LÒNG XÓT THƯƠNG

LÒNG XÓT THƯƠNG

 Lm. VĨNH SANG, DCCT

 EPHATA 689

 Chiều nay tôi có việc đến thăm một gia đình sống trong khu “ổ chuột”, con đường giao thông trong khu vực quanh co bí hiểm, lối di chuyển chỉ vừa hơn một chiếc xe hai bánh, khi hai xe đối đầu thì một xe phải dừng lại nghiêng một bên để nhường xe kia đi qua, tiếng máy xe nổ vang do dội âm từ hai bức tường đối diện. Bề bộn trên con hẻm là những vũng nước, những chai lọ và những rác rưởi lặt vặt. Dân cư sống trong khu vực đến từ nhiều nơi có thể gọi là “giang hồ tứ chiếng” ( bốn phương sông nước), dĩ nhiên khu vực ấy chỉ dành cho những người nghèo, đáp ứng những khả năng và nhu cầu tối thiểu của người nhập cư vào thành phố.

Bất ngờ khi tôi ngồi ngoài hiên ngôi nhà tôi muốn thăm, một người đàn ông đến gần xin gặp, tôi không xa lạ gì anh vì đã đôi ba lần gặp nhau, nhưng trong những dịp ấy tôi chưa bao giờ nói chuyện với anh, tôi có biết đôi chút về anh qua những người quen khác, sau này tôi biết thêm qua mạng Facebook nhờ những hoạt động của anh. Xuất thân từ giới giang hồ của thành phố, anh sống đời dọc ngang, dĩ nhiên là trong giới anh chị, anh có nhiều thành tích và nổi tiếng gan lì khi đối đầu với cảnh sát.

Thế rồi cách đây hai năm, anh tập tành chơi Facebook, mạng thông tin đã nhanh chóng biến đổi anh, những tấm gương sống hy sinh trên Facebook, những câu chuyện về những người sẵn sàng dấn thân được kể trên Facebook, những sự thật phũ phàng trong xã hội ở “thượng tầng kiến trúc”, tất cả đã tác động lên anh, từ một tay anh chị, anh trở thành người thao thức và trăn trở với tình thương, sự thật và công bằng. Anh đã tâm sự với một người bạn rằng anh muốn theo đạo Công Giáo vì khi dấn thân xã hội anh tìm được điểm tựa đáng tin cậy.

Câu chuyện anh nói với tôi chiều nay làm tôi băn khoăn suy nghĩ. Trong một lần đi về một vùng quê miền Bắc, anh gặp một em bé bị hư thận, nhà rất nghèo, căn bệnh đe dọa tính mạng của em, anh cưu mang em bé này vào thành phố. Các xét nghiệm y khoa cho thấy anh và em bé này có những tương đồng để có thể cho và nhận thận của nhau, anh quyết định hiến một trái thận cho cháu. Anh nói với tôi rằng anh quá nghèo nên kêu gọi bạn bè của anh mỗi người giúp một tay chi trả chi phí cho ca ghép thận, anh không xin tôi tiền nhưng anh xin tôi cầu nguyện và nâng đỡ, ủng hộ anh trong việc này, anh bảo với tôi rằng:

“Con chỉ cần cha ủng hộ và nâng đỡ con là con đủ sức mạnh rồi !”

Chiều hôm qua khi tập thể dục ở Nhà Dòng, tôi theo dõi bộ phim “Vết Sẹo” để quên thời gian, khúc phim kể về nỗi đau của một bà vợ trẻ miền quê, chị khám phá ra quả thận mà chị hiến cho chồng đã bị anh ta giả vờ đau thận, đánh lừa vợ để chuyển cho người tình của anh ta ! Còn chiều nay thì tôi lại gặp một người nghèo hiến thận vì tình thương vô vị lợi. Tôi băn khoăn suy nghĩ vì một người nghèo nhưng giàu lòng nhân ái, dám hy sinh cả mạng sống mình vì tình thương, dám sống lòng thương xót một cách cụ thể.

Trong lá thư Mùa Chay 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với chúng ta rằng “Chỉ khi chúng ta cảm nhận được Lòng Thương Xót của Chúa, chúng ta mới có khả năng sống lòng nhân ái với nhau”. Vậy có thể nói được rằng, khi một người vì Danh Chúa mà dám sống lòng nhân ái với người khác, đó là con người đã chạm được chính Lòng  Thương Xót của Ngài. Hoặc có thể nói là người Kitô hữu mà không sống lòng nhân ái với anh em, thì đó là dấu chỉ con người ấy chưa chạm được vào Lòng Thương Xót của Chúa. Có lắm khi tôi đã sống vỏ bọc đạo đức, thi hành nhiệm vụ của một cán bộ công chức ngành tôn giáo, hoạt động chu toàn nhiệm vụ cần mẫn, nhưng không bao giờ cho đi cái của mình, mà chỉ nhiệt thành cho người khác cái mà mình “lạc quyên” được, rồi tâm đắc thanh thản với những thành tích hoạt động, và vênh vang với địa vị chiếu trên…

Lạy Chúa, xin biến đổi chính mình con, lạy Chúa giàu lòng thương xót.

Lm. VĨNH SANG, DCCT,

14.4.2016

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay