Lâm Mạnh Di và Tình tự của một người cha, người ông
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2014-06-14
Bé Freddy Lâm Gia Nghi.
Photo courtesy of Lâm Mạnh Di
Trong dịp Father’s day năm nay, Mặc Lâm xin giới thiệu bài viết cảm động của tác giả Lâm Mạnh Di về người con trai cũng như đứa cháu nội hai dòng máu mà ông rất thương yêu. Tình tự của một người cha, người ông trong hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử Việt Nam có lẽ khiến những cung bậc tình cảm tăng theo với dòng chảy một thời buồn bã của rất nhiều gia đình. Tác giả Lâm Mạnh Di đã gửi gấm niềm xúc động của ông qua hai bài viết Tình phụ tử và Tháng 4, Những giòng chữ cho Freddy Lâm Gia Nghi.
Lâm Mạnh Di: Tôi có tất cả là 4 người con trai, và cháu Thi, đứa mà tôi đề cập trong bài viết Tình phụ tử ra đời trong một hoàn cảnh thật đặc biệt. Cháu ra đời trong một trại tỵ nạn mà lúc đó tôi còn ở lại Vũng Tàu có lẽ vì lý do đó mà tôi có một tình cảm thật đặc biệt với cháu. Nhưng tôi nghĩ trong hoàn cảnh đất nước của chúng ta thì không ít các cháu đã ra đời trong hoàn cảnh nghiệt ngã như vậy.
Tình phụ tử – Lâm Mạnh Di
Vũng Tàu khoảng 16h chiều…
Trời còn rất nóng, rất khó chịu. Một căn phòng nhỏ trên đường Nguyễn An Ninh gần ngã tư giếng nước. Phòng chứa toàn sách vở ngổn ngang, bàn ghế chẳng có gì xa xỉ. Một ông già có lẽ chưa đến 60 cặm cụi sắp sếp lại các cuốn sách cho ngăn nắp. Ông mỉm cười khi cầm cuốn Album hình ảnh gia đình ông trên tay, cứ đến mỗi trang ông xem lại lẩm nhẩm vài tiếng, chen lẫn với tiếng thở dài…
Có tiếng gõ cửa thật lớn, ông già hơi ngạc nhiên vì ông rất ít bạn bè đến thăm ông. Bạn bè thân thiết của ông hiện đang ở khắp nơi trên thế giới, nếu có về Việt Nam thăm ông đều báo trước cho ông biết…
Ông ra mở cửa và ngạc nhiên đến nghẹn ngào: “Trời ơi, con đấy à”… T. ôm bố, nước mắt dàn dụa, bằng giọng nói tiếng Việt không thành thạo…”bố ơi, con về thăm bố đây…!”
Ngày Father’s day tôi chỉ biết cầu nguyện ơn trên hãy thương xót cho dân tộc Việt Nam, thương xót cho những cháu bé trong hoàn cảnh nghiệt ngã.
-Lâm Mạnh Di
T. tên thật là Lâm Gia Thi, và ông bố chính là người đang ngồi viết những dòng chữ này…
Thi và bố gặp nhau đã nhiều lần, nhưng chưa lần nào ở Việt Nam và bất thình lình như lần này. Thi nhân cơ hội đi họp ở vùng Đông Nam Á về thăm bố và mang về cho bố đủ loại thuốc.
Bố dẫn Thi đi xem Vũng Tàu, đi mua sắm ở chợ Năm Tầng… Nét mặt Thi rạng rỡ, không còn căng thẳng như qua buổi họp, lúc nào đi bên bố cũng nhè nhẹ đấm lưng cho bố.
Thi ơi, trong những đứa con của bố, có lẽ bố thương Thi nhất. Vì ngày Thi chào đời không có sự hiện diện của bố, con chào đời trong 1 trại tỵ nạn.
Tôi dẫn Thi ra biển, những cơn sóng vỗ về, tiếng sóng và gió biển dạt dào làm tôi nhớ 1 ngày nào đó năm 1980. Tôi chỉ cho Thi nơi mẹ cùng anh Huy xuông thuyền đi vượt biên. Lúc đó Thi còn là 1 thai nhi trong bụng mẹ … Cuộc đời là tử biệt sinh ly, có ai ngờ sau 25 năm Thi lại trở về đây và đang đứng lặng lẽ bên tôi.
Thi nhìn xa xăm ra khơi, nơi có những ánh đèn chớp tắt của người đi đánh cá đêm. Tôi bắt gặp những giọt nước mắt chảy trên má Thi mà thương con vô cùng.
Hai bố con ngồi với nhau trên bãi biển, chẳng để ý đến thời gian qua mau… Có lẽ buổi tối hôm đó là ngày sinh nhật đẹp nhất đời tôi, chỉ có 2 bố con ngồi cô đơn nghe sóng biển, nghe đời mình như những cơn mơ…
Năm giờ sáng tài xế đến Vũng Tàu để đón Thi trở lại Sài Gòn, Thi có kể cho tôi biết về dự án mà Thi có trách nhiệm. Và Thi đã quyết định làm việc tại Việt Nam 1 thời gian. Lý do duy nhất cho quyết định này là chỉ để được gần bố.
Thương con quá …!
Lâm Mạnh Di: Hôm nay các con tôi đã trưởng thành và tôi cũng hạnh phúc được thành ông nội của ba đứa cháu thật ngoan và hiền. Có cháu mang hai dòng máu Việt và Mỹ. Đương nhiên về tuổi già khi nhìn thấy con cháu như vậy thì tôi cũng rất hạnh phúc và có đôi chút nào đó tự hào…
Tháng 4 – Những giòng chữ cho Freddy Lâm Gia Nghi
Hình minh họa. AFP PHOTO.
Hơn 30 năm về trước, bà Nội con lũ lượt theo giòng người bỏ xứ ra đi, mang theo bố con trong bụng, một thai nhi vừa đươc vài tháng, và bác Huy của con lúc đó vừa tròn 7 tuổi.
Lần đầu tiên trong đời ông mới biết thế nào là đau khổ của sự chia ly. Có lẽ dùng chữ đau đớn mới đúng. Ví ai biết được có còn ngày tao ngộ?
Và ông cũng chẳng ngờ, trong đời ông lại có 1 đứa cháu nội mang 2 giòng máu, đứa cháu nội thật xinh, có cặp mắt to với hàng lông mi cong vút. Mỗi lần con theo cha mẹ con về thăm ông, dẫn con ra đường chẳng ai biết là 2 ông cháu, ai cũng khen con hiền và đẹp, cứ ngỡ ông là người giúp việc cho 1 gia đình người ngoại quốc nào đó.
Trong cuộc sống khép kín cô đơn của ông, dường như ông chỉ vui được vài tuần ngắn ngủi khi bố mẹ con dẫn con về thăm ông. Về lần cuối thì con cứ huyên thuyên nói với ông bằng tiếng Tây Ban Nha, thay vì tiếng Mỹ như thường lệ, làm ông chẳng hiểu cứ ôm cháu vào lòng mà cười. Cái nghề nghiệp cứ bắt bố con vài năm là lại phải đi đến 1 nước khác làm việc kể cũng tốt cho con.
Thời gian hạnh phúc nhất trong đời ông, có lẽ đó là lúc bố con về Việt Nam làm việc, lúc đó con vừa thôi bú mẹ. Ông chăm sóc con cẩn thận lắm, cứ cầm quạt phe phẩy cho con suốt ngày vì sợ có con muỗi nào nó chích vào da thịt non nớt của con. Ba năm trời được sống bên con, bên cha mẹ con, là những giờ phút ông luôn có nụ cười, làm ông quên được những tháng năm sống trong hẩm hiu đau khổ. Và ông cũng chẳng ngờ, càng lớn con càng quấn quít ông hơn bố mẹ con, lúc nào hai ông cháu mình cũng cứ quanh quẩn bên nhau.
Ba năm trời qua nhanh như 1 giấc mơ, rồi ông phải ngậm ngùi chia tay những người mình thương yêu nhất đời. Hôm đưa gia đình con trở lại Mỹ, đó là một ngày mưa tầm tã. Mẹ con dù là người phương Tây cũng rơi lệ, tim ông quặn đau khi con cứ nắm chặt tay ông không chịu rời. Phi trường Tân Sơn Nhất hôm đó sao mà ảm đạm… rồi bóng dáng 3 người thân yêu cứ xa dần, xa dần… Ông còn nghe tiếng con gào khóc sau bức tường cách ly của phi trường.
Thế là hai ông cháu mình xa nhau thật rồi, nước mắt ông dàn dụa… và ông ngã quỵ trong tay hai người bạn cùng đi theo. Về lại nhà, ôi sao mà trống vắng, tiếng cười nói của con còn loáng thoáng đâu đây. Ông nằm liệt giường cả tuần, chẳng màng đến cơm nước…
Tôi nghĩ trong hoàn cảnh đất nước của chúng ta thì không ít các cháu đã ra đời trong hoàn cảnh nghiệt ngã như vậy.
-Lâm Mạnh Di
Bây giờ con đã 8 tuổi, một học sinh thông minh và hiền hậu. Con có đôi mắt thật buồn của bà Nội, có chuyện vui buồn gì cũng gọi điện thoại cho ông. Bố con biết ông thích bài Bên Cầu Biên Giới nên nhờ thầy dạy nhạc dạy cho con đàn bài này… nghe tiếng đàn piano của con qua điện thoại, ông cũng hát nhỏ theo “Bên cầu biên giới… Tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi… Sông nước xa xôi… mây núi khắp nơi… Không tỏ một đôi lời…”
Freddy, ông biết con thương ông lắm. Cả bố mẹ con nữa, mọi người đều muốn ông rời Việt Nam để theo gia đình. Khi nào con đủ lớn khôn có lẽ con sẽ hiểu vì sao ông không muốn bỏ Sài Gòn mà ra đi. Chính phủ này là 1 Chính phủ tàn bạo trong các Chính phủ tàn bạo trên thế giới, họ đã làm gia đình mình và hàng triệu gia đình tan nát. Nhưng ông vẫn chọn cuộc sống ở đây chỉ vì ông thương yêu bao nhiêu là kỷ niệm. Sài Gòn là quê hương của ông, nơi đây ông gặp bà Nội và đó là lần đầu tiên ông biết yêu. Những con đường, những hè phố, những buổi trưa nắng oi ả, những người bạn thân thương, những quán cóc bên đường… là tất cả những gì ông còn giữ lại cho đời mình.
Ông không biết mình sẽ làm gì trong 1 không gian xa lạ, nếu ông rời Việt Nam. Rồi khi cha mẹ con đi làm bận rộn, con phải đi học, có lẽ ông sẽ co ro 1 mình trong phòng…
Cháu ngoan, con ráng học hành cho giỏi nhé. Và nhớ mỗi năm theo bố mẹ về thăm ông vài tuần, như vậy là ông vui lắm rồi. Ông sẽ cố gắng đi học tiếng Tây Ban Nha, để về kỳ tới có thể chuyện trò với con, hay ít ra ông có thể dịch lá thư này để mai mốt con đọc.
Ông viết lá thư này vào những ngày tháng 4, thời gian này cũng là thời điểm của những bọn lố nhố lăng nhăng đang sửa soạn ăn mừng chiến thắng trên hàng triệu xác người. Ông chẳng màng đến họ, những con diều hâu đang rỉa thây dân tộc Việt Nam, vì ông bây giờ chỉ sống với hình ảnh con cháu, vui khi con cháu điện thoại về thăm ông. Đó là những sức mạnh của yêu thương, vực ông dậy để sống trong những ngày cô quạnh.
Lâm Mạnh Di: Tôi đọc báo và được biết các thế hệ con cháu người Việt tỵ nạn được lớn lên và học hành ở nước ngoài đa số là đã thành công trong cuộc sống và có những cháu làm rạng rỡ cho quê hương của chúng ta.
Ít nhiều gì khi nói đến đây tôi lại thấy thương các cháu sinh ra trong những gia đình nghèo khó tại Việt Nam. Những hình ảnh các cháu lam lũ đến trường với quần áo rách rưới có lẽ ai trong chúng ta khi nhìn những hình ảnh đó sẽ thấy trong lòng quặn đau. Có những cháu tuổi vừa lên 10, 11 gì đó đã phải vất vả làm những công việc thật nặng nhọc để giúp đỡ cho gia đình các cháu.
Trong ý nghĩa của ngày Father’s day tôi chỉ biết cầu nguyện ơn trên hãy thương xót cho dân tộc Việt Nam, thương xót cho những cháu bé trong hoàn cảnh nghiệt ngã. Có cháu phải lội sông lội suối đến trường, hãy thương hãy độ trì cho các cháu có được bữa ăn no áo quần tươm tất và được học hành đến nơi đến chốn…