LÊN ÐƯỜNG

LÊN ÐƯỜNG

 LM Nguyễn Tầm Thường, S.J

Ðường là để đi. Ðường là để đi nghĩa là đường sẽ dẫn đến nơi nào đó. Bản tính của đường là để đi, nên đường không bao giờ là nơi cư trú, mà là để dẫn đến nơi cư trú. Như vậy, kẻ dùng đường làm nơi cư trú thì chẳng bao giờ đến nơi cư trú của mình. Tôi phải xác định với lòng tôi: cuộc sống hôm nay là đường đến một quê hương khác? Nếu cuộc sống hôm nay không phải là cùng đích, mà tôi lại chọn làm nơi cư trú, tức là tôi chẳng lên đường để đến nơi tôi phải đến. Lối đi hôm nay của tôi có là đáp trả tiếng gọi của Chúa? Nếu không, mà tôi chẳng lên đường theo tiếng gọi là tôi đang làm ngơ, đang cố quên đường về.

LEN DUONG

Phải rẽ lối khai quang mới thành đường đi. Sở dĩ có người rẽ lối khai quang để làm đường đi vì họ muốn đến một nơi nào đó. Nghĩa là họ muốn tìm kiếm. Như thế, trước hết, trái tim họ phải là nơi ôm ấp những ước mơ kiếm tìm. Cõi lòng họ phải là nơi ôm ấp những ước mơ kiếm tìm. Cõi lòng họ phải mở rộng cho một chân trời bước tới. Sẽ không có đường đối với kẻ không muốn tìm kiếm. Và ước mơ lên đường mà không lên đường thì cũng không thành đường đi.

– Có ai không cần tìm kiếm vì đã dư thừa?

– Có ai không cần lên đường vì đã gặp gỡ?

Ước mơ hạnh phúc là dấu hiệu hạnh phúc đang vắng mặt. Nguyện cầu cho hết phân ly là nói một cách khác họ đang khao khát được xum họp. Khổ tâm khi thấy người thương mến của mình gặp bất hạnh nghĩa là kẻ đó đang thiếu thốn, và mình cũng chẳng đủ quyền năng cho họ hạnh phúc. Khi tôi lo âu là lúc tôi có vấn đề. Ai trong cuộc sống mà lại chẳng có lúc âu lo? Tất cả đấy là những dấu hiệu giới hạn của con người, những thiếu thốn mà con người đang đi tìm.

Và như thế, ai cũng cần phải lên đường, ai cũng phải tiếp tục tìm kiếm. Ðời là cõi rộng mênh mông. Sống là đi. Mục đích là gặp điều tôi mong mỏi.

Nhưng đi về chốn nào? Trong cõi rộng mênh mông ấy, đâu là đường?

Chắc chắn không thể là tôi. Vì tôi có thể ban tặng cho mình được những gì tôi thiếu thốn thì tôi đã chẳng còn bao giờ ước mơ nữa. Nếu tôi không thể đến một nơi nào đó để lấy được những gì tôi mong mỏi, như vậy, cũng có nghĩa là tôi không thể tự làm đường đi cho mình được. Chắc chắn cũng không thể là người chung quanh tôi vì họ cũng thiếu thốn như tôi.

Vậy, ai có thể giúp tôi đạt được những điều thiếu thốn đó?

“Ta là Ðường, là Sự Thật, và là Sự Sống” (Ga 14, 6). Ðường của cuộc đời tôi đi là Chúa. Những gì tôi thiếu thốn và lo âu đều liên quan đến hạnh phúc của tôi. Khi Chúa nói Chúa là sự sống, có nghĩa Chúa là hạnh phúc tôi đang túng thiếu. Khi Chúa nói Chúa là đường, có nghĩa là để dẫn tôi tới hạnh phúc đó.

Kinh nghiệm cho thấy hạnh phúc có thể thỏa mãn những thao thức sâu kín nhất trong tâm hồn tôi không hệ tại sự giàu có, người yêu, những gì trong phạm vi trần thế. Nếu vậy thì phương cách để đạt được hạnh phúc có thể thỏa mãn tâm hồn tôi cũng không thể đến được từ trần gian. Hạnh phúc ấy thuộc về phạm vi siêu nhiên, vượt tầm sáng tạo của nhân loại. Cho nên, con đường dẫn tới hạnh phúc đó cũng phải là siêu nhiên, không thể là sản phẩm của con người. Trong ý nghĩa này, Chúa là cùng đích và cũng là phương tiện dẫn tới cùng đích. Chúa là hạnh phúc và cũng là đường dẫn tới hạnh phúc.

** *

Lạy Cha, Cha đã tỏ cho con biết Cha là đường của con. Ðường đã có rồi. Sự thật và sự sống đã có rồi. Nhưng con cần Cha dọn cỏ, mở lối cho con. Cỏ tối tăm và cỏ nguội lạnh là những giây leo rừng chằng chịt che kín lối. Và con đã không thấy đường. Cha là sự thật, nên không có loại cỏ tối tăm nào có thể che kín. Cha là sự sống nên không loại gai nào có thể làm nghẽn lối. Giây gai làm nghẽn lối, cỏ dại che kín đường không mọc ở đường đi, nhưng mọc trong chính trái tim con. “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy” (Mc 10, 51). Cha đã mở mắt và người mù đã thấy đường đi. Một lần nữa, hành động của người mù cũng lại khởi đầu bằng ước mơ: ước mơ được sáng mắt. Ðiều ấy cũng hàm nghĩa là anh ta luôn luôn muốn tìm kiếm ánh sáng. Nếu anh ta không muốn lên đường. Nếu anh ta chọn thế giới mù làm quê hương. Nếu anh ta cư trú trong thế giới bóng đêm ấy và chẳng muốn bước tới nữa thì chắc chắn anh sẽ chẳng bao giờ thấy mặt trời. Ðời anh sẽ tẻ nhạt biết bao. Ðời con cũng vậy. Con phải lên đường. Ngày nào con cũng có lầm lỗi. Ngày nào cũng có bóng đen của ghen tương, bóng đen của thèm muốn bất chính, bóng đen của lo âu thiếu tin tưởng. Ngày nào con cũng có mù lòa. Vì thế, con cần Cha mở mắt cho con hàng ngày. Và, con phải lên đường mỗi sớm mai.

* * *

Mơ ước lên đường thì bao giờ cũng đẹp. Nhưng để thực hiện lên đường lại không dễ. Những hạnh phúc đẹp chỉ dành cho những tâm hồn dám lên đường tìm kiếm. Muốn nhìn vũ trụ mênh mông phải giã từ mặt đất, cất cánh theo chim trời. Nếu con sâu cứ lặng lẽ sống dưới mặt đất với loài trùng, thì nó chẳng có lý do để oán trách sao cuộc đời chung quanh chỉ là mùi ẩm của đất, mùi mốc của cỏ. Nó phải hóa thân thành cánh bướm. Và, lúc đó người ta sẽ ngước mắt nhìn theo. Tất cả vũ trụ là của nó. “Trong tà ác tôi đã sinh ra, và đã là tội lỗi từ khi mới là thai nhi trong lòng mẹ” (Tv 51, 7). Ðó là hình ảnh tôi sinh ra trong thân phận sâu. Sinh ra trong thân phận sâu, nhưng lại không để làm sâu, mà được kêu gọi hóa thân làm bướm. “Ta đã chọn các ngươi từ giữa thế gian” (Ga 15, 19; 17, 16).

* * *

Lên đường nào cũng có giã từ, vì thế mới có ngần ngại. Càng gắn bó, lúc cách xa càng luyến nhớ. Sâu đậm bao nhiêu, lúc giã biệt sẽ nuối tiếc bấy nhiêu. Những rung cảm bất chính đã ở trong dòng máu của tôi. Bây giờ tôi phải từ bỏ. Những liên hệ không ngay lành, nhưng cho tôi thú vui trần thế. Bây giờ tôi phải cắt đứt. Lười biếng là một thứ quyến rũ như bếp lửa trong chiều đông, nó giữ chân tôi lại. Bởi, lên đường là mở cửa đi ra, ngoài kia có gió lạnh làm tôi ngại ngùng. Muốn được người ngưỡng mộ, tôi tạo ra khuôn mặt đẹp mà tâm hồn tôi không có. Bây giờ, lên đường, nghĩa là tôi phải sống thật với tôi. Trở về chấp nhận khuôn mặt nghèo nàn của mình là điều tôi không muốn. Ðể người biết khuôn mặt thật của mình là điều tôi không dám. Bước tới để thay đổi tâm hồn là một giá tôi phải trả. Là một lên đường đòi nhiều can đảm.

Những biến cố thay đổi cuộc sống của một tâm hồn trong Phúc Âm đều là những biến cố lên đường. Chúa đã dùng những hình ảnh lên đường cụ thể, lên đường bằng đôi chân bước trên cát bụi để diễn tả cuộc lên đường nội tâm. “Ði dọc theo bờ biển Galilêa, Ngài thấy Simon và Anrê dang quăng chài dưới biển. Ðức Yêsu nói với họ: Hãy theo Ta, Ta sẽ cho các ngươi là ngư phủ bắt người. Tức khắc, họ đã bỏ chài lưới mà theo Ngài. Ði xa một ít, Ngài thấy Yacôbê và Yoan em ông, cả hai đang vá lưới dưới đò. Ngài gọi họ. Và họ đã bỏ cha họ và những người làm công mà theo Ngài” (Mc 1, 16-20). Phúc Âm thuật lại, sau khi theo Chúa rồi, nhiều lần Phêrô vẫn còn thả lưới. Như vậy, đáng lẽ Chúa phải bảo Phêrô mang lưới theo kẻo mai mốt lại tốn tiền mua lưới khác. Nhiều lần Chúa phải dùng thuyền mà đi. Sao Chúa không dặn Phêrô giữ lấy thuyền vì mai mốt cả Thầy trò vẫn còn cần tới.

Họ đã bỏ lại tất cả.

Họ đã bỏ lại tất cả, phải chăng lưới mà Yacôbê đang vá lưới của những toan tính thiếu niềm tin vào Chúa, là mạng nhện đam mê gắn liền với tâm hồn tôi như áo tôi mặc. Tôi chẳng muốn bỏ. Mỗi mũi kim vá là một lần tôi níu kéo, bám theo . Phải chăng thuyền của Phêrô là những nét xấu như một thứ quê hương tôi đang sống ở trong. Tôi đang an phận với quê hương ấy?

Lạy Cha, Simon và Anrê, Yacôbê và Yoan đã lên đường. Khi nghe Cha gọi, họ đã tức khắc bỏ chài lưới mà lên đường. Không lưỡng lự. Dứt khoát. Hình ảnh của những cuộc lên đường đẹp quá. Lên đường của những kẻ muốn tung cánh trong tự do bát ngát như thập giá không chịu khuất phục sự chết. Lên đường của những bàn chân không biết mỏi khắp cánh đồng Galilêa. Lên đường không phân vân như mặt trời bình thản đẩy bóng tối lại đàng sau.

  • * *

Lạy Cha, nếu không lên đường, chắc hẳn Phêrô chẳng gặp Cha, đã không được Cha huấn luyện và tâm hồn Phêrô đã nghèo nàn lắm. Trong cuộc sống của con, Cha đã gọi. Con cũng đã lên đường, nhưng con không can đảm như Anrê, như Yacôbê. Lưới đời của con dầy mắt, những mắt lưới mà con nghĩ là sẽ bắt được nhiều cá: cá bằng cấp, cá danh vọng, cá sắc đẹp, cá giàu có, cá tình yêu. Mỗi lần bắt hụt vì lưới bị rách là con lại cặm cụi ngồi vá. Có bao giờ con đã quá chú ý cúi mặt vá lưới đến nỗi Cha đi qua, Cha gọi mà con chẳng nghe gì?

LM Nguyễn Tầm Thường, S.J

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay