“CÒN NHẢY KHẬP KHIỄNG CHO ĐẾN BAO GIỜ ?”

“CÒN NHẢY KHẬP KHIỄNG CHO ĐẾN BAO GIỜ ?”



Tuần lễ thứ 10 mùa Thường Niên và một nửa tuần 11 năm chẵn, bài đọc một trong mỗi Thánh Lễ hằng ngày kể cho chúng ta câu chuyện về Ngôn Sứ Elia trong sách Các Vua quyển thứ nhất, thuộc phần thứ hai (1V 17, tt.).

Elia là một ngôn sứ “lớn” nổi tiếng thời Cựu Ước, với thân phận Ngôn Sứ, ông đã trải qua biết bao gian khổ khi thi hành sứ mạng của mình, Khi mở ra những trang Kinh Thánh trong những ngày này, mới thấy Lời Chúa có sức mạnh sống động làm sao, chúng ta cùng nhau đọc để suy nghĩ và chọn lựa cách sống hôm nay.

Tên tuổi Elia gắn liền với tên tuổi một vị vua tên là Akháp, vị vua này nổi tiếng là gian ác và bạc nhược, triều đại của Akháp là triều đại mở màn dẫn đến cuộc lưu đày đau đớn của dân tộc Do Thái ở Babylon bởi một “con hùm xám miền cận đông” Nabucôđônôso. Dưới thời Akháp, Israel phân rã, bên trong thì kinh tế phá sản, đạo đức suy đồi, luật pháp rối loạn, luân lý xuống cấp, lòng người chán nản, phân rẽ dân tộc, bất công lan tràn, ngoài biên cương thì Babylon gầm gừ đe dọa thôn tính.

Bạc nhược, Akháp, vị vua đắm mình trong tửu sắc, ông xây dựng cung điện nguy nga với những vật liệu quý hiếm mà ông mua được bằng sưu cao thuế nặng của dân. Vàng bạc, đá quý ông thu tích về để tận hưởng sự giàu sang, tài sản của ông kếch sù, đất đai của ông rộng mênh mông…

Gian ác, Akháp là thủ phạm trong vụ án cướp đất của ông Navôt. Lòng tham không đáy của Akhap được sự tiếp ứng đầy thủ đoạn hèn mạt của hoàng hậu Isave, Họ đã dựng lên vụ án vu khống ghép tội Navôt rồi cướp vườn nho của Navôt, vườn nho là gia sản kế thừa của gia tộc Navôt, là đất thiêng, là linh vật của tổ tiên Navôt truyền lại. Điều đau đớn là “dân chúng, kỳ mục và thân hào cư ngụ trong thành làm theo lệnh bà Isave” (1V 21, 11).

Suy đồi, Akháp xây đền thờ cho Baal, tổ chức lễ bái, buộc dân phải cúng tế trong các đền thờ của dân ngoại mà Akháp đã xây để thỏa lòng các bà vợ dân ngoại của Akháp. Khi được nhắc nhở trở về với Chúa, ông còn lươn lẹo: “Tôi không dám thử thách Đức Chúa” (Is 7, 12).

Không quan tâm đến vận mệnh đất nước, Akháp mải mê vui thú với những trò chơi hoang tưởng của mình, say sưa bên các mỹ nhân, để mặc bọn quan quyền địa phương tung hoành ức hiếp người, gây bất công tràn lan trên cả dân tộc.

Giữa tình trạng nhiễu nhương đó, Ngôn Sứ Elia xuất hiện, dù rất cô độc nhưng ông vẫn mạnh mẽ lên tiếng cảnh báo Akháp. Kết quả là Elia phải chạy trốn quyền lực thế gian mà sống cô độc trong một khe núi. Trong cơn túng cực, Kinh Thánh nói Đức Chúa nuôi Elia bằng cách cho một con quạ đen mang bánh và thịt đến cho ông.

Ông uống nước nơi khe núi, nhưng đến một ngày, nước trong khe ấy cũng cạn khô. Dám chống lại cường quyền, Elia đã phải trả giá bằng một cuộc lẩn trốn trong gian nan (17, 2 tt.).

Không từ bỏ sứ mạng ngôn sứ của mình, một lần nữa Elia xuất hiện, trong cuộc thách đố sống còn giữa việc thờ phượng Thiên Chúa và bái lạy Baal. Đứng trước một lực lượng thật đông đảo của đối phương, 450 thầy cúng của Baal, phía sau họ là thế lực của hoàng hậu Isave, Elia không khiếp sợ,

Elia cất tiếng cảnh báo toàn dân và nặng lời với sự hèn nhát, ngu xuẩn và lòng dạ hẹp hòi mà người dân cứ mãi câm lặng chịu đựng: “Các ngươi nhảy khập khiễng hai chân cho đến bao giờ ?” (18, 21). Nhảy khập khiễng, cách nói về một lối sống hèn nhát, tư lợi, ích kỷ, thiếu tầm nhìn, chấp nhận thỏa hiệp với thần ngoại, thỏa thuận với sự dữ.

Giận bọn bái lạy thần ngoại một, Elia giận dân Israel mười. Tuy chiến thắng lẫy lừng hiển nhiên trong cuộc thách đố, nhưng dân vẫn không mở mắt. Một lần nữa, trong cô đơn, Elia trốn chạy cuộc truy sát của bà Isave. Trốn ở núi Carmen, ông than thở: “Lạy Đức Chúa, đủ rồi, xin cất mạng tôi…” Chỉ còn Chúa cho Thần Sứ đến an ủi ông, mang bánh và sữa đến cho ông và nhắc nhở ông “phải ăn và uống, đường còn quá dài”, ông ngồi dậy, chấp nhận ăn uống và tiếp tục chấp nhận sứ mạng ngôn sứ đầy cay đắng của mình (19, 1 – 8).

Câu chuyện về một vị Ngôn Sứ còn dài, kéo theo những chi tiết chuyển tải nhiều giá trị thiêng liêng mà lúc này đây sao quá sống động với thực tế của quê hương đất nước. Mỗi người tin được mời gọi đọc và chọn lựa thái độ của mình trong xã hội. Chẳng có thể tách chuyện Đức Tin ra khỏi những vấn đề xã hội, chẳng thể tách chuyện tinh thần ra khỏi chuyện sống chết cơm áo gạo tiền, chẳng thể tách chuyện chính trị ra khỏi chuyện thiêng liêng mầu nhiệm.

Khi đọc Kinh Thánh thấy có cái gì đó cay nồng trong khóe mắt như những giọt nước của biển mặn đau thương.

Lm. VĨNH SANG, DCCT,

10.6.2016

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay