Phan Xuân Trung‘s post.
Không đùa
Tôi đã có 3 stt đùa chơi với kiểu thay chữ của Bùi Hiền. Tuy nhiên, đã cười hết rồi, giờ là lúc không cười.
Chuyện chế chữ không có gì mới. Người ta vẫn thường chế chữ “iu” thay cho chữ “yêu” hay “ăn fở” thay cho “ăn phở”.
Từ khi có internet thì các bạn trẻ đã chế không biết bao nhiêu là chữ như j (gì), hok (không), ck (chồng), vk (vợ)… nhưng chỉ quanh quẩn trong phạm vi tin nhắn, chít chát.
Bộ Giáo dục đã từng có đề nghị đưa các chữ cái quốc tế như W, F, Z, J vào tiếng Việt, do ông Quách Tuấn Ngọc, cục trưởng cục CNTT Bộ Giáo Dục đề nghị.
Bạn Nguyễn An Biên đề nghị cải tổ tiếng Việt theo cách dùng 4 ký tự quốc tế W, F, Z, J thay cho một số từ hiện hữu
– Bỏ chữ ghép PH, vì có chữ F thay thế.
– Bỏ chữ ghép GI, vì có chữ J thay thế.
– Bỏ chữ Ư, vì có chữ W có thể thay thế.
– Đổi chữ Đ hiện tại thành D, và chữ Z sẽ dùng thay vai trò của chữ D hiện tại.
– Bỏ các chữ GH, vì chữ đơn G đã đủ để gánh cả vai trò của nó.
– Bỏ chữ NGH vì chữ NG đã thay thế được nó.
…
Tất cả các sự thay thế đó chỉ nhằm mục đích làm gọn chữ mà không làm thay đổi ý nghĩa của tiếng Việt. Đó là những suy nghĩ nghiêm túc dù không được chấp nhận.
Tuy nhiên, điều gây chấn động của Phó Giáo Sư – Tiến Sĩ Bùi Hiền là ngoài việc ông thay chữ một cách thô bạo, thiếu căn cứ (thay W cho TH, Q thay cho NG…), ông đã đạp đổ hầu như tất cả hệ thống tiếng Việt khi gom chữ lại với nhau. Chuyện ông muốn thay chữ này bằng chữ khác thì không mới, nhưng chuyện ông gom chữ mới là mới.
– Ông gom chữ CH với TR làm một.
– Chữ D, Gi, R làm một.
– C, Q, K làm một.
– S và X làm một.
Điều đó có nghĩa là trong tâm trí của ông thì Chí và Trí là như nhau, Trung và Chung là như nhau, Trước và Chước là như nhau, Trồng và Chồng là như nhau… Hai Bà Trưng và Hai Bà Chưng là như nhau. Hồ Chí Minh và Hồ Trí Minh là như nhau?
Điều đó có nghĩa là trong tâm trí của ông, trong kiến thức của ông, trong sự nhìn nhận của ông trong suốt cuộc đời thì Da và Ra là như nhau, Giầy và Dầy là như nhau, Giữ và Dữ là như nhau…
Điều đó có nghĩa là cho đến gần cuối đời, ông không phân biệt được Ký và Quý, Kéo và Quéo.
Điều đó có nghĩa là ông không hiểu sự khác nhau của Xuất và Suất, Xa và Sa, Xo và So, Xe và Se.
Có lẽ ông nghe dân miền Bắc không phân biệt được TR và CH, không phân biệt được Gi, D và R khi phát âm mà gom cả hai vào một chăng? Nếu ông có ý nghĩ đó thì sẽ không còn lạ khi mà sách vỡ lòng tiếng Việt dạy cho trẻ con là “cây lêu” thay vì “cây nêu”, “đám dỗ” thay vì “đám giỗ”. Điều này đã xảy ra trong thực tế, sách do nhà xuất bản Giáo dục ấn hành. Và như vậy thì ông sẽ gom luôn N và L làm một cho đủ bộ.
Thực tế thì dân miền Nam vẫn thường gọi “ông Trời” là “ông chời”, nhưng không vì vậy mà viết “ông Chời”. Dân miền Nam cũng đọc R thành Z hay G, “đi ra, đi vô” đọc thành “đi za, đi zô”, hoặc “bắt con cá gô bỏ zô gổ nó kêu gột gột”… nhưng không vì vậy mà không phân biệt được sự khác nhau giữa da, dô và ra, vô, cá rô và cá gô.
Thật sửng sốt khi ông lại là Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ của ngành giáo dục, đã từng giữ các chức vụ quan trọng (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội).
Lẽ nào câu nói “trăm năm trồng người” lại có thể tương đương với “chăm năm chồng người?”.
Không thể cười được với cái trò ma quỷ làm ảo thuật này. Trong khi sự thay đổi mẫu tự chỉ làm cho câu chữ trở thành ngây ngô, quái đản mà trước đây không ai chấp nhận thì việc đánh đồng âm vần trong ngôn ngữ Việt Nam lại chính là một hành vi có tính phá hoại văn hóa, phá hoại ngôn ngữ quốc gia, sỉ nhục tri thức người Việt.
Nếu không nói rằng đây là những kiến thức và phát minh ma quái thì chỉ còn một đường duy nhất là ông Bùi Hiền bị bệnh tâm thần, cần chữa trị.