ĐẠO CÔNG GIÁO ĐẸP QUÁ VÀ XẤU QUÁ

ĐẠO CÔNG GIÁO ĐẸP QUÁ VÀ XẤU QUÁ

 Lm. Bùi Tuần

Một ông bạn đến thăm. Bạn mới toanh. Mình chỉ mới biết chứ chưa quen và chưa dám thân. Vừa ngồi xuống ghế, ông vô đề cái rụp:

– Anh là linh mục. Tôi là mácxít. Nhưng chúng mình cứ chân thành nói chuyện với nhau. Không ai ngại ai. Đừng ai sợ ai.

– Đồng ý. Tôi chỉ ước mong có bấy nhiêu thôi.

– Tôi công nhận đạo của anh có chân lý, vì nó tồn tại hai mươi thế kỷ. Tôi cố tìm hiểu đạo của anh, nhưng tìm hoài không ra. Tôi đọc Victor Hugo, tôi thấy đạo của anh rất mâu thuẫn. Đọc cuốn “Những Kẻ Khốn Cùng”, tôi thấy đạo của anh đẹp quá. Đọc cuốn “NhàThờ Đức Bà Paris”, thì lại thấy đạo của anh bẩn quá. Vậy thì đạo của anh là gì?

– Đọc Victor Hugo, anh chỉ thấy chúng tôi, chỉ thấy Giáo Hội, chứ chưa thấy ĐẠO. Chúng tôi không phải là ĐẠO. Đức Giêsu mới là ĐẠO. Chúng tôi hay Giáo Hội của chúng tôi, chỉ là những người tội lỗi đang lẽo đẽo theo sau Đức Giêsu, để tìm ơn cứu độ. Giữa Đức Giêsu và chúng tôi còn một khoảng cách xa vời vợi.

– Làm thế nào để hiểu biết Đức Giêsu?

– Phải đọc Thánh Kinh.

– Thánh Kinh bán ở đâu?

– Có đâu mà bán.

– Tại sao vậy?

– Anh hiểu rõ hơn chúng tôi. Nhưng hy vọng chánh sách sẽ mở rộng từ từ…

Mình và ông mácxít ngồi tâm sự rỉ rả với nhau từ tám giờ tối, đến mười giờ đêm. Tin tưởng và chân thành dìu cả hai người đi vào mọi ngóc ngách lịch sử của cả đạo lẫn đời.

Mình không ngại kể lại cho ông bạn sơ giao nghe những trang sử đen tối nhất của GiáoHội. Thời Trung Cổ Giáo Hội đã phạm những sai lầm ngoài sức tưởng tượng của mình.Đó là chia rẽ Kitô giáo; tòa án tôn giáo; cuộc chiến dai dẳng giữa Công giáo và Hồi giáo; đời sống luân lý sa đọa ngay tại Vatican.

Mình kể chuyện Giáo Hội yếu đuối, mà lòng không e ngại. Dường như mình cảm thấy rằng khiêm tốn nhìn nhận lỗi lầm của Giáo Hội cũng là chứng tá của Tin Mừng. Thánh Phalô đã không giấu giếm cái quá khứ tội lỗi của mình. Ngài thấy mình yếu đuối bao nhiêu thì càng thấy ơn Chúa hùng mạnh bấy nhiêu. Thánh Phêrô trên đường truyền giáo, chắc chắn không quên kể lại chuyện mình chối Chúa ba lần. Kể chuyện mình chối Chúa, mà cả người kể lẫn người nghe đều cảm thấy lòng mình thương Chúa nhiều hơn.

Hôm nay ông bạn mácxít được nghe chuyện xấu xa của Giáo Hội nhiều hơn ông đã từng biết. Ông không ghét, ông không khinh Giáo Hội. Dường như ông thông cảm với Giáo Hội, y như ông thông cảm với thân phận yếu đuối chung của loài người và của chính ông. Dường như ông cũng bắt đầu thấy rằng dưới gầm trời chẳng có ai là thánh. Ai khoe mình là Thánh, thì chỉ là khoác lác, chỉ là cuồng si, chỉ là không tưởng…

Mình cảm thấy rằng khi hai người đối thoại với nhau mà không thành kiến, không hận thù, thì họ sẽ thấy những khuyết điểm của nhau chỉ là đáng tiếc, chứ không đáng khinh dể. Bây giờ ông bạn mácxít của mình không còn thắc mắc tại sao “đạo của anh bẩn quá”. Ông chỉ còn muốn biết Đức Giêsu là thế nào. Mình kể cho ông nghe ba câu chuyện của ba người.

Người thứ nhất là ông Philip.

Sau khi được Đức Giêsu mời gọi làm đệ tử, Philip vội vàng đi khoe với ông bạn Nathanael: “Đấng mà Môsê và ngôn sứ nói tới, thì chúng tôi đã gặp rồi, đó là Đức Giêsu con ông Giuse, người làng Nagiarét”. Nói tới Nagiarét một làng nổi tiếng quê mùa, Nathanael cả cười và phê một câu chắc nịch: “Chẳng có điều gì tốt mà lại xuất phát từ Nagiarét”. Philip đành chịu thua, nhưng khuyên bạn: “Anh hãy đến mà xem”. Nathanael đến gặp Đức Giêsu và đã tin Người là Đấng Cứu Thế.

Mình khuyên ông bạn mácxít của mình: “Anh hãy nuôi ước muốn tìm hiểu Đức Giêsu. Ngài sẽ trực tiếp giúp anh”.

Người thứ hai là đại danh hào Lep Tolstoi.

Tolstoi say mê kinh “Phước Thật Tám Mối”. Đó là bài giảng quan trọng nhất của Đức Chúa Giêsu. Đó là chân dung hoàn hảo nhất của một Kitô hữu chân chính. Tolstoi đã giới thiệu kinh này cho Thánh Gandhi của Ấn Độ. Thánh Gandhi đã phát biểu ý kiến của mình về kinh “Phước Thật Tám Mối” như sau:

“Sau khi đọc kinh phước thật tám mối, tôi rất yên tâm tiếp tục cuộc đấu tranh bất bạo động của mình để giành độc lập cho quê hương Ấn Độ”.

Người thứ ba là đại danh hào Dostoievsky.

Dostoievsky bất mãn với Giáo Hội thời Trung Cổ. Trong cuốn “Anh Em Nhà Karamasov” ông đã dựng nên một vở tuồng cực ngắn mô phỏng một vị hồng y ngồi ghế chánh án xử một tín đồ về tội không tin theo giáo huấn của Giáo Hội. Người tín đồ ấy bị đưa lên giàn hỏa thiêu. Phần kết của vở tuồng, Dostoievsky cho đức hồng y chánh án đối chất với Đức Giêsu đang bị giam ở tầng hầm của tòa giám mục, “Xin Ngài nhớ là trước khi về trời, Ngài đã trao mọi quyền hành trên trời và dưới đất cho chúng tôi rồi mà. Tại sao bây giờ Ngài lại đến xía vào việc của chúng tôi…”.

Dostoievsky bất mãn với cái xấu của Giáo Hội, một tập thể yếu đuối đang đi tìm ơn cứu độ nơi Đức Giêsu. Nhưng ông lại tuyệt đối tin tưởng vào Đức Giêsu. Ông tuyên tín như sau: “Đức Giêsu là Chân-Thiện-Mỹ tuyệt đối. Nếu có ai bảo rằng Đức Giêsu không có chân lý thì tôi, Dostoievsky, vẫn đứng về phía của Người”.

Mình hứa sẽ tìm cho ông bạn mácxít của mình một cuốn sách Thánh Kinh. Đọc Thánh Kinh để biết Đức Giêsu. Đọc Thánh Kinh còn giúp người đọc hiểu sâu sắc hơn về các tác phẩm văn chương của Châu Âu. Mình đan cử một ví dụ:

V.Gheorghiu tác giả của cuốn “Giờ Thứ Hai Mươi Lăm” kể chuyện: một người đàn bà nghèo tên là Aritiba có một người chồng mà dư luận cho là có dòng máu Do-Thái. Đó là thời điểm đang bùng vỡ phong trào bài Do Thái. Người đàn bà này sợ quá, nhưng không dám hỏi chồng. Bà cứ nom nóp lo sợ, cứ âm thầm thắc mắc. Cho tới buổi tối hôm ấy, chồng của bà hấp hối. Bà đứng khóc thút thít bên giường người chồng sắp ra đi. Khi ông vừa ngáp một cái rồi tắt thở, thì bà vội kéo quần ông xệ xuống một cái rồi kéo trở lại ngay. Bà hốt hoảng lấy tay làm dấu Thánh giá…

Mình hỏi ông bạn:

– Anh có biết tại sao bà kéo quần của chồng xệ xuống, rồi vội kéo lên ngay không? Anh có hiểu tại sao bà ta hốt hoảng và làm dấu Thánh giá không?

– Tôi chưa kịp hiểu. Anh hỏi tôi mới để ý.

– Bà kéo quần chồng xệ xuống mới phát giác ra rằng quả thật chồng bà là người Do Thái.Theo luật, thì mọi người Do Thái phải cắt bỏ da bọc quy đầu. bà đã thấy, bà sợ quá. Khi sợ quá người bên đạo chúng tôi thường làm dấu Thánh giá như một phản xạ. Nếu anh đọcThánh Kinh, anh sẽ tìm hiểu ngay chi tiết có vẻ hơi bí mật này.

– Có lý. Anh kiếm cho tôi một cuốn Thánh Kinh nha.

Lm. Bùi Tuần

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay