Hạn hán khốc liệt bắt đầu đe dọa Việt Nam

Hạn hán khốc liệt bắt đầu đe dọa Việt Nam
Nguoi-viet.com

SÀI GÒN (NV) Cảnh báo của giới chuyên gia khí tượng-thủy văn và nông nghiệp về tình trạng hạn hán khốc liệt dường như đang trở thành sự thật, kể cả tại đồng bằng sông Cửu Long, vốn chằng chịt sông rạch.

Khoảng 30,000 hecta lúa Ðông-Xuân ở Tiền Giang bị nước mặn bủa vây từ trước Tết và dù đã làm đủ cách, nông dân ở thị xã Gò Công và các huyện Gò Công Ðông, Gò Công Tây vẫn không cứu được lúa. Khoảng 700 hecta lúa đã chết khô.


Một nông dân chuẩn bị bơm nước từ kênh vào ruộng. Kênh sắp trơ đáy trong khi lúa cần nước trong khoảng 30 ngày nữa. (Hình: Tuổi Trẻ)

Bất kể đang Tết, nông dân Tiền Giang vẫn đổ ra đồng bơm nước cứu lúa song gần như các ruộng lúa trong vùng đều đã vàng quạch. Ðông-Xuân là vụ lúa chính trong năm. Ðúng vào lúc lúa cần nước để phát triển thì kênh, mương trơ đáy, lúa chết khô trên diện rộng. Cũng vì vậy, người ta tin rằng, năm nay, nông dân coi như đói.

Chính quyền tỉnh Tiền Giang đã yêu cầu bơm nước mặn vào kênh mương nhằm trộn với nguồn nước ngọt còn sót lại, sao cho độ mặn không vượt quá mức 2 gram/lít rồi lấy nước đó tưới cho lúa nhưng giải pháp này bất thành vì lượng nước ngọt trong kênh giảm xuống quá nhanh và độ mặn trong nguồn nước bên ngoài tăng nhanh không kém.

Chẳng riêng nước tưới mà giờ, người ta phải xếp hàng để nhận nước ngọt dùng cho ăn uống, tắm giặt. Chính quyền tỉnh Tiền Giang ước đoán, hiện có ít nhất khoảng 7,000 gia đình, với 35,000 người cư trú ở các xã ven biển, ven sông,… thiếu nước ngọt để dùng.

Tình trạng vừa kể bắt đầu xuất hiện ở nhiều nơi. Chẳng hạn du lịch ở buôn Ðôn, tỉnh Ðắk Lắk đang gặp khó vì sông Srepok đã trơ đáy làm mất hứng của du khách. Năm nay, các công ty du lịch trong vùng phải hủy nhiều dịch vụ gắn với sông Srepok như chèo thuyền vượt thác, ngồi thuyền ngoạn cảnh vì lòng sông chỉ còn đá.

Diễn biến của thời tiết tại Việt Nam càng ngày càng dị thường và năm sau, có khuynh hướng khắc nghiệt hơn năm trước.

Năm ngoái, tại Việt Nam có tất cả 14 đợt nắng, nóng bất thường ở khu vực Tây Nguyên, miền Trung, miền Nam. Nhiệt độ trung bình cao hơn nhiệt độ trung bình nhiều năm từ 0.5 độ C đến 1.5 độ C.

Dẫu Việt Nam có nhiều đợt mưa lớn chưa từng có với thời gian dài cũng chưa từng có nhưng vũ lượng lại thấp hơn nhiều so với mức trung bình của nhiều năm. Cũng vì vậy, đến cuối năm, khi mùa mưa chấm dứt, các hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện và các công trình thủy lợi trên toàn Việt Nam đều thiếu nước.

Cuối năm ngoái, trước khi vào mùa khô, các hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện ở miền Bắc Việt Nam thiếu khoảng 9 tỉ mét khối nước. Tại miền Trung đa số các hồ chỉ mới tích được từ 20% đến 30% lượng nước cần thiết để duy trì hoạt động trong mùa khô. Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với khu vực Tây Nguyên và miền Nam Việt Nam.

Người ta ước tính, lượng nước ở miền Nam Việt Nam hụt mất khoảng từ 20% đến 40% so với bình thường. Lưu lượng dòng chảy thấp hơn mức trung bình của nhiều năm từ 35% đến 48%. Mực nước lũ được ghi nhận là thấp nhất từ năm 1926 đến nay. Ðó cũng là lý do tai họa chồng tai họa: vừa hạn hán, vừa bị nước mặn từ biển xâm nhập sâu vào đất liền.

Năm nay, trong tháng 1 và tháng 2, Việt Nam đối diện với hai đợt lạnh được xem là chưa từng có. Nhiệt độ trung bình ở vùng núi phía Bắc Việt Nam và phía Bắc miền Trung Việt Nam tụt xuống chỉ còn từ âm 4 độ C đến 0 độ C nên tuyết và băng giá xuất hiện nhiều nơi. Nhiệt độ trung bình ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng và khu vực ven biển phía Bắc miền Trung chỉ còn từ 6 độ C đến 9 độ C.

Nếu những dự báo của Cục Trồng Trọt thuộc Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Việt Nam hồi cuối năm ngoái chính xác, hạn hán sẽ gây thiệt hại trầm trọng cho Việt Nam, đặc biệt là cho đồng bằng sông Cửu Long trong vụ Ðông-Xuân 2015-2016 này.

Ðồng bằng sông Cửu Long có khoảng 620,000 hecta đất trồng lúa. Do hạn hán và tác động của nước biển xâm nhập sâu vào đất liền, khoảng 100,000 hecta ruộng hiện hữu khó mà trồng lúa, ít nhất là trong vụ Ðông-Xuân này.

Khoảng 16% diện tích đất trồng lúa bị ảnh hưởng bởi hạn hạn và tác động của nước mặn trải rộng trên nhiều tỉnh ven biển: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Cục Trồng Trọt từng cảnh báo, nông dân ở những vùng cách cửa biển từ 25 cây số đến 35 cây số sẽ thấy nước mặn tác động đến ruộng của mình từ tháng 1 năm 2016 với nồng độ có thể lớn hơn mức 4 gram/lít. Từ tháng 2 năm 2016 trở đi, những khu vực này sẽ khó có thể lấy nước ngọt từ cửa sông.

Ðến tháng 3 và tháng 4, những vùng cách cửa biển từ 40 cây số đến 65 cây số sẽ thấy nước bị nhiễm mặn với nồng độ 4 gram/lít. Thậm chí những vùng ở xa cửa biển hơn 65 cây số cũng cần cẩn thận vì tác hại của nước mặn khi thủy triều dâng cao.

Cuối năm ngoái sau khi thực hiện một thống kê về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong hai thập niên vừa qua, Germanwatch xác định, Việt Nam đứng thứ bảy trong 10 quốc gia thiệt hại nặng nhất vì thiên tai. (G.Ð)

 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay