Tháng Mười 6, 2013 by Trần Đình Hoành
Chào các bạn,
Tìm kiếm thì không yên ổn. Nếu bạn tìm một chiếc chìa khóa bị mất chẳng hạn, bạn chẳng thể ngồi yên một chỗ, hay nằm ngủ, để tìm. Bạn phải tìm kiếm khắp nơi, lục tung tóe khắp chỗ, để tìm.
Cho nên, bạn không thể có được giác ngộ nếu bạn tìm giác ngộ, vì tìm kiếm là tung tóe mà giác ngộ là tĩnh lặng, an lạc, Niết bàn, hạnh phúc trường cửu.
Đừng nhầm lẫn hạnh phúc trường cửu với sướng vui chốc lát. Ví dụ: yêu là sướng vui. Nhưng mất người yêu là đau khổ. Cho nên yêu không phải là hạnh phúc trường cửu.
Nhưng một trái tim giác ngộ thì có bình an và hạnh phúc trường cửu, vì trái tim giác ngộ đã biết cách làm cho mình tĩnh lặng và an lạc vĩnh viễn, không còn những xung động tạo nên những nhồi dập nhức nhối trong lòng.
Hạnh phúc trường cửu là khả năng của trái tim của bạn luôn luôn tĩnh lặng trước mọi sự vật, mọi sự kiện, mọi con người, mọi biến chuyển, mọi thay đổi, mọi hoàn cảnh… An lạc nội tâm không lệ thuộc vào điều gì cả, ngoại trừ khả năng của bạn giữ trái tim luôn tĩnh lặng. Ồ, mà đã đến mức đó rồi thì bạn không cần giữ trái tim tĩnh lặng–trái tim bạn đã biết cách để luôn tĩnh lặng.
An lạc nội tâm là không bám vào “tôi”, không bám vào “tôi là”, không bám vào “cái của tôi, cái tôi thích, cái tôi không thích”—tức là vô ngã.
“Không bám vào” không có nghĩa là “không sờ đến”. “Không bám vào” có nghĩa là “có sờ đến thì cũng không bị dính mắc”: có tiền cũng không dính mắc vào tiền, có danh cũng không dính mắc vào danh, có quyền lực cũng không dính mắc vào quyền lực… Có cũng được, không có cũng được, chẳng màng có với không. Đó là “không bám vào”. Đó là vô chấp.
Vô ngã thì vô chấp.
Vô ngã, vô chấp, thì tĩnh lặng và an lạc. Đó là hạnh phúc vĩnh cửu.
Đó là cái nền bạn đứng bên trên để chinh phục thế giới.
Chúc các bạn luôn hạnh phúc.
Mến,