Đại Sứ Ted Osius họp sôi nổi với cộng đồng Việt tại Little Saigon

Đại Sứ Ted Osius họp sôi nổi với cộng đồng Việt tại Little Saigon

Nguoi-viet.com

Hà Giang/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Những hàng ghế tại hội trường của Coastline Community College, Westminster, chiều Chủ Nhật, 12 Tháng Bảy, đầy kín người Mỹ gốc Việt đến tham dự buổi tiếp xúc gặp gỡ cộng đồng của Đại Sứ Hoa Kỳ Ted Osius, chỉ vài ngày sau cuộc viếng thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Đại Sứ Ted Osius rút thẻ “nhân quyền” trong túi ra, trong buổi nói chuyện
với cộng đồng Việt Nam ở Little Saigon. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Nhiều người cho biết đã lái xe từ San Diego, từ Pomona đến từ sáng để kịp có mặt trong buổi gặp gỡ hiếm có và đúng thời điểm này, do văn phòng Dân Biểu Alan Lowenthal tổ chức hết sức chu đáo. Cùng ngồi bàn chủ tọa với Đại Sứ Ted Osius, còn có các dân biểu Ed Royce, Loretta Sanchez, Dana Rohrabacher và dĩ nhiên, Dân Biểu Alan Lowenthal, cùng đến để gặp gỡ cử tri gốc Việt.

Ông Alan Lowenthal được Thị Trưởng Trí Tạ của Westminster giới thiệu là một “Freedom Fighter,” cho biết, “Kể từ ngày Đại Sứ Ted Osius được bổ nhiệm làm đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông đã hứa là sẽ làm việc chặt chẽ với tôi để đảm bảo nhân quyền tại Việt Nam được cải thiện.”

Ông nói thêm, “Năm nay, đánh dấu một thời điểm đặc biệt, 40 năm sau khi Sài Gòn thất thủ, là một ‘bắt đầu mới’ (new beginning) cho hai quốc gia, và Việt Nam hiểu rằng, nếu họ muốn thắt chặt bang giao với Hoa Kỳ, thì cần phải cải thiện nhân quyền.”

Dân Biểu Ed Royce nói, “Tôi tin rằng nếu cộng đồng này (cộng đồng người Mỹ gốc Việt) tiếp tục quan tâm, thì tự do tôn giáo và tự do phát biểu sẽ xẩy ra tại Việt Nam. Chúng ta hãy cam kết làm tất cả những gì có thể để điều đó xảy ra!”

Đến phần phát biểu của mình, Dân Biểu Loretta Sanchez đề cập đến việc một phụ nữ biểu tình phản đối việc đền bù giải tỏa bất công, đã bị xe xúc cán lên người, nói “sự kiện này làm tôi rùng mình!” và nhận định, “Nhân quyền tại Việt Nam còn cần phải cải thiện nhiều. Sở dĩ cộng đồng chúng ta (người Mỹ gốc Việt) phải đấu tranh đòi nhân quyền cho Việt Nam là vì người thân của chúng ta còn ở đó.”

“Dĩ nhiên, là người Hoa Kỳ, chúng ta muốn nhân quyền cho tất cả mọi người trên thế giới, nhưng khi đấu tranh cho người thân thì chắc chắc chúng ta sẽ sốt ruột hơn,” bà Sanchez nói thêm.

Thị Trưởng Garden Grove Bảo Nguyễn (phải) đặt câu hỏi với
Đại Sứ Ted Osius. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Dân Biểu Dana Rohrabacher nói rằng ông đồng ý với tất cả những gì các đồng viện của mình đã trình bày, và đề nghị với Đại Sứ Ted Osious, “Trong tiến trình kết thân thêm với Việt Nam, chúng ta hãy đi từng bước một, và đòi hỏi họ đưa ra những cải thiện cụ thể, chẳng hạn yêu cầu họ công bố chính sách mới, trong đó họ cho phép sự có mặt của những tờ báo đối nghịch, cho phép những đảng đối nghịch được hoạt động…”

“Hãy đừng giả vờ là nhân quyền Việt Nam sẽ thay đổi, nếu chúng ta thấy là họ không thể thay đổi!” Dân Biểu Dana Rohrabacher khuyến cáo.

Đại Sứ Ted Osius gần như chiếm ngay được thiện cảm của mọi người khi ông chào hỏi cử tọa và phát biểu khoảng 5 phút bằng một thứ tiếng Việt khá chuẩn. Ông cho biết giờ đây nói được tiếng Việt bằng giọng Bắc, dù khi mới học tiếng Việt chỉ biết nói giọng Nam. Nhiều người bật cười khi ông “khoe” có thể hiểu được người Việt nói với ông bằng bất cứ giọng gì, Nam Trung Bắc.

Nhưng những tiếng cười khá hiếm hoi này nhanh chóng nhường chỗ cho những lời phát biểu hết sức trang nghiêm và mục hỏi đáp sôi nổi.

Về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, Đại Sứ Ted Osius bày tỏ rằng ông “lạc quan” vì nhiều lý do. Rồi rút túi đưa ra một cái thẻ to bằng hai danh thiếp chập lại, hai mặt chi chít chữ, khẳng định, “Tôi là một viên chức nhân quyền. Tại tòa đại sứ, nhân viên của chúng tôi đều mang theo cái thẻ này, để nhắc nhở là mỗi nhân viên tòa đại sứ là một viên chức nhân quyền, để nhắc nhở mỗi nhân viên về những điều chúng ta đang yêu cầu chính phủ Việt Nam thực hiện.”

“Trong mọi thảo luận với chính phủ Việt Nam, cải thiện nhân quyền với chúng tôi là một cột trụ then chốt. Chúng tôi đã đề nghị với chính phủ Việt Nam nên cải tổ luật. Chúng tôi sẽ có thành công không? Tôi không biết. Nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ cố gắng.”

Từ trái, Dân Biểu Dana Rohrabacher, Dân Biểu Alan Lowenthal, Dân Biểu
Ed Royce, và Đại Sứ Ted Osius trong buổi gặp gỡ truyền thông Việt Ngữ.
(Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Đại Sứ Ted Osius đã bắt được chính xác mạch của cộng đồng khi ông nói ngay về nhân quyền, và đó cũng là trọng tâm của buổi hội thảo. Buổi họp kéo dài hai tiếng đồng hồ hào hứng ngay từ câu phát biểu đầu của ông. Lòng quan tâm và nỗi ưu tư sâu xa về đất nước bên kia bờ đại dương của các đồng hương gốc Việt được biểu lộ qua những câu hỏi đủ loại được đưa ra liên tục.

Tại sao nước Mỹ luôn đặt vấn đề nhân quyền với Việt Nam ở mọi mốc quan trọng của quá trình đến gần nhau hơn của hai quốc gia, mà Việt Nam cho đến giờ vẫn chưa có nhân quyền? Phải làm gì để Việt Nam có nhân quyền, có tự do tôn giáo, có tự do phát biểu? Có chắc là Mỹ càng giúp Việt Nam được sung túc, càng giúp Việt Nam bảo vệ được an ninh quốc gia, thì nhân quyền của người dân Việt Nam càng được bảo đảm?

Có câu hỏi được đặt ra như một lời than, câu khác nghe như một lời trách nhẹ nhàng. Đại Sứ Ted Osius đáp trả mọi thắc mắc của cử tọa bằng kiến thức sâu rộng, bằng sự am tường của ông về tình hình Việt Nam, và bằng sự thẳng thắn, trả lời “tôi không biết” khi ông không có câu trả lời, nhưng quan trọng hơn cả, bằng sự cảm thông, ân cần của một nhà ngoại giao tinh tế, nghe được cả tâm tư trĩu nặng của người hỏi.

Các vị dân cử mở đầu phần hỏi đáp.

“Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào bởi những nhóm đấu tranh cho dân chủ cả ở trong nước lẫn hải ngoại?”

“Câu hỏi rất hay!” Đại Sứ Ted Osius nói trước khi trả lời câu hỏi trên của Thị Trưởng Bảo Nguyễn của Garden Grove.

Rồi ông trình bày, “Ảnh hưởng lớn nhất, theo tôi, là khiến giới trẻ Việt Nam mở mang được tầm nhìn của họ. Đó là công việc của các blogger, các cá nhân trên trang Facebook của họ. Những người này cho giới trẻ Việt Nam thấy được một thế giới trong đó người dân có thể chọn được chính phủ, và một nơi họ được phát biểu một cách tự do, bàn thảo với người đồng trang lứa với họ mà không sợ bị kiểm duyệt. Tôi đặt niềm hy vọng lớn vào xã hội dân sự ngày càng phát triển ở Việt Nam, và chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ sự phát triển của các xã hội dân sự.”

Đông đảo người Việt đến nghe đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói chuyện.
(Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Một người trong cử tọa đặt vấn đề về tù nhân lương tâm, hỏi rằng làm thế nào để không còn tù nhân lương tâm nữa, chứ không phải chỉ là thả người này rồi bắt người kia.

Đại Sứ Ted Osius đáp, “Hơn lúc nào hết Việt Nam muốn được thịnh vượng và an ninh quốc gia được bảo đảm, Hoa Kỳ là nước duy nhất có thể mang đến cho Việt Nam điều đó. Vì thế theo tôi đây cũng chỉ là vấn đề thời gian. Tôi hỏi họ (chính quyền Việt Nam) quý vị muốn chọn điều gì? Muốn nhốt thêm người vào nhà tù hay muốn có một nền kinh tế thịnh vượng? Muốn nhốt thêm người vào nhà tù hay muốn giới trẻ được đào tạo đúng mức? Theo những cuộc thăm dò của chúng tôi, 92% người được hỏi muốn thân hơn với Mỹ, chỉ khoảng một nửa số đó muốn thân hơn với Nhật, và rất ít những người được hỏi trả lời là muốn thân hơn với Trung Quốc.”

Rồi ông nhấn mạnh, “Đây là thời điểm rất đặc biệt để thúc đẩy sự thay đổi, chúng ta phải cùng nhau nắm lấy cơ hội này, bỏ lỡ cơ hội là lơ là với trách nhiệm.”

Theo sau cuộc gặp mặt với cộng đồng, Đại Sứ Ted Osius có cuộc gặp gỡ riêng với báo chí.

Trả lời câu hỏi là chuyến đi này đã cho ông thấy được điều gì rõ nhất và cuộc tiếp xúc này sẽ ảnh hưởng ông như thế nào trong vai trò một đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Đại Sứ Ted Osius bày tỏ, “Tôi đã nghe được nhiều điều mà trước chuyến đi này cũng đã biết, nhưng phải tiếp xúc, phải gặp gỡ, mới hiểu rõ hơn được tâm tư của người Mỹ gốc Việt, mới cảm nhận được những vết đau vẫn còn đó, mới thấy sự quyết tâm của những người muốn đấu tranh cho nhân quyền cho Việt Nam, và tôi sẽ trở về Việt Nam tích cực hơn trong vai trò xúc tiến việc cải thiện nhân quyền cho Việt Nam.”

Về câu hỏi việc một thành phố Hoa Kỳ kết nghĩa với một thành phố Việt Nam là điều nên hay không nên làm, vẫn với mục đích hỗ trợ nhân quyền cho Việt Nam, Đại Sứ Ted Osius trả lời, “Theo tôi thì khi chúng ta có nhiều người dân ở hai nước qua lại với nhau, đó là điều tốt. Khi chúng ta có nhiều du học sinh giữa hai bên, đó là điều tốt, nói tóm lại quan hệ giữa hai quốc gia không chỉ là quan hệ giữa hai chính quyền, mà còn là quan hệ giữa những người dân với nhau.”

Một nhà báo khác đặt vấn đề về giao thương giữa hai quốc gia, nói rằng mậu dịch giữa hai nước thiếu cân bằng, Việt Nam xuất cảng nhiều hàng qua Mỹ hơn Mỹ xuất cảng hàng qua Việt Nam, và hỏi chúng ta phải làm gì để thay đổi tình trạng đó.

Đại Sứ Ted Osius trả lời, “Chúng ta đã làm cho giao thương cân bằng thêm trong thời gian gần đây. Chúng ta đã ký kết hai thỏa thuận, hàng không Việt Nam sẽ mua của Boeing $7 tỷ tiền máy bay, và VietJetAir sẽ mua của Boeing một số máy bay trị giá $6 tỷ. Hai hợp đồng này tạo nhiều công ăn việc làm cho người Mỹ. Ngoài ra ngành nông nghiệp của chúng ta hơn 50% qua Việt Nam, gồm đậu nành, thịt gà, và nhiều thứ khác. Dĩ nhiên cũng có những sự thiếu quân bình, và chúng ta đang tìm cách giải quyết.

Một nhà báo nhắc đến quan điểm vẫn rất khác nhau giữa Hoa Kỳ và Việt Nam và nhân quyền, và yêu cầu Đại Sứ Ted Osius giải thích tại sao ông có thể “lạc quan” khi một mặt Tổng Thống Obama khi gặp ông Nguyễn Phú Trọng, đã khéo léo nhắc đến việc phải cải thiện nhân quyền thì mới có thể có một quan hệ thân thiết hơn với Mỹ, trong khi đó, ông Nguyễn Phú Trọng, ngay sau đó đã nói rằng người dân Việt Nam chưa bao giờ được hưởng một nền dân chủ tốt hơn bây giờ.

Đại Sứ Ted Osius giải thích, “Tôi đã làm việc trong tương quan của hai quốc gia trong vòng 20 năm qua, và tôi đã thấy có nhiều cải tiến. Những cải tiến này, tuy thế chưa đủ, nhưng tôi vẫn xem là có cải tiến, đó là điều khiến tôi lạc quan. Tôi nghĩ rằng xu hướng hiện giờ đang đi đúng chiều. Tôi cũng tin là quyền của công dân sẽ được cải thiện vì sự có mặt của các công ty Mỹ. Tôi sẽ không đính chính lời phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng hay của bất cứ ai khác. Chứng cớ của những cải thiện trong thời gian qua khiến tôi phấn khởi.”

Dân Biểu Alan Lowenthal tiếp lời Đại Sứ Ted Osius, “Khi đến thăm Việt Nam, tôi có nêu vấn đề với một số lãnh đạo về tù nhân lương tâm. Tôi nói với họ, nếu các ông muốn chúng tôi hỗ trợ thì phải thả hết các tù nhân lương tâm. Họ nói, chúng tôi không có tù nhân lương tâm, đó toàn là những người phạm luật, nhưng rồi họ lại nói có thể luật của chúng tôi cần phải thay đổi. Chính vì thế tôi nghĩ là có thể cơ hội để thay đổi. Đó là một điểm để chúng ta hy vọng.”

Liên lạc tác giả: hagiang@nguoi-viet.com

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay