Dòng suối ân tình

Dòng suối ân tình

(Lc 17, 15)


Thiên Phúc


Trong một chuyến bay từ Rôma về Nữu ước, Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen chăm chú nhìn cô tiếp viên hàng không đang đi lại phục vụ quí khách. Thấy cử chỉ lạ của Đức Tổng, cô tiếp viên mạnh dạn đến gần và hỏi:

– Thưa Đức cha, có chuyện gì mà Đức Cha lại nhìn con như thế?

Vị Tổng Giám Mục nhoẻn miệng cười đáp:

– Vì đôi mắt của con rất đẹp!

– Vậy con phải làm gì để cám ơn Chúa đây?

– Con ạ! Chúa đã lấy tất cả sắc đẹp của từng người phong trong trại cùi Di Linh mà đem tặng cho con. Vậy con hãy đến đó chăm sóc cho họ mà đền đáp ơn Chúa.

Quả thật, chỉ ít lâu sau người ta đã thấy người phụ nữ xinh đẹp này ngày đêm tận tuỵ băng bó những vết thương lở loét cho các bệnh nhân phong, tại trại cùi Di Linh dưới lớp áo dòng nữ tu.
***
Phong cùi là một bệnh nan y khó trị, ai cũng ghê tởm và run sợ nếu mắc phải bệnh này. Vào thời Chúa Giêsu nó còn khoác vào người bệnh nỗi nhục nhã trong tâm hồn, vì người ta cho rằng họ là những người bị Thiên Chúa phạt. Những người mắc bệnh cùi bị ruồng bỏ, bị coi là nhơ nhớp, phải sống cách ly trong một làng cùi xa mọi người, xa cả người thân. Phải mặc áo rách, để đầu trần, lấy áo che miệng và phải hô lên rằng mình có bệnh truyền nhiễm và nhơ nhớp để cho người lành biết mà tránh xa (x. Lv 13, 1-44).
Thế mà, trong bài Tin Mừng hôm nay kể lại chỉ một lời Chúa Giêsu phán ra thì vết thương của thể xác và nỗi đau trong tâm hồn bao năm đè nặng bỗng tan biến hết. Căn bệnh quái ác mà họ cứ tưởng phải gánh chịu suốt cả cuộc đời, nỗi ô nhục mà họ cứ tưởng sẽ vĩnh viễn theo họ sang bên kia thế giới, thì nay đã được hoàn toàn tẩy xoá. Chỉ nhờ quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa mà họ như đã chết nay được hồi sinh, niềm vui rộn rã như vỡ oà trong tim.

Trớ trêu thay trong mười người được hưởng ơn chữa lành vô cùng lớn lao ấy, chỉ có một người biết dâng lời tạ ơn, mà người ấy lại là người Samari ngoại đạo. Còn những người vẫn tự hào là dân Thiên Chúa, dân riêng Chúa chọn lại sống vô ơn.

Chúa Giêsu phải thốt lên lời quở trách: “Không phải cả mười người được sạch cả sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17, 17-18). Sở dĩ Chúa Giêsu xem trọng lòng biết ơn cũng là vì ích lợi của kẻ được ơn mà thôi. Người Samari trở lại tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho anh ơn phần xác, thì Người lại ban thêm cho anh ơn phần hồn là củng cố niềm tin và xác định tư cách tôn giáo của anh. Người nói: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 17, 19). Như thế, cám ơn lại là cơ hội để nhận được thêm ơn.

Cuộc sống là một chuỗi những ân huệ nối tiếp theo nhau. Những ân huệ này đan xen với những ân huệ khác. Có những ơn do nơi Thiên Chúa, và cũng có những ơn đến từ con người. Vậy nếu cuộc sống là lãnh nhận thì người ta sẽ như thế nào nếu không hề biết nói hai tiếng cám ơn, hoặc chẳng bao giờ bày tỏ tấm lòng tri ân! Thú vật còn biết vẫy đuôi cám ơn khi ném cho nó cục xương, còn người vô ơn khi nhận được ân huệ chỉ biết trố mắt nhìn và câm lặng.

Một đứa trẻ mới bập bẹ tập nói trong một gia đình có giáo dục, thì tiếng “cám ơn” luôn nằm sẵn trên bờ môi. Một người có nhân cách thực sự là một người có lòng biết ơn. Một người luôn thể hiện lòng biết ơn mới đích thực là con người. Lòng biết ơn là nét cao đẹp nhất của con người. Biết ơn là nhận ra thân phận bất toàn của mình. Biết ơn là ý thức về tình liên đới với người khác. Biết ơn là thể hiện niềm tin vào Thiên Chúa yêu thương và quan phòng. Vì thế, lòng biết ơn chính là bông hoa rực rỡ, điểm tô cho cuộc sống con người. Một tiếng nói “cám ơn” với tất cả chân thành, một cử chỉ biết ơn sâu xa sẽ làm cho chúng ta nên người hơn, và thể hiện niềm tin sâu sắc hơn.

Cả cuộc sống của Chúa Giêsu là một “bài ca tạ ơn”. Người tạ ơn Cha trước khi cho Ladarô sống lại, trước khi làm phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều, trước khi lập phép Thánh thể. Người không chỉ là mẫu mực về lòng biết ơn mà còn dạy chúng ta thể hiện lòng biết ơn ấy: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Kể từ đó, mỗi thánh lễ mà Giáo Hội cử hành được gọi là Thánh lễ Tạ ơn.

Thánh Phaolô luôn dâng lời tạ ơn lên Chúa: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô” (1 Cr 1, 4). Ngài cám ơn tất cả những ai giúp ngài trong công việc mục vụ: “Quà anh em tặng cho tôi đó, chúng khác nào hương thơm, lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa và được Người chấp nhận” (Pl 4, 10). Như vậy, câu ngạn ngữ Anh nói rất chí lý: “Cho người có lòng biết ơn chính là cho vay”.

***

Lạy Chúa, suốt cuộc đời chúng con ngụp lặn trong đại dương ân huệ của Chúa, suốt đời chúng con được tắm mát trong dòng suối ân tình của anh em.

Xin cho chúng con luôn biết sống có tình nghĩa. luôn thế kiện lòng biết ơn, luôn quí trọng những hồng ân mà Chúa đã thương ban, và những gì mà anh em đã làm cho đời chúng con thêm tươi đẹp và hạnh phúc hơn. Amen.

Têrêsa  Ngọc Nga

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay