CÓ THỂ LÀ TỘI NHÂN, NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC LÀ KẺ HƯ HỎNG

CÓ THỂ LÀ TỘI NHÂN, NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC LÀ KẺ HƯ HỎNG

ĐGH Phanxicô

“Chúng ta hãy tha thiết nài xin Thiên Chúa để dẫu chúng ta có yếu đuối phạm tội nhưng đừng bao giờ trở thành những kẻ hư hỏng (corrotti), không cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa nữa.”  Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ sáu, ngày 29.01, tại nguyện đường thánh Marta.

Khởi đi từ bài đọc một trích sách Sa-mu-en, thuật lại chuyện vua Đa-vít và bà Bát Se-va, Đức Thánh Cha đã phân biệt giữa tội nhân và kẻ hư hỏng.  Khác với những người hay phạm tội nhưng biết ăn năn, kẻ hư hỏng không còn cảm thấy cần sự tha thứ của Thiên Chúa nữa.

“Con người có thể hay phạm tội nhưng luôn biết chạy đến với Thiên Chúa để chân thành nài xin sự tha thứ.  Chân thành nài xin chứ không bao giờ nghĩ rằng tự sức mình có thể đạt được sự tha thứ ấy.  Nhưng khi con người bắt đầu trở nên hư hỏng, không còn cảm thấy cần sự tha thứ; thì vấn nạn mới thực sự phát sinh.”

Tôi không cần Chúa

Đây là thái độ mà vua Đa-vít vướng phải khi vua say mê bà Bát Se-va, vợ ông U-ri-gia, một sỹ quan quân đội đang chiến đấu trên tiền tuyến.  Sau khi vua Đa-vít ăn nằm với bà Bát Se-va và biết rằng bà đã có thai, vua đã nghĩ ra những mưu kế để che dấu hành vi ngoại tình của mình.  Vua truyền cho ông U-ri-gia từ chiến trận quay về nhà để nghỉ ngơi và có thời gian gần gũi với vợ.  Nhưng ông U-ri-gia lại nghĩ rằng không nên về với vợ mà nằm ở cửa đền vua với tất cả các bề tôi của chúa thượng ông.  Kế hoạch không thành, Vua Đa-vít chuốc rượu cho ông U-ri-gia đến say khướt, nhưng âm mưu vẫn thất bại.

Như thế, vua Đa-vít đã rơi vào một tình huống khó khăn.  Nhưng chắc chắn rằng, vua vẫn có thể tự nói với mình: “Ta sẽ giải quyết được việc này.”  Vua đã viết thứ cho ông Giô-áp và gửi ông U-ri-gia mang đi.  Trong thư, vua viết rằng: “Hãy đặt U-ri-gia ở hàng đầu, chỗ mặt trận nặng nhất, rồi rút lui bỏ nó lại, để nó bị trúng thương mà chết.”  Vua Đa-vít nhất định khiến ông U-ri-gia phải chết.  Người lính can trường và trung thành này – trung thành với lề luật, với dân tộc, tổ quốc – đã phải mang lấy án tử bởi chính vị vua mà ông hết mực trung thành.

Tính “an toàn” của sự hư hỏng

Vua Đa-vít là thánh nhân nhưng cũng là tội đồ.  Vua đã sa ngã vì sự thèm muốn và khao khát nhục dục, nhưng Thiên Chúa vẫn rất yếu mến vua.  Vua Đa-vít cảm thấy an tâm, vì quốc gia đang hưng thịnh. Sau khi ngoại tình, với quyền lực của mình, vua đã làm mọi cách để đẩy người tôi trung đến cái chết, khi bỏ nó lại chiến trường nơi mặt trận nặng nhất.  Và cái chết vì gươm đao là chuyện vô cùng bình thường của nhà binh.

Sự kiện này xảy ra trong cuộc đời của vua Đa-vít khiến chúng ta cũng phải xem xét lại đời sống của mình: Liệu tôi có đang chuyển từ tội nhân đến một kẻ hư hỏng không?  Vua Đa-vít đã bước một chân lên nấc thang đầu tiên dẫn đến sự hư hỏng rồi.  Vua có quyền lực.  Vua có sức mạnh.  Và chính vì lý do đó, sự hư hỏng rất dễ xảy ra với chúng ta là những người có quyền lực, cho dù đó là uy quyền trong Giáo hội, tôn giáo hay trong kinh tế, chính trị…  Bởi vì, ma quỷ sẽ khiến chúng ta an tâm và tự nhủ: “Tôi có thể làm được.  Tôi sẽ giải quyết được mọi sự.”

Tội nhân, có thể chấp nhận; nhưng kẻ hư hỏng thì không

Sự hư hỏng – nhờ ân sủng Chúa, vua Đa-vít đã được giải thoát khỏi tình trạng này – đã làm thương tổn tâm hồn chàng thiếu niên anh dũng, người đã đối diện với tên Gô-li át khổng lồ và hạ hắn bằng một dây phóng đá cùng năm hòn đá cuội nhặt dưới suối.  Bởi vậy, hôm nay, tôi muốn nhấn mạnh với anh chị em một điều thôi:  Đôi khi chúng ta phạm tội hay đời sống của chúng ta quá an toàn, chắc chắn, chúng ta cảm thấy ổn vì có nhiều quyền lực; chính lúc đó sự hư hỏng sẽ bắt đầu.  Một trong những điều tồi tệ nhất mà sự hư hỏng gây ra là khiến người ta không còn cảm thấy cần sự tha thứ của Thiên Chúa nữa.

Bởi vậy, chúng ta hãy tha thiết cầu nguyện cho Giáo hội, cho Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, linh mục, các nam nữ tu sĩ và tất cả mọi tín hữu: “Lạy Chúa, xin cứu chúng con.  Xin cứu vớt chúng con khỏi sự hư hỏng.  Chúng con là tội nhân, nhưng lạy Chúa, xin đừng để chúng con trở thành những kẻ hư hỏng, không cần đến sự tha thứ của Chúa nữa.” Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa ân sủng này.”

ĐGH Phanxicô

Chuyển ngữ:  Vũ Đức Anh Phương, SJ

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay