HÃY LUÔN BIẾT CHẠNH LÒNG THƯƠNG

HÃY LUÔN BIẾT CHẠNH LÒNG THƯƠNG

Tác giả: Lm. Nguyễn Thành Long

conggiaovietnam.net

Chúa Nhật 10 Thường Niên C

Mỗi ngày, người ta phải chứng kiến biết bao tai nạn đau lòng xảy ra khắp nơi trên đất nước này để lại những cảnh đời vô cùng thương tâm: cha mẹ mất con, chồng mất vợ, con cái mất cha hoặc mất mẹ, trở nên côi cút. Vụ tai nạn giao thông thảm khốc vừa xảy ra mới hôm qua tại Khánh Hòa khi chiếc xe khách đâm vào vách núi đã cướp đi sinh mạng của 7 người và làm bị thương hàng chục người. Trong đó, đa phần là các cô giáo của một trường tiểu học ở Huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Bà Võ Thị Nhung, đã ngoài 70 tuổi, mẹ của cô giáo bị thiệt mạng trong vụ tai nạn khóc ngất nói: “Tôi không ngờ nó còn trẻ vậy mà người đầu bạc khóc kẻ đầu xanh!”. Mọi người trong nhà cô Mai kể: “Cô giáo Mai mới chỉ 33 tuổi. Trong nhà, duy chỉ mình cô giáo Mai là được học hành đến nơi đến chốn”.

Chị Nguyễn Thị Liệu, chị ruột của cô Mai, khóc nức nở: “Con nó mới được 4 tuổi, hôm đi cả nhà động viên nhiều lắm nó mới chịu đi vì nghĩ nhà còn khó. Mà mấy chục tuổi đầu nó đã có chuyến du lịch nào đâu! Đây là chuyến đi đầu không ngờ cũng là chuyến đi cuối!”…

Bảy cái đám tang tại một ngôi làng trong một ngày, với biết bao nước mắt đau thương quả là nỗi mất mát quá lớn.

Có người bảo rằng nếu Chúa Giêsu làm người và sống vào thời đại hôm nay ngay trên đất nước Việt Nam này, thì Chúa Giêsu sẽ liên tục được mời đến những nơi xảy ra tai nạn giao thông và Ngài tha hồ làm phép lạ, nhất là phép lạ phục sinh cho những người chết vì tai nạn.

Thật vậy, trong suốt ba năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ, kể cả phép lạ hồi sinh người chết, như phép lạ phục sinh con trai bà goá thành Naim trong bài Tin Mừng hôm nay.

Có điều, khác hẳn với các phép lạ khác, trong phép lạ hôm nay, không ai xin Chúa và Chúa cũng không đòi hỏi lòng tin nơi người được chữa lành, hay nơi những người liên quan. Chỉ đơn thuần trên đường đi, Chúa Giêsu gặp đám tang con trai một bà góa thành Naim và Ngài đã ra tay phục sinh cho con của bà.

Quả vậy, Chúa Giêsu đã nhìn thấy hoàn cảnh rất đáng thương của bà. Đáng thương vì chồng bà mất sớm, bà trở nên đơn chiếc, trở nên góa bụa. Đáng thương hơn nữa, vì giờ đây đứa con trai duy nhất của bà cũng bỏ bà ra đi vĩnh viễn. Bà lâm vào cảnh “Tre già phải khóc măng non”, và trở thành người bơ vơ, không nơi nương tựa. Tất cả dường như sụp đổ, cuộc sống bà xem ra không còn hy vọng gì cả, bà chỉ có một niềm an ủi, một động lực để sống là đứa con thì nay niềm hy vọng cuối cùng đó cũng không còn nữa. Ai sẽ đứng ra bảo lãnh tài sản của mình trước pháp luật, và ai sẽ bảo vệ danh dự cho mình trong một xã hội trọng nam khinh nữ như xã hội Do thái đây? Bao nhiêu câu hỏi nghiệt ngã quay quắt đang nhảy múa trong đầu của bà.

Nhìn thấy cảnh đáng thương đó, Chúa Giêsu đã chạnh lòng trắc ẩn đối với bà, cả về mặt nhân tính lẫn thiên tính.

– Về mặt nhân tính: trái tim nhân loại của Con Thiên Chúa làm người đã chạnh lòng, đã thổn thức trước cảnh mất mát tuyệt vọng của bà. Ngài hiểu hơn ai hết rằng bà mẹ đã đau khổ đến mức nào. Nếu hôm ấy là đám tang của một người già an bình ra đi, có lẽ Chúa Giêsu đã không làm phép lạ. Thế nhưng ở đây Chúa Giêsu đang đối diện với một hoàn cảnh đáng thương tâm: một người mẹ đang vật vã khóc lóc tiễn đứa con trai độc nhất ra nghĩa trang (Lầu Ông Hoàng). Ngài dừng lại và thì thầm an ủi bà, với tấm lòng chân thành cảm thông nồng nàn qua giọng nói nghẹn ngào: “Này bà, bà đừng khóc nữa!”

– Về mặt thiên tính: quyền năng của Đấng Kitô đã “đụng” đến nỗi đau thương mất mát của bà. Quyền năng của một Thiên Chúa đã “chạm” đến niềm tuyệt vọng của một con người. Khác với trường hợp phục sinh người con trai của bà goá ở Xarepta mà ta vừa nghe trong Bài đọc I, tiên tri Êlia phải nằm lên đứa trẻ đến 3 lần và tha thiết kêu nài Đức Chúa đoái thương. Ở đây Chúa Giêsu dùng quyền năng của chính mình mà truyền lệnh cho con trai bà chỗi dậy, và chỉ với một lời nói đầy uy quyền, người chết đã sống lại.

Qua phép lạ phục sinh cho con trai bà goá thành Naim, Chúa Giêsu muốn bày tỏ tình thương vô biên của Thiên Chúa đối với con người trong cảnh khốn cùng. Thiên Chúa biết, Thiên Chúa thấu hiểu nỗi cùng khốn của nhân loại. Ngài cảm thông với nỗi đau khổ, nỗi bất hạnh của con người chúng ta và sẵn sàng ra tay xoa dịu. Chính vì thế chúng ta được mời gọi, trước hết, trong mọi hoàn cảnh sống, hãy luôn vững niềm tín thác cậy trông vào Thiên Chúa, không bao giờ được ngã lòng thất vọng. Thứ đến, hãy nỗ lực đáp trả tình yêu thương của Thiên Chúa trong tương quan đối với anh chị em mình bằng lối sống bác ái, bao dung, cảm thông và liên đới.

Tuy nhiên, nhìn lại thực tế cuộc sống hằng ngày, chúng ta thấy rằng có thể vì nhiều lý do, trái tim chúng ta bị chai lì, dửng dưng vô cảm trước những cảnh tượng thương đau của người khác. Có thể vì rất thường thấy người nghèo, nên chúng ta dễ vô tâm trước cái khổ của người nghèo. Có thể vì rất thường xuyên thấy người bệnh, nên chúng ta dễ vô tư trước nỗi đau của người bệnh. Và có thể vì rất quen thấy người tội lỗi, nên chúng ta dễ vô tình nhìn họ ngày càng chìm sâu trong lỗi tội.

Xin Chúa cất khỏi chúng ta trái tim chai cứng và ban tặng cho chúng ta trái tim mềm mại của Chúa, trái tim biết yêu thương, để chúng ta luôn biết thổn thức, biết chạnh lòng trước những hoàn cảnh, trước những mảnh đời đau khổ và bất hạnh để ra tay trợ giúp họ. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay