LỄ RỬA CHÂN, BỔN MẠNG CỦA NGƯỜI LÀM NAIL

LỄ RỬA CHÂN, BỔN MẠNG CỦA NGƯỜI LÀM NAIL

Tác giả: Cát Minh

LỄ RỬA CHÂN, BỔN MẠNG CỦA NGƯỜI LÀM NAIL

(Lễ Rửa Chân = Chúa rửa chân cho các môn đệ. Nail = Nghề Làm Móng, thường gọi là làm neo)

Nếu người Tàu nổi tiếng về dịch vụ nhà hàng, người Phi chuyên về nghề y tá, thì người Việt Nam phải nói đến thành công về nghề làm tóc và làm móng tại Hoa Kỳ. Theo thống kê tường thuật thì trên nước Mỹ có khoảng trên dưới 4 ngàn tiệm tóc và làm móng. Cứ 10 tiệm làm móng thì khoảng 7 tiệm là do người Việt Nam làm chủ. Vì thế, có câu chúc Tết vui nói về nghề neo như sau:

Lẳng lặng mà nghe họ chúc nhau:

Chúc nhau năm mới làm neo giầu.

Phen này ta quyết đi buôn kéo

Thiên hạ bao nhiêu đứa cắt đầu.

Các cơ quan truyền thông quốc tế cũng đã nhiều lần đề cập đến sự thành công của người Việt tỵ nạn trong lãnh vực làm neo. Lý do vì sao người Việt thích chọn nghề này? Theo thiển ý có lẽ là vì học lấy bằng hành nghề “neo” không mất nhiều thời gian, khoảng từ 6-9 tháng, và nghề neo đi đâu cũng có thể sống được. Lợi tức thu nhập cao trong khi học phí lại tương đối nhẹ. Nếu có mở tiệm cũng không cần nhiều vốn so với các ngành nghề khác. Ngoài ra, làm nghề neo ở đâu cũng có thể kiếm được việc làm. Học và làm neo không khó mà cần sự tỉ mỉ khéo tay, không đòi hỏi học vấn cao cũng như không cần giỏi tiếng Anh. Cũng vì lý do này mà tiệm Nail là nơi phức tạp nhất. Đủ mọi thành phần dân trí có mặt trong thế giới làm neo: từ những người có trình độ dân trí cao đến những người có dân trí thấp. Tại một vài tiệm neo, thợ làm nói chuyện với nhau ồn như chợ, đôi khi còn dùng “tiếng lóng”. Có người nói rằng muốn biết tin tức, thời sự thế giới ra sao không cần xem báo hay coi tivi, chỉ cần đi làm neo là biết rõ sự tình.

Vì sao nghề neo được cho là “hái” ra tiền? Thật ra không phải dễ kiếm tiền mà vì họ làm nhiều giờ, và làm nhiều ngày. Trung bình mỗi ngày làm khoảng 10 tiếng và làm 6 ngày một tuần. Mỗi bộ “neo” làm mất khoảng nửa tiếng. Tiền công, cộng với tiền típ hàng tháng tính ra ngang ngửa so với lương kỹ sư mới ra trường 4 năm đại học. Nghề “neo” được trả phần lớn bằng tiền mặt vì thế việc khai thuế với chính phủ nhiều hay ít là tuỳ hỉ, khó mà kiểm soát được. Nói về nghề nail, có một bài hát vui mang tên Nail Nail Nail do Phạm Hoàng Dũng sáng tác như sau:

Nghe nhạc MP3

Mới đến nước Mỹ nên học nghề Nail
Vừa dễ vừa chẳng tốn hao gì đâu
Chỉ vài trăm đô bằng Nail ta có
Tà tà sáng tối cuộc sống lai rai
Nếu muốn chắc cú kiếm thêm nghề Hair
Cắt tóc Mỹ trắng Mỹ đen đừng chê (hê)
Móng tay móng chân ta mài ta dũa
Chiều chuộng đủ cách bởi khách là vua

Nail nail nail
Bàn tay ta phải khéo
Nail nail nail
Nghề Nail đâu có bèo
Nail nail nail
Tiền dzô đầy ngăn kéo
Nail nail nail nail nail nail
Chắc chắn sẽ không nghèo

Bác Sĩ, Kỹ Sư cũng không bằng nail đâu
Học phí tốn kém ra trường lại lâu
Chỉ vài trăm giờ bằng Nail ta có
Mài mài dũa dũa cứ thế tiền dzô.

Ngày xưa, lúc chưa có băng giao Mỹ-Việt, một số Việt kiều về thăm quê hương, chủ yếu là thăm gia đình. Họ thường mang tiền đô về làm quà và giúp đỡ gia đình. Có một thời Việt kiều được xem như là “công tử áo gấm”. Dân gian thời ấy có câu để nói về những người rủng rỉnh nhiều tiền như sau: “nhất Việt kiều, nhì cán bộ”. Các cô gái được trai Việt kiều “khều” (cưới) là một may mắn. Bây giờ thì thời thế đã thay đổi, ngôi vị Việt kiều đã nhường ngôi cho 2 giai cấp giàu sang mới trong xã hội: “nhất cán bộ, nhì đại gia, thứ ba mới tới Việt kiều”.

Có một vài câu chuyện vui kể về Việt kiều nghe cười chảy nước mắt. Một anh độc thân sang Mỹ không có gia đình, vì thế không có cơ hội đi học nên xin vào một nhà hàng làm nghề rửa chén. Công việc của anh là tráng chén bát và cho vào máy rửa chén. Ở Mỹ các nhà hàng đều sử dụng máy rửa chén, chứ rất ít tiệm rửa chén bằng tay. Khi về Việt Nam, anh được gia đình và họ hàng đón tiếp rất nồng nhiệt vì anh là Việt kiều. Người ta hỏi anh làm nghề gì ở bên Mỹ. Sợ bị đánh giá thấp, anh suy nghĩ một chút rồi trả lời làm nghề “điều khiển dĩa bay”. Một chị khác làm nghề móng tay. Khi thân nhân hỏi chị làm nghề gì, cũng sợ bị đánh giá thấp, chị trả lời nghe rất sang: “làm thẩm mỹ tứ chi”.

Trước đây nghề neo được đánh giá thấp, nhưng ngày nay được nâng cấp vì sự thịnh hành cũng như lợi tức cao thu nhập từ nghề này. Có người làm nghề neo mua được hai ba căn nhà và đi xe hơi sang trọng. Vì thế, một số bài hát được phăng ra để nghe cho vui như sau:

Con quỳ lạy Chúa trên trời
Sao cho con lấy được người làm neo…

Hay

Ai bảo làm neo là khổ
Làm neo sướng lắm chứ
Càng ngồi lâu, ta càng giàu mau…

Thời đại a-còng @, nghề nail cũng tiến bộ theo kỹ thuật hiện đại. Ngày xưa làm neo phải bưng chậu nước tới cho khách ngâm tay chân, sau khi làm xong lại bưng đi đổ thay nước mới. Hôm nay, khách tới làm neo được nằm trên cái ghế da có máy đấm bóp; còn chân ngâm vào chậu nước, có máy bơm nước vào và xả nước ra. Để cạnh tranh và để chiều khách hàng, có tiệm còn cung cấp wifi internet, Ipad, HD tivi miễn phí cho khách hàng thưởng thức trong khi được phục vụ bàn tay đôi chân của mình.

Có một tiệm nail nằm ở phía Bắc của tiểu bang Virginia, do người Việt Nam làm chủ đã nghĩ ra một cách thu hút khách hàng khá độc đáo. Khách tới làm nail có thể chọn dịch vụ cho cá rỉa chân. Họ muốn có một phương pháp mới để thay thế cách thức dùng dao cạo, để cạo lớp da chết hoặc da chai cứng ở bên dưới bàn chân. Phương pháp dùng dao cạo đã gây quan tâm cho các thanh tra của tiểu bang trong vấn đề thiếu vệ sinh. Dao cạo cũng bị cấm tại một số tiểu bang.

.

Về việc cho cá rỉa chân, phương pháp này đã phổ biến từ lâu tại Thổ Nhĩ Kỳ và cũng quen thuộc tại vài quốc gia Á Châu. Chủ nhân tiệm nail này tin rằng tiệm của ông là cơ sở duy nhất cung cấp dịch vụ cá rỉa chân tại nước Mỹ. Họ đã tốn khoảng $40,000 USD để sửa chữa cơ sở, xây hồ nước như hồ bơi để nuôi cá, và nhập cảng cá từ hải ngoại. Khách hàng ngồi trên bệ, thả chân xuống nước, và đàn cá bơi tới rỉa da chân. Khách hàng có cảm giác thích thú lạ kỳ khi được cá rỉa chân. Cá này thuộc loại cá “garra rufa” giống như một loại cá chép nhỏ bằng ngón tay. Tên nôm na của cá là “doctor fish” (cá bác sĩ).

Sau khi được cá rỉa chân từ 15 đến 30 phút, khách hàng được chăm sóc bàn chân, làm móng, sơn móng theo những phương pháp bình thường. Nhờ cá rỉa bớt tế bào chết và da chai, làn da non do cá để lại sẽ được chuyên viên săn sóc dễ dàng hơn.

Tiệm này cũng có những dịch vụ làm đẹp khác như cắt tóc, nhuộm tóc, làm móng, săn sóc da mặt v.v… Giờ đây dịch vụ cá rỉa chân (fish pedicure) của tiệm đang được khách thập phương chú ý hơn hết. Dịch vụ mới nhất này đã được nhiều người hưởng ứng. Chủ nhân cho biết khoảng 5,000 người đã đến tiệm để thò hai bàn chân xuống hồ nước nuôi cá, và được hàng trăm con cá xúm vào rỉa da chân.
“Cá bác sĩ” không có răng nên không thể cắn vào da hoặc gây thương tích cho khách hàng. Vì không có thức ăn nào khác, nên cá ăn da chết để sống. Tiệm đang nuôi trên 1,000 con cá và thường có khoảng 100 con cá trong mỗi hồ nước riêng để phục vụ vào bất cứ lúc nào. Lệ phí là $35 cho 15 phút và $50 cho 30 phút ngồi ngâm chân. Giá cao nhất là $70 với 20 phút được cá rỉa chân cộng thêm dịch vụ săn sóc, xoa bóp bàn chân trong 10 phút, tỉa móng và sơn móng.

Từ Rửa Chân Người Đến Rửa Chân Cho Chúa Giêsu

Câu chuyện vui buồn về nghề neo ở trên là những câu chuyện rửa chân cho người đời và được trả thù lao bằng hiện kim. Trong Kinh Thánh có một câu chuyện rất đặc biệt cũng nói đến việc rửa chân, nhưng không phải rửa chân cho thiên hạ mà là rửa chân cho Chúa Giêsu. Sự rửa chân này rất đặc biệt vì người hành nghề không dùng nước lạnh mà dùng nước mắt, không dùng khăn mà dùng tóc để lau, không dùng kem thoa da mà dùng nước hoa nguyên chất, thứ đắt tiền để xức lên chân Chúa. Đó là câu chuyện của chị Maria Mađalêna. Chị rửa chân cho Chúa Giêsu một cách tình nguyện và không thù lao, không tiền típ, nhưng đã nhận được ân sủng rất đặc biệt mà chỉ có Chúa Giêsu mới có thể ban cho chị. Ân sủng mà chị nhận được cũng là ân sủng mà mọi người đều muốn nhận trong Mùa Chay cũng như trong suốt cuộc đời nơi dương thế, đó là ơn được tha tội. Chúa đã nói với chị: “tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha”.

Câu truyện Maria Mađalêna được trích từ Thánh kinh Luca, Máccô, Matthêu và Gioan như sau:

Chúa Giêsu đến nhà ông Simon ở làng Bê-ta-ni-a. Giữa lúc Người dùng bữa, có một người phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, đến mang theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng nguyên chất, thứ đắt tiền. Chị đứng đằng sau, sát chân Chúa mà khóc, nước mắt tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn lên chân Người. Sau đó, chị đập bể bình dầu thơm, xức trên đầu Người.

Thấy vậy, ông Si-mon liền nghĩ bụng rằng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!” Chúa nói với ông Si-môn: “Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.” Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi…”

Maria Madalêna quì bên chân Chúa là hình ảnh của môt người đau đớn trong lòng vì tội lỗi mình. Chị cảm thấy buồn bã, cảm thấy tâm hồn mình ray rứt, cảm thấy dằn vặt trong trái tim, bởi chị đã sa ngã trước những đam mê, yếu đuối của thân xác, trước những cám dỗ của thế gian và ma quỷ. Hành động quỳ bên chân Chúa là hành động khiêm nhường sám hối của một tội nhân, mang tâm tình của người con hoang đàng biết quay về nhận ra tình yêu, lòng thương xót bao la của người Cha, lúc nào cũng luôn chờ đợi mình.

Nước mắt của Maria Madalêna không phải là “nước mắt cá sấu”, sự xúc động của chị không phải là một tình cảm nhất thời, nhưng xuất phát từ trái tim, từ nội tâm. Chị không xé áo nhưng đã xé lòng sám hối tội lỗi của mình. Điều này đã được chứng minh qua lối sống sau này của chị. Những đau đớn vì tội lỗi từ trong lòng của chị đã trào ra qua những giọt nước mắt như dòng sông trước đại dương bao la tình thương của Thiên Chúa.

Sau khi khóc, Maria Madalêna đã lấy tóc của chính mình mà lau chân Chúa. Tại sao chị không lau bằng khăn, bằng vạt áo, khăn choàng? Thưa, mái tóc biểu hiện vẻ đẹp và sự trung thành của người phụ nữ. Mađalêna lấy tóc lau chân Chúa biểu hiện sự quyết tâm sám hối và lòng trung thành theo Chúa của chị. Chị đã lau chân Chúa, vì sau bao nhiêu năm lạc bước xa đường, bao nhiêu năm đi tắt về ngang, chị đã tìm được đường ngay nẻo chính để bước theo, đó chính là bước theo chân Chúa Giêsu. Chị lau chân Chúa vì rồi đây chính đôi chân của Ngài sẽ bị đinh đóng thâu qua vì tội lỗi của chị.

Hành động sám hối kế tiếp mà chị đã làm là hôn chân Chúa. Khác với cái hôn giả tạo trên mặt Chúa Giêsu của một Giuđa phản bội, chị đã chân thành và yêu mến hôn lên chân Chúa. Sám hối mà thiếu yêu thương thì chưa đủ, mới chỉ là xé áo chứ chưa xé lòng. Mađalêna vừa xé áo, vừa xé lòng trở về với Chúa, vì thế, tội thật càng đáng trách bao nhiêu, thì lòng sám hối của chị lại đáng ca ngợi bây nhiêu. Vì thế, Chúa nói: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha vì chị đã yêu mến nhiều”.

Dầu thơm là một trang sức quý phái của người phụ nữ. Mađalêna đến gặp Chúa, mang theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng nguyên chất thứ đắt tiền, mà theo các nhà chú giải kinh thánh nó trị giá bằng lương làm việc của 1 năm của một người. Vì thế, bình dầu thơm của chị là một loại dầu thơm quí hiếm. Có lẽ đó là cũng báu vật quý giá nhất, là ước mơ lớn lao nhất, mà chị đã vất vả cả đời để mua được nó. Thế nhưng khi gặp Chúa Giêsu, chị đã mang vật quí giá nhất, điều không thể thiếu được trong cuộc sống… đập bể ra dưới chân Chúa Giêsu. Khi chị đập bể bình dầu thơm là lúc ấy chị đã đập bể bức tường vây hãm tâm hồn của chị để Chúa Giêsu bước vào. Chị đã làm điều đó cũng để nói lên rằng bình dầu thơm quý giá của chị không thể nào so sánh được với Người Con yêu dấu mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại. Người Pharisiêu cho hành động của chị là lãng phí, là phí của trời, nhưng Chúa Giêsu lại nói: “Ngày nào tin mừng còn được loan báo, thì việc làm của chị vẫn sẽ được kể lại để nhớ tới chị”.

Từ Rửa Chân Cho Chúa Đến Được Chúa Rửa Chân

Trước cuộc tử nạn và trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ, và câu chuyện này được tường thuật trong Phúc âm thánh Gioan chương 13 câu 1-16 như sau:

Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su. Đức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.

Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao? ” Đức Giê-su trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” Ông Phê-rô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu! ” Đức Giê-su đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” Ông Si-môn Phê-rô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.” Đức Giê-su bảo ông: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu! ” Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch.”

Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.

Qua đoạn Thánh Kinh trên, thánh Gioan muốn nhấn mạnh đến gương khiêm nhường phục vụ và bác ái của Chúa Kitô để mọi người neo theo. Sự rửa chân này vẫn còn được lập lại vào mỗi thứ Năm Tuần Thánh hằng năm, mà người ta quen gọi là Lễ Rửa Chân. Thánh Gioan đã tả lại hành động của Đức Giêsu như: “Chúa Giêsu chỗi dậy, cởi áo ra”. Đây là hành động lột bỏ tất cả ngôi vị của Thiên Chúa, trở thành nô lệ để phục vụ như người nô lệ. Việc Ngài cầm chậu nước quỳ gối rửa chân cho các môn đệ cho thấy sự tự hủy của Ngài như thánh Phaolô đã viết cho tín hữu Philiphê: ”… Người đã mang lấy thân phận tôi đòi”. Chúa Giêsu đã trở nên nghèo khó để làm cho người khác trở nên giầu có. Việc rửa chân của Chúa Giêsu còn diễn tả ”tình yêu, yêu cho đến cùng của Chúa Giêsu”. Chúa Giêsu là Thầy và là Chúa mà còn làm như thế, để nêu gương và dậy các môn đệ, thì chúng ta cũng hãy làm cho nhau như vậy.

Maria Mađalêna là người phụ nữ tội lỗi đã rửa chân cho Chúa bằng chính nước mắt của mình. Một hành động thành tâm sám hối rất đáng khâm phục và để mọi người có thể suy nghĩ mỗi khi bước vào toà giải tội.

Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa vượt quá sự hiểu biết của con người. Ngài là vị Thượng Tế cao cả, là Linh mục đời đời, ấy thế mà trước khi lập Phép Thánh Thể và thiên chức Linh mục, Ngài đã làm một việc rất ngoạn mục không ai ngờ. Trong bữa tiệc Vượt Qua, Đức Giêsu đã làm cử chỉ gây kinh ngạc cho các môn đệ, đó là: Ngài là Thầy, là Chúa đã cúi xuống rửa chân cho trò. Sự phục vụ của Ngài đã lật ngược bảng giá trị chức vị mà người đời thường hành sử. Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ:

Chúng con không được giống như các vua chúa trần gian bắt người khác phục vụ mình. Trái lại, trong chúng con ai muốn làm thủ lãnh thì phải làm tôi tớ mọi người, cũng như Con Người không đến để được người ta hầu hạ, nhưng là để hầu hạ và thí mạng sống mình làm giá chuộc thay cho nhiều người” (Mt 20,25-28).

Chính vì hành động “đảo ngược” này khiến cho Phêrô từ chối và không thể chấp nhận được. Khi thấy Phêrô quyết liệt không để Thầy rửa chân cho ông, Chúa Giêsu nói: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” Ông Phê-rô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con sao, không đời nào con chịu đâu!” Chúa Giê-su đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” Phêrô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.” Chúa Giêsu bảo ông: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu! ” Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch” (Ga 13,7-11).

Điều đáng lưu ý trong việc rửa chân cho các môn đệ là thái độ của Chúa Giêsu trước Giuđa Iscariốt, kẻ phản bội Ngài. Chúa Giêsu đã tỏ ra thương xót và khiêm nhường tột bậc trước kẻ phản bội, bất trung. Nhìn sâu hơn thì thật ra Ngài hạ mình trước tất cả những kẻ phản bội, hay thất trung với Ngài. Không phải chỉ Giuđa là người sẽ phản bội, mà các môn đệ khác cũng có những thiếu xót bất trung với Chúa Kitô. Thế nhưng, Ngài đã hạ mình rửa chân cho tất cả. Ngài đã cúi xuống rửa chân cho:

– Giuđa, kẻ phản bội.

– Phêrô chối Chúa 3 lần.

– Các môn đệ  khác đã bỏ trốn Thầy khi Chúa bị bắt nơi vườn cây dầu.

Chẳng có môn đệ nào vẹn toàn trước mặt Chúa cả. Có người khi được chọn làm tông đồ để được rửa chân trong ngày thứ Năm tuần thánh, thì mong sao tránh mình không phải là tông đồ Giuđa, nhưng nếu họ là môn đệ nào khác thì người môn đệ ấy cũng có những yếu đuối khác. Khi Chúa truyền dạy các môn đệ rửa chân cho nhau là Chúa muốn họ rửa chân cho những lỗi lầm, thiếu xót của nhau. Cử chỉ Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ đã tỏ rõ nét Chúa yêu thương môn đệ cho đến cùng.

Lễ Rửa Chân, Bổn Mạng Của Người Làm Nail

Mỗi hội đoàn hay nghiệp đoàn Công Giáo thường chọn một Vị Thánh hay một Ngày Lễ Trọng làm bổn mạng của mình. Vậy xin mạo muội đề nghị những người hành nghề neo nên chọn Lễ Chúa Giêsu Rửa Chân ngày thứ Năm Tuần Thánh làm Lễ Bổn Mạng. Trong ngày này, những người làm nghề neo hãy cố gắng thu xếp công việc tới tham dự thánh lễ để cầu nguyện, tạ ơn Chúa, và suy niệm về sứ điệp yêu thương, bác ái và khiêm nhường phục vụ của Chúa Giêsu.

Nghề làm móng cũng như bao nhiêu ngành nghề khác kiếm cơm để sinh sống. Đó là công việc của sự phục vụ làm vui lòng khách đến và vừa lòng khách đi. Người làm neo bỏ công sức để đổi lấy tiền thù lao cho việc phục vụ của mình. Việc tham dự Lễ Rửa Chân mang chiều kích tâm linh sâu đậm của một sự phục vụ cao cả, trong đó yêu thương và khiêm nhường là chủ đích. Làm neo nếu phối hợp việc phục vụ về thể lý và phục vụ về tâm linh, biết đâu là một sự rao giảng Tin Mừng mới rất hữu hiệu mang Chúa vào đời và đến với Người anh em đã biết Chúa cũng chưa biết Chúa.

Trong lúc hành nghề, hãy dùng mọi cơ hội có thể được để nói về Chúa, làm chứng cho Chúa qua cách phục vụ và qua các câu chuyện đối thoại. Thế giới hôm nay chúng ta đang sống nặng về vật chất và hưởng thụ. Những khách đến làm móng với đôi bàn tay móng ngắn móng dài, bàn chân nhăn nheo sần sùi để được chăm sóc, làm đẹp. Chắc chắn trong số những vị khách này cũng sẽ có những đôi chân lạc bước hay đôi bàn tay tội lỗi về mặt tâm linh. Hãy cầu nguyện xin sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần để hướng dẫn những tâm hồn này đến với Thầy Giêsu và để chính Chúa rửa đôi chân, đôi tay tâm linh cho họ.

Chúa Giêsu đã nói với Simon và em là Anrê làm nghề chài lưới: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người. Đi xa hơn một chút nữa, Người thấy Giacôbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Ngài liền gọi các ông” (Mc 1:16-20). Như trong thế giới hiện hiện sinh có nhiều sự phục vụ khác nhau, thế giới tâm linh cũng có nhiều ơn gọi và phục vụ khác nhau. Trong lần tuyển mộ những cộng tác viên này, Chúa Giêsu đã biến đổi nghề chài lưới bình dân của Simon, Andrê thành nghề “chài lưới người” trong thế giới tâm linh.

Tất cả chúng ta khi chịu Phép Rửa Tội được trở nên con cái của Thiên Chúa, là tư tế, vương giả và là dân thánh đều được mời gọi vào với sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Ngày đó, chúng ta được trao cây nến cháy sáng tượng trưng cho Ánh Sáng Phục Sinh của Chúa Kitô. Đời người như một ngọn đèn cháy sáng mà Chúa Giêsu đã thắp lên và Ngài mong ngọn lửa ấy được cháy sáng mãi. Đèn được cháy sáng là nhờ có dầu yêu thương như Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói:

“Đừng nghĩ rằng một tình yêu chân chính phải là một điều gì phi thường to lớn. Điều cần thiết là yêu thương liên tục. Làm thế nào mà ngọn đèn cháy mãi nếu nó không được nuôi dưỡng bằng một giọt dầu? Khi hết dầu thì không còn ánh sáng, và vị hôn phu sẽ nói: ‘Tôi không biết các người’. Những giọt dầu của ngọn đèn các bạn là những điều nhỏ nhặt trong đời thường: niềm vui, lòng quảng đại, những việc lành nho nhỏ, đức khiêm nhường và sự nhẫn nại. Một suy nghĩ hướng đến tha nhân. Cách thức mà chúng ta thinh lặng, lắng nghe, tha thứ, nói năng và hành động. Đấy là những giọt dầu chân chính giúp cho ngọn đèn chúng ta cháy mãi suốt cuộc đời mình. Đừng tìm kiếm Chúa Giêsu ở nơi xa xôi, Người không có ở đấy đâu. Người đang ở trong các bạn! Hãy chăm sóc ngọn đèn của mình rồi các bạn sẽ nhìn thấy Người”.

Ước gì thông điệp tình yêu và phục vụ của ngày Lễ Rửa Chân không chỉ là sự lập đi, lập lại vào mỗi ngày thứ Năm Tuần Thánh, mà luôn là một thông điệp sống động được gởi tới những người khách tới làm neo. Ước gì những người làm nghề neo được Chúa dùng như những khí cụ để cũng phần nào giúp mài-dũa, cắt-tỉa, và lau-rửa cho những tâm hồn lấm láp bùn nhơ, đem họ trở về với nguồn tình yêu và cứu rỗi của Chúa Giêsu. Thật mong lắm thay!

Cát Minh

Mùa Chay 2013

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay