Con phải cố gắng để mà giỏi gấp đôi người ta.
Bài Ghi Ngắn của Đoàn Thanh Liêm
* * *
Condoleezza Rice sinh năm 1954 tại tiểu bang Alabama là một phụ nữ người Mỹ gốc Phi châu với thành tích xuất sắc trong các chức vụ làm giáo sư về môn bang giao quốc tế tại đại học danh tiếng Stanford California – và nhất là còn làm cố vấn an ninh và làm ngọai trưởng dưới thời của Tổng thống George W Bush từ năm 2001 đến 2009.
Vào năm 2010, bà cho xuất bản cuốn Hồi ký Gia đình (A Family Memoirs) ghi lại rất nhiều chi tiết về sinh họat trong gia đình của bà gồm ba người là cha, mẹ và bản thân bà là người con gái duy nhất mà được gọi với cái tên Condi trong chỗ thân mật riêng tư của gia đình.
Vào các thập niên 1950 – 60, nạn kỳ thị chủng tộc vẫn còn rất khắt khe tàn bạo đối với người da màu (coloured people) tại các tiểu bang thuộc miền Nam nước Mỹ. Vì thế, mà bà mẹ Angelena Rice đã luôn luôn phải căn dặn nhắc nhở con gái Condi rằng : “Con phải cố gắng hết sức mình để mà có thể giỏi giang gấp đôi người khác (twice as good). Vì nếu được như vậy, thì dù người ta có thể không ưa con, nhưng ít nhất họ cũng phải nể trọng con…”
Và đúng theo lời khuyên bảo của bà mẹ như thế, Condoleezza Rice đã hết sức cố gắng trau giồi học tập để trở thanh một phụ nữ chuyên viên với tài năng vượt trội và được mời giữ những chức vụ quan trọng và cao quý nhất trong guồng máy của chánh phủ Liên bang Hoa kỳ vào đầu thế kỷ XXI mới đây thôi. Tên tuổi của Condi Rice đã được tòan thể dân tộc Mỹ và nhiều người khác trên thế giới biết đến và ái mộ.
Sự thành công của Condoleezza Rice có thể được coi như một tấm gương rất tốt đẹp cho lớp người trẻ tuổi là hậu duệ trong các gia đình Việt nam chúng ta hiện di cư tỵ nạn trên đất Mỹ vậy. Quả thật, người Việt chúng ta hiện định cư ở Mỹ cũng là một sắc dân thiểu số (ethnic minority) – nên khó mà tránh khỏi được những chuyện phân biệt kỳ thị thường tình xảy ra trong xã hội ở Mỹ cũng như ở nhiều nơi khác. Vì thế, mà con em chúng ta đều phải cố gắng học tập chuyên cần nghiêm túc – để mà có đủ khả năng chuyên môn hầu vươn lên được trong cái xã hội văn minh vốn đòi hỏi sự tranh đua nhiều khi hết sức gay gắt (extremely tight competition).
Đây cũng là điều mà cha ông chúng ta từ xưa vẫn hay nhắc nhở khuyến khích con cháu trong mỗi gia đình là phải cố gắng để có được tình trạng “Con hơn Cha, Nhà có Phúc”. Và tiền nhân cũng còn luôn khuyên nhủ, đánh giá cao những thành đạt của lớp hậu duệ, cụ thể như câu : “Hậu sinh khả úy”, “Hậu sinh khả ái” v.v… nữa vậy./
Westminster, California Tháng Bảy 2015
Đoàn Thanh Liêm