CHỨNG TỪ CỦA THẦY PHÊRÔ HỒ VĂN QUÂN, DCCT (Tu Hiệu Lêônard)

CHỨNG TỪ CỦA THẦY PHÊRÔ HỒ VĂN QUÂN, DCCT (Tu Hiệu Lêônard)

#GNsP – Tôi là Phêrô Hồ Văn Quân, sanh ngày 24-09-1937 tại ấp Long-An, Xã Long-Phú, Quận Long-Mỹ, Tỉnh Rạch Giá. Tôi lớn lên thời chiến tranh đầy lo âu sợ hãi. Hồi nhỏ tôi được đi học trường Họ Trà Lòng do các Nữ Tu Dòng Chúa Quan Phòng dạy. Tới năm 1951, vì muốn đi Chủng Viện, nên tôi phải trốn tránh rời khỏi quê và theo Cậu là Thầy Jean Dòng Thánh Gia Banam đi học nơi cậu dạy là Kon-Pong-Cham. Cũng tại đây tôi được chịu phép Thêm Sức ngày 22-04-1951 do ĐC Joseph Chapalier, GM Nam Vang. Từ năm 1952-1956, tôi về Banam học chuẩn bị vào Đệ Tử Dòng Thánh Gia. Nhưng bị đau bệnh quá nên phải trở về Việt-Nam. Khỏi bệnh, tôi muốn vào dòng khổ tu, nhưng nội tôi không cho vì thấy tôi yếu quá.

Sau đó tôi xin vào DCCT tại Sài-gòn. Khi vào DCCT, tôi lại rất khỏe, lao động tốt. Đến ngày 17-03-1958 tôi được đi Đàlạt vào Nhà Tập. Cha Giáo Tập là Cha Camille Dubé, Cha Phó là Cha Andrê Nguyễn Quang Kiêm. Trong năm Nhà Tập, nhiều lần chúng tôi được đi dạo vùng Blao và Phi-Yang. Có lần Cha Giáo Tập hỏi ai muốn đi Phi-Yang. Tôi dơ tay xung phong vì tôi thấy người Thượng thật đáng thương, tuy các Thầy Già nói ở đó rất nguy hiểm. Tôi khấn dòng ngày 19-03-1959 thì ngày 21-03-1959 tôi được phân công đi Phi-Yang. Tôi tới Phi-Yang ngày 22-03-1959 ở với Cha Antoine Lapointe và Thầy Nicôla Đền. Thầy Nicôla Đền lo tổng quát, còn tôi đi phá rừng với anh em dân tộc để học tiếng. Khi Cha Benoit thay thế Cha Lapointe đi nghỉ ở Canada, tôi xin ngài cho tôi tiếp tục học tiếng, thì ngài nói bắt buộc phải học tiếng. Sau đó tôi được phân công về trung-tâm vừa dạy tiếng Việt cho các em dân-tộc vừa làm giám thị.

Vào năm 1962, chiến trận lây lan, công việc mệt nhọc là di dân về chỗ an toàn. Tập trung về một điểm như ở Dà-Mpao thì lạixảy ra bệnh tật như ỉa chảy vàsởi nơi trẻ em. Người thượng lại không biết kiêng cữ. Cho nên tôi vừa phải đưa các em đi nhà thương vừa phải đưa các em đi chôn. Có ngày tôi phải chôn tới 10 em. Rất khổ tâm. Tôi chịu không nổi muốn xin nghỉ một chút, nhưng các cha nói: Thầy nghỉ, ai lo?

Chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, chúng tôi càng ngày càng lao đao với dân. Một địa điểm tập trung lớn là Srê-Dờng (bao gồm dân Bơtong, Kềng-Dà, Ryông-Tô, Phi-Sur) trở thành bãi chiến trường và bị xóa sổ (1968). Cha Tài, từ 1960 ở Phi-Yang rồi Koya, Liên-Khương, Srê-Dờng, kiêm Dà-Mrac, Nreng, Kon-Pang, Kon-Phang, Atô, đến sau Phục-Sinh 1969, ngài rủ tôi đi tìm một chỗ mới cho đàn em sau này. Tôi đồng ý ngay. Những gì tiếp diễn sau đó, phần lớn anh em đã biết, tôi không kể lại chi tiết ở đây. Tôi chỉ có thể nói là tôi tin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng tôi từng bước và Pleikly là Đất Hứa, vì Chúa đã “làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay dám nghĩ tới.” (Ep 3,20)

Tới Pleikly ngày 10-10-1969, chúng tôi cùng ở trong căn phòng dành cho dê vì không có chỗ ở trong nhà nào cả. Chúng tôi cùng đi làm và đi học tiếng với dân. Đến Giáng Sinh năm đó chúng tôi dọn qua một căn nhà sàn cất tạm xong trong Pleikly. Tôi và anh Tín thường cùng đi làm ruộng làm rẫy với dân. Năm 1970, Cha Tài mua một máy cày tay hiệu Kubota cho hai anh em tôi làm nông, mục đích thử nghiệm xem có thể sử dụng cho anh em Jarai không. Chúng tôi cày thử trên đất rẫy đến đầu năm 1971 thì thử nghiệm trên đất ruộng. Chúng tôi thấy cần phải cải tiến nhiều mới sử dụng được cái máy cày tay đó. Nhưng chưa kịp cải tiến thì xảy ra chiến sự tháng 3 năm 1971. Tôi chạy thoát còn Thầy Đàn, Mầu, Tín bị bắt đem vào rừng. Bề Trên cho tôi ở nhà Huế. Năm 1972 gặp “mùa hè đỏ lửa” lại chạy về Đà-Nẵng, rồi chạy vào Sài-Gòn và về Vĩnh Long giúp Đệ Tử.

Đến năm 1973, tôi trở lại với anh em ở Pleikly. Thời này theo sự hướng dẫn của Cha Phán, tôi cùng với anh em lập ra những tổ sản xuất. Riêng tôi phụ trách tổ các Bà Góa làm lò than. Khi lập các tổ sản xuất Jarai thì gặp sự tranh chấp đất đai với người Kinh. Lò than các bà góa chúng tôi bị người Kinh phá. Chúng tôi lại còn phải đấu tranh cho quyền lợi của bà con Jarai bị cướp xén đồ viện trợ, bị dồn vào những khu vực cằn cỗi thiếu thốn, bị xâm phạm tài sản. . . Chính Quyền lúc đó cuối cùng phải nhượng bộ và chính tôi đã đưa những người bị dồn dân trở về làng cũ.

Sau năm 1975, mọi đều như bế tắc và vô cùng khó khăn. Ai cũng sống trong lo âu. Điều đó khiến sức khoẻ tinh thần và thể xác tôi sa sút. Tôi tìm về quê Sóc Trăng trị bệnh và nương tựa lúc khó khăn vì ở quê tôi quen nhiều người hơn, hy vọng sống thanh thản và dễ dàng hơn. Nhưng rồi cũng nảy sinh nhiều khó khăn khác. Cha tôi tuy quen mà vẫn phải năn nỉ ông Chủ Tịch có việc chi cho tôi làm trong khoảng thời gian 3-4 tháng. Lúc đầu Ông cho tôi vào giúp anh kinh tài ấp. Ông cho tôi đi học khóa thống kê chỉnh lý bản đồ và đi các xã của Huyện Thạnh Trị để chỉnh lý bản đồ Huyện. Lúc đó tôi thấy nhẹ thở đôi chút. Xong việc trở về Xã thì họ phân công tôi làm tài chánh Xã. Lúc đó các linh-mục đi lại còn rất khó khăn. Trong khi tôi được tự do đi lại hơn, nên tôi đến được nhiều ấp Công Giáo củng cố đức tin cho họ. Cha tôi thấy ruộng đất họ chia ra hết nên tính lên miền Đông kiếm đất cao phá rừng làm vườn để dưỡng già. Năm 1982, gia đình lên Xã Phú Lý kiếm đất. Đất đồi sỏi đá chỉ trồng chuối và mì. Đất trũng khai phá làm ruộng. Đến năm 1983, Cha tôi mua được một cái nhà ở Phú Dòng để cho mẹ tôi và cháu Thịnh ở cho nó đi học. Phần đất ở Xã Phú Lý nhằm ngay lòng hồ Trị An, nên đến năm 1985 phải di tản. Trong thời gian đó, tôi vẫn ở lại làm việc ở Xã. Cơm ăn trộn mì tối đa. Mấy lần tôi cũng đấu tranh đòi quyền lợi cho dân nhưng không thành công. Tôi xin nghỉ việc. Họ không cho. Tôi cũng có liên lạc với anh em trong Dòng ở Vĩnh Long, Cái Tàu. Đến năm 1984, tôi đào nhiệm lên Phú Lý giúp cha mẹ. Ở dó có Thầy Hội đang phục vụ. Na7m 1985, tôi bị đau gan siêu vi B phải về Sàigòn nằm bệnh viện Chợ Quán có Cha Giám Tỉnh Thao giúp đỡ. Đến năm 1987, tôi lại phải vào bệnh viện Chợ Quán vì sốt rét. Sau khi ra viện thì cha tôi qua đời, Tôi về sống với mẹ và các em, đi bán sinh tố kiếm tiền để giỗ 100 ngày cho cha tôi.

Tôi thấy Chúa thương tôi vô cùng. Qua bao nhiêu năm tháng chỉ có hai bàn tay trắng, Chúa vẫn dưỡng nuôi chúng tôi. Sau khi cha tôi qua đời, Nhà Dòng bảo tôi dẫn anh em đi Pleikly thử. Tôi lên Pleikly thấy anh chị em Jarai ồ ạt trở lại trong lúc tình hình vẫn rất khó khăn. Tôi xin anh Tín gửi cho cha Bề Trên ít chữ cho tôi được trở lại Pleikly. Để chia sẻ gánh nặng với anh Tín nên ngày 29-11-1993 tôi nhận chức Phó Tế vĩnh viễn. Tôi vừa trông coi nhà cửa vừa hướng dẫn giáo lý dự tòng và hôn nhân cho cả Kinh lẫn Thượng. Tôi cũng tham gia thanh tẩy cho người lớn và trẻ em.

Tạ ơn Chúa và Nhà Dòng vô cùng, vì tôi học hành chẳng có gì, sức khoẻ chẳng được bao nhiêu mà Chúa lại ban cho tôi các ơn rất trọng đại, nhất là ơn được anh chị em dân tộc cho tôi được tin vào Chúa Quan Phòng.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay