Giải phóng trí thức để phản biện

Bình luận của Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)

2023.04.11
 
Blogger Nguyễn Lân Thắng đứng trước số 88 để phản đối Điều 88 Bộ luật Hình sự cũ chuyên dùng để kết án tù những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam
 Facebook Nguyen Lan Thang

 

Chỉ còn nửa tháng nữa là tới ngày kỷ niệm “Giải phóng miền Nam”, Tòa án Hà Nội tổ chức một phiên xử kín đối với kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, vốn xuất thân từ một đại gia đình khoa bảng, với hàng loạt các trí thức tiếng tăm ba đời theo cách mạng, có người hiện đang là đại biểu Quốc hội.

“Giải phóng”

Mới cách đây vài hôm, khi tôi hỏi một vị, từng kinh qua các chức vụ trưởng trong Văn phòng trung ương Đảng, rồi Văn phòng Chính phủ, về “Nhóm thứ sáu” từng được ông Võ Văn Kiệt trọng dụng. Vị này cho biết, khởi nguồn nhóm được ông Võ Trần Chí, khi đó là Bí thư thành ủy TPHCM xác nhận “hợp pháp hóa” (1).

Đất nước vừa hòa bình được mươi năm, thế mà chính quyền lại “dám” chiêu mộ những trí thức gộc từng gắn bó với “Mỹ-Ngụy”. Có lẽ lúc đó các vị này mới có cảm giác phần nào được “giải phóng”?

“Cởi trói”

Không phải chỉ giới trí thức được “giải phóng” theo cách đó, mà còn có cả giới văn nghệ sĩ, trong công cuộc “Đổi mới”, với dấu mốc là khi TBT Nguyễn Văn Linh có cuộc gặp năm 1987 (2), ông dùng khái niệm “cởi trói”.

Nhiều nhà văn, tác giả với nhiều tác phẩm đã nổi lên trong giai đoạn này, như Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, … đặc biệt là những vở kịch của Lưu Quang Vũ và hai bộ phim tài liệu của Trần Văn Thủy – Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế.

Dù phải chịu những gian nan trong cuộc “cởi trói” đó, nhưng các trí thức, văn nghệ sĩ dám nói thẳng nói thật hầu hết cũng không đến nỗi bị đàn áp trong giai đoạn “Đổi mới”.

Kiến nghị

Cũng trong không khí “Đổi mới” đó, một loạt các trí thức, lãnh đạo nòng cốt trong các hội Việt kiều, đang gắn bó với chế độ trong nước, đã gửi tâm thư tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, kiến nghị cải tổ hệ thống chính trị, thậm chí còn đề nghị chuyển sang mô hình đa nguyên. Đáng chú ý là các hội ở Canada, Pháp, CHLB Đức (3).

Dù không có kết quả, một số vị ký tâm thư cũng bị làm khó ít nhiều, song không ai phải đi tù hay bị cấm nhập cảnh vĩnh viễn.

“Phản biện”

Mới tháng trước, trong cuộc gặp các trí thức thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, TBT Nguyễn Phú Trọng đã “có đôi điều gợi mở …, rằng trí thức cần “… tiếp tục làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tư vấn, phản biện trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật…” (4)

Một hy vọng cho cuộc “Đổi mới lần 2” chăng? Cùng mơ ước “bao giờ cho tới … ngày xưa?”.

Và … thực tế hôm nay

Trước phiên tòa xử kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, thân phụ và thân mẫu của anh, PGS Nguyễn Lân Tráng và giảng viên Trần Thảo Nguyên đã bộc bạch trong một bức thư gửi tới hội đồng xét xử (5):

“ …Lân Thắng là một trong hàng triệu nhân chứng sống cho tiến trình Đổi mới của Việt Nam. Con trai chúng tôi từng có tuổi thơ với tem phiếu, được thấy ông bà cha mẹ chắt chiu từng manh vải mũi kim để lo cho cuộc sống của cả đại gia đình. Đại hội VI diễn ra cũng là lúc Lân Thắng học được rằng nếu lãnh đạo có sai phạm thì phải lên tiếng, để rồi cùng sửa sai trước khi quá muộn màng. Một chính quyền ‘xứng đáng với cái tên của nó phải tiếp nhận một cách vô tư mọi sự thật, bất kể từ phía nào tới, dù những sự thật đó làm phật ý những kẻ bị vạch mặt.’ Và con chúng tôi đã thấm nhuần tư duy sống như vậy.

Đoạn được bức thư trên để trong dấu ngoặc, “Một chính quyền ‘xứng đáng với cái tên của nó phải tiếp nhận một cách vô tư mọi sự thật, bất kể từ phía nào tới, dù những sự thật đó làm phật ý những kẻ bị vạch mặt’”, có lẽ đã được trích từ bức thư của Nguyễn Ái Quốcgửi ông Utơrây (Outrey) đăng công khai trên báo Le Populaire (Pháp), năm 1919. Utơrây khi đó đang là nghị viên Nam kỳ. Một lời nhắc nhở cách nay hơn thế kỷ của lãnh tụ cộng sản Việt Nam nhắm tới thực dân Pháp, “mà sao nghe nhói ở trong tim”, như thể ông đang nhắc nhở các học trò của mình ngày nay.

Sau gần nửa thế kỷ “giải phóng”, không lẽ lại đòi giới trí thức phải được “giải phóng” để phản biện. Thôi thì, chỉ xin điểm lại, vô cùng tóm lược, đôi nét điển hình cho tất cả những gì đã diễn ra với họ từ đó tới nay.

Rồi … chợt giật mình tự hỏi:

Liệu có phải phần vì trí thức chưa được “cởi trói” nên thế lực đen tối trong những Việt Á, AIC, “Chuyến bay giải cứu” mới từng được xổ lồng tung cánh để thỏa sức hoành hành hay không?

Hà nội, ngày 12/4/ 2023

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay