Hãy luôn tỉnh thức!

Hãy luôn tỉnh thức!

Chuacuuthe.com

VRNs (29.11.2014) – Tin Mừng CN I Mùa Vọng – Năm B (Mc 13, 33-37)

Ở Việt Nam, thỉnh thoảng nơi công cộng, nơi nhà ở chúng ta thấy những bảng cảnh báo “coi chừng móc túi”, “coi chừng mất xe”, “coi chừng chó dữ”, … xem ra đáng xấu hổ cho người Việt mình quá! Nhưng đó lại là những lời nhắc nhớ chúng ta đề phòng, cảnh giác để khỏi phải “tiền mất tật mang”, “hao tài tản mạng” rất đáng để lưu ý.

Mở đầu Năm Phụng vụ, chuẩn bị đón mừng Đại lễ Giáng Sinh, cũng tương tự thế, Giáo hội cho chúng ta nghe lại những lời cảnh báo của Chúa Giêsu. Nhưng không phải nghe chỉ để khỏi bị hao tài tản mạng, mà hơn thế nhiều, quan trọng hơn nhiều, lời cảnh báo của Chúa liên quan đến “phần rỗi” của mỗi người chúng ta!

“Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến!”(Mc 13, 33).

Phải coi chừng! Phải tỉnh thức!

Chúa không bảo “hãy” coi chừng, “hãy” tỉnh thức! Đó chỉ là một lời kêu gọi, nhắc nhớ. Nhưng Ngài bảo “phải” coi chừng, “phải” tỉnh thức. Như một đòi buộc gắt gao cho tất cả mọi người chúng ta, bất kể là ai.

Kết thúc bài Tin Mừng hôm nay Chúa đã nói rõ ràng: “Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!(Mc 13, 37).

Mừng Chúa Giáng sinh trong những ngày sắp đến đây, chúng ta nhớ lại một kỷ niệm trọng đại ngày Con Chúa Giáng Trần, không chỉ vậy thôi! Nhưng “phải coi chừng, phải tỉnh thức” “vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến”(Mc 13, 35b), mới thật là quan trọng!

Chủ nhà là Thiên Chúa chúng ta sẽ đến cách vinh quang sáng láng, trong ngày tận cùng của vũ trụ để phán xét kẻ lành người gian. Chủ nhà là Thiên Chúa chúng ta cũng sẽ đến với riêng từng người, trong ngày cuối cùng của một kiếp làm người.

Cả hai cách đến của Chủ Nhà thì không ai biết được:

Khi các môn đệ hỏi về ngày giờ của cách đến thứ nhất, Chúa Giêsu đã trả lời rõ ràng: “Về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các Thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không, chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi”(Mt 24, 36).

Rõ rồi nhé!

Còn cách đến thứ hai cho riêng mỗi người chúng ta, thì ôi thôi “thiên hình vạn trạng”! Ngày giờ thì chẳng biết đâu mà lần, như chúng ta đã quá biết về những cái chết bất ngờ cho tất cả mọi người thuộc mọi lứa tuổi, mọi kiểu mọi cách, mọi nơi mọi chốn, …!

Nói tóm lại là tất tần tật, đủ cách đủ kiểu … chết!

Chắc chúng ta không thể nào quên được sự kiện thảm khốc 11/9/2001 tại Mỹ, trong chốc lát đã làm chết 2.974 người, 24 người mất tích! Và trận động đất sóng thần Tohoku kinh hoàng ngày 11/3/2011 tại Nhật, con số còn khủng khiếp hơn: 15.854 người chết, 3.155 người mất tích, 9.677 người phải thương tật!

Theo thống kê hiện nay, trên thế giới trong vòng một phút thì có khoảng 200 người được “thần chết” đến thăm! Tại Việt Nam hiện nay, chỉ tính riêng vì tai nạn giao thông không thôi, một ngày đã có khoảng 26 người phải “chầu diêm vương”!

Thế đó, chẳng biết lúc nào đến lượt Bạn và tôi – chúng ta được “chủ nhà đến”? Do vậy Chúa đã bảo chúng ta phải coi chừng, phải tỉnh thức. Đó là điều đương nhiên với tấm lòng một Người Cha, luôn lo lắng để nhắc nhớ con cái mình.

Vậy thì, Bạn và tôi – chúng ta phải coi chừng, phải tỉnh thức như thế nào đây?

Không có gì to tát, phải lo lắng lắm đâu! Không cần phải thức suốt đêm với súng ống để canh giữ, đừng cho “thần chết” vào nhà mình đâu! Không cần phải mua thật nhiều nến, đến nhờ ông cha làm phép, để đề phòng “tối 3 ngày 3 đêm” đâu! …

Đơn giản thôi!

Bạn và tôi hãy cố gắng, luôn sống trong Ơn Thánh Chúa với tâm hồn đơn sơ tốt lành, tốt lành với Chúa và với mọi anh em. Trong mọi chức vụ, công việc, bổn phận của hôm nay, của hiện tại, hãy lo chu toàn cách tốt lành với hết trách nhiệm và lòng yêu mến. Để bất cứ lúc nào “chủ nhà đến”, chúng ta cũng đều “vô tư” thoải mái trả lời như Thánh Đôminicô Saviô sau đây:

Một hôm đang trong giờ chơi thể thao với các bạn, bất ngờ Thánh Gioan Boscô gọi cậu Saviô ra và hỏi:

  • Nếu ít phút nữa Chúa gọi con về với Ngài, thì con sẽ làm gì?
  • Thưa cha, thì con vẫn tiếp tục chơi – Saviô đơn sơ mau mắn đáp.
  • Thế con không vào Nhà nguyện cầu nguyện hay đi xưng tội sao? – Thánh

Boscô tiếp tục.

Vẫn thái độ bình thản, Saviô vui vẻ trả lời Cha Boscô:

  • Thưa cha, bây giờ là giờ thể thao, mọi người phải chơi cho thân thể khỏe mạnh. Vì thế, con nghĩ cứ làm như vậy là đẹp ý Chúa nhất. Vả lại, tâm hồn con lúc nào cũng trong tình trạng sẵn sàng để về với Chúa mà!

Thật tuyệt vời phải không Bạn?

Cũng thái độ tích cực, luôn sẵn sàng như thế trong mọi bổn phận Chúa đã trao, Đức Hồng y Fx Nguyễn Văn Thuận cũng đã viết: “Sống bổn phận hiện tại không phải là thụ động, nhưng là liên lỉ canh tân, là quyết định chọn Chúa, là tìm Nước Chúa, là tin ở tình yêu vô bờ của Chúa, là hành động với tất cả hăng say, là thể hiện mến Chúa yêu người ngay trong giây phút này(ĐHV 26).

Với sự hèn kém của mình, chắc chắn chúng ta khó có thể sống được như các Thánh. Nhưng trông cậy vào Ơn Chúa, chúng ta cố gắng tập tành ngay từ hôm nay, luôn biết chuẩn bị, tỉnh thức, sẵn sàng để “khi nào chủ nhà đến, lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng”(Mc 13, 35b) đều không “bắt gặp anh em đang ngủ”(36 b).

Nếu cố gắng được như thế, thì không lẽ gì mà Ông Chủ không ban thưởng cho chúng ta lúc Ông về nhà, đúng không?

Còn nếu không cố gắng, không chuẩn bị sẵn sàng, mà Ông Chủ về bất ngờ, lúc tâm hồn chúng ta đang mãi mê trong tội, thì sao đây? Cánh cửa nào sẽ mở cho chúng ta đây?

Chắc chỉ có 2 cửa thôi: hoặc là Hỏa ngục, nơi phải xa cách Chúa đời đời; hoặc là may mắn hơn, nơi Luyện hình để chờ đợi ngày về với Chúa!

Ước mong Bạn và tôi – chúng ta bước vào Mùa Vọng với một tâm hồn chuẩn bị chu đáo. Luôn luôn tỉnh thức, sẵn sàng để chào đón ngày Con Chúa ra đời và một Mùa Giáng Sinh sắp tới trong hoan lạc, an bình!

Micae Hữu Liên

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay