HAI VẤN ĐỀ CỦA ĐẤT NƯỚC VIỆT TRONG THỜI KỲ MỚI
25-12-2015
MỞ ĐẦU
Đất nước đang bị bắt buộc phải chuyển mình thế chế chính trị, vì chiếc áo chật của chính trị không còn thể đủ kích cỡ để cho nền kinh tế bị cái bẫy thu nhập trung bình thấp thắt chặt. Với dân số 90 triệu dân, có hơn 50% lao động trẻ, nhiều người trẻ vươn ra thế giới buộc CEO của một tập đoàn hàng đầu Google phải tìm đến như Nguyễn Hà Đông. Không chỉ thế mà bao người trẻ tài năng ở ngoại quốc còn hơn cả Nguyễn Hà Đông ngày đêm đau đáu vọng về đất mẹ với một lòng yêu nước nồng nàn, nhưng vẫn cứ mãi là đau đáu, do đâu?
Thời điểm cuối năm là thời điểm mà lượng kiều hối gửi về cho thân nhân gia đình ăn tết của những “khúc ruột vạn dặm” rất nhiều. Kiều hối mỗi năm lên đến 10% GDP, nên tỷ giá đồng đô la thời điểm này luôn thấp. Nhưng năm 2015, tỷ giá này lại kịch trần, và ngân hàng nhà nước buộc phải hạ lãi suất đồng đô la xuống 0% để dân bán đô la gửi tiền đồng kiếm lãi thì ngân khố mới còn chút đỉnh dự trữ ngoại hối là điều lâu nay chưa có.
Một tổng kết khoa học từ những năm đầu thành lập nước Mỹ đã chỉ ra rằng, khi một chính phủ có đội ngũ quá đông, quyền hạn của chính phủ quá lớn, thì quốc gia ấy sẽ tha hóa và chậm phát triển. Tôi quan tâm đến yếu tố vô cùng quan trọng này, nên dù chỉ ở Mỹ chỉ 11 ngày đếm đi và về Việt Nam trong 2 đợt sang Mỹ làm hồ sơ định cư, nhưng tôi cố gắng tìm tòi khi có dịp.
HÀNH CHÁNH CỦA NƯỚC MỸ
Ngày 16/02/2014, tôi nhập cảnh định cư Hoa Kỳ tại cửa khẩu Los Angeles Air Port. Lúc ấy, trong một buổi chiều có những công dân của 57 quốc gia trên toàn thế giới cùng làm hồ sơ với tôi. Nhưng ấn tượng nhất là, hôm 17/02/2014, khi đi làm thẻ xanh tại thành phố Temple, California thì tôi mới biết, văn phòng Hạt – County – không phải của chính phủ, mà của một công ty tư nhân, kể cả chú cảnh sát lo an ninh văn phòng này cũng là của một công ty tư nhân tuyển dụng và làm công việc trật tự, bảo an cho văn phòng.
Ngày 26/8/2014 tôi quay lại Hoa Kỳ để hoàn thành hồ sơ Re-Entry Permit 2 năm ở Việt Nam, vì còn nhiều việc chưa xong. 9:00 sáng tôi cùng người bạn đến văn phòng Hạt làm visa 2 năm cho Re-Entry Permit thì, văn phòng này cũng do một công ty tư nhân lãnh thầu chính phủ làm giấy tờ và mọi thủ tục. 14:00 tôi lại đến một văn phòng khác ở Santa Ana city vì tiện đường đi thăm bạn, làm hồ sơ cho ID Card – thẻ căn cước – của công dân California thì văn phòng này cũng do một công ty tư nhân lãnh thầu làm cho chính phủ.
Xếp hàng rồng rắn dài lê thê để được làm giấy tờ là chuyện ở nước Mỹ rất thường tình, vì có quá đông những người di dân đến đây để trở thành công dân số 1 toàn cầu. Tôi hỏi nhân viên các nơi này – vì có một cháu gái ngồi chụp hình làm ID card là người Tiền Giang sau khi du học, ở lại xin làm việc ở đây – là, làm việc cho chính phủ an toàn về phúc lợi xã hội con nhỉ? Cháu trả lời, vâng rất an toàn, thưa chú, nhưng lương không cao, và bản chất là làm cho chính phủ, nhưng do một tập đoàn tư nhân thầu lại chính phủ chú ạ. Nếu không phải tư nhân làm thì không thể nào nhanh được.
Cô cháu gái còn nói, kể cả police địa phương công ty tư nhân cũng thầu và điều hành, chỉ có FBI – cảnh sát liên bang – thì chính phủ mới trực tiếp điều hành. Hiến pháp Mỹ quy định, chính phủ và tổng thống Mỹ chỉ là người làm công ăn lương của dân Mỹ, và họ sống nhờ dân, do dân và của dân, nếu họ không hợp lòng dân thì lập pháp – quốc hội – Mỹ sẽ đại diện dân cắt chi ngân sách từ thuế của dân để chính phủ tinh giảm biên chế và chi tiêu công phi lý chú ạ. Nhưng muốn được vậy thì nền chính trị nước Mỹ phải đa nguyên để có bộ lọc và hỗ trợ quyền lực dân sự của người dân, để giảm tha hóa và lộng quyền của người làm thuê cho nhân dân – chính phủ.
NỀN CHÍNH TRỊ VIỆT NAM
Tôi cũng có dịp làm việc với nhiều người có trách nhiệm lớn của hệ thống chính quyền Việt Nam – thân chủ là bệnh nhân của tôi. Khi nói về tản quyền của Việt Nam và nước Mỹ, họ đều thở dài ngao ngán. Không phải tất cả các người cán bộ cộng sản ở Việt Nam không muốn chuyển đổi nền chính trị đã quá lạc hậu hiện nay, nhưng chính cái tản quyền trong một thể chế tập quyền nửa phong kiến, nửa quân phiệt, và nửa chiếm hữu nô lệ của Việt Nam hiện nay nó đã làm cho chính trị Việt Nam khó thoát khỏi cái vòng kim cô, mà người cộng sản tự tạo ra và tự trói mình vào đó.
Những người cộng sản – họ sắm ra cái vòng kim cô để tạo sự đoàn kết và học cướp quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của dân, nhưng khi họ đã thỏa mãn được quyền cướp của mình thì cũng là lúc họ sa vào nơi sụp đổ, song không ai trong họ dám tháo củi xổ lồng vì sợ đám đông còn lại đánh hội đồng như những ông Trần Xuân Bách, Nguyễn Hộ và Trần Độ đã từng bị đánh.
Tản quyền ở nền chính trị Việt Nam không phải không có, mà có chỉ để ăn chia tài nguyên đất nước và xương máu của dân vì chính khách và thân hữu của họ.
Bộ tứ, bộ chính trị, trung ương đảng, v.v… là một kiểu tản quyền, nhưng tất cả những tổ chức này chịu dưới sự chi phối của một thế lực vô hình tập quyền là “nguyên tắc tổ chức đảng” và “điều lệ đảng” do 2 cái phàm là của Mao Trạch Đông đã vẽ ra để trị con chiên, nên buộc họ phải thỏa hiệp để ăn chia.
Tất cả các tổ chức của đảng cầm quyền bị tập quyền trong một đảng cầm quyền bằng sự thỏa hiệp đoàn kết lại để giải quyết bản chất động vật của con người: tha hóa và tham nhũng. Họ đã ngồi ra soạn thảo hiến pháp biến tất cả chính trị và kinh tế của dân, do dân, vì dân trở thành của đảng cầm quyền ăn chia, tha hồ thỏa mãn thú tính của mình bằng súng, bạo lực, khủng bố và nhà tù cả thân xác lẫn tinh thần người dân trong một thể chế đơn nguyên tập quyền.
HAI VẤN ĐỀ CỦA NƯỚC VIỆT
Từ thực tế khách quan trên, nước Việt hiện nay có 2 vấn đề cần làm để chuyển đổi thể chế chính trị trong êm thắm nhất có thể, vì nền chính trị của nước Việt khác hoàn toàn với Miến Điện, kể cả Venezuela hay Iraq là độc tài trong đơn nguyên tập quyền của Việt Nam với độc tài trong đa nguyên tập quyền của các quốc gia kia.
Khi giải quyết một việc lớn muốn thông suốt và nhẹ nhàng nhất đòi hỏi người ta phải chia nhỏ việc lớn thành những việc nhỏ để giải quyết. Kết hợp với việc chia nhỏ việc lớn, người ta phải chia làm từng giai đoạn nhỏ để giải quyết nó. Để thay đổi một cá nhân đã khó, nên việc chuyển đổi cái mới cho một cộng đồng 90 triệu trong đó có 4 triệu cái đầu tư duy cũ kỹ càng khó hơn. Nên cần có lộ trình cho 2 vấn đề lớn này của nước Việt.
Vấn đề thứ nhất tập quyền, thực chất của tập quyền của nền chính trị hiện nay là tập quyền nửa vời, vì vẫn tản quyền của các nhóm lợi ích từ bộ tứ – tứ trụ triều đình; đến bộ 16 – bộ chính trị; đến bộ hơn 200 – trung ương ủy viên; đến bộ gần 4 triệu đảng viên. Việt Nam cần tập quyền triệt để về chỉ một bộ nhất – Nhất Trụ!
Cần gom quyền lực về chỉ một người thôi, không có tứ trụ, tam trụ hay nhị trụ, nhằm để người này dủ quyền lực chính danh làm điều tốt nhất hoặc xấu nhất do năng lực của người ấy làm ra. Lúc ấy, đất nước sẽ có cơ hội chuyển đổi nền chính trị cần thiết để vừa cho nền kinh tế đang sập bẫy trung bình thấp, mà bất cứ quốc gia đang phát triển nào cũng phải bị vướn vào, vì đó nguyên lý kinh tế chính trị học.
Đại hội 12 chỉ còn chưa đầy 30 ngày nữa là bắt đầu, việc cơ cấu nhân sự đến nay vẫn chưa xác định được. Mặc dù, nghị quyết vẫn giữ bộ tứ, không thể cả bộ tam, nhưng nghị quyết là do con người đẻ ra, thì nghị quyết cũng do con người phá bỏ. Nhất trụ sẽ dẫn đến tinh giảm biên chế, giảm chi ngân sách, và cứu nền kinh tế đang không còn tiền để trả lương bộ máy quá cồng kềnh như lâu nay. Tại sao không làm? Câu hỏi này sẽ là câu hỏi có tính tư duy phản biện và sáng tạo cho nền chính trị Việt Nam cần thay áo.
Vấn đề thứ hai thay đổi hiến pháp, hiến pháp 2013 của Việt Nam chỉ mới ra đời 2 năm, nhưng nó đã lỗi thời ngay khi nó ra đời vì 2 lý do sau:
1- Về kinh tế hiến pháp không kích thích và huy động được nguồn lực kinh tế toàn dân, vì quy định nền kinh tế công hữu về tư liệu sản xuất của hiến pháp. Không ai – con người và động vật – làm làm hết mình vì cho người khác hưởng. Đó là quy luật của muôn đời.
2- Về chính trị thì hiến pháp 2013 trói buộc tư duy và sứ mệnh nhân bản của con người, khi hiến pháp không cho người dân được tự do học thuật, tự chủ và quyền tham gia chính trị để bảo vệ cái của dân, do dân và vì dân, mà hiến pháp chỉ dành riêng một tập thể độc quyền được ban ơn, phán xét, quyết định quyền sống và mưu cầu hạnh phúc của dân, và tập thể cầm quyền đó hơn cả đấng tạo hóa tối cao.
Cho nên, vấn đề thứ hai cũng là bước thứ hai mà nền chính trị Việt Nam cần chuyển đổi là, sau khi có được Nhất Trụ, con người này cần thay đổi hiến pháp 2013 càng sớm càng tốt. Thay đổi cái gì trong hiến pháp? Chỉ cần thay đổi 2 nội dung tư tưởng quan trọng sau:
1- Về kinh tế hiến pháp mới phải bỏ sở hữu công tư liệu sản xuất thành sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất.
2- Về chính trị hiến pháp mới phải có nội dung trong điều 4 là: Mọi người dân, mọi tổ chức dân sự xã hội của người Việt trong và ngoài nước đều được quyền tham gia chính trị. Quân đội chỉ được phép bảo vệ biên cương, lãnh thổ, vùng biển, vùng trời chống lại ngoại bang xâm lược. Cảnh sát chỉ được phép bảo vệ nội an đất nước. Quân đội và cảnh sát không được tham gia chính trị và không được phép bảo vệ bất kỳ đảng phái chính trị nào. Chính quyền chỉ là bộ máy làm công ăn lương của dân, do dân và vìu dân.
Hiến pháp không cần rườm ra và dài dòng như lâu nay, vì nó là khế ước của người dân với chính quyền và là luật căn bản. Trên nền tảng của hiến pháp mới sẽ cho ra bộ luật mới và những tu chánh án mới phù hợp với đất nước theo từng thời kỳ.
KẾT
Chỉ có thể chuyển đổi 2 việc cốt lỏi về quyền lực chính trị và kinh tế như tôi đã trình bày như trên thì mới cứu được đất nước và con người Việt Nam trong thời đại mới.
Với sự thay đổi như thế, nước Việt sẽ huy động toàn lực người Việt trong và ngoài nước phụng sự quốc gia. Và dĩ nhiên, lúc đó, chúng ta không cần phải lên gân cổ để mất thì giờ vô bổ luận bàn với nhau nước Việt nhỏ hay không nhỏ, mà quốc tế phải kính cẩn nhìn nước Việt, dân Việt tự lực, tự cường sãi cánh đại bàng.
Để kết thúc bài này, tôi xin ghi lại một nhận xét của một người bạn lớn làm thay đổi thế giới, nói với tôi, khi tôi đi gặp và vận động để hỗ trợ Go West Foundation: “You are doing what the human have to do, but there aren’t human in your country, only animal!” Khi người ấy nói câu này, nước mắt tôi tự nhiên cứ chảy không cầm được. Một nỗi đau!