“NẾU CHỈ CÒN MỘT NGÀY ĐỂ SỐNG…”
Trích EPHATA 659
Cái tin cô Anh chỉ còn sống được chừng hơn 3 tháng nữa thôi đã làm chấn động cả lớp thể dục. Ai nấy đều bàng hoàng, sững sờ và rồi… buồn bã. Thiên hạ ban đầu thì ngạc nhiên rồi sau đó đua nhau bàn tán, vì mới ngày nào cô vẫn còn khoẻ và lên đây tập với mọi người kia mà. Mà mọi người buồn cũng phải, vì cô luôn là niềm vui của lớp. Vắng bóng cô từ gần cả tháng nay, sáng sáng không còn ai lên sớm đùa giỡn, kể vài mẫu chuyện vui, cũng không còn ai đem cho tôi khi thì mấy trái tắc, lúc là bó rau tươi ở nhà do chính tay cô trồng. Thế mà… chỉ nghĩ đến lúc sẽ vĩnh viễn mất cô mãi mãi trong đời, tôi bất chợt rùng mình và bỗng cảm thấy thật buồn…
Tôi biết cô Kim Anh từ gần 3 năm nay, ở lớp thể dục Hồng Gia. Tôi rất quý cô ở cái tính giản dị, chân chất, bộc trực, có gì nói đó. Cô thương tôi như con cháu trong nhà, nấu món gì ngon cô cũng mang cho tôi, nhà cô hễ cây nào ra trái là cô hái đem cho tôi ngay, hết nhãn, tắc, cam, hồng rồi đến chuối, thanh long, bưởi, rau tần ô, cải làn… Sáng nào ông xã cô cũng chở cô đến lớp tập, đến 8 giờ chú lại đến đón cô về. Tôi hay chọc “Sao mà cô chú tình quá vậy ?” thì lần nào cô cũng cười thật tươi ” Ngày xưa còn tình hơn nhiều con ơi…
Cô thường bảo tôi bây giờ già rồi, nên với cô chỉ có sức khỏe là trên hết. Cô hiện đang sống hạnh phúc với ông xã và vợ chồng cô con gái út cùng hai đứa cháu ngoại. Năm nay cô 68 tuổi, và cô luôn ước ao sẽ được sống đến 80 tuổi hay hơn nữa, để còn phụ giúp baby sit cho các con đi làm, vì đó cũng là niềm vui của cô. Có lẽ người già thường mang nhiều tâm sự, nên cô Anh hay kể tôi nghe về cuộc đời cô ngày xưa, khi cô còn con gái, nào là ngày xưa cô đào hoa lắm, rồi vì sao cô chú quen nhau, cùng những kỷ niệm đẹp và vui trong cuộc đời cô…
XƯA…
Cô gái Phạm Kim Anh ngày xưa, duyên dáng, mượt mà, với nụ cười rất tươi, nên luôn được rất nhiều anh săn đón, nhưng cô đã chọn chú Vũ Duyên Hy, chỉ vì “chú hiền, ít nói… nhưng hễ cô thích gì chú đều biết và mua hay làm sẵn cho cô trước rồi…” Năm 20 tuổi, cô lên xe hoa về nhà chồng, và sau đó có 6 mụn con, 4 gái và 2 trai. Chú đi làm ở sở quan thuế, cô nghỉ học ở nhà lo chăm sóc các con.
Thời ấy gia đình cô rất khá giả, tính cô lại rộng rãi, thương người, nên bà con chòm xóm ai mà thiếu hụt gì cũng chạy sang mượn cô, thậm chí có người nghèo xin tiền cô cũng cho luôn. Cô kể: “Có lần có bà hàng xóm nghèo quá đến mượn tiền cô, bà ta năn nỉ và nói: “Chị cho tui mượn đi, kiếp này không trả nổi thì tui nguyện kiếp sau sẽ làm thân trâu ngựa mà trả chị…” Cô hỏi lại ngay: “Chị nghĩ kỹ chưa mà nói câu đó ? Làm trâu ngựa cho nhà tôi cực khổ lắm đó nhe…”, nhưng rồi cô cũng cho người phụ nữ đó mượn tiền, dù biết rằng người ta sẽ không thể nào trả nổi…
Năm 1982, chú đi vượt biên cùng 3 đứa con lớn, đến đảo ở 3 năm chờ được xét để định cư. Thời gian đó cô Anh rất cực khổ, thân gái một mình nuôi 3 con, tiền bao nhiêu xài dần rồi cũng hết, nên cô bắt đầu bươn trải ra ngoài kiếm sống, lại còn phải chắt chiu gửi qua đảo cho chồng và các con. Cô sống rất cần kiệm, nhưng được hàng xóm thương nên cũng đắp đổi qua ngày.
Đến năm 1985 thì chú qua Mỹ định cư, sau đó bảo lãnh cho cô và đến năm 1992 thì cô và 3 con sang Mỹ đoàn tụ cả gia đình. Mấy năm đầu sang Mỹ, cô chú làm đủ mọi nghề để sống và nuôi các con ăn học: làm nhà hàng, hãng may, ở công xưởng… hễ ai kêu đâu cũng làm, lương bao nhiêu cũng chịu, đi xa cũng phải ráng để có tiền nuôi con, cho đến mãi năm 65 tuổi thì cô chú mới về hưu…
NAY…
Cô Kim Anh đến với lớp thể dục từ năm 2007 vì cô bị cao huyết áp và yếu thận. Cô lại bị cao mỡ, và tiểu đường nhẹ. Cô có uống thuốc nhưng bác sĩ khuyên cô cần phải tập thêm thể dục mỗi ngày, cho nên ngày nào xong lớp học là cô chú cùng nhau lái xe ra biển, rồi đi bộ dọc theo bãi biển, tay trong tay, vừa hít thở khí trời trong lành, vừa “hâm nóng tình yêu lãng mạn ngày nào” – như lời cô hay nói đùa với cả lớp. Cô kể cách đây vài năm, lúc đó cô bị tiểu đường nặng lắm, mà cả mỡ trong máu cũng cao luôn. Cholesterol làm nghẹt một động mạch cổ nên cô không thở được, cô bất tỉnh và ông xã chở cô vào cấp cứu. Lúc đang hôn mê thì cô cảm thấy có bàn tay Đức Mẹ vỗ nhẹ vào ngực cô 3 cái, thì cô bừng tỉnh dậy, và từ đó cô luôn đặt hết niềm tin vào Đức Mẹ và phó thác sinh mạng mình vào tay Ngài…
CUỐI ĐỜI…
Cách đây hơn một tháng, tôi có việc cần đi Arizona vài ngày. Khi về, vào lớp tập lại thì mới hay cô đã được đưa vào cấp cứu với triệu chứng khó thở và ngất xỉu. Nằm bệnh viện một tuần thì cô được cho về nhà, nhưng bác sĩ cho biết là vì hai quả thận của cô đã quá suy nên không thể bài tiết các chất độc và thải nước tiểu một cách bình thường nữa, do vậy mà cô sẽ phải đi lọc máu 3 lần mỗi tuần, cho đến… hết đời. Cô trông hốc hác và ốm hẳn đi. Cô cho biết là đã sụt hơn 15 pounds. Đến thăm cô, tôi không khỏi chạnh lòng vì thấy cô hầu như không còn ăn được gì cả, thứ gì cô cũng đều phải kiêng cữ, vì hễ ăn vô là mình mẩy nhức ê ẩm.
Vậy mà cô vẫn lạc quan. Cô kể: “Con biết hôn, hôm đó lúc đầu cô cảm thấy chóng mặt và choáng váng, rồi thì sau đó cô không biết gì nữa. Nhưng chỉ chốc lát sau thì cô thấy Đức Mẹ hiện ra, đưa bàn tay cho cô nắm. Cô mừng rỡ vừa nắm vừa hôn tay Mẹ, đâu chỉ chừng một, hai phút thì cô giựt mình tỉnh dậy, thấy mình nằm trong bệnh viện với đầy các bác sĩ, y tá và con cháu xung quanh. Sau này con gái cô kể lại rằng lúc đó cô đã tắt thở 2 phút rồi, bác sĩ tưởng là cô đã “đi luôn” rồi chứ, làm các con cô khóc òa lên… Vậy là cô hiểu, chính Đức Mẹ đã cứu sống cô lần nữa…”
Rồi cô dẫn tôi ra sau vườn, chỉ cho tôi xem từng cây ăn trái mà cô chú đã trồng. Vườn cây ăn trái của cô chú thật rộng, rộn tiếng chim hót, trồng đủ loại cây, và rau cải, có thể nói là cô chỉ cần đi chợ mua thịt cá, chứ rau cải thì có đủ hết. Cô bảo con gái cô, chị Hương, hái cho tôi một bịch tắc thiệt bự “Đem về ăn đi con, mai này không còn cô thì phải tự đi mua tắc mà ăn đó nhe…” Bỗng nhiên cô hỏi tôi “Đố con cây cỏ có linh hồn không ?” Tôi còn đang ấp úng thì cô tiếp: “Ông xã cô kể là cả tuần khi cô nằm bệnh viện, cả nhà lo vô thăm nuôi cô, nên không còn ai nhớ mà tưới cây nhãn này hết đó – cô đưa tay chỉ tôi xem cây nhãn cô vừa mới chiết cành xin từ một người bạn, bởi vậy nó héo rồi chết luôn. Vậy mà từ hôm cô về, vài ngày sau tự dưng nó đâm nhánh ra thêm, rồi lá xanh tươi trở lại, làm thằng cháu ngoại cứ bảo rằng: “Cây nhãn nó thương Ngoại nên nó sống lại đó, thì Ngoại cũng phải sống với con nhe Ngoại…” Cô nói, miệng cười mà mắt cô long lanh giọt nước…
Khi nghe ông xã cô cho biết là cô phải đi lọc máu cho đến khi nào có người tặng cô hai quả thận để ghép vô thay cho hai quả thận của cô không còn hoạt động nữa, tôi ngao ngán thở dài. Chờ đợi… chờ đến bao giờ ? Cô đã ghi tên ở bệnh viện UCLA rồi, mà waiting list thì… dài thòng, nghe đâu phải chờ cầu 5, 6 năm mới hy vọng có người cho thận. Mà nếu như có may mắn đến lượt mình thì chắc gì quả thận đó sẽ dễ dàng được cơ thể dung nạp, hay sẽ lại bị reject? Thế mà cô vẫn vui vẻ, cô bảo: “Còn sống ngày nào là cô vẫn còn hy vọng…”
Có nghe cô kể về những buổi lọc máu thì mới thấy thương cho những người bệnh. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Mỗi tuần chú Hy chở cô đi lọc máu 4 lần, rời nhà từ 5 giờ rưỡi sáng, và quá trình lọc như vậy mất hơn 3 tiếng rưỡi đồng hồ, về đến nhà gần 11 giờ. Cô bảo ngồi bên cạnh cái máy lọc máu, đầu óc cô rỗng không. Được chừng hơn 2 tiếng là cô bắt đầu mệt, mồ hôi tuôn ra như tắm, lỗ tai lùng bùng, thì lúc đó y tá đến gắn ống oxy cho cô thở, vì cô quá yếu sức… Từ ngày xuất viện về nhà, cô yếu hẳn đi và không còn đi tập thể dục nổi nữa.
Mấy hôm gần đây phone thăm cô không có ai bắt phone, tôi linh tính có điều gì không hay. Tôi có ghé đến nhà cô, bấm chuông mãi nhưng cũng không ai ra mở cửa. Thế là tôi bắt đầu lo. Gần cả tuần trôi qua thì cô gọi. Tôi mừng quá, hỏi thăm cô tới tấp. Cô kể là cô lại mới phải vô cấp cứu, vì nước tràn đầy vào phổi, và lần này bác sĩ cho biết là tình trạng của cô: từ thận nay đã chuyển sang tim. Các tĩnh mạch dẫn máu về tim của cô bị nghẽn rất nhiều, còn van tim thì lại bị hở. Nên bây giờ mỗi thứ bảy thì cô phải vừa đi lọc máu, vừa để bác sĩ rút bớt nước ra khỏi phổi của cô, vì nếu không thì phổi cô sẽ bị ứ nước nữa và tính mạng cô sẽ bị nguy hiểm.
Con gái cô cho tôi biết là bác sĩ đã bó tay, ông cho gia đình biết là cô Anh có thể đi bất cứ lúc nào. Ông xã cô thì nói với giọng nghẹn ngào: “Bác sĩ bảo bả chỉ còn sống được ba đến năm tháng là maximum, nên gia đình cứ chìu ý bả đi, bả thích gì thì cho ăn nấy…” Tôi quay sang cô hỏi: “Thế cô thích ăn gì, làm gì hở cô?” Cô cười buồn: “Không thích, cũng không thèm ăn gì hết, giờ phút này thì cô chỉ thèm… được sống”. Đôi mắt nhìn xa xôi, cô nhỏ giọng: “Ai rồi cũng đến lúc phải ra đi. Vui hay buồn là ở cái tâm của mình. Nếu thật sự là Chúa đang đợi cô, thì cô sẽ vui mà về với Ngài… Nhưng Đức Mẹ vừa cứu cô kia mà…”, rồi bỗng dưng cô ngập ngừng: “…Con ơi, sao mà cô vẫn còn yêu lắm cuộc đời này…” giọng cô tắc nghẹn.
Nuốt nước miếng một cách khó khăn, cô tiếp với một giọng đều đều: “Con cháu cô bây giờ lớn cả rồi, có công ăn việc làm, có gia đình đông đủ, nên cô không còn gì phải lo nữa. Cuộc sống cô nói chung cũng đã quá đầy đủ, nên cô cũng không có gì phải hối tiếc. Hơn 68 năm qua, cô luôn làm hết khả năng mình lo cho chồng, cho con, cho mọi người, nên bây giờ có thể nói là cô khá mãn nguyện…”
Cô cho biết cô vừa mới may xong chiếc áo liệm trắng, là chiếc áo mà người con của Chúa sẽ được mặc, theo nghi lễ, lúc chôn cất. Cô An, người bạn già ở lớp thể dục, đã may tặng cho cô như một món quà cuối đời…
“Thế cô còn có dự định hay ước muốn gì không cô ?” – “Nếu như nhờ ơn Chúa mà cô còn sống được đến sinh nhật cô vào năm sau, thì cô sẽ tổ chức một lễ sinh nhật thật lớn. Cô sẽ mời tất cả bạn bè, người thân, người quen, hàng xóm, tất cả những ai mà cô biết trong đời… đến dự, để cô nói một lời xin lỗi, nếu như vì vô tình cô đã làm hay nói điều gì buồn lòng họ, và để cám ơn họ đã cho cô có được những kỷ niệm đẹp và đáng nhớ trong đời…”
Tôi hỏi: “Cô có còn điều gì nuối tiếc không, một khi ra đi về bên kia thế giới ?” Im lặng – thật lâu, rồi cô chậm rãi đáp: “Đời cô vui buồn có đủ, thăng trầm cũng nhiều. Nếu bảo có hối tiếc điều chi thì có lẽ chỉ một điều duy nhất: đó là cô thường rất ít sống vui với giây phút hiện tại”. Thở một hơi dài, cô nói tiếp: “Thời son trẻ thì cô lúc nào cũng lo lắng cho tương lai, cho chồng con, cứ mãi đi làm kiếm tiền cho tương lai con cháu. Có tiền rồi thì lại lo dành dụm. Lúc về già thì lại hồi tưởng và tiếc nuối quá khứ cùng kỷ niệm, cứ sống và nhớ mãi cái thời xa xưa huy hoàng ở Việt Nam. Chỉ cho đến phút giây này, khi cái chết đã cận kề, thì cô mới hiểu cuộc đời mình đẹp nhất là phút giây hiện tại. Bởi vậy mà bây giờ, cô chấp nhận và vui với ngày hôm nay…”
Ngừng lại giây lát, cô tiếp: “Cô cũng có chút tiếc nuối là cô chưa hề có dịp về thăm lại Việt Nam. Lúc mới qua Mỹ thì cứ cắm đầu đi làm, đến chừng có chút tiền, có thời gian thì lại đổ bệnh, nên đâu dám về nữa. Cô ước gì mình có duyên về lại thăm quê cô, miền Trảng Bàng, là nơi mà ngày xưa mỗi ngày cô đi học qua ngang nhà chú, nhờ đó mà cô chú quen nhau…”
Nghe cô nhắc đến chữ duyên, tôi hơi ngạc nhiên nên hỏi lại: “Cô chú đạo Chúa phải không ? Mà cô vẫn tin vào chữ Duyên à ?” Cô cười nhẹ: “Tin chứ con. Cô đạo Chúa, nhưng cô đọc nhiều sách về Phật pháp lắm, nên cô tin vào Nhân Quả, tin vào Nghiệp và cô tin có luân hồi…” Rồi cô hóm hỉnh nheo mắt nhìn về phía ông xã đang ngồi theo dõi câu chuyện nãy giờ: “Nghiệp đó con thấy hôn, kiếp trước ổng “nợ” cô nên kiếp này ổng cả đời cứ phải trả “nợ” cho cô. Cô ăn gì vô cũng bị hành đau đớn, cũng là do cái Nghiệp cô đã gieo, và cô còn sống được đến giờ này cũng nhờ cái Nhân phước đức mà cô đã giúp đỡ những người hàng xóm trong lúc khốn cùng…”
Quay sang chú Hy, tôi hỏi: “Cô Anh đi, chắc chú buồn dữ lắm, chú hở ?” Chú cười buồn: “Sớm muộn gì thì cũng phải đến lúc đó, cháu à. Chỉ là người đi trước hay đi sau mà thôi…” Tôi hỏi: “Nhưng người đi sau sẽ là người buồn hơn, phải không chú ?” – “Đúng, bởi vậy nếu chú làm người đi sau, chú cũng ráng vui, vì ít ra chú còn lo cho bả được chu toàn…” Tôi ngồi mà nghe lòng mình xao động, đẹp làm sao một mối tình già… Quay sang cô Anh, tôi hỏi: “Thế khi chết thì cô nghĩ rằng cô sẽ về đâu ?” – “Cô mong là cô có đủ phước duyên mà được lên Thiên Đàng với Chúa. Chúa Nhật nào cô chú cũng đi Nhà Thờ, tối nào cũng đọc kinh cầu nguyện. Cả đời cô đã luôn cố gắng sống và làm theo lời Ngài dạy, thì cô mong Ngài sẽ đến đón cô đi…”
“Cô nè, con hỏi cô câu này nhe, nếu như chỉ còn một ngày để sống thì cô sẽ làm gì ?” – “Sẽ yêu thương” – cô trả lời ngay, không một chút do dự. Cô sẽ mỉm cười với mọi người, cả với những người không quen biết. Cô sẽ tha thứ hết mọi lỗi lầm nhỏ nhặt của mọi người mà bao lâu nay cô cứ cho là lớn lao ghê gớm lắm. Cô sẽ bố thí nhiều hơn, cho đi nhiều hơn, làm từ thiện nhiều hơn, vì bây giờ cô mới thật sự hiểu rằng chúng ta sẽ không mang theo được gì bên mình lúc ra đi. Cô sẽ nói với ông xã, với các con, các cháu… là cô thương tất cả mọi người – điều mà gần bảy chục năm qua vì mắc cỡ mà cô chưa bao giờ dám nói. Cô sẽ yêu hơn cuộc đời này. Cô sẽ…”
Giọng cô bỗng ngắt quãng vì cơn ho kéo tới. Tôi nhìn cô, đang ôm ngực ho sù sụ, mà ái ngại. Phải chăng đó cũng sẽ là hình ảnh của Mẹ tôi một ngày gần đây, và của ngay chính bản thân tôi một ngày nào đó ? Ông xã và con gái dìu cô vào giường nghỉ. Tôi xin phép ra về, thì cô ôm tôi và níu bàn tay tôi kéo lại: “Con nhớ lời cô nhe, hãy biết buông xả và yêu thương, trước khi quá muộn…”
Rời nhà cô Anh mà bên tai tôi vẫn còn văng vẳng những lời cô nói: “Nếu chỉ còn một ngày để sống, thì cô sẽ trân quý từng phút giây hiện tại và sẽ yêu thương hơn cuộc đời này…”
Chia tay cô, tôi thầm cầu chúc cô Anh có được những ngày cuối đời thật an lạc và giây phút ra đi cũng thật là bình an, để mà về với Chúa…
Lên xe, tôi với tay mở chiếc CD thì tiếng nhạc vọng ra sao mà tha thiết:
“…Nếu chỉ còn một ngày để sống, người cho tôi về với quê nhà
Để tôi thăm làng xưa nguồn cội, cho tôi mơ, mơ tiếng Mẹ Cha…
Nếu chỉ còn một ngày để sống, làm sao tôi trả ơn cuộc đời
Làm sao tôi đền đáp bao người, Nâng tôi lên qua bước đời chênh vênh…
Nếu chỉ còn một ngày để sống, làm sao tôi chuộc hết lỗi lầm
Làm sao tôi thanh thản tâm hồn, xuôi đôi tay đi giữa hừng đông…
Cho tôi như khúc ca bay đi xa rất xa, cho tôi được cám ơn cuộc đời,
Cho tôi được sống trong tim người bằng những lời ca…
Nếu chỉ còn một ngày để sống, muộn màng không lời hối lỗi chân thành
Buồn vì ai ? Ta làm ai buồn ? Xin bao dung, tha thứ vì nhau…
Nếu chỉ còn một ngày để sống, chợt nhận ra cuộc đời quá đẹp
Phải chăng ta có lúc vội vàng, nên ra đi chưa được bình an…”
Đúng vậy, cuộc sống này quả thật quá mong manh. Thế còn bạn, bạn sẽ làm gì… nếu như bạn chỉ còn một ngày để sống ?
HOÀNG THANH