Đời chị có Chúa

Đời chị có Chúa

Sr. Maria Lam Thuyên

Thêm một tờ lịch rơi, mùa Hè sắp đến rồi. Lịch thi cuối kỳ dày đặc, các bài viết phải nộp cũng nhiều. Tôi chọn đối tượng cho tiểu luận lần này là các bệnh nhân ung bướu nên tôi tự nhủ mỗi tuần sẽ đến Trung Tâm Ung Bướu nhiều hơn, vừa để thăm bệnh nhân vừa tìm thêm tư liệu cho bài nghiên cứu của mình.

Sau khi rảo qua các khoa phòng của bệnh viện để lắng nghe những tâm sự của các bệnh nhân. Tôi tiếp tục lên khoa nội, đến thăm một bà cụ 70 tuổi quê ở Đồng Tháp, bà bị ung thư ngực giai đoạn II. Tôi đang nói chuyện với bà, chợt có một phụ nữ từ trên cầu thang đi xuống. Tôi đoán chừng chị khoảng 35 tuổi, trông dáng vẻ như một người bán hàng rong tại đây. Chị niềm nở chào hết mọi người xung quanh chỗ chúng tôi ngồi. Tôi hỏi chị làm gì ở đây, chị bảo “em là bệnh nhân trong bệnh viện này, ngoài những giờ bác sĩ khám bệnh, em đi hết các khoa để nhặt hộp, chai nước, bọc ni lông … gom lại, bán lấy tiền chữa bệnh và đi thăm con, mỗi tuần cũng được vài trăm ngàn”. Năm nay chị mới 29 tuổi, tên là Thái Thiên Thanh, đã chữa bệnh ở đây được 3 tháng. Chị nói tiếp: Ở đây, bà con rất thương hoàn cảnh của gia đình em. Họ thấy ở đâu có chai lọ bỏ thì họ chỉ cho em đến đó nhặt.”

Chị có hoàn cảnh rất đáng thương, chị và chồng chị đều lớn lên trong một cô nhi viện ở Sóc Trăng. Chồng chị bị cụt một chân do chiến tranh. Hai người lấy nhau được mấy năm thì có một đứa con gái. Đứa con ra đời là niềm vui và hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười với gia đình bé nhỏ này, nào ngờ, chị phát hiện mình mang bệnh. Người ta chẩn đoán chị bị ung thư tử cung.

Trong nhà, chị luôn là người gánh vác hết mọi việc trong gia đình, vì chồng chị do thương tật khó có thể giúp chị săn sóc con cũng như chia sẻ việc nhà. Chị vừa đi làm vừa nuôi con, lại thêm căn bệnh hành hạ, nên mau kiệt sức vì mất máu quá nhiều.

Người ta bảo chị bán con để có tiền chữa bệnh. Họ trả cho chị 5 triệu để lấy đứa trẻ. Chị đau đớn trả lời họ “Đời tui không cha không mẹ, tui quyết không để con tui mồ côi, thà tui uống thuốc độc rồi mẹ con tui cùng chết chứ không đời nào tui làm như vậy”.

Chị chữa bệnh tại Sóc Trăng một thời gian nhưng bệnh không giảm. May sao có một người tốt bụng mách cho chị nên lên thành phố chữa bệnh, vì cứ ở nhà chị sẽ không sống nổi.

Chị băn khoăn không muốn đi vì không có tiền làm sao chữa bệnh. Người ấy bảo chị cứ lên đó sẽ có người giúp chị. Thế rồi gia đình chị di cư lên Trung Tâm Ung Bướu, hành lý không gì hơn ngoài mấy bộ quần áo và tã lót cho con.

Đến nơi, chị kiệt quệ nằm sõng soài ở hành lang khoa xạ của bệnh viện. Sau đó, chị được một Maxơ (tên Y) làm việc tại khoa này giúp chị có phòng nằm, cho chị thêm mấy bộ quần áo và đem con chị gởi sang bệnh viện Từ Dũ nhờ nuôi hộ, mỗi tháng trả cho họ 1 triệu đồng, còn chị được vào thuốc nên bệnh của chị có phần đỡ hơn.

Khi gặp chúng tôi, chị cho xem ảnh Đức Mẹ chị đeo ở cổ. Chị  nói Sr. Y cho chị cả một cuốn sách kinh nữa, chị bảo, “lúc nào rảnh em đưa sách kinh ra đọc, em vái Chúa cho em sống thêm để nuôi con khôn một chút rồi em chết cũng đuợc”, chị tiếp lời “ em rất muốn biết Chúa, em thích đi lễ nhưng không biết đường”

Tôi thầm nghĩ tại sao chị lại nói với tôi ước muốn của chị, trong khi tôi chẳng nhanh nhẩu gợi ý cho chị theo Chúa như một số người thường làm. Tôi tiếp tục phỏng vấn:

– Chị tin có Chúa thật sao?
– Dạ, em tin.
– Chị có tin là Chúa thương chị không?
Chị nhìn tôi cười và nói : “Tin chứ, em nhận thấy điều này rõ lắm, vì thế em muốn biết Chúa”.
– Thế chồng chị thì sao?
–  Anh ấy thích lắm, mỗi lần em đọc kinh là anh cũng đọc theo, anh ấy còn xin ảnh Đức Mẹ để đeo ở ngực nữa.

Tôi hứa sẽ giúp anh chị gặp gỡ Chúa. Trở về tu viện, tôi không ngừng tự vấn mình: Tại sao chị gặp nhiều khó khăn như thế, mà trong cuộc nói chuyện với chúng tôi, chị không hề than trách gì cả. Chị nhìn cuộc đời với niềm hy vọng và mang trong mình một trái tim của người mẹ, người vợ đích thực. Nơi người phụ nữ này có một cái gì rất đặc biệt, phải chăng Thiên Chúa đang ở trong chị ? Không thể nào một người bình thường lại có một niềm tin như thế. Tôi đã dùng cả giờ cầu nguyện để nói với Chúa về chị.

Mấy hôm sau gặp lại, chị bảo:
– Mấy ngày này em đau nhiều lắm, ngày mai em được mổ.
– Chúng tôi sẽ cầu nguyện cho chị, cứ an tâm nghỉ ngơi cho khoẻ.
Chị bảo: “Em luôn cầu nguyện với Chúa, xin Chúa giúp em vượt qua”.

Tôi dạy chị đọc lời nguyện tắt, đọc lời kinh mà tôi thường đọc và lúc gặp gian nan thì đọc tha thiết hơn: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”.

Những lần thăm chị, người bệnh xung quanh thắc mắc : “Cô là người thân của chị hay sao?” Tôi cười bảo họ: “Vâng, chị là người thân của tôi”.

Tôi thầm nghĩ: Chị đã là con của Chúa mặc dầu chưa chính thức được lãnh Bí tích Rửa Tội. Điều Chị ao ước sẽ sớm được toại nguyện, vì ai tìm thì sẽ thấy (x. Mt7,8). Dầu không biết ba mẹ nhưng khi biết Chúa, nhận rằng Chúa thương, chị sẽ hạnh phúc hơn bất cứ ai. Ngài sẽ giúp chị, sẽ cùng đi với chị, sẽ chăm sóc chồng con chị … Ngài là những con người chị tiếp xúc hằng ngày, chị hãy luôn xin Ngài cho chị có đức tin để chị nhận ra Ngài khi Ngài đến thăm chị.

Từ biệt chị, tôi mang theo trong mình những ấn tượng thật sâu sắc, đó là lòng khao khát gặp Chúa nơi chị, sự chấp nhận hoàn cảnh một cách thanh thản, và một trái tim tràn đầy tình yêu của người mẹ.

Qua chị, tôi sắm cho mình thêm những kinh nghiệm mà người Tông Đồ cần có; là một thái độ lắng nghe, cần dấn thân và hoà nhập cuộc sống mình vào hoàn cảnh của từng người mình tiếp xúc, chứ không chỉ rao giảng bằng một Giáo lý suông. Cuối cùng, trên hết và trước hết mình cần có thái độ đậm đà sức sống nội tâm của Đức Kitô, như thế người tôi tiếp xúc sẽ cảm nhận một Thiên Chúa gần gũi và luôn yêu thương quan phòng trên cuộc đời họ. Ước mong còn nhiều người khát khao gặp Chúa như chị Thiên Thanh.

Sr. Maria Lam Thuyên

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay