Mưu sinh bên hè phố

nguồn:   VOA

Cụ Tứ, 83 tuổi, bơm bong bóng ở thành phố Nam Định cho biết: “Được vài ba chục ngàn, năm chục, hôm nào đắt hàng thì được một trăm ngàn. Già rồi, hết sức rồi, làm được đồng nào ăn đồng đó. Tôi đi từ sớm, tầm 5 giờ chiều, đến 8 giờ, đến 9 giờ tối về.”

Được vài ba chục ngàn, năm chục, hôm nào đắt hàng thì được một trăm ngàn. Già rồi, hết sức rồi, làm được đồng nào ăn đồng đó.

 

Tại Việt Nam hiện nay, những người già chưa đủ 85 tuổi, nếu không có người thân, phải tự bươn bả kiếm sống qua ngày. Từ 85 tuổi trở lên, mỗi tháng được trợ cấp 180 ngàn đồng, tương đương 8 đô la. Và họ cũng phải bươn bả kiếm sống như thường, nhưng bớt sợ đói hơn một chút vì có thể mua gói mì tôm, ký gạo để cầm hơi.

Một góc ngã tư đường trước công viên nhà thờ Nam Định là nơi kiếm cơm mỗi ngày của cụ Tứ. Gian hàng bóng hơi xanh, tím, đỏ, vàng nuôi sống đôi vợ chồng già trên tám mươi tuổi.

“Tôi thì ăn cơm với ít lạc, vừng thôi, trộn vào là ăn, không cần chan nước gì cả. Nhưng nhà tôi thì phải làm ít nước chan, ông ấy không còn răng, không thể nhai,” cụ Tứ nói.

Làm việc tùy vào thời tiết, đó là tất cả những gì đặc trưng của những nghề như đánh giày hay bơm bong bóng. Thường thì mùa mưa, thu nhập từ việc đánh giày và bơm bong bóng xuống đến mức thấp nhất, không đủ để mua hai dĩa cơm bình dân mỗi ngày.

Anh Vinh cho biết: “Trung bình mỗi ngày được đánh được hai mươi đôi. Có ngày nhiều ngày ít, tùy vào đầu năm hay cuối năm. Mùa hè thì ít, mùa đông thì nhiều. Vì mùa hè người ta ít đi giày, mùa hè người ta đi dép nhiều.”

Công việc đánh giày, bán vé số, bơm bong bóng, bán chổi, lượm ve chai, bán hàng rong các loại có mặt ở hầu hết các tỉnh thành Việt Nam.

Thành phố càng lớn thì lực lượng lao động này càng lớn. Mỗi thành phố lớn như một chiếc xe buýt chật kín, người người chen chúc với nỗi lòng ‘thị dân hạng hai’ kiếm cơm qua ngày. Và ranh giới giàu-nghèo trong xã hội ngày càng cách biệt rõ rệt.

Được xem 2 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay