L ỜI NÓI DỐI CỦA CHA

LỜI NÓI DỐI CỦA CHA
(Ngày Từ Phụ)
Gia đình nghèo, mẹ cha lớn tuổi
Mới cưới nhau, không hỏi, không xin.
Suốt cuộc đời bẩy nổi ba chìm,
Tần tảo nuôi bầy con bốn đứa.
Cuộc sống là một chuỗi gian khổ.
Thường cơm rau, ba bữa lót lòng.
Nhà ven sông, nhưng cá cũng không.
Vì cha yếu, mẹ thường bệnh hoạn.
Có cá ăn, kể là thịnh soạn.
Nhưng luôn luôn tôi nhận thấy rằng
Cha chỉ dành ăn đầu và xương.
Tôi thắc mắc hỏi ông sao vậy.
Cha nghiêm nghị, nói như răn dậy:
“Cha già rồi, thường thấy nhức đầu.
Các Cụ dậy hễ đau ở đâu
Thì cứ ăn thật nhiều thứ đó.
Cha lại còn bị đau xương nữa.
Nên xương, đầu phải cố mà ăn.
Cốt là để bồi dưỡng bản thân!”
Chúng tôi nghe, đinh ninh là thật.
Năm mẹ con chia nhau phần thịt,
Còn xương, đầu dồn hết cho cha.
Một đôi lúc tôi cũng nghi ngờ,
Phân vân hỏi, thì cha cười bảo:
“Lúc trước đây, khi Cha còn nhỏ,
Nội cho ăn thịt đã đời luôn,
Đến bây giờ còn ớn tởn thần!
Khi các con lớn khôn sẽ hiểu!”
Rồi sau này qua thời niên thiếu,
Anh em tôi có thể thay cha
Mò cua, bắt cá, lội sông hồ.
Cuộc sống đỡ vất vơ, vất vưởng.
Cha cũng có thịt ăn thỉnh thoảng,
Nhưng vẫn dành từng mảng xương, đầu.
Có lẽ muốn chứng tỏ trước sau
Ông không hề tào lao, nói dối.
Tháng ngày qua, vật dời, sao đổi,
Cha ra đi, về cõi vĩnh hằng.
Còn phần tôi, theo với tháng năm
Đã ổn định, không giầu sang lắm,
Cũng gọi là dư dả, êm ấm.
Vợ con hiền, thảo, chẳng thua ai.
Những bữa ăn, thỉnh thoảng đôi ngày
Có món cá, vợ tôi sửa soạn.
Tôi nhớ lại những ngày cay đắng
Dặn vợ giữ những mảng đầu, xương
Cho riêng tôi. Nàng rất cảm thông
Nên đầu, xương xẻ riêng một chỗ.
Con gái tôi, ngạc nhiên, hỏi bố:
“Sao Bố ăn lạ thế, Bố ơi?”
Tôi mỉm cười: “Bố lớn tuổi rồi
Đầu thường đau, xương hay nhức nhối!
Ăn đầu, xương tốt thôi, con gái!
Sẽ giúp Bố khỏe lại mấy hồi!”
Nói vậy rồi, nhớ đến cha tôi,
Nước mắt bỗng tuôn rơi trên má!

CHẨM TÁ NHÂN
(phóng tác)
06/03/2014

Vinh Le wrote:
Lời nói dối của Cha

Cha mẹ nó lớn tuổi mới cưới nhau. Hồi đó, gia đình nghèo khó. Mẹ mất sớm, cha tần tảo nuôi 3 anh em nó nên người. Nhà gần sông, nhưng cha đau yếu, ít khi có được con cá mà ăn, mà có được bữa cá đã là thịnh soạn lắm với anh em nó rồi. Nó còn nhớ, mỗi lúc ăn cá, cha thường bảo: “Để tao ăn đầu và xương”

Nó nhanh nhẩu: “Tại sao hả cha?”

Cha nó nói vẻ mặt nghiêm nghị, kiểu răn dạy: “Vì cha già rồi, hay đau đầu, nên ăn đầu thì nó sẽ bớt đau-cái này gọi là ăn óc bổ óc, hiểu không? Xương yếu, ăn xương thì sẽ cứng cáp hơn. Có vậy mà cũng không hiểu hả?”

Tâm hồn trẻ con, nó và hai đứa em đinh ninh là cha nói thật. Mỗi lúc đến bữa ăn, nó còn nhanh nhẩu sẻ ra từng phần. Bỏ đầu và xương qua cho cha nó. Ba anh em tranh nhau phần thịt. Có những lúc nó cũng phân vân, những khi như thế, cha nó lại bảo: “Hồi nhỏ, ông bà nội cho tao ăn thịt suốt, giờ nhìn thịt là cha thấy ớn quá, sau này lớn các con cũng như cha thôi.”

Thấm thoắt thoi đưa, anh em nó lớn lên, và cha nó già đi. Sau này, khi nó đủ hiểu biết những lời cha nó nói trước đây là nói dối. Thì cũng là lúc đời sống của gia đình nó khấm khá hơn. Anh em nó có thể thay cha đi đò, đi sông, mò cua, thả cá. Vì thế mà cha nó cũng thỉnh thoảng ăn thịt, hay ăn thường xuyên nó cũng chẳng nhớ. Vì tuổi trẻ bồng bột, không dám- không ngẫm ngĩ nhiều về yêu thương, hay vì cha nó cố tìm cách cho “lời nói dối” được anh em nó chấp nhận hơn, nó cũng chẳng còn nhớ.

Để đến hôm nay, khi đã thành đạt, vợ đẹp, con ngoan. Cuộc sống hối hả, vô thường vô tận. Nó cũng chẳng bao giờ đóai hoài đến cái đầu, hay miếng xương con cá. Vì những thứ đó đã được vợ nó bỏ đi, chỉ mang phần thịt lên mâm cơm.

Hôm nay là ngày dỗ lần thứ 10 của cha nó. Nhìn di ảnh ba gầy còm, nhưng nở một nụ cười tươi sáng. Nhìn con cá chiên to đùng, lấp lánh mỡ mà vợ đặt lên bàn thờ, nó chợt bất giác rơi lệ. Một cơn đau từ đâu hiện về nhói lòng vô tận. Nó phải quay mặt đi để lau hàng lệ, để giấu vợ con. Nhưng nó không thể xóa đi được hình dáng cha già còm cõi, xiêu vẹo bước đi bên sông, “cha đi thả cá mùa nước nổi”. Rồi sau đó là những trận thương hàn triền miên hành hạ ông. Nó không thể xóa đi được cái ý nghĩ “nếu cha ăn nhiều thịt hơn, thì đã không già yếu như thế”. Vừa khấn vái, nó lại bất giác kêu lên những tiếng “cha” từ trong cổ họng.

Đến lúc ra bàn ăn. Nhìn vợ đang xẻ thịt con cá, để bỏ đi phần đầu và xương. Nó giữ tay vợ lại: “Em, để anh ăn đầu, đừng bỏ đi”.

Vợ hiểu. Vợ nó bỏ đầu cá qua cho chồng. Chỉ có cô con gái nhỏ là thắc mắc “Sao hôm nay ba lại ăn đầu, nó lắm xương, nó sẽ làm đau ba đấy”.

Nó xoa đầu con gái, nuốt tiếng nấc đang chầu chực nơi cổ họng vào trong, bảo “Dạo này ba hay đau đầu, nên ăn đầu sẽ hết đau con gái à, cái này gọi là ăn đầu bổ đầu đấy con yêu”.
Nó vừa ăn vừa cố cho những giọt nước mắt khỏi tràn xuống.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay