Guồng máy tuyên truyền của Hà Nội ngày 2 Tháng Mười đồng loạt đăng tải lại bản tin TTXVN phản đối Trung Quốc “hành xử thô bạo” với ngư dân Việt Nam.
Trong đó, bà phát ngôn viên Bộ Ngoại giao CSVN Phạm Thu Hằng gay gắt lên án “lực lượng thực thi pháp luật” của Trung Quốc đã tấn công một tàu cá thuộc tỉnh Quảng Ngãi hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền “không thể tranh cãi”.
Ngày 29 Tháng Chín 2024, một tàu đánh cá của tỉnh Quảng Ngãi hành nghề câu mực ở vùng biển Hoàng Sa đã bị 2 tàu tuần Trung Quốc cho một lính trên mấy xuồng ca nô chạy tới tấn công. Hải sản, trang bị đi biển bị họ lấy mấy, 10 ngư dân gồm cả thuyền trưởng bị đánh thương tích đầy người. Bà Hằng không nói kẻ tấn công là ai nhưng ông Đặng Sơn Duân, người theo dõi diễn biến tranh chấp chủ quyền Biển Đông, viết trên X (Twitter) là hai tàu Sansha Zhifa 101 và 301 (Tam Sa chấp pháp) là thủ phạm.
Việt Nam đã phản đối Trung Quốc rất nhiều lần trong những năm qua mỗi khi các tàu đánh cá, câu mực hay lặn biển của ngư dân Việt kiếm ăn ở khu vực biển Hoàng Sa bị lực lượng Trung Quốc tấn công. Một số tàu đã bị đâm chìm và cũng từng có người thiệt mạng trong những vụ này. Dù vậy, lời lẽ cũng còn chừng mực.
“Việt Nam phản đối mọi hành vi sử dụng vũ lực đối với các tàu cá của Việt Nam hoạt động bình thường trên biển, đe dọa đến tính mạng và an toàn cũng như gây thiệt hại về tài sản và lợi ích của ngư dân, trái với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982”, phát ngôn Bộ Ngoại giao CSVN Phạm Thu Hằng được thuật lời trong cuộc họp báo ngày 31 Tháng Tám 2023. Bà phản ứng về vụ một tàu cá Việt Nam bị lực lượng Trung Quốc truy đuổi, tấn công ở khu vực đảo Xà Cừ gần đảo Phú Lâm, quần đào Hoàng Sa ngày 28 Tháng Tám 2023.
Nhưng một năm sau, ngày 2 Tháng Mười 2024, người ta thấy bà Phạm Thu Hằng phản ứng gay gắt hơn nhiều, gián tiếp phản ảnh sự phẫn nộ của chế độ Hà Nội với hành vi cậy mạnh hiếp yếu của Bắc Kinh: “Việt Nam hết sức quan ngại, bất bình và kiên quyết phản đối cách hành xử thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đối với ngư dân và tàu cá Việt Nam đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”.
Trong cuộc họp báo ngày 2 Tháng Mười kể trên, báo chí tại Việt Nam còn thuật lời bà Hằng cho biết “Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp nghiêm khắc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, mạnh mẽ phản đối hành động nói trên của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, khẩn trương điều tra và thông báo kết quả cho phía Việt Nam, không tái diễn các hành động tương tự.”
Cũng trong ngày 2 Tháng Mười, Hội Thủy Sản Việt Nam, thấy gửi một công văn cho Bộ Ngoại giao Hà Nội thúc giục nhà nước “Tăng cường các biện pháp hỗ trợ ngư dân, thường xuyên có lực lượng chấp pháp hỗ trợ cho ngư dân, bảo vệ an toàn cho ngư dân Việt Nam, để ngư dân yên tâm bám biển sản xuất trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam…” Nhưng không mấy ai tin điều này sẽ được thi hành vì nhiều lý do.
Tuy nhiên, trong bức công văn vừa kể, Hội Thủy Sản thấy tiết lộ “Trong thời gian gần đây, lực lượng chức năng Trung Quốc liên tục nhiều lần xua đuổi, ngăn cản, cướp phá tài sản, trang thiết bị, ngư cụ và sản phẩm hải sản đánh bắt của ngư dân Quảng Ngãi khi đang đánh bắt trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây nhiều thiệt hại về kinh tế và đe dọa tính mạng của ngư dân ta.”
Công văn liệt kê các vụ việc ngư dân bị cướp, bị đánh đập gãy tay, gãy chân vào các ngày 19 Tháng Tám và 29 Tháng Chín 2024. Vụ mới xảy ra ngày 29 Tháng Chín thì báo chí được đưa tin nhưng lại không nói bị tàu tuần Trung Quốc tấn công. Vụ xảy ra ngày 19 Tháng Tám thì bị dấu nhẹm, nay mới thấy Hội Thủy Sản kể ra.
Đáng nói hơn nữa, vụ tấn công ngư dân Việt Nam ngày 19 Tháng Tám xảy ra khi ông Tổng bí thư Chủ tịch nước CSVN Tô Lâm đang cùng một phái đoàn cao cấp thăm Trung Quốc, hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Báo chí tuyên truyền thuật lời ông Tô Lâm nói với ông Tập Cận Bình là “Việt Nam luôn luôn coi trọng và ưu tiên quan hệ với Trung Quốc”.
Tường thuật cuộc hội đàm Tập Cận Bình – Tô Lâm ngày vừa kể trên, guồng máy tuyên truyền CSVN có đoạn viết là “Về vấn đề trên biển, hai bên đã trao đổi chân thành, thẳng thắn, nhất trí thực hiện tốt các nhận thức chung cấp cao đã đạt được, nỗ lực kiểm soát và giải quyết tốt hơn các bất đồng.”
Tiếp lãnh tụ CSVN ở Bắc Kinh thì Tập Cận Bình đưa ra những lời ngon ngọt “có cánh”, nhưng ngay trong ngày này lại vẫn cho sai nha giữ đảo ở Hoàng Sa đánh dằn mặt ngư dân Việt. Có vẻ Hà Nội thấy Bắc Kinh “vuốt mặt không nể mũi” nên mới cho phát ngôn viên Bộ Ngoại giao lên giọng to hơn bình thường?
Hoặc Bắc Kinh cho lính đánh ngư dân Việt để gián tiếp cho Hà Nội biết họ không vui vẻ gì khi thấy ông Tô Lâm tới New York họp kín với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 25 Tháng Chín vừa qua?
Lời Bình của Kẻ Đi Tìm
- Tô Lâm đã phản ứng mạnh giống như thời Chủ tịch Trương tấn Sang và Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng trước đây.
- Họ đều ý thức Chủ quyền đất nước là chính yếu và tình hữu nghị Cộng Sản là viển vông, như trong bài trả lời phỏng vấn của ông Dũng gởi các báo trong chuyến thăm Philippine, tháng 5-2014.
“Không đánh đổi chủ quyền bằng hữu nghị viển vông”
- Hơn thế nữa tuyến đường sắt Bắc Nam, ông Lâm và Bộ Chính Trị CS VN không chịu lệ thuộc vào thầu và vốn vay nợ Trung Cộng, một bản lãnh “lạ” đối phó với nước “Lạ”
- Ộng Tô Lâm đã được các nhà phê bình quốc tế cho điểm 9 trong chuyến thăm Mỹ Đế vừa qua, nay lại tiếp tục ghi thêm tỷ số cho Việt Nam.
- Trung Cộng sẽ còn quậy nát nước, hy vọng ông Lâm vững tay chèo con thuyền bé nhỏ của Việt Nam đến bến bờ dân chủ tự do và để lưu lại tên tuổi cho con cháu đời sau.