LUẬT CỦA ĐẠO CHÚNG TA LÀ LUẬT “YÊU THƯƠNG”

LUẬT CỦA ĐẠO CHÚNG TA LÀ LUẬT “YÊU THƯƠNG”

Tác giả: Jos.Vinc. Ngọc Biển
nguồn: conggiaovietnam.net

“Yêu mến anh em, là sống chu toàn giới
luật. Yêu mến người lành và yêu thương kẻ gian ác, chính do tình yêu mà chúng
ta được cứu độ, thành con Chúa Trời và thành bạn hữu Chúa Kitô”. Đây là lời bài
hát mà có lẽ ai cũng thuộc vì nó được lặp lại nhiều lần trong Mùa Chay.
Đây cũng chính là lệnh truyền của Đức Giêsu cho các môn đệ, đồng thời cũng là
lời mời gọi cho những ai đang bước theo Đức Giêsu trên lộ trình cứu độ.

Qua bài viết này, người viết sẽ trình bày cách
tiệm tiến để làm sáng tỏ đâu là luật yêu thương thời Cựu ước. Đồng thời, cũng
đi xa hơn để làm nổi bật lên tinh thần yêu thương của Tân ước qua khuôn mặt một
vị Thiên Chúa giàu tình thương tới hết mọi người, Ngài cho mưa trên người lành
cũng như kẻ dữ. Thiên Chúa ấy được hiện tại hóa nơi Đức Giêsu và giáo huấn của
Ngài khi nói về luật yêu thương, đồng thời cũng cho thấy tinh thần đó được Giáo
hội sống và rao giảng như thế nào? Tất cả nhằm làm toát lên tính đặc thù, cốt
thiết của Kitô Giáo.

I. Một Số Quan Điểm Trong Cựu Ước Nói về Yêu
Thương

Cựu ước đã nhiều lần nói về luật yêu thương:“Ngươi
không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi
phải yêu đồng loại như chính mình.”
(Lv 19,18). Trong sách Huấn Ca, tác giả
cũng dạy không được oán hờn, giận giữ anh em mình, vì nếu thù ghét đồng loại
mình và không tha thứ cho nhau thì không xứng đáng được Chúa tha thứ cho mình.
Như thế, tác giả lại còn đi xa hơn để nhắc về ngày tận số của mỗi người, nếu
muốn được Thiên Chúa tha thứ cho mình, thì cũng phải sẵn sàng tha thứ cho nhau
(x. Hc 28,1-9). Những tấm gương nổi bật của lòng bao dung vị tha, phải kể đến
tình yêu của Giuse đối anh em của ông, mặc dù đã bị anh em mình bán sang Ai
cập, nhưng khi có nạn đói hoành hành, ông đã sẵn sàng ra tay nâng đỡ cha già và
anh em. Một khuôn mặt khác cũng không thể không nhắc đến, đó là Vua Đavít đối
với những ác ý của Saun.[1]

Tuy nhiên, theo quan niệm của người Do thái,
yêu tha nhân là những người đồng chủng, đồng bào, nghĩa là chỉ người Do thái.
Còn tất cả mọi người khác là ngoại bang, là kẻ thù, không được thương mà cũng
không được giúp. Ngược lại, còn khuyên tránh xa, và nếu cần có thể giết nữa (x.
Đnl 20,13-17; 23,4-5; 25,17-19). Người Do thái từ chối mọi liên đới với người
không cắt bì, vì cho rằng họ không có bổn phận gì về đức công bằng với người
ngoại. Có thể đánh lừa, ăn trộm, mà không phải áy náy gì hết.

Ngày xưa dân Do thái cũng như dân ngoại đối xử
với nhau quá mức trong việc trả thù. Ví dụ: Cain báo thù 7 lần, Lamek báo thù
70 lần 7 (x. St 4,17-24): vì bị thương, ta giết một người; ta trầy da, một nam
nhi toi mạng (Kn 4,23-24). Nhưng khi luật báo thù ra đời, luật này qui
định một hình phạt tương đối với thiệt hại đã gây ra. Mắt đền mắt, răng đền
răng, luật ấy đã trở thành một phần nhỏ của đạo đức Cựu ước. Trong Cựu ước luật
ấy được đề cập không dưới ba lần:“Còn nếu có sự thiệt hại chi, thì ngươi sẽ
lấy mạng đền mạng, lấy mắt đền mắt, lấy răng đền răng, lấy tai đền tai, lấy
chân đền chân, lấy phỏng đền phỏng, lấy bầm đền bầm, lấy thương đền thương”
(Xh
21,23-25). “Khi người nào làm thương tích cho kẻ lân cận mình, thì người ta
phải làm thương tích cho người đó lại như chính người đó đã làm…Người ta sẽ làm
cho người ấy đồng một thương tích như người ấy đã làm cho người khác”
(Lv
24,19-20). “Mắt ngươi chớ có thương xót, mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng
đền răng, tay đền tay, chân đền chân”
(Tl 19,21).

Như thế, ta thấy luật Cựu ước là một luật đem
lại công bằng cho người đồng loại, nhưng được phép báo oán kẻ thù của mình. Còn
đến thời Tân ước thì sao? Chúng ta xem Đức Giêsu đến, Ngài dạy
gì?

II. Đức Giêsu Dạy và Sống Luật Yêu Thương

Trong Tân ước: Đức Giêsu đã tuyên bố Ngài đến
không phải để phá bỏ luật cũ nhưng đến để kiện toàn nó, làm cho nó nên hoàn hảo
hơn. Vì thế, theo giáo huấn của Đức Giêsu về luật yêu thương tha nhân, thì sự
bao dung đại lượng còn phải đi tới chỗ yêu thương cả thù địch nữa.

Luân lý của người Do thái xưa chỉ buộc yêu
thương những người gần gũi, nghĩa là những người đồng chủng, đồng bào, đồng tín
ngưỡng với mình. Nhưng nay Đức Giêsu dạy phải yêu thương hết mọi người, vì mọi
người là anh em với nhau. Đức Giêsu đã phán: Các con cũng đã nghe dạy rằng: “Hãy
yêu thương tha nhân, và ghét thù địch”
. Còn Thầy, Thầy bảo các con: “Các
con hãy yêu thương thù địch và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con”
(Mt
5,43-44). Rõ ràng, Đức Giêsu đã xóa bỏ nguyên tắc “ăn miếng trả miếng”.
Ngài đòi hỏi các môn đệ phải khước từ báo oán, phải tha thứ, yêu thương và cầu
nguyện cho kẻ thù nữa[2].
Trong Tin Mừng, chúng ta cũng thấy Đức Giêsu đã mở lối thoát cho nhưng ai bị
người đời giam hãm cách tuyệt vọng trong tội hay trong những khuyết điểm của
họ. Như với cây vả không có trái mà người ta muốn đốn nó đi, Đức Giêsu yêu cầu
hoãn lại một thời gian nữa và tận tâm chăm sóc nó nhiều hơn. “có lẽ nó sẽ có
trái…”
(x. Lc 13, 6-9). Đối với người phụ nữ bị các Luật sĩ và Biệt
phái giam hãm trong tội ngoại tình của bà và kết án tử hình, Đức Giêsu vạch ra
một con đường hy vọng, con đường sống: “Chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội
nữa”
(x. Ga 8,11)[3].
Khi Đức Giêsu nói như thế, Ngài dạy cho các môn đệ và những người nghe Ngài một
bài học về một tình yêu không biên giới, một tình yêu kiên nhẫn, khi nói “Các
con hãy yêu thương thù địch và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con”
(Mt
5,43-44). Khi Phêrô hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, khi anh em lỗi phạm đến
con, thì con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có tới bảy lần chăng”:
Đức Giêsu
đáp: “Thầy không nói là bảy lần, nhưng là tới bảy mươi lần bảy”
(Mt 18, 21-22). Ngài nói tiếp: “Nếu mỗi ngày, anh em con xúc phạm đến
con tới bảy lần, và bảy lần nó trở lại với con mà nói: Tôi hối hận thì hãy tha
cho nó”
(Lc 17, 4). Xa hơn nữa: “Khi con đang dâng của lễ nơi
bàn thờ mà sực nhớ người anh em lỗi phạm đến con, thì hãy để của lễ lại đó, đi
làm hòa với người anh em trước đã rồi bấy giờ trở lại dâng của lễ của con”
(Mt 5, 23-24).

Điều đó quả thật không dễ! Khó, nhưng cần
thiết biết bao, vì “tha thứ và xin thứ tha tạo ra một phẩm chất mới
trong quan hệ giữa người với người, bẻ gãy xiềng xích tội lỗi trói buộc trong
tâm tư những người thù hận nhau… không có con đường nào khác hơn là tha thứ
và xin thứ tha”
[4].
Thánh Công đồng Vat. II cũng nhấn mạnh luật yêu thương khi nói: “Giáo Huấn
của Đức Kitô còn đòi ta phải tha thứ những xúc phạm và mở rộng luật yêu thương
tới mức kể luôn cả những kẻ thù của mình nữa”
(Mv 28). Tuy nhiên, cũng
trong đoạn văn ấy, Công đồng lưu ý ta phải phân biệt giữa tội và người có tội.
Ghét tội, nhưng không được ghét kẻ có tội,  phải tìm cách giúp đỡ họ vượt
ra khỏi tình trạng tội lỗi. Như vậy, Công đồng cũng lấy lại tinh thần của Đức
Giêsu để hướng dẫn hành động cụ thể về việc yêu thương qua những cử chỉ rõ ràng
như: giao tiếp, giúp đỡ, bác ái, cầu nguyện…nếu người môn đệ Đức Giêsu chỉ yêu
thương những người đồng đạo thì chưa phải là một môn đệ đích thực. Người đời họ
cũng làm như thế: “Ta bảo các người: nếu đức công chính của các ngươi không
vượt hẳn các Ký Lục và Biệt Phái, các người sẽ không được vào Nước Trời

(Mt 5,20). Ngài đã đi một bước xa hơn để diễn tả một tình yêu không phân biệt
bạn và thù, để hướng tới mọi người ở mức độ tuyệt đối. Bởi vì mức độ của tình
yêu là yêu không mức độ.[5]

III. Yêu Thương Kẻ Thù là Đi Vào Trong Tình Yêu
Thiên Chúa và là Điểm Sáng Của Người Kitô

“Hãy yêu kẻ thù” là giáo huấn độc đáo
nhất của Đức Giêsu. Người đã cắt nghĩa rất cụ thể. Yêu thương kẻ
thù là :- Làm ơn cho kẻ ghét mình.

– Chúc phúc cho người nguyền rủa mình.

– Cầu nguyện cho kẻ vu khống mình.

– Ai vả má nầy thì đưa cả má kia.

– Ai lột áo ngoài thì cho cả áo trong.

– Ai lấy gì thì đừng đòi lại…

Lý do của thái độ nhân ái, lòng yêu thương bao
la ấy, là con cái phải noi gương Thiên Chúa là Cha ngự trên trời “Người
làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, làm cho mưa xuống trên
kẻ lành cũng như người bất lương…”

“Yêu thương kẻ thù” là một nghĩa cử anh hùng, một nỗ lực vượt
thắng tình cảm tự nhiên, vượt trên phản ứng thường tình của con người.
“Yêu thương kẻ thù”
là bước vào thế giới siêu nhiên của con cái
Chúa, sống nhân hậu và hoàn thiện như Cha trên trời.

Khi dạy “Hãy yêu kẻ thù”, Đức
Giêsu không có ý cổ võ sự nhu nhược, nhát đảm nhưng là đề nêu cao tinh thần
khoan dung hiền từ quảng đại tha thứ.

“Hãy yêu kẻ thù”, đó là lệnh truyền khó thi hành nhất trong các
lệnh truyền của Đức Giêsu. Chính Ngài đã làm gương khi xin Chúa Cha tha thứ cho
những kẻ hành hạ, đóng đinh mình trên thập giá “lậy Cha, xin tha cho họ vì
nó lầm chẳng biết
”. Chính hành vi cao cả này đã thể hiện trọn vẹn tình yêu
của Thiên Chúa. Đó cũng là nét cao quý nhất trong dung mạo Đấng Cứu Thế. Người
đến để yêu thương và cứu chuộc con người. Người đến để tha thứ và đem lại cho
con người cơ may hầu sám hối và canh tân.

Như vậy Đức Giêsu mở ra con đường mới cho nhân
loại. Con đường lấy thiện thắng ác, lấy tình yêu vượt thắng hận thù. Chỉ có yêu
thương mới làm cho thù hận tiêu tan.

Giới răn của Đức Giêsu “Hãy yêu thương kẻ
thù”
là một sự từ bỏ triệt để bạo lực. Thay thế tình yêu cho thù hận là một
việc khó khăn nhất trên đời. Ý tưởng ấy rất cao và rất khó nhưng nó tạo nên ý
nghĩa.

Là những Kitô hữu, chúng ta đứng về phía bất
bạo động. Tuy nhiên đó không phải là một chọn lựa cho sự nhu nhược hay thụ động
leo thang, nhưng chọn lựa bất bạo động có nghĩa là tin tưởng mạnh mẽ vào sức
mạnh của chân lý, của công bằng và tình yêu hơn là sức mạnh của chiến tranh, vũ
khí và hận thù… Chúng ta phải cố gắng dùng điều tốt nhất để đáp lại điều xấu
nhất.

Là những Kitô hữu, chúng ta phải cố gắng học
theo lòng quảng đại của Thiên Chúa, sẵn sàng tha thứ, không đòi trả thù và oán
hận chống lại người khác.

Khi đến trần gian, Đức Giêsu đã mang ơn cứu độ
từ trời xuống cho nhân loại, nhưng ơn cứu độ này lại được ban cách ưu tiên cho
kẻ tội lỗi như Ngài đã nói: Ta đến không phải để kêu gọi người công chính, mà
là kêu gọi người tội lỗi [6].
Dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu đã làm nên sự nổi bật của Kitô giáo. Như vậy, nếu
các Kitô hữu không cố gắng bắt chước tình yêu không phân biệt của Thiên Chúa,
họ sẽ không tốt hơn những người khác.

Chính sự tha thứ sẽ giải phóng con người, còn
nếu nuôi lòng hận thù báo oán thì con người sẽ chuốc lấy sự đau khổ. Khi chúng
ta ghét kẻ thù là chúng ta cho họ quyền áp đảo chúng ta.

Nói cách khác, viên đạn căm thù chỉ có thể làm
thương tổn kẻ thù chúng ta sau khi đã xuyên qua thân xác chúng ta trước. Khi
nuôi trong mình sự trả thù thì đồng nghĩa với việc ta đào thêm một cái hố nữa
để chôn chính ta. Người Hy Lạp cổ thường ví von như sau: “Người khôn ngoan
thà chịu đựng sự ác hơn là làm điều ác”.
Chúng ta biết chỉ một mình Thiên
Chúa là Đấng hoàn thiện, tốt lành vô cùng, chúng ta không thể trọn hảo như Ngài
được. Nhưng chúng ta phải nên trọn lành như ý Ngài muốn, theo mẫu gương thánh
thiện của Ngài, là Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ
dữ.

Đỉnh cao của lời mời gọi yêu thương đó là lời
nguyện tha thứ của Đức Giê su trên Thập Giá: “lậy Cha, xin tha cho chúng, vì
chúng không biết việc chúng làm
” tinh thần ấy đã thúc đẩy tình yêu
đến mức độ anh hùng: đặc biệt là tha thứ cho kẻ thù và lấy ân báo oán. Như vậy “Các
con sẽ là con Cha trên trời, Đấng cho mặt trời chiếu soi kẻ dữ cũng như người
lành, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương”
.

Cuối cùng, yêu thương tha thứ phải được định
hướng bởi sự thật. Không có sự thật thì tình thương trở thành mù quáng. Yêu
hoa, không có nghĩa là yêu luôn cả những con sâu ẩn núp trong những cánh hoa.
Đức ái Kitô Giáo đòi hỏi phải đấu tranh tích cực để khử trừ tội ác và cứu vớt
con người , biến kẻ thù thành anh em, biến con người thành con Chúa. Đây là một
lý tưởng cao đẹp, nhưng cũng phải phấn đấu hằng ngày.

Tóm lại, qua bài viết trên, người viết muốn
trình bầy tổng quát về luật yêu thương của thời Cựu Ước. Dần dần, luật đó được
đề cao và tiến xa hơn trong thời Tân Ước, khi nói phải yêu thương cả kẻ thù,
làm ơn và cầu nguyện cho những người ngược đãi   mình nữa. Luật đó đã
chi phối toàn bộ con người và sứ mạng cứu độ của Đức Giêsu. Đồng thời cũng là
điều kiện cần phải có của những người môn đệ Đức Giêsu trên lộ trình đón nhận
và loan truyền ơn cứu độ. Chính vì thế, “yêu mến kẻ thù là luật căn bản của
Đạo chúng ta”


Jos.Vinc. Ngọc Biển


[1] Tủ Sách Chuyên Đề, Thần Học Luân Lý Chuyên Biệt, tập
2, tr.40.

[2] Sđd. tr. 40-41.

[3] Th. REY-MERMET, C.SS.R. Tin, Nhãn quan mới về luân
lý, quyển 1, tập 1, tr.227.

[4] Lời khai mạc ngày tha thứ tại Quảng Trường Thánh Phê rô,
nhân dịp năm thánh 2000 của Đức Gioan Phao lô II.

[5] Th. REY-MERMET, C.SS.R. Tin, Nhãn quan mới về luân
lý, quyển 1, tập 1, tr. 102.

[6] Th. REY-MERMET, C.SS.R. Tin, Nhãn quan mới về luân
lý, quyển 1, tập 1, tr. 114.

Tác giả: Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay