CÓ PHẢI LÀ BI QUAN KHI NÓI ĐẾN CÁI CHẾT LÚC TUỔI GIÀ?

CÓ PHẢI LÀ BI QUAN KHI NÓI ĐẾN CÁI CHẾT LÚC TUỔI GIÀ?

Một vài bạn FB có ý kiến cho rằng ai rồi cũng chết. Khi nào chết sẽ hay. Đâu cần chi phải bận lòng?

Thật tình, tôi không nghĩ thế. Vẫn biết ai rồi cũng chết, nhưng chết như thế nào ? Một chuyến đi chơi vài ngày cũng cần chuẩn bị chu đáo, hà huống gì một việc quan trọng của đời người như “cái chết” lại không cần chuẩn bị ? Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ. Lúc còn khỏe mạnh, mình tưởng như mọi việc sẽ xãy ra êm thắm, ngay cả cái chết, tắt thở là hết! Đơn giản vậy sao ? Tôi đã biết nhiều người lăn lộn, khổ sở trong thời gian cuối cùng của cuộc đời. Lúc cơ thể suy tàn, ngoài sự đau nhức, còn biết bao sự hành hạ về thể xác lẫn tinh thần…

Ỉa, đái trong quần lúc nào không biết. Ho, hen, khạc nhổ suốt ngày. Tất cả đều phải nhờ vào sự giúp đỡ, chăm sóc của người khác. Tính khí mỗi ngày càng khó khăn, bực dọc, cáu kỉnh, than phiền, trách móc. Ai dám chắc rằng mình sẽ không như thế? Ai mà chịu nổi? Ngay cả những người được thuê để chăm sóc người già nhiều khi cũng phải bỏ việc vì không chịu nổi cái khó tính của người già sắp chết, dù họ rất cần một việc làm để nuôi thân và gia đình. – Đó là một thực tế.

– – – Vậy thì mình phải tính cách nào để đối phó với thực tế đó?

Nếu là người có niềm tin tôn giáo, thì ngay từ lâu trước khi già yếu, đã phải thành tâm học đạo, chấp nhận sự quan phòng hay thử thách của Ơn Trên, chấp nhận Nghiệp báo, Nhân Quả, chẳng riêng của đời này hay của nhiều đời trước. Niềm tin vững chắc này sẽ giúp người tin đạo quyết tâm chịu đựng những khó khăn khi nó xãy đến. Tất nhiên Quả Lành cũng đến với những người được ra đi một cách nhanh chóng, nhẹ nhàng. Từ niềm tin tôn giáo này, mình sẽ phải cố gắng thay đổi cách sống, làm điều thiện, tránh điều ác.

Bên cạnh đó, tài chánh cũng là một phương tiện cần thiết, giúp ích cho mình rất nhiều trong những lúc phải cần đến dịch vụ chăm sóc. Tiền nào, của đó. Thực tế bạn ơi! Ở đâu cũng thế. Trong lúc đang làm việc, mỗi tháng, hay mỗi kỳ lương, chịu khó để riêng một chút tiết kiệm cho quỹ tuổi già. Đừng mong đợi gì vào con cháu, vì chúng nó cũng phải lo cho bản thân và gia đình chúng nó, luôn cả tuổi già của chúng nó sau này!

Tất cả những chuẩn bị này thường nên chia sẻ với con cháu, mình muốn gì khi sắp nhắm mắt lìa đời, để tất cả người thân trong gia đình cùng hiểu, và sẽ không ai tranh cãi điều gì khi chuyện đó xãy ra. Một ông bạn già của tôi quyết định rút ống thở cho bà Mẹ già trên 100 tuổi để bà khỏi phải cứ nằm đó mà không còn biết gì, vì bộ não đã chết. Người em út nhào tới cào, xé , la hét, bảo anh “giết Mẹ”.

Việc tang lễ cũng thế. Việc này không phải chỉ làm hoàn toàn theo ý kiến của mình, mà đôi lúc cũng phải nghĩ tới tâm trạng của thân nhân, con cháu nữa. Nếu mình bảo: “tao chết thì cứ đem thiêu, rồi rãi tro xuống sông, xuống biển là xong, đừng lễ lạc gì hết! “ . Con cháu mình có đứa nào đành lòng như thế ? Chúng cũng muốn đội khăn tang cho Bố Mẹ, cũng muốn đọc kinh cầu siêu, cầu hồn ,quỳ lạy tiễn đưa trong niềm thương nhớ, để nước mắt giúp xoa dịu niềm đau chia lìa, âm dương từ nay cách trở. Chỉ mong chúng hãy làm trong giản dị, trong phạm vi gia đình, hay bạn bè thân thuộc, không nên đình đám, phô trương, tiêu phí một cách vô ích, có thể trở thành gánh nặng cho con cháu sau này. Và nếu có thể, mình chuẩn bị trước một “quỹ tang chế” cho chính mình, thì sẽ nhẹ cho con cháu lắm.

Có thể bạn có cách chọn lựa khác. Mình chỉ nói lên ý nghĩ của mình, để, không những con chau biết, mà cũng để thân nhân, bè bạn xa gần cũng biết,- đây là ý nguyện của mình. Có gì thiếu sót trong tang lễ của mình thì xin thứ lỗi, vì đó là lỗi của mình, tại mình muốn thế, không phải của người ở lại.

Tuổi 80+ rồi. Trải qua bao gian khổ của tuổi thơ, trong thời chiến tranh ly loạn, tản cư, chạy giặc, đi lính, đi tù, vượt biên, tị nạn, làm lại cuộc đời …

Rồi, về hưu tại xứ sở tự do này đã non 20 năm, trong an bình, no ấm.

Mỗi ngày thức dậy, cảm tạ Ơn Trên, còn có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, thuốc uống khi đau yếu, còn lo lắng được cho chính mình, còn có bạn bè thương mến, hàng xóm tử tế, còn có vườn rau nho nhỏ để mỗi ngày ra vào chăm sóc , và đám con, cháu tốt lành, hiếu để … Lòng Tri Ân vô hạn !

Nhưng biết còn được bao lâu, và khi nào bác sĩ sẽ lắc đầu bảo rằng : “ NO MORE QUALITY OF LIFE” ?

Mình không bi quan đâu bạn. Người ta bỏ cả đời người để lo lắng, chuẩn bị cho những cái KHÔNG HỀ CHẮC CHẮN: của cải, tài sản, danh vọng, tiền bạc, sức khỏe, kể cả thân xác này.

Nhưng cái CHẾT là chắc chắn. Mình chỉ cố gắng một chút để chuẩn bị cho cái chắc chắn đó thôi, vì chắc chắn nó sẽ xãy đến với mình trong một ngày không xa.

Xin chúc bình an đến mọi nhà.

Norris Le LPN

Houston, TX 2 tháng Tư, 2022.

=== Đình kèm bài của một bác sĩ về giai đoạn cuối đời = = = =

TẠI SAO MỘT SỐ BÁC SĨ TỪ CHỐI ĐIỀU TRỊ CỨU SỐNG BẢN THÂN

(Nguồn: luomtrennet. )

Câu hỏi:

Tại sao một số bác sĩ từ chối phương pháp điều trị cứu sống cho bản thân, chẳng hạn như hóa trị, lọc máu, thông khí, phẫu thuật hoặc đặt ống ăn?

Trả lời bởi Maureen Boehm, cựu bác sĩ nội khoa:

” Tôi không thể nói thay cho tất cả các bác sĩ, nhưng tôi nghĩ rằng họ (các bác sĩ ) thường từ chối khi mục đích duy nhất của những phương pháp điều trị đó là kéo dài cuộc sống, chứ không phải chữa khỏi. Rõ ràng là khi một người gần chết, cuộc sống của họ là khủng khiếp , họ kiệt sức, ốm yếu , cơ thể của họ, đã từ lâu, không còn mang lại cho họ niềm vui nữa tuy nhiên, gia đình bệnh nhân thường yêu cầu chúng tôi làm mọi thứ.

Không muốn làm gia đình thất vọng, bệnh viện cho phép điều trị. Bác sĩ biết rằng sẽ không cứu được bệnh nhân mà còn khiến họ đau đớn và dẫn đến một loạt những phản ứng phụ khó chịu và mệt mỏi khác. Điều này, về cơ bản là điều trị để chết.

Là bác sĩ, chúng tôi thấy việc này xảy ra hàng ngày , nó cực kỳ vô nhân đạo. Bản thân tôi sẽ không cho phép bệnh nhân hóa trị hoặc lọc máu hoặc đặt máy thở, nếu không có hy vọng phục hồi.

Gia đình tôi biết điều này, tôi để lại di chúc thể hiện mong muốn của tôi nếu việc điều trị là vô ích.

Hãy để tôi kể chuyện này:

Tôi đã có một đồng nghiệp, anh ta là một chàng trai khá trẻ, ở độ tuổi 40, có con đang đi học. Anh được chẩn đoán mắc GBM, dạng u não nguy hiểm nhất và còn khoảng 4 tháng nếu không điều trị hoặc có thể lâu hơn một chút.

Khi được hỏi anh đang cân nhắc điều trị gì, anh suy nghĩ một lúc, rồi thì thầm : ” Đi biển ” .

Anh đưa gia đình đi du lịch châu Âu, anh chơi với con, trên bãi biển. Họ đi du lịch qua những nơi vui vẻ và thú vị. Anh ấy đã có những bữa ăn tuyệt vời, ấm áp cùng vợ con trong những quán cà phê nhỏ. Họ đã thử nhiều loại rượu vang hảo hạng và rất nhiều món ăn ngon. Họ giữ lại rất nhiều niềm vui và những kỷ niệm đẹp trong trái tim suốt chuyến đi đó. Khi bệnh tình trở nên nặng hơn, anh trở về Mỹ và vào bệnh viện , và anh ta chết ở nhà, được bao quanh bởi gia đình, vài tuần sau đó.

Tôi nghĩ anh ấy là người đàn ông rất khôn ngoan.

Anh ta đã thấy, giống như tôi, tất cả những người được trị liệu sẽ kéo dài cuộc sống của họ, chỉ trong một thời gian ngắn nhưng sẽ tàn phá gia đình của họ cả về mặt cảm xúc và tài chính. Những tháng cuối cùng của họ trên trái đất này được dành để phục hồi sau khi điều trị hoặc vượt qua cuộc phẫu thuật. Họ đã bỏ lỡ cơ hội của mình cho một sự ra đi yên bình, đáng yêu với những người thân yêu của họ, thay vào đó họ chờ vòng hóa trị tiếp theo, hoặc phẫu thuật hoặc lọc máu, v.v.

Tôi sẽ không bao giờ, cho phép điều đó xãy ra cho bản thân mình.

Khi thời gian của tôi kết thúc, tôi sẽ đi.

Với tất cả sự bình yên. /.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay