Con chó đợi đèn
Nguoi-viet.com
Tạp ghi Huy Phương
Hình ảnh trên YouTube ghi lại chuyện một con chó nhất quyết đợi đèn xanh mới sang đường trong khi có hai cô gái vượt đèn đỏ khiến nhiều người xem không khỏi ngạc nhiên, vì đây là một câu chuyện lạ đối với nhiều người.
(Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Hẳn con chó này chưa hề ngồi qua một lớp dạy luật lệ giao thông dành cho chó, hay được ai dạy dỗ, căn dặn về chuyện tôn trọng luật lệ đi đường. Nhưng có một điều tôi biết chắc là người chủ của con chó là một người “công dân có giáo dục” và là một người tử tế. Từ khi con chó được lớn lên trong gia đình này, đi theo người chủ, chưa bao giờ nó thấy người chủ vi phạm luật giao thông, ông chưa bao giờ vượt đèn đỏ để qua đường, và con chó đã học được thói quen ấy trong nhiều năm.
Bây giờ không có người chủ đi bên cạnh, không có cảnh sát hướng dẫn, không có cây chắn đường, con chó vẫn ngồi chờ cho đến khi có đèn xanh, để qua đường. Cử chỉ này xem qua có vẻ đơn giản nhưng quá khó khăn, vì hiện nay hàng triệu người Việt Nam văn minh, tử tế vẫn chưa làm được như con chó này.
Chuyện con chó chờ đèn xanh để qua đường gây được sự chú ý của dư luận, lẽ cố nhiên, phần lớn là ở trong nước, vì ở ngoại quốc, người ta xếp hàng trước tiệm ăn, hay một con chó chỉ chịu qua đường khi đèn xanh bật lên thì đâu có gì lạ. Không thấy ai khen ngợi con chó, không ai chấp nhận nó còn hơn cả con người, sinh vật mà lâu nay đi bằng hai chân, một tác phẩm tuyệt hảo của Thượng Đế hay sao?
Thật là ngu như chó! Nó không thông minh, không linh hoạt, không thích ứng như con người. Vì vậy người ta xem nó hành động cứng nhắc vì nó không biết cách “uyển chuyển theo tình huống” bằng con người, nghĩa là khi không có xe thì cứ qua, khi không có cảnh sát thì cứ vượt đèn đỏ.
Bình luận cho việc một con chó đợi đèn, một người trong nước cho biết ý kiến: “Tôi không cổ xúy cho việc phải phá vỡ luật nhưng mình cứ chọn đúng thời điểm, chớp thời cơ thì không có gì là sai cả!” Theo ý kiến người này, không cần thiết phải đợi đèn, cứ vượt đèn đỏ đúng lúc, “miễn là đúng thời điểm” và chớp thời cơ, phải chăng là khả năng của con người XHCN trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cách đây 70 năm, Hồ Chí Minh đã “chọn đúng thời điểm, chớp thời cơ” nhảy ra cướp chính quyền, việc lớn cũng không sao, huống gì ngày nay với dăm ba việc lẻ tẻ, sống sao có lợi cho bản thân mình là được.
Bí quyết thành công của con người hôm nay là phải quên cái câu “mình sống vì mọi người,” ngày nay muốn thành công “phải đạp lên đầu người khác mà đi!”
Ở Việt Nam hiện nay, họa là ngu mới đứng lại ở đầu đường khi đèn trở màu đỏ. Tai nạn vượt đèn đỏ không nguy hiểm tàn khốc bằng tai nạn khi chúng ta tuân hành đèn giao thông và dừng lại khi thấy đèn đỏ, vì chúng ta sẽ bị những loạt xe đằng sau tiến lên cán nát.
Một người khác thì cho rằng: “Đèn giao thông chẳng qua là một quy định chung cho số đông, nhưng cái mà nó tiến đến cũng là phục vụ sự thuận tiện cho con người!”
“Phục vụ sự thuận tiện cho con người!” có nghĩa là sống theo luật rừng, thuận tiện nhưng không cần đến quy luật. Phục vụ cho sự thuận tiện của con người, phải chăng là thấy đói thì ăn, không biết thức ăn đó là của ai, khát thì uống dù thức uống đó không phải của mình, phóng uế bất cứ nơi đâu khi cần, và buông thả thú tính khi không có ai kèm thúc, ràng buộc.
Không thấy hổ thẹn khi con người phá bỏ ngay quy ước và luật lệ do con người đặt ra để bảo vệ an toàn chính cho con người. Bài báo này hẳn không có mục đích để ca tụng một con chó, con vật mà trong xã hội Việt Nam, lâu nay vốn đã xem nó là thấp hèn, hạ tiện biết chừng nào. Từ việc xem chó như một con vật bình đẳng của một số rất nhỏ hiện nay, tiến tới chuyện con người Việt Nam biết thương yêu và tôn trọng những con vật như chó, người Việt Nam phải trải qua, ít nhất là vài trăm năm nữa!
Có nhiều điều rất mâu thuẫn trong cung cách đối xử giữa con người với nhau, và sự khinh miệt của con người đối với một con chó. Tuy khinh miệt loài chó, loài người Việt Nam có thể hung hãn giết một con người bằng đủ loại hành động tàn khốc, man rợ thời trung cổ, để bênh vực một con chó, dù chỉ là một con chó qua đường, không thuộc quyền sở hữu của họ.
Có một đất nước nào tôn trọng, bênh vực sự sống tốt đẹp của loài chó như trong “thiên đường” Việt Nam không, để cho bất cứ con chó nào trên trái đất này đều có một mơ ước trở thành một con chó Việt Nam? Nghĩa là vì sự sống của một con chó, người ta có thể giết một con người. Nhưng sự thật là không phải vậy. Phải ở trong xã hội Việt Nam mới thấy cái “chó” của những vở kịch đẫm máu này!
Bài viết nhỏ nhoi này không hề có ý bệnh vực loài chó vì trong câu chuyện này vẫn có người khẳng định: “Con người hơn chó là vậy đấy. Người hơn chó vì biết chớp thời cơ!”
Câu chuyện còn đưa đến một kết luận: “Đơn giản là chú chó sợ chết hơn con người.” Sợ chết, muốn sống là bản năng của sinh vật, bất kể con người hay con chó. Nhưng vì sao con chó trong câu chuyện này sợ chết, mà con người lại không?
Những bản tin trên báo chí Việt Nam đọc đến nhàm chán: – “Ba xe chờ đèn đỏ bị xe tải chạy tới hất văng,” – “Đang đứng lại đầu đường vì đèn đỏ, thiếu nữ bị tông xe, ngã nhào,” – “Xe container đâm hàng loạt xe đang chờ đèn đỏ,” – “Vợ chồng dừng lại đèn đỏ, vợ bị xe sau tông chết…” Như vậy, chúng ta đi xe dừng lại khi thấy đèn đỏ bật lên là đúng luật hay sai luật? Nhưng quan trọng là con người lại muốn sống hơn là được công nhận thi hành đúng luật giao thông hay không?
Chúng ta hãy nghe một tài xế vượt đèn đỏ gây tai nạn giải thích lý do: “Đèn bật đỏ! Tôi tưởng cái xe chạy trước tôi đi luôn, nhưng không hiểu sao, nó dừng lại!” Các bạn đã thấy một đám xe gắn máy khi gặp đèn đỏ chưa? Họ hung hãn, tống chân ga, chen lấn, ào lên, lấn lách, tràn lên hè phố, nơi người ta buôn bán, đi bộ.
Đứa nào đứng lại, không thuộc loại dại cũng là ngu, không thuộc loại lừ đừ cũng là thứ gà chết. Cuối cùng, đứng lại khi thấy đèn đỏ cũng chết, vượt đèn đỏ sai luật lại càng dễ chết hơn.
Ở Mỹ này, có khi bạn đi về rất khuya, đến chỗ đèn đỏ, dù lúc bấy giờ đường sá vắng tanh, không có một ai qua lại, bạn vẫn tự động dừng xe lại chờ. Không phải vì bạn sợ chết như chuyện con chó đợi đèn, hay bạn sợ một ông cảnh sát nào đó bỗng nhiên lù lù hiện ra, mà đó chỉ là một thói quen, một phản ứng tự nhiên. Để có một phản ứng như vậy, bạn phải có chừng năm, bảy năm sống trong một cộng đồng loài người văn minh, ở một xứ sở văn minh.
Sài Gòn có thể cần $5 triệu để chống ngập lụt, $5 triệu nữa để chống nạn kẹt xe, nhưng thật tình tôi không biết phải cần bao nhiêu tiền nữa để sửa cái “công tắc” trong đầu mỗi người dân, cái “công tắc” đó để chỉ huy người lái xe, tự động đứng lại khi gặp đèn đỏ và chỉ chạy xe khi có đèn xanh?