,
quản chế tại Giang Xá (Sơn Tây), Phùng Khoang (Hà Đông) mà không qua một phiên
tòa xét xử về tội danh nào. Đến ngày 23 tháng 11 năm 1988 thì được thả tự do và
bị quản chế tại tòa giám mục Hà Nội. Tổng cộng Fx. Thuận bị ngục tù 13 năm, 3
tháng, 8 ngày.
Với bốn bức tường, tài
hùng biện của ngài dùng vào việc gì? Khả năng nói được nhiều ngôn ngữ có ích gì
cho ngài khi chung quanh chỉ là bốn vách tường? Những dự án, những ý định và
tâm huyết phát triển Giáo hội, gầy dựng thanh niên Việt Nam ai cho áp dụng mà
áp dụng? Chung quanh ngài chỉ là vách đá. Khi ấy mọi tài năng, khả năng thủ đắc
được của con người trở nên rác cả. Nhiều người tài giỏi trong hoàn cảnh đó đã
trở nên tâm thần.
Trong bối cảnh như thể
mọi cái “có” trở nên “không” một cách bất đắc dĩ, chứ không phải là kết quả của
thiền định hay tình trạng đón nhận để đi vào mầu nhiệm tự hủy (x. Pl 2, 6-11).
Nó như thể bị tước đoạt tất cả, bị cướp trắng mọi sự.
Lúc ấy có vẻ tài năng và
bất tài không hơn gì nhau, ngu dốt hay thông minh cũng vậy cả. Tất cả chỉ còn
là ân huệ của Thiên Chúa, mà cái này chỉ có thể đón nhận bằng niềm tin. Lời
khuyên “Mỗi ngày [con] hãy bớt tự tin mà thêm tin Chúa” (c. 56b) của Fx. Thuận
rất thật và rất chính xác.
Con rắn lừa lọc, gian
xảo và gian ác luôn sẵn sàng đưa con người vào bẫy để bị hủy diệt (x. St 3).
Ngày đầu năm, đối diện với con rắn, và sẽ sống trong suốt năm nay với nó, tôi
lo lo. Vô tình đọc lại chương 3 của ĐHV: “Bền Chí”, tôi an tâm.
“Bạo dạn không phải là
phiêu lưu, bất khôn. Muốn đi đến cùng đường hy vọng con phải bạo dạn. Có mấy
người đứng bên Chúa dưới thánh giá?” (c. 39). Theo Chúa để được ăn ngon và no
nê thì có tới năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ (x. Mt 14,
21), tức rất đông những người có địa vị có thế giá, không kể những người ăn
theo, nhưng khi Chúa bị đóng đinh trên thánh giá, chỉ có Gioan, một tông đồ có
vẻ yếu đuối nhất (x. Ga 19).
Trong cuộc họp của linh
mục đoàn cuối năm vừa rồi ở Sài Gòn, một vị có trách nhiệm quan trọng của Tổng
giáo phận đã nói rằng, đất nước Việt Nam phải đa đảng, không thể độc đảng mãi.
Ngài cho biết, đã có tham gia kiến nghị gởi đến nhà cầm quyền về vấn đề nay.
Niềm hy vọng bị giấu kín bắt đầu được hé mở làm cho con đường hy vọng đầy nhọc
nhằn khiến nhiều người sợ hãi và khiếp nhược đã trở nên đông vui hơn, vì có
Giáo hội cùng bước. Đến hôm nay chỉ mới hơn 50 giáo sĩ ký tên vào bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992,
có bàn đến việc đa đảng, nhưng sau công bố của ngày họp cuối năm vừa qua, chắc
chắn sẽ có nhiều vị khác chính thức lên tiếng, để đất nước Việt Nam sớm vươn
lên đỉnh hy vọng. Mặc dù có thể sau đó họ sẽ phải đối diện với việc “đứng dưới
chân thánh giá Chúa”, nhưng không chỉ có mình Gioan, mà còn có cả các tông đồ
khác và đoàn dân đông đúc.
An Thanh, CSsR