Lãnh đạo đối lập Miến Điện thúc giục sửa đổi Hiến pháp

Lãnh đạo đối lập Miến Điện thúc giục sửa đổi Hiến pháp

Lãnh tụ đối lập Miến Aung San Suu Kyi trong cuộc họp báo tại lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ. Ảnh chụp tại Rangoon ngày 27/09/2013.

Lãnh tụ đối lập Miến Aung San Suu Kyi trong cuộc họp báo tại lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ. Ảnh chụp tại Rangoon ngày 27/09/2013.

REUTERS/Soe Than Win/Pool

Tú Anh

RFI

Hôm nay 27/09 tại Rangoon, Liên đoàn Quốc gia Vì Dân chủ tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm thành lập. Trước 3.000 người tham dự, lãnh đạo Aung San Suu Kyi đã yêu cầu sửa đổi bản Hiến pháp 2008, trao cho quân đội nhiều quyền hạn quan trọng.

Tu chính hiến pháp về điều khoản bầu cử ứng cử là một trong những yêu sách cốt lõi mà bà Aung San Suu Kyi nhấn mạnh trong bài diễn văn kỷ niệm 25 năm thành lập Liên đoàn Quốc dia Vì Dân chủ : « Nếu Hiến pháp không được tu sửa thì chúng ta không thể nói đất nước này đang theo con đường dân chủ. Bầu cử quốc hội năm 2015 sẽ không công bình ».

Hiến pháp 2008 vừa bảo vệ đặc quyền của quân đội, vừa ngăn chận bà Aung San Suu Ky – sau 15 năm bị tù giam và quản chế – lên lãnh đạo quốc gia. Bản hiến pháp gây tranh cãi này dành riêng cho quân đội 25% ghế dân biểu trong quốc hội và cấm không cho công dân Miến Điện tranh cử tổng thống nếu có người phối ngẫu (vợ hay chồng) là người ngoại quốc hoặc có con mang quốc tịch nước ngoài. Đây là trường hợp của bà Aung San Suu Kyi : tuy chồng là người Anh đã qua đời nhưng có hai con mang quốc tịch Anh.

Theo AFP, cũng trong bài diễn văn kỷ niệm 25 năm thành lập phong trào đối lập, đọc trước 3000 đoàn viên và dân chúng tụ tập trước trụ sở đảng ở Rangoon, khôi nguyên Nobel Hòa bình 1991 cám ơn những người cùng chia sẻ giá trị tự do dân chủ, và những sự hỗ trợ bên trong và trên khắp thế giới, giúp cho đối lập Miến Điện tồn tại suốt 25 năm qua.

Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ được thành lập vào năm 1988 sau một cuộc nổi dậy của dân chúng bị đàn áp làm 3000 người thiệt mạng. Một năm sau, trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên vào năm 1989, sau ba thập niên độc tài quân phiệt, đối lập chiến thắng lớn với 80% ghế dân biểu.

Từ chối trao trả quyền lực cho dân sự, giới tướng lãnh ra lệnh đàn áp. Bà Aung San Suu Kyi bị giam cầm và quản chế tổng cộng 15 năm cho đến khi tướng Thein Sein lên làm Tổng thống năm 2011.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay