Lễ Giỗ

Lễ Giỗ

ĐÂU PHẢI THEO ĐẠO CÔNG GIÁO LÀ BỎ ÔNG BÀ

Hình chỉ mang tính minh họa

Được anh bạn mời dự tiệc giỗ (đám giỗ), tôi hơi ngạc nhiên vì gia đình anh là người theo đạo Công giáo. Theo lời mời, 10giờ sáng tôi có mặt ở Đất Thánh (nghĩa địa) của một xứ đạo ở ngoại thành , nhìn những ngôi mộ đẹp được trồng nhiều hoa cảnh như để làm ấm lòng linh hồn người đã khuất. Theo anh, tôi đến trước ngôi mộ có ba nấm mồ,  có khoảng 20 người đang đứng tước ngôi mộ ấy để cầu nguyện. Tôi nghe tiếng cầu nguyện của cụ ông 89 tuổi: Lạy Chúa, hàng năm cứ đến ngày này, chúng con gồm bốn đời, ông , con, cháu, chắt lại về đây, để nguyện xin Thiên Chúa thương đến linh hồn tổ tiên ông bà nội ngoại chúng con, đã ra đi trước chúng con, và nay đang được hưởng Vinh Quang Nước Chúa. Chúng con cũng xin Thiên Chúa qua lời cầu bầu của tổ tiên ông bà, ban cho chúng con được ơn trung thành với Chúa, tin yêu phó thác vào Chúa, như ông bà chúng con đã từng tin yêu phó thác,
để sau này chúng con cùng được hưởng Nhan Thánh Chúa với ông bà chúng con trên
Thiên Đàng. Niệm hương và dâng kính những lẵng hoa tươi để tỏ lòng kính nhớ ông
bà cách thành kính.

Anh bạn tôi chia sẻ: Trước đây, thắp hương (nhang), cúng hoa quả trên bàn thờ ông
bà được coi là của tôn giáo bạn, người công giáo không thắp hương, nên có thể
có sự hiểu lầm là:  không kính nhớ tổ tiên ông bà. Ngày nay, nhận thấy việc thắp hương hay cúng hoa quả là nghi lễ  của người á đông (trong đó có Việt Nam) , rất tốt, rất hay, nên giáo hội đã đồng ý để giáo dân làm việc này. Chúng ta còn làm những việc hữu ích khác như: giúp người già qua đường (hay hành động tương tự) với tâm tình kính nhớ ông bà là hành động đầy ý nghĩa, cầu nguyện cùng ông bà là cách tưởng nhớ thiết thực nhất.

Bây giờ tôi đã hiểu, những lời đồn, đoán trước đây là theo đạo Chúa (Công giáo) là bỏ ông bà là hoàn toàn sai sự thật. Tôi còn biết thêm, ngoài lễ giỗ theo ngày người quá cố mất, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cón chọn ngày mùng hai tết là ngày kính nhớ tổ tiên ông bà còn sống hay đã chết và ngày 2/11 hàng năm là ngày cầu cho các linh hồn ông bà, cha mẹ, anh chị em cùng tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, đất nước, dân tộc vv… Trong mười điều răn của Đức Chúa Trời, điều răn thứ tư ghi rõ: Thảo kính cha mẹ (ông bà, cha mẹ khi còn sống cũng như khi đã khuất). Mến Chúa yêu người tóm gọn trong  mười điều răn, ba điều răn đầu dạy ta thờ Thiên Chúa, bảy điều răn sau dạy ta yêu người, thảo kính cha mẹ đứng đầu bảy điều răn sau.

Theo anh về nhà, đã có khá nhiều khách mời (Anh em bạn bè hàng xóm) đến dự. Trong nhà, bàn thờ Thiên Chúa để nơi trang trọng nhất, có hoa tươi, đèn nến cháy sáng, tôi còn
thấy bàn thờ tổ tiên ở phía dưới bên phải, trên bàn thờ này hoa tươi, quả tươi, cùng hương thơm từ lư hương bay ra thơm ngát.

Một vị lớn tuổi chia sẻ: Chúng ta cần phân biệt Thờ và Kính. Đối với Thượng Đế chúng ta chỉ có một chữ Thờ, đối với ông bà hay các vị đáng kính, chúng ta chỉ có một chữ Kính.
Việc thờ kính đôi khi chúng ta lầm lẫn. Nhiều tiếng vỗ tay đồng ý với vị khách
lớn tuổi kia.

Tổ chức tiệc giỗ cũng là đề tài bình luận, việc này tuỳ vào hoàn cảnh gia đình và phong tục địa phương, (Nhiều địa phương tổ chức tiệc trà, bánh ngọt vào buổi tối rất hay) không nên hiểu là không làm tiệc giỗ là không kính nhớ ông bà và ngược lại .

Theo lời kể của một người bạn

Đỗ Thế kỷ

Maria Thanh Mai gởi

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay