Đường vào Harvard của Khoa Vũ: ‘Hãy để ước mơ dẫn đường’
Thiên An/Người Việt
BERKELEY, California (NV) – Một sáng cuối năm 2010, trên tuyến xe bus đường Garden Grove có một anh chàng 21 tuổi tên Khoa Vũ mới sang Mỹ đang ngày ngày đến lớp học Tiếng Anh miễn phí. Một sáng năm 2015, chàng trai đó đang đứng giữa hội trường rộng lớn của trường UC Berkeley, trước hàng trăm kiến trúc sư và giáo sư, để được vinh danh về mẫu thiết kế anh vẽ cho mùa học trước. Giải thưởng này chưa phải là điều khiến anh vui nhất ngày hôm đó. Anh vừa nhận được thư chúc mừng và mời vào học của ngôi trường mơ ước: Đại học Havard.
“Đừng bỏ cuộc, hãy để ước mơ dẫn đường.” (Hình: Khoa Vũ) |
Chưa ở Mỹ đến 5 năm, chàng trai cao mảnh khảnh và có gương mặt rất hiền sau cặp kiếng dày cộm đã có nhiều giải thưởng đáng nể trong giới sinh viên kiến trúc. Từ nay, “tấm vé” vào bậc cao học tại đại học Harvard sẽ mở ra thêm rất nhiều cơ hội nữa cho anh.
Chưa ở Mỹ đến 5 năm, với các khó khăn mà mọi bạn trẻ không sinh ra và lớn lên tại Mỹ thường đối mặt, Khoa Vũ đã làm thế nào để theo đuổi mơ ước?
Sau đây là cuộc trò chuyện Khoa Vũ dành cho trang Người Việt Trẻ.
Người Việt (NV): Bạn nộp hồ sơ và nhận được tin từ Đại học Harvard thế nào?
Khoa Vũ: Hạn chót nộp đơn là vào Tháng 12, ngay tuần thi. Đây cũng là năm cuối nên mình khá bận với các giờ studio. Hôm nhận được thư của Havard là một ngày tuyệt vời. Lúc đó là giờ ăn trưa và còn hai tiếng nữa thì mình phải thuyết trình về dự án của mình trước hàng trăm kiến trúc sư. Bạn bè mình bắt đầu nhận được thư trả lời từ các trường mà mình thì cứ canh chừng hộp thư mà chưa thấy. Hôm đó là ngày các trường trả lời, bạn bè mình cứ hỏi kết quả, nên mình càng hồi hộp. Đã gần tới phiên mình phải thuyết trình, tay mình run run khi mình vào kiểm tra kết quả của trường Havard. Khi thấy dòng chữ “Congratulation” thì mình la lên sung sướng. Bạn bè quay sang hỏi chuyện gì vậy thì mình giải thích. Và sau đó gọi ngay cho bố mẹ để báo tin thật nhanh trước khi phải bắt đầu phần thuyết trình. Chắc nhờ vui và tự tin lên hẳn nên mình là một trong hai sinh viên được giải thưởng trong ngày hôm đó.
Một thiết kế khi mới bắt đầu học tại đại học cộng đồng. (Hình: Khoa Vũ) |
NV: Việc đi học của bạn từ ngày sang Mỹ?
Khoa Vũ: Khoa qua Mỹ cách đây khoảng bốn năm rưỡi. Khoa qua với bố mẹ. Bố mẹ lớn tuổi nên cũng khó khăn khi phải bắt đầu cuộc sống ở đây. Năm đầu tiên thì Khoa chờ để vào cư dân chính thức của tiểu bang, để tiền học rẻ hơn. Năm đó mình đi học Anh Văn ở một trường ở Garden Grove. Mọi thứ đều mới mẻ, mình phải cố gắng để hòa nhập cuộc sống. Giờ nghĩ lại, thấy hồi đó công nhận mình không biết gì hết về Mỹ, tiếng Anh không rành, cũng stress lắm, không biết phải làm gì, đi học lại ra sao. Mỗi ngày đi học tiếng Anh, xung quanh toàn là những người lớn tuổi. Phải nói là lúc đó mình thấy rất mất phương hướng. Nhưng có một điều duy nhất mình luôn chắc chắn, đó là mình phải theo đuổi ngành kiến trúc.
Khó khăn là Khoa phải kiếm việc làm để phụ với bố mẹ. Gia đình Khoa cũng được họ hàng giúp đỡ phần nào, nhưng cũng phải tự cố gắng và cũng nhiều khó khăn. Ở Mỹ 6 tháng thì Khoa kiếm được việc làm rồi thì mới mua xe đi. Cũng may mắn tìm được một việc toàn thời gian. Rồi sau một năm ở Mỹ thì Khoa vào học ở trường đại học cộng đồng OCC, vừa đi học vừa tiếp tục đi làm. Từ từ mình thấy mọi việc suông sẻ hơn, quen dần với cuộc sống.
Khoa tiếp tục theo đuổi ngành kiến trúc, vì đó là ngành Khoa đang học ở Việt Nam. Học ở OCC thì Khoa cố gắng để được chuyển lên vào một trường tốt. Vừa đi học vừa đi làm thì cũng khó khăn về thời gian, để giữ điểm tốt và có thiết kế tốt. Cũng có lúc mình nghĩ đến việc nghỉ làm để tập trung vào việc học, nhưng lại không muốn để ba mẹ phải cực khổ thêm nên thôi. Mình cố giúp đỡ bố mẹ, ít nhất là về tiền bạc.
Sau hai năm ở OCC thì Khoa may mắn được nhận vào UC Berkeley. Ở đây, môi trường học khó hơn, cạnh tranh hơn, nhưng có nhiều cơ hội cho mình học hỏi. Mình chuyển sang làm việc part-time, dành giờ cho việc học. Một ngày thì hầu hết thời gian là mình ở tại trường, trong studio để làm project. Trong studio mình dần quen với nhiều bạn bè. Hồi ở college thì mình đi học xong là chạy đi làm, không quen nhiều bạn bè. Giờ thì mình có nhiều thời gian để làm quen với bạn bè, và nhất là với các giáo sư.
Năm cuối, mình còn đang phân vân là nên học tiếp cao học hay đi làm trước rồi sau này mới học cao học, thì nhận được thư từ một giáo sư cũ của mình ở OCC, khuyên mình cứ mạnh dạn nộp đơn vào Harvard. Thầy nói hãy nộp đơn vào trường giỏi nhất, nếu không được thì đi làm, và nộp đơn cho đến khi nào được thì thôi.
Khoa trả lời thầy, nói rằng việc học rất bận và có rất nhiều dự án phải nộp, sợ không có giờ để chuẩn bị hồ sơ vì phải có “portfolio” các mẫu thiết kế và phải có thư giới thiệu và nhiều thủ tục khác nữa. Thầy vẫn khuyên dành thời gian để nộp đơn, thầy sẽ giúp hướng dẫn. Giờ Khoa rất cám ơn thầy, vì nhờ thầy mà Khoa quyết định viết đơn.
Trong lúc đi học ở Berkeley, Khoa có theo một giáo sư để giúp về việc nghiên cứu, và sau này cũng được thầy giúp viết thư giới thiệu.
Khoa nộp đơn hai trường, UC Berkeley và Havard, và cả hai trường đều nhận vào học.
“Đến trường, ngoài giờ trong lớp học thì còn lại mình ở trong studio làm đến 2, 3 giờ sáng.” (Hình: Khoa Vũ) |
NV: Hiện một ngày của bạn diễn ra như thế nào?
Khoa Vũ: Dậy sớm, uống cà phê, đến trường, ngoài giờ trong lớp học thì còn lại mình ở trong studio làm đến 2, 3 giờ sáng. Không chỉ Khoa và dân kiến trúc là vậy, cuộc sống mình là trong studio. Khoa dành hai ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy để làm việc, và giúp tổ chức các hoạt động của câu lạc bộ sinh viên kiến trúc. Khoa cũng làm việc rất gần với giáo sư mà mình phụ nghiên cứu.
NV: Đâu là một số điều khó khăn khi theo đuổi việc học và bạn làm cách nào để vượt qua?
Khoa Vũ: Khoa, cũng như nhiều người không lớn lên ở Mỹ, mỗi ngày khi thức dậy mình đều có cảm giác đây là một môi trường mới mẻ mà mình phải cố hòa nhập. Thói quen, văn hóa, ngôn ngữ… đó là những khó khăn. Bạn bè mình có nhiều lợi thế hơn, như sinh ra ở đây, có giúp đỡ từ gia đình… Một khó khăn khác của Khoa là thời gian. Đa số mọi người trong ngành kiến trúc dành toàn bộ thời gian để làm dự án, vì ai cũng muốn có sản phẩm xuất sắc. Mình vẫn đi làm, kiếm tiền, và đi phụ nghiên cứu.
Trước khi sang Mỹ, mình cũng không mơ tới là mình sẽ vào UC Berkeley hay Harvard. Có người thì có mục đích và tiến tới, với Khoa thì mọi thứ nó xảy ra từng bước một. Khoa nghĩ điều khiến Khoa cố gắng từng ngày một và vượt qua khó khăn chính là niềm đam mê thực sự dành cho kiến trúc.
Nếu mình thực sự thích những gì mình đang học, đang làm, thì mình sẽ vượt qua những khó khăn bên ngoài, như sự khác biệt ngôn ngữ và văn hóa. Và khi mình thực sự có đam mê trong công việc, bạn bè và thầy cô có thể cảm nhận được và họ sẽ trân trọng điều đó và ủng hộ mình.
Những khó khăn của Khoa vẫn còn, và Khoa vẫn cố gắng để vượt qua và làm tốt hơn. Khó khăn nhưng cũng là điểm tốt, vì mình biết hoàn cảnh mình thì mình có động lực để làm việc nhiều hơn.
“Nhiều lúc tự nhiên sợ một ngày nào đó bỗng quên cách cầm bút.” (Hình: Khoa Vũ) |
NV: Theo bạn, đâu là những điều giúp bạn được nhận vào Đại học Harvard?
Khoa Vũ: Thế mạnh của Khoa là đam mê cho ngành kiến trúc. Các thiết kế của Khoa cũng được các thầy yêu thích. Ngành kiến trúc khác với nhiều ngành khác, sản phẩm sẽ thể hiện khả năng của người thiết kế. Khoa cũng làm việc rất nhiều, cố gắng rất nhiều, vì mình biết hoàn cảnh mình khó khăn hơn.
Nếu có ai hỏi Khoa về những gì đạt được hiện tại, Khoa thường khuyên rằng: Hãy tự hỏi mình là mình có thực sự thích ngành học mình đang học hay không. Cho bất kỳ ngành nghề gì, sự yêu thích công việc rất rất quan trọng. Khi biết được mình thích làm gì và mình có thể làm gì, hãy cố gắng hết sức để đạt thành quả.
Đừng nghĩ rằng: “mình mới qua, mình được trung bình cũng là tốt rồi.” Có thể bạn phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn, nhưng tất cả sẽ vượt qua được. Đừng không dám mơ ước chỉ vì nghĩ hoàn cảnh mình thua người khác. Đừng hạ thấp ước mơ và tiêu chuẩn của mình.
NV: Nếu gặp lại chàng trai tên Khoa đang đứng đợi ở trạm xe bus để đi học tiếng Anh hơn bốn năm trước, Khoa sẽ nói gì?
Khoa Vũ: Khi đó mình muốn làm nhiều thứ lắm, nhiều kế hoạch trong đầu lắm, nhưng cứ sợ không thực hiện được và có ý nghĩ bỏ cuộc. Nếu gặp lại mình của bốn năm trước, mình sẽ nói rằng: “đừng bỏ cuộc, hãy để ước mơ dẫn đường.”
NV: Cám ơn Khoa đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.
Khoa Vũ: Cám ơn Người Việt.–
Liên lạc tác giả: [email protected]