Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và thông điệp Lòng Thương Xót Chúa
VRNs (27.4.2014) – Sài Gòn – “Tôi coi thông điệp này là một nhiệm vụ đặc biệt của mình. Đấng Quan Phòng đã chỉ định nó cho tôi trong bối cảnh hiện nay của con người, của Hội Thánh và thế giới.”(Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngày 22 tháng Mười Một năm 1981)
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vào đầu năm 1940 đã biết đến thánh Faustina và những mạc khải được ban cho sơ từ Chúa Giêsu. Khi ấy, ĐTC đang là một sinh viên theo học một cách bí mật tại một chủng viện ở Krakow, để tiến tới chức linh mục.
Đức Gioan Phaolô II trong một lần chủ sự giờ Chầu Thánh Thể. Ảnh communio
Lần đầu tiên ngài nghe nói về những mạc khải tư này từ một chủng sinh khác tên là Andrew Deskur (Andrzej Maria Deskur), người sau này cũng trở thành một Đức Hồng Y. Andrew đã nói với ngài về thánh Faustina Kowalka, cũng như những thông điệp về Lòng Thương Xót Chúa mà sơ tuyên bố đã nhận được từ Chúa.
Cũng trong khoảng thời gian sơ nhận được những thông điệp từ Chúa, Karol Wojtyla bị buộc phải làm việc như một công nhân tại mỏ đá Zakrzowek và sau đó là tại nhà máy hóa chất Solvay, dưới sự chiếm đóng của các lực lượng Đức Quốc xã. Cả hai địa điểm này đều nằm gần tu viện của dòng Đức Mẹ Nhân Lành, nơi thánh Faustina được chôn cất lần đầu.
Chàng trai trẻ Karol Wojtyla thường đi bộ đến tu viện trong chiếc giày gỗ sau một ngày làm việc chăm chỉ. Sau này, khi trở thành linh mục và sau đó là một giám mục, ngài vẫn thường đến đây để cầu nguyện và tĩnh tâm. Sau khi thánh Faustina qua đời, chính Karol Wojtyla, trong vai trò là Tổng Giám Mục Krakow, là người đầu tiên xem xét việc đệ trình lên Thánh Bộ Tuyên Thánh trường hợp của thánh Faustina, như một nhân vật đáng được tuyên chân phước.
Trong thời gian diễn ra Công Đồng Vatican II, ngài đã tiếp cận với Đức Hồng y Ottaviani để trình bày mong muốn của các tín hữu Ba Lan, về việc nâng nữ tu Faustina lên bàn thờ. Đức Hồng y Ottaviani đã nói với ngài rằng, bước đầu tiên là phải thu thập tất cả các lời khai của những người biết sơ ấy khi họ vẫn còn sống.
Đức Tổng Giám Mục Karol Wojtyla sau đó đã ủy thác cho vị Giám mục phụ tá là Đức cha Julian Groblicki, trách nhiệm thu thập các thông tin để bắt đầu ‘Tiến trình Thông tin’ về đời sống và nhân đức của thánh Faustina. Tháng 9 năm 1967, tiến trình được hoàn tất, và vào tháng Một năm 1968, ‘Tiến trình tuyên Chân phước’ được khởi động. Vì kết quả tích cực từ ‘tiến trình thông tin’, các yêu cầu thông tin từ nhiều nơi, đặc biệt từ Ba Lan và cách riêng là từ Đức Tổng Giám Mục Wojtyla, đã được gửi đến Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Họ thắc mắc liệu những điều cấm trong Thông báo 1959 của Bộ vẫn còn hiệu lực hay chăng? Trong gần 20 năm, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã cấm việc lan truyền cuốn nhật ký của vị nữ tu thần bí này. Để trả lời cho những yêu cầu thông tin trên, Bộ đã đưa ra một ‘Thông báo’ mới vào ngày 15 tháng Tư năm 1978, trong đó đề cập: “Thánh Bộ giờ đây đã có trong tay nhiều tài liệu nhiều gốc chưa được biết đến vào năm 1959, và đã xem xét những tình huống thay đổi một cách sâu sắc, cũng như đã cứu xét ý kiến của nhiều Giám mục Ba Lan. Giờ đây Thánh Bộ tuyên bố, những điều cấm chứa trong ‘Thông báo 1959′ không còn mang tính ràng buộc.”
Vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, ngày 30 tháng 11 năm 1980, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã công bố thông điệp thứ hai của ngài ‘Dives in Misericordia’ (Đấng Giàu Lòng Thương Xót), trong đó ngài mô tả lòng thương xót của Thiên Chúa như là sự hiện diện của một tình yêu, thứ lớn hơn bất kỳ sự ác nào, cũng như lớn hơn mọi tội lỗi và cả cái chết. Cũng trong thông điệp này, ngài kêu gọi Hội Thánh dâng hiến chính mình trong việc khẩn cầu Lòng thương xót của Thiên Chúa cho toàn thể thế giới.
Việc công bố thông điệp thứ hai này có lẽ là sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời của Đức Thánh Cha, và trong mối liên hệ của ngài với thánh Faustina cũng như với thông điệp Lòng Thương Xót Chúa.
Trong vai trò là Tổng Giám Mục của Krakow, Karol Wojtyla đã bênh vực thánh Faustina khi uy tín của sơ và thông điệp Lòng Thương Xót Chúa bị đặt nghi vấn tại Rôma. Việc này xảy ra là do một bản dịch lỗi ‘cuốn nhật ký của sơ’ bằng tiếng Ý, được gửi đến Thánh Bộ Bảo vệ Đức Tin.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói rằng ngài cảm thấy “rất gần gũi với thánh Faustina và đã nghĩ về sơ, cũng như về thông điệp Lòng Thương Xót Chúa, khi ngài bắt đầu khởi sự thông điệp ‘Đấng Giàu Lòng Thương Xót’ (Dives in Misericordia).” Ngày 22 tháng Mười năm 1981, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã có chuyến tông du bên ngoài Rôma đầu tiên. Và vào ngày Lễ Chúa Kitô Vua, ngài đã viếng thăm trong một vài ngày Đền thánh Tình Yêu Thương Xót tại Collevalenza. Một hội nghị quốc tế cũng đã được tổ chức tại đây để cùng tìm hiểu thông điệp ‘Đấng Giàu Lòng Thương Xót’.
Sau khi cử hành Thánh Lễ, ngài đã tuyên bố công khai một cách mạnh mẽ về tầm quan trọng của thông điệp Lòng thương xót. Ngài nói: “Một năm trước, tôi đã công bố thông điệp ‘Đấng Giàu Lòng Thương Xót’. Điều đó đã khiến tôi đến ngôi Đền Tình yêu Thương xót hôm nay đây. Với sự hiện diện của tôi, tôi muốn xác nhận một lần nữa những thông điệp từ thông điệp đó. Tôi muốn đọc lại nó [cho anh chị em] và chuyển giao nó một lần nữa. Ngay từ ngày khởi đầu sứ vụ tại ngai tòa thánh Phêrô ở Rôma, tôi đã coi thông điệp này là một nhiệm vụ đặc biệt của mình. Đấng Quan Phòng đã chỉ định nó cho tôi trong bối cảnh hiện nay của con người, của Hội Thánh và của thế giới. Có thể nói chính xác rằng, chính bối cảnh này đã chỉ định thông điệp ấy cho tôi như một nhiệm vụ của tôi trước mặt Thiên Chúa.” (Trích từ bài giảng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tại Đền Tình yêu Thương xót tại Collevalenza, Ý, ngày 22 tháng 11 năm 1981)
Vào Chúa Nhật về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, ngày 10 tháng Tư năm 1991, hai năm trước khi Faustina được tuyên Chân phước, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói về thánh Faustina, liên kết thánh nữ với thông điệp của ngài và nhấn mạnh vai trò của thánh nữ trong việc mang thông điệp Lòng thương xót ra toàn thế giới, “Những lời trong thông điệp Đấng Giàu Lòng Thương Xót (Dives in Misericordia) đặc biệt gần gũi với chúng ta. Chúng nhắc lại hình ảnh của một vị Tôi Tớ Chúa, thánh Faustina Kowalka. Vị nữ tu giản dị này đã làm cho thông điệp Phục Sinh của Chúa Kitô Thương xót trở nên gần gũi hơn với toàn thế giới.”
Vào Chúa Nhật Thương Xót, ngày 18 tháng Tư năm 1993, thánh Faustina được ĐTC Gioan Phaolô II tuyên Chân phước tại quảng trường thánh Phêrô. Ngài bắt đầu bài giảng với một trích đoạn từ cuốn nhật ký của vị tân Chân phước: “Tôi cảm thấy sứ mạng của tôi sẽ không chấm dứt sau cái chết của tôi, nhưng đó sẽ là khởi đầu.” Và quả thật đúng như thế! Sứ mạng của chị vẫn tiếp tục và đang sinh hoa kết quả lạ lùng. Thật sự lạ lùng cách mà lòng sùng kính của chị đối với Chúa Giêsu nhân lành đang loan truyền ra khắp thế giới đương đại của chúng ta, và đem về rất nhiều linh hồn!
“Ở nơi nào mà thế giới có thể tìm thấy chỗ nương tựa và ánh sáng của hy vọng, nếu không phải là nơi Lòng Thương Xót Chúa?” đó là một trong những chủ đề của triều Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Trong buổi đọc kinh ‘Lạy Nữ Vương Thiên Đàng’ (Regina Caeli), ngày 23 tháng 4 năm 1995, ngay sau khi kết thúc buổi cử hành Chúa Nhật Lòng Thương Xót tại nhà thờ Thánh Linh, ĐTC Gioan Phaolô II đã khuyến khích các tín hữu đích thân trải nghiệm Lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài nói: “một cách đặc biệt, hôm nay là ngày Chúa nhật tạ ơn, tạ ơn vì sự tốt lành của Thiên Chúa đã thể hiện ra cho con người trong toàn bộ mầu nhiệm Phục Sinh”.
“Đó là lý do tại sao Chúa nhật này còn được gọi là Chúa Nhật về Lòng Thương Xót Chúa của Thiẹn Chúa. Về cơ bản, lòng thương xót của Thiên Chúa, như qua kinh nghiệm thần bí của thánh Faustina Kowalka, người đã được nâng lên bàn thờ vào năm 2000, giúp chúng ta hiểu và tiết lộ một cách chính xác sự thật này: sự thiện chiến thắng trên sự dữ, sự sống mạnh hơn cái chết, và tình yêu của Thiên Chúa thì quyền năng hơn tội lỗi.”
“Tất cả điều này được biểu lộ trong mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô, nơi đó Thiên Chúa xuất hiện trước chúng ta như một người Cha có trái tim nhân hậu, người không bỏ cuộc khi đối diện với sự vô ơn của con cái mình, và luôn sẵn sàng tha thứ.”
“Chúng ta phải đích thân trải nghiệm lòng thương xót này, để đến lượt mình, chúng ta cũng cảm thấy ước muốn có khả năng thương xót. Chúng ta hãy học cách tha thứ! Vòng trôn ốc của hận thù và bạo lực đã làm vấy bẩn vết máu lên hướng đi của rất nhiều cá nhân và quốc gia, cái chỉ có thể được phá vỡ bởi phép mầu của sự tha thứ.”
Khi ĐTC Gioan Phaolô II có chuyến hành hương đến đền Lòng Thương Xót Chúa tại Lagiewniki, Ba Lan, ngày 7 tháng Sáu năm 1997, ngài đã có một bài huấn đức rất cá nhân trước các nữ tu của Dòng Đức Mẹ Nhân Lành (hội dòng của thánh nữ Faustina), trong đó ngài suy niệm về Lòng Thương Xót Chúa, đưa ra một chứng từ cá nhân tuyệt vời của thánh Faustina và thông điệp của chị, “Tôi đến đền thánh này như một khách hành hương, để tham dự vào bài thánh ca bất tận tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa. Tác giả thánh vịnh của Thiên Chúa đã xướng bài thánh ca ấy, đã biểu lộ những gì mà mọi thế hệ sẽ lưu giữ và tiếp tục lưu giữ, như hoa quả quý giá nhất của đức tin.”
“Không có gì khiến con người cần hơn là Lòng thương xót Chúa, đó là tình yêu rộng lượng, từ bi, tình yêu nâng con người lên trên sự yếu đuối của họ, để vươn tới chiều cao vô hạn là sự thánh thiện của Thiên Chúa. Tại nơi đây, chúng ta đặc biệt ý thức được điều này. Trên thực tế từ nơi đây, chính Đức Kitô đã chọn để truyền đi thông điệp của Lòng Thương Xót Chúa cho thế hệ chúng ta qua thánh nữ Faustina. Đó là một thông điệp rõ ràng và dễ hiểu đối với mọi người. Bất cứ ai cũng có thể đến đây, nhìn vào bức ảnh Chúa Giêsu đầy lòng thương xót này, trái tim của ngài phát ra tia sáng ân sủng, và thánh nữ Faustina đã nghe trong sâu thẳm linh hồn của Thiên Chúa rằng: “Đừng sợ, Ta ở với con luôn mãi.” (Nhật ký, 586)
“Và nếu người nào đáp trả với một trái tim chân thành, ‘Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa’, người ấy sẽ tìm được sự an ủi giữa những lo âu và sợ hãi. Thông điệp Lòng thương xót Chúa đã luôn luôn gần gũi và trở nên thân thương đối với tôi. Dường như lịch sử đã ghi khắc điều đó trong kinh nghiệm bi thảm của cuộc Thế chiến thứ hai. Trong những năm tháng khó khăn ấy, [thông điệp Lòng thương xót Chúa] là một hỗ trợ đặc biệt và là nguồn hy vọng vô tận, không chỉ cho người dân Krakow nhưng cho toàn thể quốc gia này. Đây cũng là kinh nghiệm cá nhân của tôi, cái mà tôi mang theo mình khi tiến tới ngai tòa thánh Phêrô, và theo một cách nào đó, điều ấy đã khuôn đúc nên hình ảnh của triều đại Giáo Hoàng này.”
Vào Chúa nhật Thương xót ngày 30 tháng Tư năm 2000, trước gần 250.000 khách hành hương và các máy quay của truyền hình thế giới, ĐTC Gioan Phaolô II đã tuyên thánh cho nữ tu Faustina Kowalka, ‘vị Tông Đồ vĩ đại của Lòng Thương Xót Chúa’. Ngài đồng thời cũng chấp thuận thông điệp Lòng Thương Xót Chúa và việc sùng kính này bằng cách tuyên bố, Chúa nhật thứ hai sau lễ Phục Sinh là ‘Chúa Nhật về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa’ cho toàn thể Giáo Hội Hoàn vũ. Trong một bài giảng đặc biệt dưới triều giáo hoàng của mình, ĐTC Gioan Phaolô II đã lặp đi lặp lại ba lần rằng, thánh Faustina là một ‘món quà của Thiên Chúa ban tặng cho thời đại của chúng ta.’ Chị đã biến thông điệp của Lòng Thương Xót Chúa trở thành ‘cầu nối tiến tới thiên niên kỷ thứ ba.’ Sau đó ĐTC nói tiếp, “bởi hành động tuyên thánh cho nữ tu Faustina, tôi muốn truyền đi thông điệp này cho thiên niên kỷ thứ ba. Tôi muốn truyền nó cho tất cả mọi người, để họ có thể học và nhận biết tốt hơn gương mặt đích thực của Thiên Chúa và gương mặt đích thực của người thân cận. Trong thực tế, tình yêu Thiên Chúa và tình yêu dành cho người thân cận là không thể tách rời.”
Cổ vũ mọi người cùng đồng thanh với Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, và với thánh Faustina, “người đã biến đời sống mình thành một bài ca của lòng thương xót”, để “ca tụng tình thương Chúa đến đời đời.” (Tv 89, 2) ĐTC kết thúc bài giảng với những lời sau đây, “Anh chị em thân mến, thánh Faustina là một một món quà của Thiên Chúa dành cho thời đại của chúng ta, một món quà đến từ miền đất Ba Lan dành cho toàn thể Hội Thánh. Ngài đã cho chúng ta biết về chiều sâu của Lòng thương xót Chúa; ngài giúp chúng ta sống kinh nghiệm đó và làm chứng về nó giữa anh chị em của chúng ta. Xin cho thông điệp của ánh sáng và hy vọng này được lan truyền ra khắp thế giới, thúc đẩy những tội nhân hoán cải, làm dịu đi sự kình địch và hận thù, và giúp các cá nhân cũng như các quốc gia thực hành tình huynh đệ.”
Những mạc khải tư cho thấy việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa, là một chỉ thị rõ ràng và mạnh mẽ được trao cho Hội Thánh. Chúng ta đã thấy trong lễ tuyên thánh của thánh nữ Faustina sự hoàn tất của mệnh lệnh này. Bằng việc tuyên thánh cho vị nữ tu, Hội Thánh đã thiết lập việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa cho tất cả mọi người. Vì vậy ngày hôm nay, cùng với Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, chúng ta hãy nhìn lên gương mặt của Chúa Kitô Phục sinh, chúng ta hãy cầu nguyện và nói lên với niềm hy vọng vững vàng rằng, Lạy Chúa Giêsu là Đấng Phục Sinh, con tín thác nơi Ngài.
Trong chuyến viếng thăm Ba Lan cuối cùng vào ngày 17 tháng Tám năm 2002, ĐTC Gioan Phaolô II đã cung hiến Vương Cung Thánh Đường Lòng Thương Xót Chúa, tiếp giáp với đền Lòng Thương Xót Chúa. Cũng vào thời điểm đó, ĐTC đã trao phó toàn thế giới cho Lòng Thương Xót Chúa.
Phỏng dịch và thêm một số chi tiết từ bài viết của tác giả Val Conlon
Đức Thiện, VRNs