KHIÊM NHƯỜNG VÀ YÊU THƯƠNG
(SUY NIỆM TĨNH TÂM LINH MỤC GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG THÁNG 3 NĂM 2013)
Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG
Không ai gọi khiêm nhường là giới răn: giới răn khiêm nhường. Nhưng xét theo nghĩa rộng, có thể gọi khiêm nhường là giới răn vì nó được Chúa Giêsu dạy, lại còn được chính Chúa Giêsu làm gương. Nếu coi là giới răn, ta cần phải giữ. Đó cũng là điều Chúa muốn.
Nếu Chúa nhấn mạnh giới răn yêu thương, thì Ngài cũng dạy hãy sống khiêm nhường. Muốn yêu thương thật sự, cần có khiêm nhường. Và yêu thương cũng làm gia tăng khiêm nhường.
Để dạy con người một điều gì đó, Thiên Chúa không chỉ lý thuyết hóa, nhưng trước hết, Ngài cho con người thấy chính hành động của Ngài. Thiên Chúa mê say trong tình yêu đối với con người, vì bản chất của Ngài là Tình yêu. Nhưng trong Tình yêu đó, Ngài cũng dạy con người phải thương yêu nhau. Chính vì yêu mà ngài đã hạ mình, thì Ngài cũng dạy con người phải biết khiêm nhu.
1. SỰ KHIÊM NHƯỜNG CỦA CON THIÊN CHÚA:
Thánh Phaolô đã từng ca ngợi sự khiêm nhường của Chúa Kitô: “Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ.” (Pl 2, 6-7).
Sự khiêm nhường của Thiên Chúa không chỉ đơn thuần là ‘quên’ đi cái ‘tôi’, như khi người ta nói ông A, bà B khiêm nhường, cho dù ông A, bà B có khiêm nhường thật. Sự khiêm nhường của Con Thiên Chúa là sự khiêm hạ của Đấng là Thiên Chúa trở nên người phàm. Đó là sự KHIÊM HẠ đúng nghĩa. Nếu con người khiêm nhường thì trước sau họ vẫn là con người. Còn Thiên Chúa khiêm hạ đã trở thành người thật sự, sống giữa xã hội loài người như chính con người là con người.
2. THIÊN CHÚA KHIÊM HẠ VÌ YÊU:
Tình yêu khiêm hạ của Chúa Kitô là tình yêu đẹp lòng Chúa Cha.
Con Thiên Chúa đã tự nguyện lặn sâu xuống tận cùng của kiếp con người để nhân loại hiểu rằng giá trị của cuộc đời không phải quyền thế, giàu sang mà chính là ý Cha được thể hiện. Sự vâng lời của Ngài xuất phát từ Tình yêu tuyệt vời: Đó là lòng yêu mến đối với Chúa Cha, và lòng yêu thương đối với loài người. Tình yêu này đã làm cho Chúa Kitô từ một Đấng giàu sang, quyền năng, vĩnh cửu… trở nên ‘người Tôi tớ đau khổ’ gánh chịu mọi tội lỗi nhân loại. Tình yêu ấy được Chúa Cha chấp nhận. Ngài tuyên bố Đức Kitô là ‘Con yêu dấu’ của mình. Ngài cũng làm cho Tình yêu đó có sức cứu độ tuyệt vời. Và Đức Kitô, Con của Ngài, người Anh Cả của toàn thể nhân loại trở thành trung gian duy nhất giữa Ngài và nhân loại.
Tình yêu khiêm hạ của Con Thiên Chúa có sức cứu độ tuyệt vời.
Sự kiện Con Thiên Chúa ‘trở nên người phàm’ và ở với loài người làm thay đổi cuộc sống trần thế: cuộc sống này nếu không có Chúa Kitô sẽ trở nên vô nghĩa. Nhưng có Người, cuộc sống có giá trị vĩnh cửu. Nhờ Chúa Kitô, Thân phận tội lỗi được Thiên Chúa cứu độ và trở lại làm Con Thiên Chúa. Dù thân phận yếu đuối, nhưng sự yếu đuối ấy cần thiết để nhận được ân sủng của Thiên Chúa. Chỉ cần con người ý thức mình mang thân phận yếu đuối, con người sẽ khát khao mỗi ngày một hơn được sống trong ơn Chúa, sống trong sự công chính của Ngài. Và chỉ có thế, con người mới nỗ lực để ơn hoán cải của Ngài thấm vào tâm hồn họ. Nơi Chúa Kitô, Thiên Chúa làm cho ơn cứu độ, sự công chính trở thành viên mãn. Sự khiêm hạ của Con Thiên Chúa thật cần thiết. Qua mọi thời, sự khiêm hạ ấy là dấu chứng lớn lao của Tình yêu Thiên Chúa. Qua mọi thời, sự khiêm hạ không ngừng được nhắc đến. Và Chúa Kitô – Thiên Chúa làm người vẫn là một thực tại sống động hôm qua, hôm nay và mãi mãi.
Tình yêu khiêm hạ của con Thiên Chúa là niềm an ủi lớn lao cho nhân loại.
Không ai điên dại đến nỗi muốn hóa kiếp thành con vật mình yêu quý để bày tỏ tình yêu với nó. Nhưng Thiên Chúa đã yêu con người bằng Tình yêu mà con người cho là điên dại ấy. Người thực sự chia sẻ kiếp người và thông cảm sâu xa với nỗi gian truân của họ. Trên thập giá, Tình yêu khiêm hạ của Người trở nên bằng chứng hùng hồn về sự hạ mình của Thiên Chúa. Người hạ mình xuống để nâng loài người lên. Vì thế, giữa cuộc sống đầy chông gai, con người có quyền hy vọng, và không bao giờ tắt hy vọng. Chúa Kitô không chỉ an ủi nhân loại bằng lời, nhưng còn bằng chính cuộc đời, bằng chính Tình yêu của một vì Thiên Chúa đã hóa nên người phàm.
Tình yêu khiêm hạ của Con Thiên Chúa là cứu cánh của những kẻ tin.
Chúa Kitô bước vào cuộc trần và đã chết như một tên tử tội không phải tình cờ, chẳng mang một giá trị gì. Người đã sống để thông cảm với kiếp người bất tất, Người chết để loài người sống, và sống lại để những ai tin sẽ sống đời đời. Chúa Kitô vâng lời Chúa Cha, nhưng Người cũng vì tất cả loài người mà đã nhập thể và cứu độ. Nhờ Người mà ‘Chúa Cha đã khứng ban Nước trời cho chúng ta’ (Lc 12, 32). Người là cứu cánh tối hậu cho những kẻ tin. Ngoài Người không còn ai khác.
3. THÁI ĐỘ CỦA CON NGƯỜI:
“Các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con.” (Ga 15, 12).
“Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.” (Mt 11, 28).
Đó là những lời dạy của Chúa Kitô. Dĩ nhiên lời ấy cần được áp dụng trong cuộc sống của kẻ bước theo Người.
Khiêm nhường và yêu thương.
Khiêm nhường nằm trong yêu thương. Khiêm nhường và yêu thương bổ túc cho nhau. Có khiêm nhường thì mới yêu thương dễ dàng, yêu thương chân thành. Ngược lại yêu thương cũng giúp trở nên khiêm tốn. Nếu kiêu ngạo làm con người chỉ thấy mình, thì khiêm nhường mở ngỏ để họ đến với nhau. Nếu chỉ thấy mình, con người sẽ không nhận ra giá trị quanh mình, sẽ trở nên ấu trĩ, sẽ không biết thông cảm, không biết tha thứ. Yêu thương và khiêm tốn là trái phá làm nổ tung mọi hàng rào ích kỷ.
Cái ‘tôi’.
Khiêm nhường cần phải có sự hy sinh đi trước, để khi gặp ‘chướng ngại’, tinh thần hy sinh giúp vượt qua mà thực hiện khiêm nhường. ‘Chướng ngại’ lớn nhất, khó vượt qua nhất là cái ‘tôi’. Nhiều khi phải hy sinh để ‘tạm cất’ cái ‘tôi’ cho khiêm nhường thành công. Kinh nghiệm cho thấy, phải chiến đấu với bản thân nhiều lắm mới có thể ‘tạm cất’ cái ‘tôi’ dù chỉ trong khoảnh khắc cần thiết nào đó. Cần phải chiến đấu, cần phải hy sinh. Chiến đấu cam go, hy sinh trầy trụa, thì chiến thắng mới vẻ vang. Khiêm nhường mới thật sự lên ngôi.
Đón nhận Lời Chúa.
Vì kiêu ngạo, con người đi ra ngoài Tình yêu của Thiên Chúa và của nhau.
Vì kiêu ngạo, Ađam đã đánh mất sự sống nguyên khởi.
Chúa Kitô chịu chết cho loài người cũng vì loài người kiêu ngạo.
Ngày nay, chính vì kiêu ngạo, Hội Thánh bị chia rẽ, thế giới hận thù, con người không nhìn nhận nhau, chiến tranh và bạo lực leo thang.
Là người Kitô hữu, chúng ta có Lời Chúa hướng dẫn. Lời Chúa sẽ giúp hiểu giá trị của Tình yêu và biết học đòi nhân đức khiêm nhường. Đón nhận Lời Chúa, sống Lời Chúa, cuộc sống người Kitô hữu sẽ phong phú. Hôm qua Chúa dạy các môn đệ: “Các con hãy yêu thương nhau”, thì hôm nay, Chúa cũng dạy chúng ta như thế. Thế giới đang cần tình yêu. Nếu mỗi người chỉ là một đốm lửa sáng cho tình yêu, nhiều người sẽ là một bó đuốc to.
Chúng ta hãy đón nhận Lời Chúa với lòng đơn sơ hết sức, nhờ đó sự kiêu ngạo trong ta được phá vỡ. Không còn kiêu ngạo thì yêu thương mới thật sự là yêu thương. Và yêu thương theo đúng như Lời Chúa dạy thì lòng yêu thương ấy mới có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Yêu thương thật sự hay không là do tấm lòng chân thật hay không. Đón nhận Lời Chúa và để cho Lời ấy lắng lại trong tâm hồn mình, soi lòng mình, thanh luyện mình để có được tâm hồn biết yêu thương chân thật, vô vị lợi. Vì ai nghe mà thực hành Lời ấy mới là người yêu mến Chúa Giêsu.
4. VẤN TÂM:
MẪU GƯƠNG VỀ TÌNH YÊU KHIÊM NHƯỜNG CỦA MẸ MARIA:
Nhân loại có một người Mẹ thật vĩ đại: Đức Maria. Mẹ vĩ đại vì tình yêu khiêm nhường đối với Thiên Chúa và đối với đồng loại. Lời kinh Magnificat của Mẹ trước hết là lời ca ngợi lòng lân tuất của Thiên Chúa, sau nữa là lời loan báo về một xã hội công bằng mà tất cả những người nghèo, người khốn khổ ước mong: “Thiên Chúa sẽ đánh tan những kẻ kiêu ngạo, sẽ hạ bệ những người quyền thế, sẽ để cho người giàu trở về tay không, sẽ nâng cao những người phận nhỏ, và sẽ cho người đói khát dư đầy của cải” (Lc 1, 5- 53).
Nếu Đức Maria không có một tình yêu thật sự đối với tha nhân, làm sao trong khoảnh khắc, Mẹ có thể cất lên tiếng hát đầy lòng nhân ái như vậy. Và chắc chắn, Mẹ sẽ không nhận ra thế giới này cần gì, con ngýời cần gì, nếu Mẹ không là người sống nhân đức khiêm nhường. Nơi Mẹ tình yêu và sự khiêm nhường sóng đôi. Lời kinh Ngợi Khen của Mẹ là lời kinh mà muôn đời chúng ta phải học tập và học tập không ngừng.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ là người đầu tiên nhận thấy tiệc cưới ở Cana thiếu rượu. Xin cho trái tim chúng con mang nhịp đập của một tình yêu nhạy cảm để chúng con biết yêu và trao ban tình yêu ấy cho những người chúng con gặp gỡ. Xin giúp chúng con có quả tim khiêm nhường. Một quả tim như thế sẽ giúp đôi mắt chúng con quan sát tinh tế hơn về những nhu cầu của mọi người xung quanh, để chúng con sẵn sàng cho đi và trao ban tình yêu của chính chúng con.
5. KẾT LUẬN:
HƯỚNG VỀ VĨNH CỬU THEO GƯƠNG ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI.
“Sau 20 giờ, tôi không còn là Giáo hoàng của Hội thánh Công giáo nữa. Tôi chỉ là người lữ hành khởi đầu chặng cuối trong cuộc hành trình lữ thứ trần gian”. Đó là lời cảm động sau cùng của triều đại Bênêđictô XVI, mà Đức Thánh Cha đã ngỏ với tất cả mọi người đang chia tay và tiễn biệt ngài tại biệt thự mùa hè Castel Gandolfo ngay sau khi Đức Thánh Cha đặt chân đến đây, và bỏ lại phía sau ngai tòa của thánh Phêrô mà ngài đã cáng đáng trách nhiệm trong gần tám năm trời.
Một cuộc ra đi xúc động, mang theo nhiều suy nghĩ, nhiều tình cảm lẫn lộn: thắc mắc, buồn, ngạc nhiên, thông cảm, mến phục… của nhiều người.
Đối với tôi, Đức Thánh Cha đã trở thành biểu tượng của lòng yêu thương. Không phải một thứ yêu thương chung chung. Càng không là một thứ yêu thương sáo rỗng. Cũng không bao giờ là một thứ yêu thương chỉ nặng trên đầu môi chót lưỡi. Đức Thánh Cha đã yêu chính Chúa Kitô, yêu Hội Thánh của Chúa Kitô, yêu cả cơ đồ mà Chúa Kitô để lại, yêu cả chức vụ mục tử mà Chúa Kitô đã trao vào tay mình. Chính tình yêu ấy đã làm Đức Thánh Cha nặng lòng. Ngài đã phải bỏ nhiều thời gian trăn trở, suy tư và cầu nguyện. Chính Đức Thánh Cha đã thổ lộ điều đó tại công nghị hồng y ngày 11.2.2013: “Sau nhiều lần tự vấn lương tâm trước mặt Chúa, tôi đã đi đến sự xác tín rằng năng lực của tôi, do tuổi cao, không còn phù hợp để cáng đáng đầy đủ sứ vụ Giáo Hoàng. Tôi biết rằng sứ vụ này, do bản tính siêu nhiên của nó, phải được thực hiện không chỉ bằng lời nói và việc làm, nhưng phải đi kèm với không ít những lời cầu nguyện và đau khổ. Tuy nhiên, trước một thế giới với quá nhiều những thay đổi nhanh chóng và đang rúng động bởi những vấn nạn liên quan sâu sắc đến đời sống đức tin; để có thể lèo lái con thuyền của Thánh Phêrô và rao giảng Tin Mừng, cả năng lực của trí óc lẫn thể xác đều là cần thiết. Năng lực của tôi trong vài tháng qua, đã xấu đi đến mức mà tôi phải thừa nhận sự bất lực của tôi không thể đáp ứng đầy đủ sứ vụ được giao phó cho mình”.
Rồi chính tình yêu không gì có thể thay thế ấy, dù “nhận thức được mức độ nghiêm trọng của hành động” (diễn văn ngày 11.2.2013), đã dẫn Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đi đến quyết định: “Tôi tuyên bố thoái vị khỏi sứ vụ của Giám Mục Roma, Người kế vị Thánh Phêrô, đã được giao phó cho tôi bởi các Hồng Y ngày 19 Tháng Tư năm 2005” (diễn văn ngày 11.2.2013).
Vì thế, qua quyết định rời bỏ ngai tòa thánh Phêrô trong tình yêu đầy tràn dành cho Thiên Chúa, dành cho Hội Thánh, dành cho nhân loại của Đức Thánh Cha, đối với tôi, đó là cả một nhân đức khiêm nhường không nhỏ. Không dễ gì, nếu không yêu thương, không khiêm nhường, một con người có thể dễ dàng tự tước bỏ quyền lực của mình. Càng so sánh với nhiều trường hợp, nhiều người phải bị thúc ép bằng nhiều cách, mới chấp nhận rời bỏ quyền lực, ta càng thấy nhân đức khiêm nhường của Đức thánh Cha là nhân đức anh hùng. Càng khiêm nhường hơn, càng anh hùng hơn, nếu ta nhận ra, một khi tự tước bỏ quyền lực của mình, Đức Thánh Cha cũng đồng thời trút bỏ cả danh dự, tiếng nói, ảnh hưởng…, không chỉ trên 1,2 tỷ người Công giáo mà còn cả trên đấu trường nhân loại về nhiều mặt: chánh trị, tư tưởng, văn hóa, tôn giáo, an sinh, nền hòa bình, đời sống con người… Lòng yêu thương, đức khiêm nhường của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dòi dọi chiếu sáng trên từng người chúng ta, để chúng ta cũng học lấy, và học một cách thấm thía tình yêu khiêm nhường trong mọi ngõ của đời mục tử mà chúng ta đang mang, đang vác.
Từ đây, sau khi rời bỏ tòa thánh, sống như một Giám mục ẩn mình, Đức Thánh Cha sẽ có nhiều thời giờ hơn để hướng về vĩnh cửu. Lại một lần nữa, tình yêu và lòng khiêm nhường tiếp tục dẫn Đức Thánh Cha đến căn phòng của nội tâm, đối diện với thực tế: tuổi già, sức yếu và cái chết đang treo phía trước. Càng yêu thương bao nhiêu, càng khiêm nhường bao nhiêu, người ta càng can đảm đối diện với thực tế (mà nhiều người cho là đau lòng) ấy bấy nhiêu. Đức Thánh Cha đã yêu thương nhiều, đã đi đến cùng của lòng khiêm nhường, vì thế sự can đảm nơi ngài là sự can đảm lớn. Chính Đức Thánh Cha đã tự chuẩn bị cho mình hành trang ấy, khi ngài cho thấy: “Sau 20 giờ, tôi không còn là Giáo hoàng của Hội thánh Công giáo nữa. Tôi chỉ là người lữ hành khởi đầu chặng cuối trong cuộc hành trình lữ thứ trần gian” (diễn văn cuối cùng tại Castel Gandolfo ngày 28.2.2013). Trong căn phòng nội tâm nhằm chuẩn bị cho cuộc lữ hành cuối cùng ấy, cung lòng của Đức cựu Giáo hoàng vẫn đầy ắp Hội Thánh, vẫn có tất cả chúng ta: “Nhưng tôi sẽ vẫn còn nơi con tim tôi, nơi tình yêu của tôi, nơi lời cầu nguyện của tôi, nơi những suy tư của tôi, và với tất cả sức mạnh nội tâm của mình, lòng yêu thích hoạt động vì thiện ích chung của Giáo Hội và nhân loại” (diễn văn cuối cùng tại Castel Gandolfo ngày 28.2.2013). Hay: “Tôi cũng muốn tận tụy phục vụ Hội Thánh của Thiên Chúa trong tương lai thông qua một cuộc sống tận hiến cho việc chuyên tâm cầu nguyện”.
Chúng ta, từng linh mục của Chúa, tại giáo phận Phú Cường này, hãy học lấy bài học đầy yêu thương đối với Thiên Chúa, đối với Hội Thánh, đối với con người. Và hãy tích lũy cho mình nhân đức khiêm nhường, để chúng ta trưởng thành hơn trong việc đón nhận thánh ý Chúa. Ai càng yêu thương nhiều, càng khiêm nhường lớn, sẽ càng chuẩn bị thấu đáo cho ngày ra đi của mình. Hãy sống từng ngày cho sứ mạng, ngay cả khi phải rời bỏ sứ mạng. Vì nếu có hết mình đón nhận sứ mạng và quyết tâm sống chết cho sứ mạng là can đảm, thì khi cần thiết phải rời bỏ sứ mạng, cũng can đảm không kém. Nếu thực thi sứ mạng cách can đảm là sống cho sứ mạng, thì khi cần thiết, can đảm rời bỏ sứ mạng, cũng là sống vì sứ mạng. Và bất cứ ai, nếu đang tất bậc từng ngày do sứ mạng đòi hỏi, cũng phải biết mình đang đi về vĩnh cửu mà sống đường hoàng hơn, tốt đẹp hơn, thánh thiện hơn. Còn những ai đã được Chúa yêu thương, ban cho một thời kỳ nghỉ ngơi, hãy cảm tạ Chúa thật nhiều, vì thời gian là hồng ân quý báu giúp chuẩn bị chu đáo cho ngày cùng tận của đời mình trên dương thế…
Tất cả đòi lòng yêu mến và sự khiêm nhường. Tất cả nhờ lòng yêu mến và sự khiêm nhường…!
Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG