Suy Tư Tin Mừng tuần sau lễ Hiển Linh năm C 03/01/2016
Tin Mừng (Mt 2: 1-12)
Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem, và hỏi:
“Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.”
Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời:
“Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: “Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời.”
Bấy giờ vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng:
“Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.”
Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.
* * *
“Đêm nay xuống một bài thơ trắng,”
Cầu nguyện cho đời, nở ái ân”
(Dẫn từ thơ Vũ Hoàng Chương)
Mai Tá lược dịch.
Thơ trắng lâu rồi đã giáng hạ, xuống với đêm đen. Nhưng, đêm đen cuộc đời nào mấy ai nhận ra thơ. Thơ cuộc đời. Thơ trong Đạo. Thơ của Đức Chúa vẫn hiển hiện với dân con, ngày lễ hội. Vẫn cứ hỏi rằng: con dân nhà Đạo đã mấy ai nhận ra Thơ Trắng, ngày Chúa Hiển Linh?
Từ lâu, nhiều nhà khoa-học trong Đạo cảm-nhận được Thơ Trắng, đã cố gắng giải-thích hiện-tượng “vì sao lạ” trong Tin Mừng. “Vì sao lạ” tuyệt-vời ấy, đã dẫn dắt 3 đạo-sĩ phương Đông đến Bêlem thờ lạy Chúa Hài Nhi. Là, nhà khoa-học Đạo Chúa, các nhân-sĩ ấy muốn đem đến cho chúng dân một học-thuyết nền-tảng nhằm giãi bày với mọi người, rằng: vì sao tuyệt-vời, xuất-hiện cùng ngày Đức Chúa giáng-trần, là vì sao rực sáng, rất thiên-văn.
Dù có thuần-phục về phương-pháp các nhân-sĩ khoa-học sử-dụng, tôi vẫn luôn tự hỏi: làm sao các cụ cứ mải bận tâm chuyện trăng sao mây nước, như thế nhỉ? “Vì sao lạ”, nói ở Tin Mừng đâu có mang ý-nghĩa của một thiên-văn, rất thực-nghiệm? Thánh Mát-thêu chỉ muốn viết về nền thần-học tu-đức nhằm chứng-tỏ rằng: thiên-đường trời cao vẫn ở trên. Chốn trời cao bên trên ấy, đã dẫn đường chỉ lối cho dân con trần-thế bằng các biến-cố rất hiện-thực. Những biến-cố gần gũi với người trần-gian. Còn, sao lạ trên trời vẫn là Thơ trắng hiển-hiện với người trần-gian, đã từ lâu.
Nghiên-cứu kỹ, ta hẳn sẽ thấy: ảnh-hưởng của trăng sao, tinh-tú vẫn xuất-hiện đậm nét trong các trình-thuật Cựu-Ước, như: sách Đệ Nhị Luật, Dân số, Tiên-tri Ysaya và Thánh-vịnh. Toàn-bộ trình-thuật về lễ-hội Hiển-Linh đã mang tính-chất biểu-tưởng, tuyệt-nhiên không dính-dự về khoa-học.
Truyện kể về “sao lạ dẫn đường” đã được sử-gia Hippolitus thuật ghi vào đầu thế-kỷ thứ 3, khi nguồn sử thánh-thiêng vẫn còn rất mới. Lúc ấy, sử-gia Hippolitus cũng đã đề-cập đến con số 12 tròn-trịa cốt tính đúng ngày giờ xảy đến sau sự-kiện Chúa giáng trần. 12, là số liệu biểu-tượng vang vọng tính nhân-hiền của Thiên-Chúa, lúc Ngài tạo-dựng các chi-tộc thuộc giòng họ Israel .
Và, 12 cũng là số-liệu thần-thiêng được Thầy Chí Thánh sử-dụng để gầy nhóm môn-đồ đại-diện, do Ngài chọn.
Cụ thể hơn, truyện kể về “sao lạ dẫn đưa đạo sĩ ghé thăm Đấng Hài-Đồng” cũng rập khuôn ăn khớp với các ảnh-hình được thánh Mát-thêu đề cập ở những chương kế tiếp. Ở ba chương đầu, thánh Mát-thêu cho thấy hiện-tượng kỳ lạ thường xảy đến, rất miên-trường nơi chương đầu, ta thấy thánh Giuse nhận thông-điệp sứ-thần Chúa mang đến, trong giấc mộng lành. Chương hai, “Lời Thơ” viết về các đạo-sĩ theo vết sao tìm đến với Hài Nhi rất thánh, Đức Giêsu. Kịp đến chương ba, lại giải bày trời cao nay rộng mở. Và, Thiên-Chúa tỏ-bày thánh-ý của Ngài ngang qua việc thanh-tẩy Đức Kitô, Con của Ngài.
Nhìn từ góc cạnh chuẩn-mực cho bất kỳ sử-liệu nào, trình-thuật nay mở đầu cho linh-đạo về nhân-vật thần-thiêng, ít nghe đến. Nói cách khác, tiểu-sử về Đấng Nhân Hiền rất thánh ghi ở đây, cốt chứng-tỏ: sự Hiển-Linh thần thánh, qua đó Thiên-Chúa biểu-lộ vinh-quang của Ngài với thế-giới nhân-trần. Và, vinh-quang ấy nay thành hiện-thực.
Thế nên, hãy thử tìm-hiểu xem vinh-quang Đức Chúa tỏ bày cho những ai? Ở đâu? Khi nào?
Trường-hợp đầu, thánh Giuse là người được vinh-dự nhận-đón sứ-điệp từ Trên, trong giấc mộng lành. Thứ đến, là trường-hợp các nhà thiên-văn ngoài Đạo cũng được mặc-khải cho biết về sự Hiển-linh khác thường, ít khi thấy. Các nhà thiên-văn ở trên đã đại-diện cho nhân-gian trần-thế, chốn thân-quên.
Ở nơi này, thế-giới nối-kết với mọi thứ quyền-bính, vẫn hành-xử với trần-gian. Qua người ở chốn gian-trần, và ở đây quyền-năng phàm-trần được thể-hiện nơi Hêrôđê đã trở-thành sức mạnh đối đầu với vinh-quang Chúa Hiển-linh. Quyền-năng trần-thế lại còn ngăn-chặn tính nhân-hiền, biểu-hiện nơi hình-hài bé nhỏ Chúa Hài Đồng.
Cuối cùng, là trường-hợp đám dân con chân-chất Do-thái, tức các con dân được chọn đã biết tìm đến với vị hiền-nhân ngôn-sứ, thánh Gioan Tẩy Giả.
Ba chương Tin Mừng thánh Mát-thêu, vinh-quang Đức Chúa như vòng quay tròn trịa, đã công-khai hiển-hiện nơi bản thân Đức Kitô. Và, tính công-khai hiển-hiện ấy nay phổ-cập đã đến với nhiều người. Cũng từ đó, vinh-quang Hiển-linh rất thánh nơi Ngài đã biến-cải nhiều cuộc sống, nơi người phàm. Cụ thể là, cuộc sống của thánh Giuse, thái-độ của các đạo-sĩ chiêm-tinh và hoạt-động của thánh Gioan Tẩy Giả.
Còn hơn nữa, cả những người từng nghe lời Ngài giảng-dạy, bảo ban trong hành-trình cuộc sống nơi nhà Đạo. Tất cả đều nhất nhất không quay về với lề-lối sống xa xưa, như ngày trước.
Mà, Hiển-Linh tuyệt nhiên không là phó-bản của một hiện-tượng “Sao chổi”, vừa đổi ngôi. Hiển-linh, là lễ-hội rất thánh nhân đó, ta mừng kính vinh quang của Đức Chúa đã cải-biến cuộc sống, cải-biến tâm-can rất nhiều người.
Hiển-linh, là lễ hội tràn đầy cơ-hội giúp biến-cải cuộc sống của mọi người. Và, cảm-hóa tâm-can của mỗi người. Hiển-linh, còn là dịp giúp ta chấp-nhận mình sẽ phải chết đi cho chính mình. Chết, để không còn sơ-xuất lỗi phạm nữa. Chết vì Hiển-linh, giúp ta tái-sinh trong vinh-quang của Đức Chúa; để rồi, vinh-quang chói-ngời của Ngài sẽ bừng sáng lên mãi trong ta. Bừng sáng, ngay tại bản-chất và ngang qua cuộc sống của mọi người.
Cầu mong sao, lễ Hiển-linh hôm nay giúp ta nhớ lại ngày Đức Chúa tỏ lộ vinh-quang cao cả của Ngài cho ta. Tỏ lộ, không chỉ riêng cho mình ta mà thôi. Cầu mong sao, lễ Hiển-Linh còn là dịp nhắc nhở rằng: ta được mời gọi để ra đi loan báo cho mọi người biết rằng: chính vinh-quang Thiên-Chúa đang hiển-hiện một cách linh-hoạt với mọi người, nơi mỗi người.
Cầu mong cho ta có được quyết tâm ra đi loan-truyền vinh-quang ấy bằng niềm tin tưởng vào lễ-hội Hiển-linh. Loan-truyền niềm tin, bằng chính cuộc đời ta đang sống. Sống hiên-ngang, vui tươi trong tâm-thức kiến-tạo nên một thế-giới mới tràn-đầy vinh-quang rực-sáng những yêu-thương, cứu-độ đổ xuống với mọi người.
Lm Richard Leonard sj biên soạn
Mai Tá lược dịch.