Nguyễn Gia Việt
Khi nữ sĩ Marguerite Duras (1914 – 1996) viết “L’Amant” (Người tình) kể về mối tình sâu nặng trong đời bà ở Nam Kỳ hồi 1929 với một chàng trai người Sa Đéc gốc Hoa, Huỳnh Thủy Lê, trước tiên là bà yêu ông nhiều lắm, sau nữa là bà có một tình yêu Nam Kỳ sâu đậm lắm.
Nếu người ta xa lạ, hững hờ, vô tâm thì không có tình yêu lớn đến dường đó. Nếu nữ văn sĩ người Pháp này không sanh ra ở Miền Nam và đã lớn lên ở đó với miếng đất, miếng gió, miếng nước của xứ này thì hẳn là bà đã không trót vương tình đến như vậy.
Chuyện bắt đầu năm 1929 trên chuyến bắc qua sông mù mịt khói Mỹ Thuận qua dòng sông Cửu Long, cô gái trẻ người Pháp bình dân phải đi xe đò từ Sa Đéc về Sài Gòn đang tựa người vào lan can nhìn mây trời bâng quơ, xe đò năm đó chở cả người lẫn gà vịt và hàng bông, tiếng người ta í ới…
Bà kể:
“Thế đấy, tôi mười lăm tuổi rưỡi.Trên chuyến bắc qua sông Cửu Long. Cái hình ảnh kéo dài suốt chuyến qua sông.
Tôi xuống khỏi xe đò. Tôi bước đến mạn bắc. Tôi nhìn dòng sông.
Đôi khi mẹ tôi nói rằng, suốt đời, sẽ chẳng bao giờ tôi được thấy lại những dòng sông đẹp như vậy, lớn như vậy, hoang dã như vậy đâu, như sông Cửu Long và những nhánh của nó xuôi ra biển, những vùng nước sắp sửa biến mất trong các vực thẳm của dương ấy. Trong mênh mang hút mắt, những dòng sông ấy chảy xiết, nước đổ như thể mặt đất nghiêng”
Người ta phải có lòng với mảnh đất nào đó thì người ta mới nhớ, mới hoài niệm nó dai dẳng.
“Này dòng sông phơi nắng
kìa đồng ruộng lúa chín vàng giờ này đã xa rồi
và ngàn đời nhớ Việt Nam”
Ngày đó một tiếng sét ái tình đã nổ ra giữa bà, một cô bé mười lăm tuổi rưỡi và một công tử Nam Kỳ gốc Hoa nhà giàu nhứt nhì Sa Đéc trên chuyến bắc qua sông Mỹ Thuận.
Thiệt là đẹp
Ta có thể gọi đó là run rủi duyên nợ theo kiểu Á Đông.Tất cả những cuộc gặp gỡ trong đời đều là nhân duyên,duyên mang người ta đến bên nhau, nợ khiến ta vì nhau mà quyến luyến.
Duyên nợ là thứ có thể mang hai con người hoàn toàn xa lạ, tưởng như không có một chút tương đồng nào đến với nhau.
Nhưng yêu nhau là vậy, thương nhau là vậy, nước mắt có thể trào ra khi nghĩ tới nhau, cả lòng dạ này có thể tràn trề tình yêu vì nhau, nhưng rốt cuộc lại không thể cùng nhau đi tiếp,không thể ở bên nhau đời đời kiếp kiếp ta gọi là chưa đủ duyên
Suốt đời chưa bao giờ bà Marguerite Duras nói tên người đàn ông đó là ai, chỉ khi từ truyện lên phim người ta mới biết đó là ông Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc.
Cuốn L’Amant ( Người tình) in năm 1984 thì bà làm một cuốn nữa năm 1991 khi ông đã qua đời là cuốn” L’Amant de la Chine du Nord (Người tình Hoa Bắc)
Người tình đó là Huỳnh Thủy Lê (1894 – 1990), con trai út đại điền chủ Huỳnh Cẩm Thuận ở Sa Đéc.
Phải nói nhờ “Người tình”đã làm người ta yêu sông nước Cửu Long hơn,nhớ về xứ Sa Đéc và một mối tình huyền thoại nhiều hơn.
Trong phim có nhiểu cảnh làm tình dán nhãn 18+ nhưng hay, chân thực và nhiều cảm xúc. Đó là cảm xúc của tình yêu, của tiếng sét ái tình và sự đồng điệu khi cùng chung một phía.
Trong đời ai chẳng có vài người tình nhớ mãi, nhớ hoài, ray rứt, da diết và thổn thức khi nhớ tới.
Người tình không phải là bạn tình, chẳng phải người yêu, song cái sự hiểu nhau, đồng cảm và thương nhau thiệt đậm sâu, để lại đời nhau những khoảnh khắc đẹp như giấc mơ.
Người là ai mà người ghé vào đời ta rồi người cũng rời ra xa trong một ngày buồn thê thảm.
Adieu tristesse – Bonjour tristesse
Tu es inscrite dans les lignes du plafond
Tu es inscrite dans les yeux que j’aime
Tu n’es pas tout à fait la misère
(Buồn ơi, xin vẫy tay chào
Buồn hằn lên những vết đau trên trần
Buồn in trong mắt tình nhân
Buồn thôi chưa hẳn là lần khổ đau)
Chúng ta không có cái gì ràng buộc, không có một lời hứa, chẳng có gì làm tin, chúng ta chỉ có những xúc cảm của một con người.
Tình yêu như ẩm thực vậy đó, phải ăn hết món, nếm từng muỗng mới biết độ mặn, ngọt, chua, chát, cay, đắng của nó.
Nhưng con người sống có lý trí, cái gì cũng vừa vừa ở mức cân bằng thôi.
Người ta hay nói rằng ,bắt đầu từ câu “Tôi sanh ra ở” và “Tôi lớn lên tại…”
Phàm trong đời ai cũng có vài chữ lận lưng để chí ít biết ký cái tên khi làm tờ, để biết đọc và đánh vần những chữ như “quê hương”,” xứ sở”,”quê mẹ”
Suy cho cùng ai cũng yêu quê nhà mình bằng cách này hay cách khác, đó không phải là điều cần tranh nhau
“Còn niềm tin trong lòng vẫn nở hoa
Còn dìu nhau trong cơn mưa gió
Dìu nhau trong cơn giông bão
Dìu nhau dắt nhau vào đời…”
Quê hương là gì?
Đó là một miếng đất nhỏ của ông bà để lại, tổ tiên đã mất bao công sức mới có, nơi đó có cái bàn thờ mạng nhện qua tháng ngày, có vài cái mả rêu phong sứt mẻ, có cha có mẹ, có anh có em ta đang sanh sống.
Cái tình quê hương nó ngộ lắm, đó là hình ảnh mà đứa trẻ đã quen khi lớn lên, cái lu chứa nước mưa có những con lăng quăng, cái mái nhà thấp chủm, mùi khói đốt đồng, mùi hành kho cá,mùi tiêu, mùi tỏi.
Quê hương là nơi có những người yêu thương của ta đang sống, có một người đàn bà chờ cửa ta hàng đêm, chờ đơi ta bên mâm cơm chiều.
Quê hương là nơi có một mối tình sâu đậm của mình
Nữ sĩ Marguerite Duras có một quê hương trong tâm hồn bà, nơi đó có một mối tình không thành của đời bà, nơi đó có một người đàn ông mà bà từng yêu, từng nằm dựa đầu vào cánh tay của người đó để nói những lời thủ thỉ mơn trớn vuốt ve.
Đó là Sa Đéc, Mỹ Thuận, Chợ Lớn, Sài Gòn và rộng hơn hết là cả một miền sông nước dạt dào tình thương huyền thoại.
“Người tình” là một bài học lớn nhứt về tình thương Nam Kỳ Lục Tỉnh được viết ra từ một nữ sĩ người Pháp.
Nguyễn Gia Việt