Nạn nhân chiến tranh VN lên tiếng về bức ảnh bé trai Syria chết đuối
Bà Kim Phúc và phóng viên Nick Út đứng trước bức ảnh ’em bé naplam’
LHQ: Khủng hoảng người tị nạn là ‘thời khắc định hình’ cho châu Âu
- Xác định được danh tính bé trai nằm chết trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ
- Ảnh bé trai Syria chết đuối sẽ giúp thay đổi cục diện giống ‘em bé napalm’?
07.09.2015
Bà Kim Phúc, bé gái trong bức ảnh do nhiếp ảnh gia Nick Ut của hãng AP chụp năm 1972 vào lúc cao điểm của chiến tranh Việt Nam, nói bà hy vọng cái chết của bé trai người Syria sẽ làm ‘cả thế giới thức tỉnh’.
Hãng tin CBC của Canada tường thuật rằng bà Kim Phúc phát biểu như vậy tại Winnipeg hôm qua, Chủ nhật, khi bà đến Nhà Thờ Baptit Grant Memorial để ký tên sách “Girl in the Picture – Cô gái trong bức Ảnh”.
Tại buổi sinh hoạt này, bà Kim Phúc nhắc tới tình cảnh hàng ngàn người tỵ nạn Syria và những hành động tội ác đã buộc họ phải rời bỏ quê hương ra đi tìm đường sống.
Từng là chủ đề của tấm ảnh được ’em bé napalm’ được thế giới biết đến, được cho là đã có tác động tới công luận quốc tế về chiến tranh Việt Nam, bà Kim Phúc nói tấm ảnh chụp xác của Alan Kurdi, cậu bé 3 tuổi người Syria, trôi giạt vào một bờ biển ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã đặc biệt gây tiếng vang nơi bà, vì bà từng có kinh nghiệm về tác động mà những bức ảnh chụp các thảm hoạ có thể có đối với lịch sử.
Bà Kim Phúc chỉ mới 9 tuổi khi nhiếp ảnh gia Nick Ut chụp tấm ảnh một bé gái không quần áo với nét mặt kinh hoàng, vừa chạy vừa la hét sau khi bị bỏng bom Napalm trong chiến tranh Việt Nam năm 1972. Từ đó, Kim Phúc đã trở thành một biểu tượng sống của những thảm cảnh chiến tranh.
Nhiều sử gia cho rằng tấm ảnh của nhiếp ảnh gia Nick Ut, chụp 5 đứa trẻ Việt Nam chạy sau một cuộc tấn công bom napalm đã khơi dậy cho phong trào phản chiến. Tấm ảnh mang đã giúp Nick Ut đoạt Giải Pulitzer về ảnh phóng sự năm 1973.
Nghệ sĩ Ấn Độ Sudarsan Pattnaik tạo ra một tác phẩm trên cát ở bãi biển Puri miêu tả cậu bé chết đuối người Syria Alan Kurdi.
Hãng tin CBC tường thuật về phản ứng của bà Kim Phúc khi xem bức ảnh của bé trai Syria nói rằng bà đã khóc rất nhiều khi xem tấm ảnh, và tự hỏi “tại sao lại có nhiều đứa trẻ vô tội phải chết như thế. Tôi hy vọng là bức ảnh này sẽ làm cả thế giới thức tỉnh.”
Nay định cư ở Canada, bà Phan Thị Kim Phúc góp tiếng cùng với nhiều tiếng nói khác, kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hãy làm việc với nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng tỵ nạn Syria.
Bà Kim Phúc nói bà hy vọng quê hương thứ hai của bà là Canada, và các nước khác trên khắp thế giới sẽ mở rộng vòng tay và mở cửa biên giới để đón nhận người tỵ nạn Syria.
Theo CBC, Thanh Nien.