Trong những ngày vừa qua, tin tức nóng từ miền Trung lan ra cả nước, thậm chí cả các cơ quan truyền thông nước ngoài như BBC, VOA, RFA đều đồng loạt đưa tin, đặc biệt trên mạng Facebook, tin được cập nhật từng giờ qua một vài trang mạng quan tâm đến tình hình xã hội miền Trung. Tin về người dân vùng biển chết lên chết xuống mấy tháng nay đã đành, nhưng tin nóng còn ở chỗ có những tiếng nói cất lên một cách khá bài bản, được dẫn dắt bởi các Linh Mục Công Giáo thuộc Giáo Phận Vinh.
Đáng kể có cuộc đi nộp đơn khiếu kiện tại trụ sở Tòa Án thị xã Kỳ Anh của bà con Giáo Dân Giáo Xứ Phú Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, con số người đi nộp đơn lên đến 600 người di chuyển trên 16 chiếc xe khách cùng với sự ủng hộ của nhiều người dân quanh vùng, đặc biệt sự tiếp đón, giúp nơi ăn chốn nghỉ của Linh Mục chánh xứ và Giáo Dân Giáo Xứ Đông Yên. Chuyến di hành trên cả trăm cây số, ngang qua nhiều Giáo Xứ Công Giáo và đã được hỗ trợ ân cần.
Tất cả được diễn ra khá trật tự, không làm cản trở giao thông, không làm xấu môi trường do xả rác và phóng uế. Trước đó tại sân nhà xứ Phú Yên, những người dân đi kiện đã được hướng dẫn các thủ tục pháp lý cần thiết của các tình nguyện viên trong trật tự. Vị Linh Mục được sự tín nhiệm của Giáo Dân đi khiếu kiện là Antôn Đặng Hữu Nam, chánh xứ Phú Yên.
Chưa đầy một tuần sau, Chúa Nhật 2 tháng 10, Linh Mục Phêrô Trần Đình Lai, chánh xứ Đông Yên đã ở bên cạnh Giáo Dân của mình cùng với hàng ngàn Giáo Dân và lương dân khác có mặt trước cổng chính và cổng phụ của Formosa lên tiếng bày tỏ ý kiến không chấp nhận Fomosa xả độc ra biển và đất của Việt Nam.
Cuộc tụ họp và lên tiếng mạnh mẽ ngay tại cứ điểm Formosa được cho là lên đến trên 10.000 người. Tuy đông như thế nhưng những hình ảnh công bố trên mạng toàn cầu là một cuộc tụ họp khá trật tự, không có bạo loạn lớn xảy ra, chỉ có một số va chạm nhỏ giữa hai bên, nhưng ngay sau đó đã ổn định lại nhờ tiếng loa của chính Linh Mục Trần Đình Lai. Người ta nghe thấy rõ mồn một lời của vị Linh Mục hướng dẫn Giáo Dân leo lên cắm cờ trên tường rào bao quanh Fomosa, không tiến vào khu đất, nhưng vang rõ lời cảnh báo: “Nếu muốn, chúng tôi sẽ tràn ngập khu đất này trong vòng 5 phút”.
Ngay sau cuộc lên tiếng tại cứ điểm gần như bất khả xâm phạm Formosa, Linh Mục JB. Nguyễn Đình Thục, Giáo Xứ Song Ngọc, Quỳnh Lưu, đã làm thủ tục nhận ủy quyền từ 800 Giáo Dân Song Ngọc để tiến hành khiếu kiện Formosa. Những ngày sắp tới sẽ ra sao, những vụ kiện mà người dân nghèo nắm chắc sự thật và lẽ phải sẽ ra sao?
Có những lời ra tiếng vào về những biến động tại miền Trung vừa qua, mặc cho ai xoay xở luồn lách vặn vẹo ngòi bút, những phản ứng của người dân vẫn là những phản ứng chính đáng của những con người bỗng dưng bị sự chết bao trùm cuộc đời của mình và con cháu mình, những người có trách nhiệm thì giải quyết một cách thờ ơ vô cảm đến khó hiểu.
Không thể không lên tiếng khi thời gian qua đi mà người dân vẫn từng ngày chìm trong u tối. Hãy một lần đặt chân đến vùng biển chết, hít thở bầu khí luôn có những vầng mây đen đặc quánh trên bầu trời, chạm tay vào thứ nước biển lạnh tanh không hề có sự sống, cầm ly nước uống mà biết chắc những thành phần hóa học trong ly nước ấy sẽ tàn phá cơ thể mình, và vào miệng chén cơm được nấu bằng những hạt gạo mốc đến heo cũng chê, đưa đôi đũa gắp những cọng rau mọc lên trên vùng đất nhiễm nặng những hóa chất độc hại, và nhìn những con thuyền neo bãi im lìm qua nhiều ngày tháng. Làm sao sống đây ?
Đừng bảo “các cha làm chính trị”, đừng vội khẳng định “đi tu không được làm chính trị”, đừng đưa ra nguyên tắc “địa phương nào giải quyết ở địa phương đó”. Những khẩu hiệu mộng mị đó quá lỗi thời và không che nổi sự nguy biện. Đó là những mục tử sống cùng với đàn chiên mình, chiên chết cha có còn sống không ? Đó là chi thể của mình, chân có thể bảo tay đau mặc kệ tay hay không ? Miệng có thể nói răng đau mặc kệ răng hay không ? “Không làm chính trị”, vậy mua xăng đóng thuế nuôi bộ máy quản lý xã hội có làm chính trị không ? Đi bầu cử chọn người quản lý ( nếu được chọn thật ) bộ máy xã hội có làm chính trị không ? Các anh chị em Tu Sĩ không làm chính trị theo nghĩa tham gia quyền lực, gia nhập vào đảng phái, nhưng không bao giờ được phép ngừng soi chiếu Tin Mừng vào mọi ngóc ngách cuộc sống, kể cả chính trị.
Không phải cư dân bốn tỉnh miền Trung bị nhận chìm trong sự chết, chất độc theo chân mọi thứ đang chạy lên bàn cơm của mọi người chúng ta, hãy nhìn về Hà Tĩnh mà thực hiện một phản ứng đồng cảm, đồng cảm với đồng bào ruột thịt của mình và với chính mình.
“Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh”, không chỉ “nhớ núi Hồng Lĩnh” và “nhớ biển rộng quê ta”, nhưng là nhớ rằng cái chết đang hoành hành ở Hà Tĩnh và lan dần đến mỗi nơi chúng ta đang ở, trên dải đất thân yêu hình chữ S này.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 6.10.2016
Ghi chú: Tựa bài là lời bài hát “Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh” của Nguyễn Văn Tý.
Tác giả: Lm. Vĩnh Sang, DCCT