Nâng điểm thi THPT: Ông Nhạ ‘không thể không chịu trách nhiệm’

Nâng điểm thi THPT: Ông Nhạ ‘không thể không chịu trách nhiệm’

From: BBC

  • 20 tháng 7 2018
Tệ nạn thi cử sẽ khiến "người trẻ không còn niềm tin vào sự công bằng và những điều tốt đẹp, nuôi dưỡng và thúc đẩy tệ nạn quen biết, chạy chọt trong mọi lĩnh vực"
Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Tệ nạn thi cử sẽ khiến “người trẻ không còn niềm tin vào sự công bằng và những điều tốt đẹp, nuôi dưỡng và thúc đẩy tệ nạn quen biết, chạy chọt trong mọi lĩnh vực”

Vụ bê bối nâng điểm ở Hà Giang vừa có thêm nhiều diễn biến mới khi phó phòng khảo thí Vũ Trọng Lương đã bị bắt và khởi tố sáng 20/7, theo truyền thông trong nước.

Thêm vào đó, thêm nhiều tỉnh thành như Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình, Điện Biên và Kontum cũng đang bị nghi ngờ có vấn đề về điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Sau khi vụ việc gây ra nhiều bức xúc trong dư luận nhiều ngày qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ hôm 19/7 đã lần đầu tiên lên tiếng về vấn đề.

Sửa điểm ở Hà Giang và thi cử ở Việt Nam

Gian lận điểm thi ở Hà Giang: Khởi tố hình sự

Ông Nhạ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ chấm thẩm định để “trả lại công bằng cho học sinh”, theo báo An ninh Thủ đô.

“Nếu phát hiện sai phạm sẽ kiên quyết xử lý, đồng thời phối hợp với cơ quan Công an khẩn trương làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật,” ông Nhạ nói.

Ông Nhạ nói với các lãnh đạo Ban chỉ đạo thi THPT rằng phải “đưa ra khỏi ngành” các giáo viên, cán bộ vi phạm và “xử lý nghiêm” các thí sinh bị sai phạm.

“Chúng ta quyết tâm làm nghiêm túc để trả lại công bằng cho học sinh, niềm tin cho nhân dân đối với một kỳ thi mà chính học sinh, phụ huynh, giáo viên và nhân dân đã ủng hộ và đồng hành; không có vùng cấm,” ông Nhạ cũng là Trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia cho biết.

Theo báo Zing, sau khi rà soát điểm thị tại Hà Giang, hôm 17/7 tổ tranh tra của bộ đã phát hiện 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi trắc nghiệm có tổng điểm công bố chênh lệch hơn 1 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Nhiều thí sinh chênh đến hơn 20 điểm, thậm chí có thí sinh chênh đến 29,95 điểm – gần như được cộng tối đa điểm trên ba môn.

Điểm ở các tỉnh lẻ như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình cao 'đột biến' so với trước đây
Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Điểm ở các tỉnh lẻ như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình cao ‘đột biến’ so với trước đây

Ông Nhạ ‘không thể không chịu trách nhiệm’

Tiến sĩ Vũ thị Phương Anh, một nhà nghiên cứu giáo dục độc lập nói bà không ngạc nhiên về vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang, “vì tình trạng gian lận và thiếu trung thực đã tồn tại nhiều năm nay ở dưới nhiều hình thức khác nhau trong nền giáo dục của Việt Nam.”

“Tôi tin rằng việc nâng điểm tại Hà Giang và các địa phương khác nếu có – chắc chắn phải có sự can thiệp của phụ huynh. Thậm chí, tôi cho rằng có thể có tình trạng có em được/bị nâng điểm mà không không thực sự cần và cũng không biết (hoặc không biết rõ, cụ thể) mình đã được nâng.

“Bởi, tâm lý chung của rất nhiều phụ huynh Việt Nam là can thiệp khá sâu vào cuộc đời của con cái, với suy nghĩ đơn giản là ‘giúp đỡ các em đạt được những điều tốt nhất trong điều kiện mà cha mẹ có thể làm’.

“Và điều mà các phụ huynh có thể làm trong trường hợp ở Hà Giang là can thiệp vào quá trình thi cử để con cháu mình đạt được điểm số trong mức an toàn để có thể vào được các trường đại học đã chọn.

Tiến sĩ Phương Anh nói cho BBC biết rằng hệ lụy của tình trạng này là làm mất cơ hội của những người thực sự có năng lực.

“Người trẻ không còn niềm tin vào sự công bằng và những điều tốt đẹp, nuôi dưỡng và thúc đẩy tệ nạn quen biết, chạy chọt trong mọi lĩnh vực, và tạo ra tình trạng bát nháo, vô pháp trên toàn xã hội.”

“Tôi nghĩ, là người đứng đầu ngành giáo dục, ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục không thể không chịu trách nhiệm về những việc đã xảy ra. Ở các nước tiên tiến, một vụ scandal như năm nay có thể đã dẫn đến việc Bộ trưởng Bộ Giáo dục từ chức.

“Nhưng ở VN không có truyền thống tương tự như vậy, vì mọi vị trí trong bộ máy nhà nước đều do Đảng quyết định.”

Năng lực không chỉ dựa vào một tờ giấy

Bà Phương Anh đề nghị cần phải có một cơ chế “kiểm soát và cân bằng” để tránh những tiêu cực tương tự vụ Hà Giang.

“Theo đó quyền lực phải được phân tán ra thay vì tập trung vào một chỗ như hiện nay. Thay vì để cho Bộ Giáo dục toàn quyền quyết định mọi nội dung, quy trình, phương pháp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay, đã có nhiều người đề nghị bỏ hẳn kỳ thi tốt nghiệp, mọi học sinh hoàn tất chương trình đều được xét tốt nghiệp và bằng tốt nghiệp do Hiệu trưởng các trường ký – tôi nghĩ đây cũng là một giải pháp cần xem xét.

“Cuối cùng thì năng lực của người học phải được chính thị trường lao động quyết định, chứ không thể được chứng nhận bởi những tờ giấy do hệ thống cấp ra mà không ai có thể kiểm soát để biết được chất lượng thực sự là như thế nào.”

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay