IMF: Trung Quốc qua mặt Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới
Saturday, October 11, 2014
BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) vừa thông báo Trung Quốc đã qua mặt Hoa Kỳ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo một bản tin của Fox News.
Thủ Tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc nói chuyện với Thủ Tướng Angela Merkel hôm 10 Tháng Mười, nhân chuyến thăm Ðức, quốc gia Châu Âu có buôn bán lớn nhất với Trung Quốc. (Hình: Adam Berry/Getty Images) |
Nền kinh tế Hoa Kỳ luôn giữ vị trí số một thế giới kể từ năm 1873, sau khi qua mặt Anh.
Theo tác giả bài báo, ông William Wilson, một nghiên cứu sinh kỳ cựu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Châu Á thuộc The Heritage Foundation, so với mức độ tăng trưởng kinh tế trong vài thập niên vừa qua, chuyện Trung Quốc qua mặt Hoa Kỳ không làm nhiều người ngạc nhiên.
Và điều này cũng không nhất thiết làm người Mỹ lo lắng. Tất cả tùy thuộc chính quyền Hoa Kỳ xoay xở như thế nào.
Có hai phương pháp so sánh căn bản ở đây, để có thể đo lường tổng sản lượng quốc gia (GNP) của một nước.
Ngoài ra, sức mua hàng (PPP) cũng được tính vào việc so sánh giá cả giữa các quốc gia.
Hầu hết giá hàng hóa ở Trung Quốc đều rẻ hơn ở Mỹ, nhưng tổng sản lượng gần như bằng nhau giữa hai quốc gia.
Theo IMF, GNP của Mỹ khoảng $17,400 tỉ và của Trung Quốc khoảng $17,600 tỉ, dựa trên mức đo lường của PPP.
Hồi năm 2005, nền kinh tế Mỹ lớn gấp đôi nền kinh tế Trung Quốc.
Trong vòng 5 năm tới, vẫn theo IMF, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng thêm 20% so với hiện nay, theo dự đoán của ông Wilson.
Phương pháp thứ nhì không tính sức mua hàng giữa hai quốc gia, nhưng lại tính tỉ giá hối đoái giữa đồng đô la của Mỹ và đồng nguyên của Trung Quốc.
Và nếu theo phương pháp này, nền kinh tế Mỹ lớn hơn nền kinh tế Trung Quốc tới $7,000 tỉ. Và phải mất một thời gian Trung Quốc mới đuổi kịp Mỹ.
Dân số đông cũng là một lợi thế của hai quốc gia này.
Với dân số đông và nền kinh tế quốc gia lớn mạnh, Hoa Kỳ có được sức mạnh chính trị giúp tạo ra trật tự thế giới sau Thế Chiến 2.
Sự quyết đoán hơn của chính phủ Trung Quốc trong thời gian gần đây cũng có liên quan đến mức tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù thu nhập tính trên đầu người giữa hai quốc gia còn cách biệt rất lớn – $54,700/người ở Mỹ và $7,600/người ở Trung Quốc – mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc làm nhà nước thu được nhiều tiền hơn và tạo thêm được ảnh hưởng trên thế giới.
Tóm lại, chuyện một quốc gia có số dân gấp bốn lần nước Mỹ một ngày nào đó có nền kinh tế lớn hơn không phải là một sự đe dọa hay sốc đối với mọi người.
Người Trung Quốc có cơ hội giàu có bây giờ vẫn tốt hơn so với trước đây, và chuyện Trung Quốc mở rộng thị trường kinh doanh và đầu tư cũng là điều tốt cho thế giới, chứ không chỉ đối với các nhà đầu tư, người tiêu dùng, và nhà xuất cảng ở Mỹ, theo ông Wilson.
Ông kết luận rằng, đe dọa xuất phát từ quyền lực mà đảng và nhà nước Trung Quốc tích tụ được qua kết quả kinh tế.
Muốn ngăn chặn đe dọa này, Hoa Kỳ phải kiên trì, một yếu tố quan trọng trong chính sách ngoại giao, với sự hỗ trợ của một nền quốc phòng mạnh mẽ, cộng với thị trường kinh tế rộng mở. Nếu thành quả kinh tế của Trung Quốc là một đe dọa thực sự thì đó là vì Hoa Kỳ thiếu sự kiên quyết. (Ð.D.)