ĐẠO CHÚA VỚI LUÂN HỒI

                                                                                           tác giả PHÙNG VĂN HOÁ

 Trong giới trí thức Phương Tây ít năm gần đây, người ta háo hức chạy theo Phật Giáo và tỏ ra rất hâm mộ Thuyết Luân Hồi vì cho rằng chỉ có nó mới có thể giải quyết được rốt ráo vấn đề sinh tử, tử sinh của con người. Trước tình hình không mấy sáng sủa đó, những người tha thiết với việc bảo vệ Đức Tin Công Giáo không  thể thờ ơ. Mới đây, để chuẩn bị cho Đại Lễ Phục Sinh, Đức Hồng Y Godfried Daneels, Tổng Giám Mục Malines ( Bỉ ) đã cho phổ biến Thư Mục Vụ mang tựa đề “Bên kia cõi chết” trong đó ngài  nhấn mạnh những khác biệt căn bản giữa Đức tin Kitô Giáo vào sự Phục Sinh và niềm tin vào Luân Hồi” ( KinhThanhvn.com ).

 Để có thể nhận ra  sự khác biệt ấy là như thế nào, thiết nghĩ cũng cần nên biết quan điểm của Thư Mục Vụ về cả hai lãnh vực Phục Sinh và Luân Hồi.

Về  sự Phục Sinh được đề cập thì đây không phải sự Sống Lại của Đức Kitô nhưng là của mọi con người sau khi chết. “Cái chết không có nghĩa là sự  kết  thúc của hữu thể nhân loại, họ vẫn tiếp tục sống bên cạnh Thiên Chúa là Đấng đưa họ vào mãi mãi  trong cuộc  sống mới cùng với một thân xác được tôn vinh, tất cả những điều này vì cái chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô. Đấng không ở lại trong mồ nhưng quyền uy  Thiên Chúa đã làm cho Ngài về lại  cõi sống” ( KinhThanhvn.org ).

 Còn đây là  cái hiểu về Luân Hồi: “Sau khi chết, hữu thể nhân loại trở về lại cuộc sống dương thế nhưng là trong một thân xác khác. Tiến trình này thay đi đổi lại một số lần không xác định được, như vậy có khả năng “làm lại cuộc đời” ( KinhThanhvn.org ).

      Ta có thể tóm kết sự khác biệt ấy  thế này:

Phục Sinh  dược hiểu  như là con người chỉ sống có một kiếp sống. và sau khi chết đều được về sống bên cạnh Thiên Chúa. Còn Luân Hồi thì phải trải qua vô số kiếp không thể xác định.

Lập luận sau khi chết, con người đều được phục sinh còn được khẳng định thêm một lần nữa: “Sau cuộc sống trần thế này, cuộc sống duy nhất và không còn tái hiện nữa. Thiên Chúa  sẽ hồi sinh chúng ta, mỗi người theo cách cá nhân như Người đã làm cho Con của Người. Vì Người yêu mỗi người chúng ta theo từng cá thể, và tất cả chúng ta trong mắt Người đều mang một danh tính duy nhất. Chúng ta  không phải là một hạt ngọc trai ở vòng cổ gồm những cuộc tái sinh  không ngừng diễn ra để rồi không ngừng tiến đến cái chết. Cái chết  đã bị Đức Kitô  đánh bại một lần cho tất cả. Vì thế chúng ta được giải thoát khỏi sự chết và khỏi mọi sự luân hồi” ( KinhThanhvn.org ).

 Vấn đề có hay không sự khác biệt giữa Phục Sinh và Luân Hồi sẽ được bàn tới sau. Nhưng nếu bảo rằng Đức Kitô đến để giải thoát tất cả  khỏi sự chết và khỏi mọi sự luân hồi là điều không thể chấp nhận. Tại sao ? Bởi như thế  là chẳng hiểu một chút chi cả về Phục Sinh lẫn Luân Hồi.

      Đức Kitô đến cõi thế như  lời Ngài  nói, mục đích là để rao giảng Tin Mừng Nước Trời ( Lc 4, 42 – 43 )  và Nước Trời ấy là nước mầu nhiệm nội tại, cần phải hết sức nỗ lực mới có thể vào “Luật pháp và tiên tri đến Gioan là hết. Rồi từ đó Tin Mừng Nước Trời  được rao giảng và ai nấy đều phải nỗ lực mà vào” ( Lc 16, 16 ).  Chúa đến rao giảng Tin Mừng Nước Trời là để cho ta biết tìm đường mà  “VÀO” ( Thể Nhập ), chứ làm gì có cái chuyện cứu tất cả  ra khỏi luân hồi ?

 Luân Hồi là một luật và luật này bao quát trong cả hai lãnh vực vô tình cũng như hữu tình. Quả đất xoay quanh cái trục nghiêng của  chính nó, đồng thời quanh mặt trời. Phía hướng về mặt trời  thì sáng, phía bị khuất thì tối. Hết tối lại sáng, hết sáng lại tối, đó là luân hồi. Ngoài ra còn có bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông xoay vần đắp đổi, đó là luân hồi. Hạt gieo xuống  nảy mầm thành cây, cây ra hoa kết quả, quả lại được gieo xuống  để nảy mầm thành cây, đó là luân hồi. Thở ra  rồi lại hít vào, hít vào rồi lại thở ra, đó là luân hồi.

 Đấy là trong giới vô tình, còn trong giới hữu tình thì luân hồi lại gắn liền với nghiệp báo gọi là nghiệp báo luân hồi. Tạo nghiệp thiện sẽ được  quả thiện, tạo nghiệp ác sẽ gặp quả ác v.v… Luân hồi là một định luật mà hễ đã là luật thì không bao giờ có thể thay đổi.  Đức Kitô đến không phải để  phá luật: “Chớ tưởng Ta đến để phá luật pháp hoặc ngôn sứ. Ta đến không phải để phá đâu nhưng là để kiện toàn” ( Mt  5, 17 ).

Vả lại, chính Chúa cũng công nhận luật luân hồi  khi Ngài ám chỉ việc Ngôn Sứ Elia tái sinh nơi Gioan Baotixita ( Mt 17, 10 – 13 ).  Chúa đến không phải để phá luật  nhưng kiện toàn, nghĩa là  Ngài đem lại  cho việc thi hành luật một giá trị mới,  đó là  thể nhập ( VÀO )  Nước Trời ở nơi mỗi một tâm hồn.

 Điều kiện thiết yếu cho việc  thể nhập ấy, trước hết là cần phải tái sinh. Đức Kitô nói  với Nicôđêmô:  “Quả thật, Ta nói cùng ngươi, nếu ai không tái sinh thì không thể  thấy được Nước Trời” ( Ga 3, 3 ). Tái sinh là sinh lại, đồng thời cũng tức là Phục Sinh. Chúa nói bất cứ ai  cũng phải tái sinh mới  vào được Nước Trời,  chứ không phải hễ cứ chết là  được  phục sinh về sống bên cạnh Thiên Chúa đâu ?  Phục sinh  tức là tái sinh nhưng nghĩa tái sinh của Đạo Chúa hoàn toàn không phải là luân hồi.

       I.  Phân biệt  tái sinh và luân hồi nghiệp quả

      Tái sinh theo như ý của Chúa muốn nói là điều rất khó để mà tiếp nhận. Sau khi  nghe Chúa  nói con  người cần phải tái sinh mới thấy được Nuớc Trời  thì Nicôđêmô nêu ngay thắc mắc: “Người đã già thì làm sao sinh ra được ? Có thể nào vào lòng mẹ lần thứ hai mà sinh ra được  nữa sao ? ( Ga 3, 4 ).  Trước câu hỏi hết sức ngớ ngẩn ấy, Đức Kitô  một lần nữa  quả quyết và lần này giải thích có phần rộng rãi hơn: “Nếu người nào chẳng bởi nước và Thánh linh mà sinh thì không thể vào Nước Trời được. Hễ chi sinh bởi xác thịt là xác thịt, hễ chi sinh bởi Thánh Linh là Thánh Linh. Chớ lấy làm lạ vì cớ Ta đã nói với các ngươi.  Các ngươi cần phải tái sinh,  gió muốn thổi đâu thì thổi, ngươi nghe tiếng nó nhưng chẳng biết nó đến từ đâu và đi đâu. Hễ người nào sinh bởi Thánh Linh thì cũng như vậy” ( Ga 3, 5 – 8 ).

Việc tái sinh của mỗi một tín hữu cần phải được thực hiện thông qua Bí Tích Rửa Tội. Phép Rửa này có người thắc mắc, vừa mới sinh ra thì nào đã có tội tình gì  đâu mà phải… rửa ?  Nghe vậy xem chừng có lý, thế nên có ai đó đề nghị  thay  cho rửa tội  thì nên gọi là nghi lễ nhập đạo.  Thế nhưng giải như  vậy là chưa hiểu được tính chất sâu xa của Bí Tích mà chính Chúa cũng đã lãnh nhận  bởi Gioan Tiền Hô: “Song Gioan  ngăn cản mà rằng: Chính tôi cần Ngài làm phép rửa mà Ngài lại đến cùng tôi sao ? Chúa đáp: Bây giờ hãy làm đi, vì chúng ta đáng phải hòan tất  mọi điều công chính như thế” ( Mt 3, 13 – 15 ). Chúa chịu phép rửa  nơi Gioan  không phải là để làm gương cho chúng ta về sau nhưng như Ngài nói: “chúng ta”, ám chỉ Ngài và Gioan  đáng phải hoàn tất điều công chính ấy. Cần nên nhớ chỉ khi Chúa chịu phép rửa xong lên khỏi mặt nước  thì tầng trời mới mở ra, “Ngài thấy Thánh Linh của Đức Chúa Trời  ngự xuống như  chim bồ câu đậu trên Ngài và này có tiếng từ trời phán: Đây là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng” ( Mt 3, 16 – 17 ).

 Chúa là Đấng hoàn toàn vô tội mà cũng chịu phép rửa, điều ấy  cho chúng ta  thấy việc tái sinh  bởi nước và Thánh Thần quan hệ biết chừng nào cho phần rỗi linh hồn  của mỗi người. Mặc dù Bí Tích Rửa Tội mang một dấu ấn không thể phai mờ trong tâm hồn người tín hữu.  Thế nhưng rất có thể đó chỉ là một thứ hình thức  lễ nghi  chẳng đem lại một kết quả nào nếu ta không thực sự tái sinh tức sống lại phần linh hồn.

Con người ( chúng sinh ) không ai lại không bởi tội mà sinh và sinh bởi tội như thế  là sinh trong sự chết. Tội nguyên tổ như đã biết đó là tội phân biệt thiện ác ( x. St 2, 9 ).  Mỗi khi tâm khởi phân biệt là tâm đi vào cõi chết: “Một mai ngươi ăn ắt hẳn phải chết” ( St 2, 17 ).  Tâm khởi phân biệt là đã bước vào cõi chết. Ngược lại, bỏ tâm phân biệt đi thì lại được vào cõi sống ( Tái sinh ). Như vậy tính chất sâu xa của việc tái sinh  trong Đạo Chúa  tức là bỏ đi tâm phân biệt. Điều này trái ngược hẳn với  luân hồi củng có nghĩa là tái sinh nhưng  tái sinh trong nghiệp.

       Luân Hồi trong phạm vi chúng hữu tình luôn gắn  với nghiệp thế nên  gọi là luân hồi nghiệp báo ( Báo ứng ). Hiểu như vậy thì Luân Hồi  là sự trở đi trở lại  của nghiệp  mà nhân của nó là  vô minh.  Đức Phật Thích Ca  sau 21 ngày đêm tham thiền nhập định  đã giác ngộ  được chân lý của sự khổ và  nguyên nhân gây ra cho nó bao gồm trong mười hai duyên gọi là Thập Nhị Nhân Duyên  ( Vô Minh, Hành, Thức,  Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ,  Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Già,  Chết ).

 Vì Vô Minh nên phát sinh dục vọng ( Hành ). Do nơi dục vọng mà nhận  biết ( Thức ). Từ chỗ nhận biết ấy mà có cái gọi là Tâm và Thân ( Danh Sắc ). Thân tâm bao gồm ngũ quan và  ý  thức ( Lục nhập ). Năm giác quan cùng với ý  thức  là sáu cánh cửa để tiếp xúc  với ngoại vật ( Xúc ). Có tiếp xúc thì có lãnh nhận ưng chịu ( Thọ ). Ưng chịu phát sinh sự yêu thích ( Ái ). Yêu thích thì muốn nắm giữ ( Thủ ) Nắm giữ đi liền với sở hữu, quyết giữ lấy ( Hữu ). Từ chỗ giữ lấy đó mà sinh  đi sinh lại  trong luân hồi lục đạo ( Thiên, nhân, Atula, ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục ) ( Sinh ).  Hễ đã có sinh thì phải có già và chết ( Chết ).

 Thập nhị nhân duyên diễn ra trong một vòng tròn khép kín, cái này làm nhân cho cái kia  và ngược lại vì vậy mà gọi nó là luân hồi hay vòng tử sinh, sinh diệt. Vòng sinh tử xét trong một kiếp sống  thì gọi  là phần đoạn sinh tử. Còn xét trong tính chất sâu xa của nó thì mười hai nhân duyên ấy cũng chỉ gồm thâu trong một niệm  gọi là Nhất  Niệm Vô Minh.

Trong con mắt phàm tục thì thấy  con người ta sinh ra  sống trên đời này một thời gian vắn dài nào đó rồi thì ai ai cũng phải chết, và khi chết rồi thì mờ mịt chẳng biết đi đâu, về đâu. Nhưng với con mắt của những bậc đại giác thì  kiếp sống ấy chỉ là những niệm tưởng tiếp nối, niệm này nối tiếp  niệm kia  và nếu còn ở trong vòng vô minh thì sẽ không bao giờ có thể dứt. Tôn giáo có mặt là để đem lại sự giải thoát. Thế nhưng sự giải thoát ấy cần phải được nhận thức đó là thoát ra khỏi sự vô minh ở nơi chính mình.

       II.  Con  đường  chuyển  hóa  của Đạo  Chúa

      Có một sự thực  nhưng rất khó để mà nhận biết, đó là con người cứ nghĩ rằng mình sống với thân thể nhưng thật ra là sống với tư tưởng. Ta  ví  tư tưởng  là  người tài xế,  còn thân thể  là chiếc xe hơi. Khi nhìn chiếc xe, thấy nó chạy bon bon chỗ này chỗ kia, quẹo trái quẹo phải, đối với người có trí khôn thì ai cũng phải nghĩ đó là do người tài xế ngồi bên trong điều khiển. Người ta chỉ nhìn  thấy chiếc xe  chứ không thấy tài xế nhưng khi xe chạy  thì biết liền trong xe có người cầm lái. Ngược lại đối với người thiểu năng tâm trí hoặc ở rừng sâu núi thẳm mới ra phố lần đâu  thấy xe chạy liền cho rằng  đó là cái xe nó chạy. Xe chạy biết ngay là có người điều khiển là người có trí khôn, ngược lại là dại là khờ.

Hiểu như vậy thì hết thảy chúng ta những con người  trần mắt thịt này  đều là dại hết bởi lẽ không hề biết phân biệt tư tưởng và người tư tưởng. Mặc dầu vậy, nói có tư tưởng và người tư tưởng  thì cũng chẳng đúng. Tại sao ? Bởi phân biệt như thế  thì cũng  chẳng khác nào công nhận có một chủ thể cho tư tưởng. Chủ thể ấy chính là “Cái Tôi”. Nếu tôi là chủ thể của tư tưởng  thì đáng lẽ ra tôi có thể điều khiển được  tư tưởng, muốn nó vui liền được vui, muốn nó hướng thượng thì liền hướng  thượng v.v…

Thực tế thì đâu phải vậy, biết bao lần khi ta đọc kinh  dự lễ nghe giảng không muốn chia lòng chia trí  hoặc… ngủ gật mà nào có được đâu ? Nhiều khi ta chẳng muốn uống rượu say xỉn  nhưng rồi bạn bè lôi kéo  lại say lại xỉn, vợ con mè nheo bực cả mình… Về ý tưởng này Thánh Phaolô  đã có một câu nói rất ư chính xác: “Vì lòng muốn ở nơi tôi  nhưng quyền lực làm điều thiện thì lại không có. Cho nên điều thiện tôi muốn thì  tôi lại không làm. Còn điều ác không muốn thì tôi lại làm. Song nếu tôi làm điều tôi không muốn  thì chẳng còn phải là tôi làm điều đó nữa, bèn là tội lỗi ở trong tôi” ( Rm 7, 18 – 20 ).

       Không muốn nhưng lại cứ làm, điều ấy chứng tỏ tôi  không phải là chủ sở hữu của tư tưởng. Nói cách khác, chính tội lỗi nó làm chủ chứ không phải là tôi.  Tội lỗi làm chủ tức là nghiệp xấu nó dẫn dắt vào con đường mà mình không hề muốn. Nghiệp có thể ví  nó như một tên độc tài, nó bắt làm gì thì phải làm. Tuy nhiên nghiệp không từ trên trời rớt xuống, cũng không phải ở dưới đất chui lên mà nó  là do  chính  mình tạo nên.

Một  tên nghiện rượu,  ma túy chẳng hạn thì có ai bắt ép nó phải uống phải chích choác đâu ? Có lẽ ban đầu nó cũng thấy rượu là cay là đắng nhưng một khi đã nghiền nó rồi  thì làm nô lệ cho nó, không uống thì nó hành cho vật vã khốn khổ… Nghiệp là do mình tạo nhưng không phải cứ có nghiệp là xấu, nhưng có nghiệp xấu ác thì cũng có nghiệp thiện lành. Tạo nghiệp xấu ác phải lãnh quả xấu ác.  Trái lại tạo nghiệp thiện lành  sẽ được quả thiện lành. Quan trọng ở chỗ là phải làm cách sao  để tạo ra được nghiệp thiện nghiệp lành,  đó mới là vấn đề.

Chúng ta đọc tiếp lời Thánh Phaolô để thấy được câu trả lời:  “Vậy tôi thấy trong tôi có luật này, khi tôi muốn làm điều thiện thì điều ác lại cặp theo. Vì theo người bền trong  tôi vẫn vui thích luật pháp của Đức Chúa Trời. Nhưng tôi  thấy trong chi thể tôi  có một luật khác chiến đấu với luật trong tâm trí tôi bắt tôi làm nô lệ  cho luật của tội lỗi vẫn ở trong chi thể tôi. Ôi ! Tôi là người khốn khổ biết dường nào. Ai sẽ giải cứu tôi khỏi thân thể của sự chết này ? Cảm tạ Đức Chúa Trời đó là nhờ Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Như vậy chính mình tôi lấy tâm trí phục luật pháp của Đức Chúa Trời nhưng lấy xác thịt phục luật pháp của tội lỗi” ( Rm 7, 21 – 25 ).

Qua những lời phải nói là tâm huyết của Thánh Phaolô, một con người được ơn Chúa cho trở lại, đã cho thấy cuộc đời  tín hữu chúng ta luôn là một cuộc chiến cam go giữa hai thế lực thiện ác mà nếu không có ơn Chúa thì không một ai có thể lướt thắng.  Mỗi người là một ông vua nhưng là một thứ vua ươn hèn, không cai trị nổi đám quan quân tướng sĩ ( mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý ), mặc chúng tác yêu tác quái, muốn ăn ngủ, chơi bời, nói năng  nghĩ tưởng thế nào cũng được.  Biết đó là không hay không tốt  nhưng bởi trót  đã để cho chúng lấn quyền nên đành bất lực buông trôi.

Trong tất cả đám quần thần đó thì Ý  Thức là quan trọng nhất, công  rất nhiều nhưng tội cũng  lắm ( Công vi thủ, tội vi khôi ). Cứ nắm được Ý là nắm đầu được tất cả, nhưng để nắm được Ý  thì nhất định là phải có phương pháp và phương pháp ấy chính là sự chuyển hóa tâm thức.  Tâm ta từ vô lượng kiếp do bởi ảnh hưởng của tội nguyên tổ là tội phân biệt thì nay  phải nhất quyết  chuyển nó thành Tâm Vô Phân Biệt. Chúa dạy  yêu người thì đừng có phân biệt  người thân kẻ thù ( Mt 5, 43 – 44 ). Làm phúc bố thí thì đừng cho tay trái biết việc tay phải làm ( Mt 6, 3 – 4 ).  Bao lâu còn sống với Tâm Phân Biệt  thì còn quanh đi quẩn lại trong vòng tử sinh sinh tử  rất khó để mà thoát ra khỏi nó.

 Điều khó ấy tự sức con người  không một ai có thể, nhưng  nếu biết cậy dựa vào Ơn Chúa  thì lại được, bởi vì “Ơn Ta đủ cho ngươi, vì quyền năng của Ta nên trọn trong sự yếu đuối” ( 2Cr 12, 9 ).

PHÙNG VĂN HÓA

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay