Theo Đài RFA và các báo lề trái
Có vẻ như chuyến đi của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Trung Quốc dù là để thắt chặt các mối quan hệ giữa hai đảng cộng sản nhưng thực sự số phận của ông Huệ đang nằm trong cuộc đối thoại ngoại giao này.
Nhìn vào lời mời của phía Trung Quốc và sự đáp lời nhanh nhẩu của phía Việt Nam, người ta nhìn thấy rằng đây như là một cuộc hẹn được sắp đặt trước, gấp rút, và được ngoại giao hóa bề mặt bằng một lời mời của Ủy ban thường vụ đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc.
Bất kỳ ai đang quan sát tình hình chiến trường Việt Nam cũng có thể hiểu rằng ông Vương Đình Huệ, con cờ cuối cùng của ông Nguyễn Phú Trọng, đang đứng trước những nguy cơ bị loại bỏ bởi Tô Lâm, Bộ trưởng Công an kiêm lãnh chúa toàn phần Việt Nam. Chuyến đi này chắc chắn là có lời cậy nhờ của ông Nguyễn Phú Trọng, cùng sự bày tỏ trung thành của ông Vương Đình Huệ với họ Tập, để xin bảo đảm cho chiếc ghế tổng bí thư sắp đến không bị lung lay.
Điều thú vị là trước chuyến đi của Huệ trên báo chí bắt đầu lại dấy lên câu chuyện về người bị đòn là người tình ca sĩ của Huệ đang nương nhờ ở nước Mỹ thù địch.
Trên báo Ngôi Sao, ngày 4/4, đột nhiên có một bài viết điểm lại cuộc đời của ca sĩ Hương Tràm một cách vô thưởng vô phạt. Nhưng rõ ràng nó là lưỡi gươm được cố ý treo lơ lửng, đối với ông Huệ. Bài viết có tựa đề Cuộc sống của Hương Tràm sau năm năm sang Mỹ, trong đó mô tả úp mở rằng cô chọn cuộc sống xa nhà không rõ lý do, và nói “cô có cuộc sống như một sinh viên xa nhà, biết trân quý sức khỏe và suy nghĩ tích cực”.
Thời gian gần đây, mạng xã hội rò rỉ hình ảnh ca sĩ Hương Tràm bế hai đứa bé được cho là sinh đôi, với tin đồn cô này là người tình, và đẻ hai đứa con cho ông Huệ tại Mỹ. Tờ VnExpress dẫn lời của Hương Tràm nói rằng cô không có con giống như lời đồn đại. Tuy nhiên cô không đính chính hay giải thích gì về tấm ảnh cô đang ôm hai đứa bé.
Trên con đường đi phó hội và nài xin Tập Cận Bình một vé để bảo đảm cho chức Bí thư, chắc chắn Vương Đình Huệ cũng sẽ luôn toát mồ hôi hột về đêm, khi nằm nghĩ đến câu chuyện đang cứ úp mở như vậy. Bằng mọi cách để bảo vệ cho mạng sống của mình và cho chức vụ quan trọng mà mình phải nắm bằng được, liệu Vương Đình Huệ có hy sinh thêm phần nào của đất nước, dân tộc, để nhượng bộ Tập Cận Bình cho chiếc miễn tử bài, đem về Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam gay cấn với Trung Quốc về tuyên bố những xâm lấn trên biển?
Chuyển đổi kinh tế sang thị trường là xu hướng không thể đảo ngược, nhưng đồng thời quá trình thể chế hoá các chủ trương chính sách của Đảng cộng sản không chỉ là yêu cầu cấp thiết của cải cách thể chế mà còn là phương thức để duy trì sự cai trị bởi chế độ đảng toàn trị.
Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 Vương Đình Huệ được Đảng lựa chọn để đối diện với những thách thức lập pháp nêu trên. Và hơn thế, ông Huệ có quá trình liên tục ‘được quy hoạch’ vào Bộ Chính trị với vai trò quyết định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Năm 2012 ông được bổ nhiệm làm Trưởng ban Kinh tế trung ương sau tái lập và được đề nghị bổ sung vào Bộ Chính trị khoá 11 tại Hội nghị TW 7 năm 2013, nhưng không nhận được sự đồng thuận của Ban Chấp hành trung ương. Khi ông là Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 12 đã được luân chuyển giữ chức Bí thư Thành uỷ Hà Nội để chuẩn bị tiêu chuẩn cho sự thăng tiến cao hơn.
Các Bước Đi Của Tô Lâm Trong Những Ngày Tới
“kỵ hổ nan hạ” (cưỡi trên lưng hổ khó xuống) mới là thành ngữ “khớp” với hiện tình của Bộ trưởng Công an Tô Lâm, sau khi đã tạo ra được cơn địa chấn chính trị, có thể nói là lớn nhất trong lịch sử đấu đá nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN). Đúng là có thể điểm danh ba hoặc bốn Nguyên thủ quốc gia Ba Đình đã bị “ngã ngựa” từ 2018 đến nay (tùy cách chọn), nhưng trường hợp Võ Văn Thưởng vừa rồi là một biệt lệ. Biệt lệ xét từ nhiều góc độ: Thưởng đại diện cho “Đoàn phái” ở Việt Nam, là “đệ tử ruột” của Tổng bí thư (TBT), lại được ra mắt hầu hết các “cửa Khổng sân Trình” bên thiên triều hồi ông tháp tùng Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc. Là “con nòi” của Đảng và là người gần gũi TBT nhất trong năm candidate (ứng viên) được ông Trọng chọn để thay thế mình, việc Thưởng bị “ngã ngựa” là “thất bại kép” , vừa đối với Đảng, vừa đối với TBT. Lại đúng vào ngày ông Trọng chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Nhân sự chuẩn bị cho Đại hội 14 nên thất bại ấy càng cay đắng.
“Quân bài domino” giờ ông Tô đang nhắm tới, dư luận Hà Nội râm ran mấy tuần nay, đó là bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và Thường trực Ban bí thư. Bà Mai vốn là Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên” (LHTNVN); Võ Văn Thưởng và Nguyễn Công Khế (2) từng hoạt động dưới trướng bà. Công an đang khai thác các hồ sơ do Công Khế cung cấp. Tô Lâm cũng đang cho điều tra tiếp phương án sử dụng đất sau khi di dời Nhà máy thuốc lá Khatoco (Nhà máy thuốc lá Khánh Hội) (3). “Bóc tiếp dường dây” của Tập đoàn Phúc Sơn, theo Cục C03, vụ này đã phát hiện ra một dạng tội phạm mới “bằng cách dựa vào mối quan hệ thân quen là người có chức vụ, quyền hạn” (4). “Người có chức vụ quyền hạn” ở đây phải được hiểu là người nằm trong “Bộ Tứ” hoặc “Bộ Ngũ”. Vừa “rung cây dọa khỉ” thì có tin (chưa thể kiểm chứng vì là tin mật nhưng được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội), bà Mai đã viết hai lá đơn từ luôn cả hai chức. Và bà phàn nàn: “Các anh suốt ngày bắt bớ, triệt hạ lẫn nhau… Tôi lấy làm đau lòng” (5). Bà đau lòng hay đau ruột, Tô Đại tướng không quan tâm. Ông đang nhắm tới hai cái ghế quan trọng của bà cho thuộc hạ.
Bố trí được người vào hai ghế của bà Mai, Tô Lâm mới thực sự yên tâm nhường ghế cho Phan Đình Trạc (hiện là Trưởng Ban nội chính Trung ương) để ông ngồi vào “vị trí tạm” nào đó, làm “bàn đạp” (springboard) lên ghế Tổng bí thư. Nhiều khả năng trước mắt, Tô Lâm vẫn để yên cho Phạm Minh Chính và Vương Đình Huệ, dù cả hai vẫn thường xuyên bị quân của Tô Lâm “đâm bị thóc, chọc bị gạo”. Có tin, Thứ trưởng Công an Lương Tam Quang, cánh tay phải của ông Tô sẽ được điều sang làm Viện trưởng Viện Kiểm sát. Nhưng như thế là ông Tô sẽ hở sườn ngay tại đại bản doanh của mình. Điều này khiến ông quan ngại mỗi khi nhớ lại “tấm gương” của Trần Đại Quang. Vả lại, thực ra Tô Lâm cũng chưa tính hết được các “con bài tẩy” trong tay TBT. Biết đâu ông Tổng sẽ “lật ngửa bài” vào phút chót, cho nên Tô Lâm buộc phải tính toán kỹ. Nếu TBT vẫn chưa để bà Mai về hưu và chưa cho quân của Tô Lâm “điền vào chỗ trống” thì có nghĩa là TBT vẫn còn điều khiển được “cuộc chơi”. “Cưa tiếp” ghế bà Mai sẽ là một quyết định “dò đá qua sông” và có ý nghĩa “bước ngoặt thứ hai”…
“Cưa ghế” Thưởng đã trở thành “bước ngoặt đầu tiên” đối với cuộc tỷ thí trên thượng tầng Bộ Chính trị. Các cuộc “cưa ghế” trước đây đều được tiến hành theo một quy trình tạm coi là chặt chẽ. Nếu đụng đến Ủy viên Trung ương hay Bộ Chính trị thì đầu tiên, Ban Kiểm tra Trung ương và Ban Phòng chống tham nhũng tiêu cực phải ra tay trước, rồi mới tiến hành một loạt các thủ tục lích kích khác, từ Bộ Chính trị, xuống Ban CHTW rồi mới chuyển sang bên các ông nghị, bà nghị “bấm nút”. Một bí mật cung đình có thể sẽ không bao giờ được tiết lộ, là lần “cưa ghế” Thưởng vừa rồi, Tô Lâm đã có trong tay “Thượng phương bảo kiếm” của TBT hay Tô Đại tướng chơi đòn “đánh úp”. Bởi vì, sáng 13/3, Chủ tịch nước cùng các thành viên khác trong “Bộ Tứ” đang dự khai mạc cuộc họp của Ban Nhân sự thì ngay ngày hôm sau, 14/3/2024, Nhà Vua và Hoàng Hậu Hà Lan đã được thông báo về việc Việt Nam yêu cầu đình hoãn chuyến thăm cấp Nhà nước được hai Chính phủ chuyển bị hàng tháng trước đó (6).
Nếu thành tựu “hai bước ngoặt” nói trên, Tô Đại tướng sẽ củng cố tiến trình “nhân giống nhãn lồng Hưng Yên” trong hệ thống công an tỉnh trên phạm vi toàn quốc. Theo Blogger Gió Bấc trên Đài RFA, thông qua chiến lược luân chuyển cán bộ Giám đốc Công an tỉnh, Tô Lâm đã có tay trong quyền lực ở hầu hết các đoàn đại biểu tỉnh thành và cả các bí thư tỉnh thành. Nếu cần gom phiếu ở cấp độ BCH Trung ương và Đại hội đảng, nhiều khả năng Tô Lâm sẽ có số phiếu cao tuyệt đối (7). Học tập cố Bí thư Lê Khả Phiêu trước đây đã “Thanh Hóa hóa” bộ máy nhân sự của Đảng, nay Tô Đại tướng cũng bước tiếp trên con đường “Hưng Yên hóa” guồng máy an ninh khắp trên cả nước. Đây là những “ăng-ten” vô cùng lợi hại đối với Bộ trưởng Công an trong việc “bắt thóp” những “bộ đôi hoàn hảo” gồm các Bí thư và Chủ tịch tỉnh ở các địa phương trong việc “ăn của dân không chừa một thứ gì”, như tổng kết của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.
Điều có ý nghĩa đặc biệt ở đây là Tô Đại tướng đã loại bỏ các khâu trung gian rườm rà phải theo “quy trình” trước đó. Hầu như Tô Đại tướng cho Thưởng “knock-out” ngay sau phiên họp Bộ Chính trị ngày 13/3. Thưởng không kịp trở tay, chấp nhận viết đơn mà không chờ phải ép! Trước đó, ngày 8/3, Công an cũng bắt luôn đương kim Bí thư và Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, mà không cần thông qua các ban bệ bên Đảng (8). Như vậy là từ nay, Tô Đại tướng có thể một mình một ngựa, bắt bất cứ Ủy viên Trung ương, thậm chí Ủy viên Bộ Chính trị nào “ngáng đường” ông (Hàng trăm tài liệu điều tra đã được ông chọn lựa kỹ càng đóng thành các tệp hồ sơ vô giá). Ấy là giới quan sát “vỉa hè” Hà Nội đồn đại như thế. Tuy nhiên, theo tin rò rỉ, mọi chuyện cũng không dễ dàng như vậy! Ngoài bà Mai, ông Tô sẽ phải chọn thêm “quân bài domino” nào trong cuộc chinh phạt, dọn đường cho ông và các đồng đảng cùng phe cánh tiến về đích, là điều Tô Đại tướng đang đau đầu (9).
Loại như Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thậm chí cả cựu Trưởng ban Trần Tuấn Anh, hay đương kim Chánh án Nguyễn Hòa Bình đều chỉ là những “món nộm” trong bữa tiệc của Tô Đại tướng. Cho mấy thanh củi ấy vào lò chẳng qua chỉ là để giúp TBT cứu vớt đôi chút “tính chính danh” còn rơi rớt lại của Đảng lẫn chế độ. Bộ trưởng Công an Tô Lâm muốn “hạ hỏa” sự sục sôi của dân chúng trước “Hội đồng giao thớt” của Chánh án Hòa Bình. Ông này cho quân ra chợ mua dao thớt về để làm vật chứng cho vụ án Hồ Duy Hải kéo dài hàng chục năm trời. Còn Trần Tuấn Anh hay Đào Ngọc Dung chỉ là những cặn bã mà Tô Đại tướng chỉ “búng ngón tay” là bọn này được “nhập lò” để thỏa mãn cơn cuồng nộ của muôn dân. Nhưng Tô Lâm đang đau đầu, vì những tính toán đang bế tắc khác! Tô Bộ trưởng gặp khúc mắc trong việc chọn đủ “các món chính” cho bữa đại tiệc. Trong khi không thể “cưa” một lúc quá nhiều ghế trong “Bộ Tứ”, “Bộ Ngũ”. Tính sao cho kín võ và không lộ bài qua lố?