Kháng thư phản đối án tử hình tại Việt Nam

Kháng thư phản đối án tử hình tại Việt Nam

Hòa Ái, phóng viên RFA
2015-01-07

hoaai01072015.mp3

dasua3-622.jpg

Bố mẹ và con gái của Anh Nguyễn Văn Chưởng kêu oan cho Anh.

Một kháng thư phản đối án tử hình tại Việt Nam của các tổ chức dân sự độc lập đồng ký tên vừa được phổ biến rộng rãi trong và ngoài nước, kêu gọi người Việt khắp nơi cùng tham gia.

Góp tiếng nói cứu mạng người

Kháng thư phản đối án tử hình tại Việt Nam của nhiều tổ chức dân sự độc lập trong nước đồng ký tên lần đầu tiên được công bố trong bối cảnh dư luận xôn xao về 2 án tử hình của tử tù Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Dương và tử tù Hồ Duy Hải ở Long An. Theo thông tin từ gia đình và luật sư cho biết đây là 2 vụ án oan sai. Cả 2 tử tù bị giam 7, 8 năm trong tù và gia đình đã khiếu kiện trong ngần ấy năm nhưng không được giải quyết. Những ngày cuối năm 2014 và đầu năm 2015, hình ảnh kêu oan ngưng thi hành án tử hình của người thân gia đình 2 tử tù được truyền đi khắp các trang mạng xã hội với kỳ vọng công luận cùng góp một tiếng nói để cứu một mạng người.

Chúng tôi thấy rằng án tử hình là vô nhân đạo, không văn minh, không giải quyết được gì cả và nhất là ở Việt Nam thì án tử hình đã được thực thi từ rất lâu.
-LM Phan Văn Lợi

Kháng thư ra đời không những kêu gọi các cơ quan chức năng có thẩm quyền xét xử lại 2 án tử hình này mà còn lên tiếng về việc chính quyền Hà Nội vẫn áp dụng án lệnh tử hình tại Việt Nam. Linh mục Phan Văn Lợi, một trong những người khởi xướng cho biết nguyên nhân hình thành của kháng thư:

“Chúng tôi thấy rằng án tử hình là vô nhân đạo, không văn minh, không giải quyết được gì cả và nhất là ở Việt Nam thì án tử hình đã được thực thi từ rất lâu, đặc biệt sau năm 1975 với việc đã tử hình rất nhiều người trong quân dân cán chính VNCH bị đưa vào trong các trại cải tạo, cũng như là những tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị đã bị xử bắn và từ năm 1975 cho đến hôm nay có rất nhiều tù nhân hình sự có án tử chịu hành hình… Chính đó là một vấn đề làm nhức nhối lương tâm của con người và là một thách thức trước nền văn minh nhân loại cho nên chúng tôi nghĩ rằng cần phải lên tiếng để yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam phải học theo văn minh của loài người hủy bỏ án tử hình”.

Việt Nam có trên 500 tử tù

ho-duy-hai-622

Hồ Duy Hải trước tòa (trên) và bà Nguyễn Thị Loan mẹ của tử tù Hồ Duy Hải (hình phía dưới).

Theo số liệu của Tổ chức Ân xá Quốc tế, Việt Nam có trên 500 tù nhân bị kêu án tử hình vào thời điểm cuối năm 2012. Và theo thống kê của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam thì hiện tại con số này lên đến hơn 700 tử tù. Trong năm 2014, khoảng 50 tù nhân đã bị hành hình. Thế nhưng con số những tử tội xấu số bị thiệt mạng do oan sai như Hồ Duy Hải hay Nguyễn Văn Chưởng là bao nhiêu thì vẫn còn là ẩn số.

Cựu tù nhân lương tâm-Nguyễn Bắc Truyển, thành viên của Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam, ký tên trong “Kháng thư phản đối án tử hình tại Việt Nam” chia sẻ rằng trong thời gian thụ án tù ông gặp rất nhiều người bị án oan sai do bị ép cung, bị đánh đập, bị tra tấn để làm sao cho bản kết luận điều tra của công an được lô-gíc theo sự mớm cung. Do không chịu nổi sự bức cung trong trại giam nên nhiều người phải khai nhận theo sự hướng dẫn của công an.

Đại diện các tổ chức dân sự độc lập đồng ký tên trong kháng thư cho rằng vì án tử hình tước đi quyền căn bản được sống của con người nên việc tiến tới bãi bỏ án tử hình là xu hướng tiến bộ chung của thế giới. Họ cho rằng Việt Nam có tăng án tử hình nhiều hơn thì cũng không hạn chế được vấn đề tội phạm. Dù án tử hình ở con số cao nhưng các vụ án nghiêm trọng vẫn xảy ra, tội ác không được ngăn chặn. Ông Nguyễn Bắc Truyển chia sẻ thêm quan điểm của mình trong việc lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam nên bãi bỏ án tử hình:

Xu hướng tiến tới bãi bỏ án tử hình là điều cần nên làm và do đó chúng ta phải đi từ cái gốc là giáo dục con người để cho họ đừng phạm tội đến đến mức độ phải dẫn đến án tử hình hay dẫn đến án chung thân.
-Ông Nguyễn Bắc Truyển

“Xu hướng tiến tới bãi bỏ án tử hình là điều cần nên làm và do đó chúng ta phải đi từ cái gốc là giáo dục con người để cho họ đừng phạm tội đến đến mức độ phải dẫn đến án tử hình hay dẫn đến án chung thân. Nếu chúng ta làm được điều đó thì mới giải quyết được phần gốc và phần căn bản chứ còn nếu như chỉ đem những người phạm tội nghiêm trọng giết người rồi tử hình thì không giải quyết được phần gốc mà chỉ giải quyết phần ngọn. Con người ta thì vẫn do không được giáo dục, không được trang bị một tấm lòng nhân bản thì họ tiếp tục dễ dẫn đến hành vi giết người. Tôi cho rằng cái gốc căn bản vẫn là giáo dục”.

Hằng năm, các hội nghị quốc tế ủng hộ bãi bỏ án tử hình còn tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới do Tổ chức Ân xá Quốc tế cùng các tổ chức nhân quyền chủ trì. Tổ chức Ân xá Quốc tế vẫn kêu gọi chính quyền Hà Nội ân xá các án lệnh tử hình dù trong thời gian qua Việt Nam đã cải thiện cách thức thi hành án bằng phương pháp nhân đạo hơn là tiêm thuốc độc đối với tử tù thay vì xử bắn. Trường hợp mới nhất được ghi nhận là Viện KSND Tối cao của Việt Nam cho phép lập tổ liên ngành xem xét lại vụ án tử tù Hồ Duy Hải để làm rõ có bị kết án oan sai hay không.

Hiện Hoa Kỳ và Việt Nam nằm trong danh sách 58 quốc gia trên thế giới còn đang áp dụng án tử hình. Tuy nhiên, số liệu này ở Hòa Kỳ đang ở mức thấp trong vòng 20 năm qua. Năm 2014 chỉ có 35 người bị hành quyết ở 7 tiểu bang của Mỹ. Vào ngày 31/12/2014, Thống đốc tiểu bang Maryland, là người đang cân nhắc ra tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Martin O’Malley tuyên bố sẽ giảm án tử hình đối với 4 tử tội thành án chung thân trước khi kết thúc 2 nhiệm kỳ vào tháng tới.

Tại Việt Nam, một trong những lời tuyên bố chính yếu trong kháng thư của các tổ chức dân sự độc lập vừa công bố nêu rõ “yêu cầu các cơ quan hữu trách Việt Nam ngưng ngay việc thi hành mọi án tử đã tuyên, bỏ ngay một số tội tử hình như buôn bán ma túy, in tiền giả (trong số 22 tội) và sớm sửa đổi Bộ luật Hình sự để án ‘tử hình’ hoàn toàn bị bãi bỏ”. Qua một cuộc trao đổi giữa Hòa Ái với TS. Xã hội học Trịnh Hòa Bình liên quan đến án tử hình ở Việt Nam hồi tháng 6/2013, ông cho rằng sớm hay muộn thì VN cũng sẽ theo xu hướng chung sẽ bỏ án tử hình nhưng chắc chắn không phải ngay lập tức. Câu hỏi đặt ra trong thời điểm này là Chính phủ Việt Nam sẽ có quyết định như thế nào khi “Kháng thư phản đối án tử hình tại Việt Nam” được đặt trên bàn nghị sự?

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay