Người ăn xin và chiếc nhẫn kim cương
07/03/2013
Người ăn xin trả lại chiếc nhẫn cưới kim cương tính đến nay ngày 6/3/2013 được ủng hộ 177.860 USD
Các nhà hảo tâm khắp thế giới đang mở bóp góp tiền ủng hộ một người ăn xin vô gia cư chân thật – người đã trả chiếc nhẫn đính hôn kim cương cho chủ nhân của nó, khi người phụ nữ này vô tình đánh rơi trong cái ly xin tiền của ông.
Chia sẻ trên đài CNN, bà Sarah Darling cho biết: “Tôi thật sự cảm thấy may mắn ngay lúc này khi tôi có chiếc nhẫn này. Tôi đã yêu mến chiếc nhẫn trước đây, Tôi yêu mến nó nhiều và giờ đây tôi càng yêu nó nhiều hơn nữa.”. Darling, sống tại thành phố Kansas, Missouri, nói bà rất buồn rầu khi phát hiện mình đã làm mất chiếc nhẫn. Bà hầu như chưa bao giờ tháo nhẫn ra, nhưng khi bị hơi ngứa khiến bà tháo nhẫn ra và bỏ vào trong bóp nhỏ đựng tiền lẻ và kéo khoá lại.
Sau đó, bà đã vô tình trút hết những gì trong bóp ấy vào chiếc ly xin tiền của ông Billy Ray Harris – một người ăn xin vô gia cư thường sống ẩn náu dưới một cây cầu ở quê nhà của bà. Cho đến hôm sau, bà mới phát hiện ra chiếc nhẫn của mình đã không còn nữa.
“Thật là thê thảm. Đó là một cảm giác mất mát lớn lao. Nó rất có ý nghĩa đối với tôi vượt trên cả giá trị về vật chất”.
Darling quay lại tìm ông Harris, nhưng ông không còn ở đó. Ngày tiếp theo, bà quay trở lại và đã gặp ông. Cô nói, tôi đã hỏi liệu ông ấy còn nhớ tôi không, nhưng tôi nghĩ là tôi đã cho ông một vật rất quý đối với tôi.
Ông trả lời: “Có phải chiếc nhẫn không?. Tôi có nó và giữ nó cho bà đây”. Bà rất đổi kinh ngạc.
Để tỏ lòng biết ơn với người ăn xin tốt bụng và ngay thật này, Darling và chồng đã lập ra một trang mạng để quyên góp tiền ủng hộ cho ông. Quỹ từ thiện này sau đó đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi và tấm lòng hảo tâm đóng góp của nhiều người.
Chris và Mel từ Brentwood, nước Anh, đã ủng hộ 20 USD. Viết trên trang giveforward.com – trang web quyên góp tiền ủng hộ, họ chia sẻ: “Trong cuộc sống những gì ta cho đi sẽ quay trở lại. Này Billy, hành động tử tế của ông cho dù ông đang ở trong tình cảnh hết sức khó khăn đã chứng minh rằng vẫn còn có sự khiêm tốn trong thế giới này.
Ophelia Wong Zen-na, đóng góp 10 USD và viết: “Tôi ở Singapore và thật sự rất cảm phục sự chân thật của ông”. Brian Paul cũng cho 10 USD và nói: “Nếu tôi không bị thất nghiệp, tôi đã cho nhiều hơn, thế nhưng tôi cảm thấy thách đố phải làm một điều gì. Billy Harris đã làm tốt nhất có thể để trở nên điều mà ông ước mơ mình sẽ là. Không bao giờ trễ cả. Xin Chúa chúc phúc cho ông, và cám ơn ông đã không bao giờ đánh mất phẩm chất của mình cho dù trong hoàn cảnh khó khăn”.
Đến nay, một tuần sau khi phát động chiến dịch quyên góp, đã có hơn 3400 sự đóng góp với tổng số tiền lên tới gần 95.000 USD (ngày loan tin cách đây hơn 1 tuần). Toàn bộ số tiền mà các nhà hảo tâm đóng góp sẽ được trao trực tiếp cho ông Billy Ray Harris sau chiến dịch từ thiện dài 90 ngày. Chồng của Darling, Bill Krejci gọi đó là “điều không tưởng” nhưng có thật.
Krejci đã gặp gỡ Harris để thông báo về khoản từ thiện đó và tìm hiểu về cuộc sống của ông. Họ đã cùng nhau sửa chiếc xe đạp của Harris.
Tâm sự trên trang web, Krejci viết: “Chúng tôi đã nói nhiều về những kỷ niệm liên quan đến chiếc nhẫn của gia đình tôi và những đóng góp. Tôi nói một ngày không xa trong tương lai, vợ chồng tôi sẽ trao chiếc nhẫn đó cho con gái. Chúng tôi cũng đã nói tới sự phản hồi tích cực rất cuồng nhiệt về sự kiện này”. Harris nói với Krejci là ông đã tìm được chỗ ở an toàn và ổn định.
Phóng viên CNN hỏi về sự nổi tiếng sau khi trả lại chiếc nhẫn kim cương, Harris cho biết: “Tôi thích điều đó nhưng tôi không nghĩ là tôi xứng đáng. Điều tôi thực sự cảm thấy thích là thế giới này sẽ hành sử ra sao khi một người trả lại cái mà không phải là của họ và tất cả những điều ấy đã xảy ra”.
Về phần mình, Darling nói: “Tôi rất biết ơn những gì ông ấy đã làm. Với nhiều người khác có lẽ họ đã giữ chiếc nhẫn ấy rồi hay cũng có thể đã bán đi lấy tiền. Tôi thật sự hy vọng sự bất cẩn của tôi lúc đó sẽ mang đến điều thật tốt đẹp cho cuộc sống của Billy”.
Bạn thân mến,
Mùa Chay đọc câu chuyện của ông Billy Harris vô gia cư nghèo nàn trả lại chiếc nhẫn cưới kim cương cho chủ nhân của nó, tôi thầm đấm ngực ăn năn (đấm 3 lần), vì tôi thường có thành kiến không mấy tốt về những người ăn xin, nhất là người da đen nghèo nàn. Thành kiến này bắt nguồn từ những tệ nạn xã hội do người da đen gây ra loan tải trên các cơ quan truyền thông. Đi qua những khu cư dân da đen tồi tệ, tim tôi đập thình thịch và tôi chỉ muốn mau mau thoát ra khỏi khu ấy thì mới an tâm. Quả thật, da ông Billy đen nhưng lòng ông không đen chút nào, mà còn trắng hơn lòng của tôi, người có làn da trắng hơn ông, có đầy đủ vật chất hơn ông. Tôi thật khâm phục sự công chính của ông khi ông đang ở trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, và có lẽ cả đời của ông cũng không sao mua được chiếc nhẫn mà ông đang có; thế nhưng ông đã không giữ lấy cho mình.
Nếu là Billy trong hoàn cảnh khốn khổ như thế, không biết đã có mấy ai tốt bụng như ông. Ông còn để lại bài học về sự khiêm nhường khi ông nói ông không xứng đáng được dư luận chú ý tới về việc làm cao quý của ông.
Tính đến hôm nay, số tiền người từ khắp nơi trên thế giới đóng góp ủng hộ ông đã lên tới $177860 USD (gần 2 trăm ngàn đô la). Đây quả là phần thưởng rất lớn về vật chất cho tấm lòng ngay thật hiếm có của ông. Hành động của ông còn để lại một ấn tượng tốt có ảnh hưởng về tâm linh cho những người đang sống chỉ mong chiếm đoạt những gì không thuộc về mình. Đọc tin tức về ông, tôi ngậm ngùi cho tình trạng xã hội bất ổn tại Việt Nam, nơi đang xảy ra nhiều những vụ cướp bóc của cải gây chấn thương, lấy đi sinh mạng của nhiều người.
Câu chuyện của Billy trả lại chiếc nhẫn làm cho tôi nhớ lại câu chuyện của Ladarô trong Thánh Kinh Luca 16:19-31:
“Có một nhà phú hộ kia mặc toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Lazarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những vụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy. Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các thiên thần đem lên lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hỏa ngục phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đàng xa có Abraham và Lazarô trong lòng Ngài. Liền cất tiếng kêu la rằng: “Lạy cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Lazarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này.” Abraham nói lại: “Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Lazarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Lazarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn từ đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ bên đó qua đây được.” Người đó lại nói: “Đã vậy, tôi nài xin cha sai Lazarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này.” Abraham đáp rằng: “Chúng đã có Môisen và các tiên tri, chúng hãy nghe các ngài.” Người đó thưa: “Không đâu, lạy cha Abraham! Nhưng nếu có ai trong cõi chết hiện về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải.” Nhưng Abraham bảo người ấy: “Nếu chúng không chịu nghe Môisen và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu.”
Câu chuyện dụ ngôn Lazarô và người phú hộ không chỉ phản ảnh thực trạng xã hội vào thời đại của Chúa Giêsu, mà còn cả trong xã hội chúng ta đang sống ở thế kỷ thứ 21. Thời đại của nền văn minh vượt bực, thời đại của phát minh điện toán a-còng @, nhưng vẫn còn đó hai giai cấp giàu sang và nghèo nàn. Người giàu thì lại giàu thêm, giàu quá mức, đến cả cái phôn cũng được mạ vàng để cầm nói chuyện cho sướng. Và ngược lại, người nghèo thì lại nghèo quá nghèo, cái gì cũng không có, đến nỗi chết không có hòm mà chôn. Sự bình đẳng giữa hai gia cấp giàu nghèo chỉ được tìm thấy nơi nấm mộ sâu trong lòng đất, và công lý chỉ được tìm thấy ở bên kia ngưỡng cửa cuộc đời.
Câu chuyện của Billy và Darling xảy ra trong Mùa Chay 2013 là tấm gương sống Mùa Chay ý nghĩa và hấp dẫn hơn bao giờ hết, một hành động bác ái tuyệt vời. “Bóp bác ái” của bà Darling mở ra dốc hết những gì có vào “cái ly chân thật” của Billy đã đánh động và làm thức tỉnh hàng ngàn trái tim trên thế giới. Câu nói của Thánh Phaolô “Cho thì có phúc hơn là nhận” thật có ý nghĩa khi một trái tim sống ngay thật và một tấm lòng biết mở rộng để cho đi.
Lạy Chúa, xin cho con một trái tim khiêm nhường và biết cho đi.
Minh Châu