GIOAN TẨY GIẢ : MỘT ƠN GỌI – MỘT HUYỀN NHIỆM

GIOAN TẨY GIẢ : MỘT ƠN GỌI – MỘT HUYỀN NHIỆM

  Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả

                                                                                    Tác giả:  Anmai, CSsR

            Mỗi người chúng ta có mặt trên cuộc đời này, xét về nghiên cứu y khoa thì khi nam nữ gần nhau và có điều kiện thì sẽ thụ thai. Và, 9 tháng 10 ngày sẽ sinh ra em bé ! Đó là điều dĩ nhiên. Cũng như cha mẹ chúng ta, gần nhau và vào ngày có khả năng thụ thai thì sẽ thụ thai và sinh ra chúng ta.

             Vấn đề thụ thai này, khoa học nghiên cứu là như vậy nhưng đâu phải muốn thụ thai là thụ thai và đâu phải lần nào gần nhau là có thai.

            Thật là khó lý giải ngay cả về khoa học. Và vì thế, sự hiện diện của mỗi một người xét về góc độ tâm linh, xét về góc độ niềm tin của con người thì quả thật mỗi một con người là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm vì lẽ thật sự thì không ai có thể biết được lúc nào mình sẽ thụ thai dù sinh hoạt vợ chồng vẫn bình thường. Sự hiện diện của mỗi người chúng ta, đứng trước niềm tin của Thiên Chúa thì quả thật đó là một ơn gọi, một huyền nhiệm ơn gọi và một ơn ban.

            Ơn gọi, huyền nhiệm về cuộc đời của mỗi một người vẫn diễn ra, vẫn xảy ra mỗi ngày trong dòng chảy của lịch sử cứu độ.

             Bình thường, có lẽ ít ai nhận ra sự hiện diện của mình là huyền nhiệm, sự hiện diện của mình trong cuộc đời này là ơn gọi.

            Quá nhiều huyền nhiệm, quá nhiều ơn gọi được Thiên Chúa gọi, Thiên Chúa chọn trong cõi nhân sinh này.

            Thử một chút nhìn lại cuộc đời của ngôn sứ Giêrêmia

             Giêrêmia là vị ngôn sứ được xem là chịu đau khổ nhất, ông sống cả cuộc đời trong sự cô đơn, bị ghét bỏ, bị bách hại của những người xung quanh vào thời đó. Ta có thể thấy ông chỉ có một việc duy nhất là đi tuyên sấm và rao giảng về lời mà Đức Chúa phán cho ông. Vậy tại sao ông lại phải làm những việc đó để rồi ông phải chịu đau khổ ? Tại sao ông phải tuyên sấm về những việc không may để rồi ông bị bắt bớ hành hạ ? Để rồi khi ông chịu không nổi nữa thì ông đã phải dày vò mình ? Có lẽ ông sẽ nói rằng : Chính Chúa “đã quyến rũ “tôi. Nếu chúng ta đọc những lời tâm sự của ông ở chương 20,7-18 ta sẽ thấy đây là một lời tâm sự thật tuyệt vời nhưng cũng mang một cảm giác tuyệt vọng bởi lẽ diễn tả được tâm trạng của Giêrêmia – một con người đã cảm nhận được Chúa đã mạnh tay với ông như thế nào.

            Thiên Chúa đã kêu gọi ông làm ngôn sứ và để rồi từ một con người nhút nhát, thích sống đơn sơ âm thầm bỗng chốc phải trở thành người nói Lời Chúa nhưng những lời ấy lại gây sự khó chịu cho dân vì toàn tiên báo những tai họa. Trong nỗi đau khổ vì bị mọi người lên án ông như muốn tố cáo lại Thiên Chúa, vì chính Chúa đã “quyến rũ” đã “mạnh hơn” và “đã thắng” để giờ đây ông phải nói những điều này dù trước đó ông đã từ chối làm ngôn sứ.

            Ông đau đớn vì không biết trước mình sẽ phải chịu nhiều đau khổ đến như vậy. Nỗi đau ấy dằn xé trở nên cuộc đấu tranh trong con người ông tuy nhiên nó cũng cho ta thấy được ‘sự chi phối của Đức Chúa trên ngôn sứ ‘.

 “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con,

và con đã để cho Ngài quyến rũ.

Ngài mạnh hơn và Ngài đã thắng.” (Gr 20, 7a)

             Thử một chút nhìn lại cuộc đời của Hôsê : Được mời gọi làm ngôn sứ của Chúa nhưng cuộc đời của Hôsê quá bi đát. Ngôn sứ Hôsê có một cuộc hôn nhân nhiều trắc trở : Vợ ông là một gái điếm được ông yêu thương cưới về. Nhưng như ngựa quen đường cũ, nàng vẫn tiếp tục ngoại tình. Dù vậy Hôsê vẫn yêu thương và kiên trì dùng tình yêu mà sửa đổi vợ. Cuối cùng nàng đã hoán cải.

             Ngày hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả. Mừng sinh nhật ai đó là nhìn lại dấu ấn ngày người đó có mặt trong cõi đời này. Trong năm Phụng Vụ, chỉ có 3 người được mừng sinh nhật đó chính là Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Gioan Tẩy Giả. Xét về mặt con người thì Gioan Tẩy Giả quả là một nhân vật tiêu biểu, một nhân vật đặc biệt trong dòng chảy lịch sử cứu độ.

            Cha mẹ của Gioan Tẩy Giả, như chúng ta đã biết : già rồi ! Già rồi thì còn làm ăn gì được nữa nhưng Thiên Chúa lại làm cái điều lạ lùng cho hai ông bà cho gia đình và cho mọi người thấy. Bà lại có thai trong lúc tuổi già. Với biến cố ấy, chồng bà bỗng dưng câm khi đang tế lễ trong đền thờ. Việc lạ lùng của Gioan Tẩy Giả đã được đánh dấu ngay từ lúc cha mẹ của Gioan đặt tên cho ông. Thường dân Do Thái tên của người cha, tên của họ hàng nội phải được đặt tên cho đứa bé mới sinh ra. Ở đây, cái huyền diệu, linh thánh đã xảy ra ngay lúc cắt bì cho con trẻ.Lúc cắt bì cũng là lúc đặt tên cho đứa bé. Mọi người cứ tưởng lấy tên cha Giacaria đặt tên cho bé, nhưng bà Êlisabét lên tiếng:” Không, phải đặt tên cháu là Gioan“ (Lc 1, 60). Đây là cái tên do chính Thiên thần đã báo trước cho Giacaria biết ông và vợ ông sẽ sinh được một cháu trai dù hai ông bà đã luống tuổi, cao niên không thể nào sinh con nếu không có bàn tay Thiên Chúa can thiệp…

             Và rồi, chúng ta cũng biết được phần nào cuộc đời của Gioan Tẩy Giả qua sách Thánh. Ngài đã sống trọn vẹn ơn gọi của Ngài, sống trọn vẹn cuộc đời của Ngài.

            Chúng ta còn nhớ lời của Ngài ở dòng sông Giođan :  “Tôi là người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi” (Ga 1,23). Và hết sức đặc biệt : “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người” (Mc 1,7).

            Phải nói rằng quan niệm sống của Gioan Tẩy Giả hết sức dễ thương. Hoàn thành sứ mạng ngôn sứ của mình trong tâm tình khiêm tốn.

             Ngày hôm nay, sinh nhật thánh Gioan Tẩy giả là cơ hội để chúng ta nhìn lại ơn gọi, nhìn lại huyền nhiệm của chúng ta trong cuộc đời này.

             Chúng ta được Thiên Chúa mời gọi sinh ra trong cuộc đời này với mỗi người một ơn gọi, mỗi người một huyền nhiệm. Chúng ta, có thể là kỹ sư, bác sĩ, giáo viên … có thể là người công nhân quét rác … nhưng trước mặt Chúa chúng ta có một chỗ đứng, một vị trí, một ơn gọi.

             Sáng sáng, thức khá sớm, nhìn mấy cụ quét rác, ghi ơn các cụ đó đó. Nếu như không có các cụ đó quét rác, dọn vệ sinh thì nhà dòng bẩn lắm. Ngoài đường cũng thế thôi, nếu như không có những công nhân vệ sinh thì chắc đường phố bẩn thỉu lắm. Nếu ai cũng làm bác sĩ thì ai sẽ làm công nhân, ai cũng làm kỹ sư hết thì ai sẽ là người thợ điện, thợ làm ống nước cung cấp điện nước cho ta.

             Có lẽ vì cuộc đời quá ồn ào, quá náo động để chúng ta không nhận ra sự hiện diện của chúng ta trong cõi đời này.

           Thi thoảng, con có nghe bài con luôn tin rằng. Lời bài hát như thế này : Con luôn tin rằng, tình Ngài thương con không bờ không bến. Con luôn tin rằng, Ngài chọn tên con khi chưa có sao trời. Mặt trời Mặt trăng theo con ngày ngày, nẻo đường con đi thiên nhiên dịu vời. Ngài phủ vây con với khí trời mát trong

             Và này con đến Chúa ơi, xin quyết theo Ngài. Dẫu có cô đơn, dẫu chút lo âu con luôn vui bước. Một điệu nguyện ước Chúa ơi, ân thánh Chúa trời. Dẫn lối con đi, dẫn bước trung trinh, nơi thánh điện Ngài.

             Chúa thương Chúa chọn mỗi người chúng ta sống trong cõi đời này, cùng cộng tác với Ngài trong khả năng mà Thiên Chúa mời gọi.

             Nhìn lại lịch sử cứu độ, những người được Thiên Chúa chọn không giống như cách nhìn, cách nghĩ của thế gian :

 Thiên Chúa cần một người cha cho dân của mình.

Người chọn một cụ già. Thế là Abraham đứng lên…

Thiên Chúa cần một người phát ngôn.

Người chọn một anh chàng vừa nhút nhát vừa có tật nói ngọng.

Thế là Môisê đứng lên…

Thiên Chúa cần một thủ lãnh để hướng dẫn dân mình.

Người chọn một cậu thanh niên nhỏ nhất, yếu nhất trong nhà.

Thế là Đavít đứng lên…

Thiên Chúa cần một tảng đá làm nền cho ngôi nhà Giáo Hội.

Người chọn một anh chối đạo.

Thế là Phêrô đứng lên.

Thiên Chúa cần một gương mặt để diễn tả tình yêu cho nhân loại.

Đó là Maria Mađalêna.

Thiên Chúa cần một chứng nhân để hô lên sứ điệp của Người.

Người chọn một kẻ chuyên bắt đạo.

Đó là Phaolô gốc thành Tác-xô.

Thiên Chúa cần một ai đó để quy tụ dân và đi đến với những người khác.

Người đã chọn bạn.

Dù bạn run sợ, lẽ nào bạn không đứng lên?

 Thiên Chúa, chắc có lẽ cũng không mời gọi chúng ta phải đào non lấp biển đâu. Thiên Chúa mời gọi chúng ta minh chứng, thể hiện tình yêu của Ngài giữa cõi đời này.

 30 tuổi, 40 tuổi, 70 tuổi … Lẽ nào chúng ta không nhận được tình thương của Thiên Chúa trên cuộc đời chúng ta sao ?

 Vậy thì chúng ta hãy hoàn thành sứ mạng ơn gọi của chúng ta là diễn tả tình yêu Thiên Chúa ngay trong chính gia đình chúng ta, trong khu xóm chúng ta, trong công sở chúng ta và trong họ đạo của chúng ta đang sống.

 Nếu như mỗi người, mỗi thành viên trong gia đình, xứ đạo diễn tả tình yêu của mình thì quả thật hạnh phúc sẽ tràn đầy trong gia đình, trong họ đạo của chúng ta.

 Tác giả:  Anmai, CSsR

nguồn: Từ MariaThanh Mai gởi

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay